Có thể tự nhận biết triệu chứng thủng thực quản không?

Thực quản là ống tiêu hoá mà thức ăn đi qua trên đường từ miệng đến dạ dày. Thủng thực quản không phổ biến nhưng đây là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng. Thủng thực quản cần được chẩn đoán và điều trị cấp cứu kịp thời. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về biểu hiện của thủng thực quản, nguyên nhân và phương pháp điều trị của tình trạng này.

1. Nguyên nhân của thủng thực quản

Nguyên nhân phổ biến nhất của thủng thực quản là chấn thương thực quản trong quá trình thực hiện thủ thuật y tế, chiếm tới 56% các trường hợp. Bất kỳ dụng cụ y tế nào được sử dụng trong quy trình chẩn đoán hoặc điều trị đều có thể gây thủng thực quản, chẳng hạn như nội soi, nong thực quản hoặc đặt ống nội khí quản.

Các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn gây thủng thực quản bao gồm:

  • Nuốt dị vật, axit hoặc hóa chất: Dị vật nuốt phải có thể làm tổn thương trực tiếp thực quản do bị kẹt lại tại các điểm thu hẹp tự nhiên của thực quản (đoạn sụn nhẫn, chỗ vượt qua phế quản gốc trái hoặc cung động mạch chủ và chỗ nối tiếp với dạ dày), dẫn đến hoại tử và yếu thành. Thuốc và đồng xu là các dị vật phổ biến. Nuốt phải hóa chất có tính ăn mòn có thể dẫn đến viêm và hư hỏng trực tiếp thành thực quản.
  • Chấn thương là một nguyên nhân quan trọng gây thủng thực quản, ước tính chiếm khoảng 10% trường hợp.
  • Hội chứng Boerhaave: Thủng thực quản do nôn ói quá mạnh, hội chứng này chiếm khoảng 15% tổng số các trường hợp bị thủng thực quản. Hội chứng Boerhaave thường xảy ra thứ phát sau nôn mửa sau khi ăn nhiều và uống nhiều rượu, nhưng có thể xảy ra do bất kỳ hành động nào làm tăng đột ngột áp lực trong ổ bụng tác động lên cơ thắt thực quản trên đã đóng.
  • Thủng thực quản trong mổ: là một biến chứng được công nhận của phẫu thuật, đặc biệt là do tim hoặc chèn ép cơ, chiếm khoảng 2% trong tổng số các trường hợp thủng.
  • Viêm thực quản, ung thư thực quản, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

2. Triệu chứng thủng thực quản

Biểu hiện của thủng thực quản thường gặp nhất là nôn mửa, đau dữ dội xuất hiện ở cổ hoặc sau xương ức, ở thượng vị hoặc lưng tuỳ theo vị trí thực quản tương ứng bị tổn thương.

Các triệu chứng thủng thực quản khác, thường không đặc hiệu nhưng có thể hữu ích, bao gồm:

  • Tràn khí dưới da có thể sờ thấy ở cổ hoặc ngực trong tới 60% trường hợp thủng thực quản nhưng thường xuất hiện tối thiểu một giờ sau khi thủng.
  • Nhịp tim nhanh, thở nhanh là triệu chứng thủng thực quản thường gặp, sốt có thể không xuất hiện trong vài giờ đến vài ngày.
  • Tam chứng Mackler, bao gồm nôn mửa, đau ngực và tràn khí dưới da, mặc dù điển hình nhưng nó chỉ xuất hiện đầy đủ trong khoảng 14% trường hợp.
  • Chóng mặt, tái nhợt, mệt, có thể có nuốt khó hoặc nuốt đau.

Các triệu chứng thủng thực quản đôi khi có thể nhầm lẫn với đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, viêm màng ngoài tim, tràn khí màng phổi, viêm tuỵ cấp hoặc viêm loét dạ dày. Điều này có thể gây nên trì hoãn trong việc chẩn đoán thủng thực quản, làm cho tình trạng diễn biến nghiêm trọng.

3. Chẩn đoán thủng thực quản

Chẩn đoán bệnh nhân bị thủng thực quản dựa vào triệu chứng lâm sàng, các yếu tố nguy cơ gây nên thủng thực quản và các phương pháp cận lâm sàng. Tuy nhiên các triệu chứng thủng thực quản là không đặc hiệu và đa dạng. Vì vậy, khi lâm sàng có những yếu tố nghi ngờ bị thủng thực quản thì cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để có chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

  • Chụp Xquang ngực có thể rất hữu ích trong việc chẩn đoán thủng thực quản, với những bất thường gợi ý được báo cáo trong khoảng 90% trường hợp. Tràn khí dưới da thường xuất hiện một giờ sau chấn thương. Hình ảnh mức dịch-khí ở trung thất, tràn dịch màng phổi (thường là bên trái), liềm hơi tự do dưới cơ hoành, tràn khí màng phổi là những dấu hiệu có thể phát hiện ở giai đoạn sau.
  • Chụp Xquang thực quản cản quang nên được thực hiện ở bất kỳ bệnh nhân nào nghi ngờ bị thủng thực quản. Mặc dù có độ nhạy khiêm tốn (60-75%), thuốc cản quang tan trong nước Gastrografin (dung dịch diatrizoate meglumine và dung dịch natri diatrizoate) nên được lựa chọn nghiên cứu ban đầu. Chụp Xquang thực quản cản quang với Baric có độ nhạy cao hơn (90%) để phát hiện các lỗ thủng nhỏ. Tuy nhiên chất cản quang khi thoát ra ngoài thành thực quản có thể gây ra phản ứng viêm nghiêm trọng ở các mô làm nặng thêm tình trạng bệnh của bệnh nhân, đặc biệt là viêm trung thất.
  • Chụp CTscan: CT ngày càng được sử dụng rộng rãi, giúp phát hiện một cách hiệu quả tình trạng bệnh lý ở giai đoạn sớm, như là tình trạng khí ở mô mềm quanh thực quản, ứ dịch, áp xe nhỏ và dị vật thực quản.

4. Điều trị thủng thực quản

Điều trị thủng thực quản bao gồm hai phương pháp là bảo tồn và phẫu thuật. Lựa chọn phương pháp tùy thuộc vào nguyên nhân, vị trí và kích thước của lỗ thủng, và tình trạng lâm sàng của từng bệnh nhân.

Trường hợp lỗ thủng nhỏ có thể tự liền mà không để lại di chứng. Phương pháp bảo tồn áp dụng kháng sinh phổ rộng, nuôi dưỡng qua ống thông dạ dày hoặc mở thông dạ dày, sử dụng thuốc ức chế bơm proton. Theo dõi tình trạng bệnh trong một vài ngày, cân nhắc xem có nên phẫu thuật hay không. Thủng thực quản đoạn trung thất thường được áp dụng biện pháp điều trị bảo tồn.

Hầu hết bệnh nhân thủng thực quản được điều trị bằng phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật được lựa chọn phụ thuộc vào độ nghiêm trọng và vị trí lỗ thủng, đặc biệt thủng thực quản đoạn cổ hoặc đoạn 2/3 dưới.

Khi nguyên nhân thủng thực quản gây ra bởi dị vật, thì loại bỏ dị vật phải được thực hiện ngay lập tức.

Thủng thực quản là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Trong khi hầu hết các trường hợp nguyên nhân chủ yếu là do thủ thuật y tế gây tổn thương thực quản, một số nguyên nhân khác có thể gặp như nôn mửa nhiều, dị vật, nuốt phải hoá chất hoặc ung thư thực quản. Triệu chứng thủng thực quản có thể khó phân biệt với một số bệnh lý như đau thắt ngực, loét dạ dày tá tràng hoặc viêm màng ngoài tim. Khi bạn nhận thấy xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, đau ngực, tim đập nhanh, khó thở..., sau khi thực hiện các thủ thuật như nội soi thực quản hoặc nuốt phải dị vật, cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

218 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan