Những ai có nguy cơ mắc viêm đại tràng?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Bình - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Viêm đại tràng là quá trình viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở niêm mạc đại tràng với các mức độ khác nhau. Những người bị bệnh Crohn hoặc bệnh lao, lạm dụng thuốc, thói quen sinh hoạt không điều độ sẽ có nguy cơ cao mắc viêm đại tràng.

1. Viêm đại tràng là gì?

Đại tràng hay còn gọi là ruột già, đây là bộ phận quan trọng trong hệ thống đường ruột, có chức năng chứa các chất cặn bã của quá trình tiêu hóa thức ăn từ ruột non xuống và thải ra ngoài. Trước khi thải các chất cặn bã, đại tràng hấp thụ một phần nước từ các chất cặn bã đó.

Viêm đại tràng là quá trình viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở niêm mạc đại tràng với các mức độ khác nhau như: chảy máu, loét, xung huyết, xuất huyết, thậm chí có thể có những ổ áp-xe nhỏ.

Viêm đại tràng chia thành 2 loại, đó là viêm đại tràng cấp tính và viêm đại tràng mãn tính. Viêm đại tràng có thể biến chứng thành các bệnh lý sau:

  • Thủng đại tràng: Ổ viêm tồn tại lâu ngày sẽ khiến vết viêm ngày càng lan rộng hơn, có thể sẽ gây thủng đại tràng.
  • Giãn đại tràng: Vùng niêm mạc bị tổn thương mạn tính khiến chức năng tiêu hóa bị rối loạn, dẫn đến toàn bộ đại tràng bị giãn ra.
  • Xuất huyết tiêu hóa: Nguyên nhân là do lớp niêm mạc đại tràng bị viêm nhiễm, lớp lông nhung trong đại tràng trơ trụi sau điều trị bệnh hoặc khi người bệnh sử dụng rượu bia, cà phê, thuốc lá....
  • Ung thư đại tràng: Biến chứng nghiêm trọng này ít có dấu hiệu cụ thể. Tỷ lệ hồi phục cao nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu.
Bia rượu
Lạm dụng rượu bia làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa

2. Những ai có nguy cơ mắc viêm đại tràng?

Vậy những ai có nguy cơ mắc viêm đại tràng? Các đối tượng có một số bệnh lý, thói quen sinh hoạt sau đây có nguy cơ mắc viêm đại tràng:

  • Hay sử dụng thực phẩm mất vệ sinh: Khi ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thức ăn chưa được nấu chín hay do nguồn nước uống bị ô nhiễm thì đường ruột bị nhiễm khuẩn. Các loại vi khuẩn như E. coli, virus Rota, lỵ amip, sán... xâm nhập vào cơ thể gây viêm nhiễm, tổn thương niêm mạc đại tràng.
  • Người thường xuyên căng thẳng, stress: Nếu phải chịu áp lực công việc, lo lắng, stress kéo dài, ăn uống thất thường... bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị viêm đại tràng.
  • Người bị bệnh Crohn hoặc bệnh lao: Hai bệnh này có nguy cơ khiến người bệnh mắc viêm đại tràng cao hơn những người khác.
  • Bị táo bón kéo dài: Táo bón kéo dài gây ra tình trạng đi ngoài ra máu, bụng đau âm ỉ khiến bạn bị viêm đại tràng cấp tính.
  • Có bệnh lý về đường ruột: Thiếu máu cục bộ đại tràng, viêm ruột... có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng.
  • Lạm dụng thuốc tây: Nhất là việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài có thể tiêu diệt các vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường tiêu hóa, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn có hại phát triển mạnh gây tổn thương đại tràng.
  • Người bị nhiễm độc: Những người làm việc và sống trong môi trường bị nhiễm độc khiến họ dễ bị viêm đại tràng cấp...
Thuốc kháng sinh điều trị vi khuẩn HP
Dùng kháng sinh kéo dài có thể gây tổn thương đại tràng

3. Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng

Triệu chứng cấp tính:

  • Đau bụng: Đau âm ỉ quanh vùng đại tràng.
  • Tiêu chảy: Khi bị viêm đại tràng, hệ tiêu hóa thường bị rối loạn dẫn đến tình trạng tiêu chảy, cơ thể mất nước, thiếu chất điện giải.
  • Sốt: Một số trường hợp người bệnh bị sốt cao kèm theo buồn nôn, nôn.

Triệu chứng mãn tính:

  • Rối loạn đại, tiểu tiện: Viêm đại tràng ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa thức ăn, gây táo bón, tiêu chảy.
  • Suy nhược cơ thể: Nếu tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn, các triệu chứng khác xuất hiện như: sốt, cáu gắt, mỏi mệt, lười biếng, chán ăn, suy giảm trí nhớ gây suy nhược cơ thể.
  • Chướng bụng: Đầy hơi, chướng bụng là triệu chứng điển hình, người bệnh luôn cảm thấy tức bụng dù không ăn quá no.
  • Đau thắt đại tràng: Cơn đau dữ dội, quặn thắt ở những khu vực xung quanh ruột già.

Một khi nhận thấy những triệu chứng của bệnh viêm đại tràng kể trên, người bệnh nên thăm khám bác sĩ ngay lập tức để tránh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Khi có cảm giác buồn đi tiểu nhưng phải đứng một lúc trong nhà vệ sinh mới đi tiểu được
Viêm đại tràng mãn tính gây ra các rối loạn đại, tiểu tiện

4. Lưu ý khi bị viêm đại tràng

  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh góp phần hạn chế tình trạng viêm đại tràng. Nên ăn các loại thịt lợn nạc, thịt gà, thịt vịt; thực phẩm chứa axit béo omega-3; bơ giúp cho hệ tiêu hóa làm việc dễ dàng; thực phẩm chứa probiotics; bí xanh.
  • Tránh các thực phẩm ôi thiu, ăn sống, ăn tái; bánh kẹo ngọt gây tích nước dẫn đến tiêu chảy, đi ngoài phân sống; thịt mỡ, thịt đỏ dễ gây đầy bụng, khó tiêu, táo bón; thực phẩm chứa nhiều chất xơ gây chướng bụng, khó tiêu...; sữa và các chế phẩm từ sữa gây đau bụng, tiêu chảy đối với những người bệnh không dung nạp được lactose; không dùng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, cà phê, chất chua cay .
  • Có chế độ sinh hoạt lành mạnh như: Hạn chế căng thẳng kéo dài; tăng cường vận động thể dục thể thao; uống nhiều nước kết hợp xoa bóp nhẹ vùng thượng vị.
  • Rửa tay trước khi nấu ăn và ăn uống, tẩy giun sán 6 tháng/lần.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan