Sau mổ ruột thừa bao lâu thì làm việc nặng được?

Mổ ruột thừa là 1 phẫu thuật ngoại khoa phổ biến, được chỉ định khi ruột thừa viêm, gây đau bụng dữ dội kèm các triệu chứng tiêu hóa khác như nôn mửa, chán ăn và mệt mỏi. Khi khối ruột thừa viêm vỡ mủ có thể dẫn đến viêm phúc mạc toàn thể, nhiễm trùng huyết và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Có thể mổ hở hoặc mổ ruột thừa nội soi và tùy theo phương thức phẫu thuật mà thời gian hồi phục cũng khác nhau.

1. Vì sao cần mổ ruột thừa cấp cứu?

Ruột thừa là đoạn ruột nhỏ, nằm tại góc hồi manh tràng, nơi tiếp giáp giữa hồi tràng và đại tràng lên. Ruột thừa có chiều dài khoảng 3 – 8 cm thường nằm ở hố chậu phải. Ruột thừa do phần đầu của manh tràng thoái hóa nên thường không có chức năng gì trong hệ tiêu hóa.

Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị sưng đau, ứ dịch do tắc nghẽn trong lòng ruột thừa dẫn đến các triệu chứng đau bụng dữ dội, chán ăn, buồn nôn, phản ứng thành bụng, sốt và nhiễm trùng,.... Nguyên nhân tắc nghẽn có thể do tăng sản lympho hoặc do dị vật như sỏi, phân và thức ăn,.. Ruột thừa bị viêm nếu không được xử trí kịp thời sẽ dẫn đến vỡ một cách nhanh chóng.

Khi ruột thừa bị vỡ, các tác nhân nhiễm trùng đang khu trú tại ruột thừa sẽ lây lan khắp khoang bụng dẫn đến viêm phúc mạc toàn thể hoặc nhiễm trùng phúc mạc. Người bệnh có thể bị nhiễm trùng huyết nếu các tác nhân nhiễm trùng này lan vào máu - đây là một biến chứng hết sức nguy hiểm, trường hợp cấp cứu nội khoa, nguy cơ dẫn đến suy đa tạng và có thể gây tử vong cho người bệnh.

Vì diễn tiến của viêm ruột thừa rất nhanh, kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên chứng tỏ đã có tình trạng sưng viêm thì có thể bị vỡ nhanh trong vòng 36 giờ. Vì vậy, cấp cứu mổ ruột thừa cần được thực hiện ngay khi xác định chẩn đoán để tránh nguy hiểm tính mạng cho người bệnh.

2. Ưu điểm của mổ ruột thừa nội soi so với mổ hở

Ruột thừa viêm có thể được chỉ định mổ cắt bỏ bằng phương pháp mổ hở hoặc mổ ruột thừa nội soi.

Ngày nay, phương pháp mổ ruột thừa nội soi được chỉ định trong hầu hết các trường hợp ruột thừa viêm thông thường, nhất là ở những người lớn tuổi không đủ sức khỏe để chịu cuộc mổ hở, người có bệnh lý nội khoa như tăng huyết áp và đái tháo đường,...

Thay vì phải rạch một đường ngang dài trên bụng, phương pháp mổ nội soi chỉ rạch những đường nhỏ để đưa các dụng cụ chuyên dụng vào ổ bụng thông qua các ống troca. Những thiết bị được đưa vào sẽ giúp bác sĩ quan sát các cơ quan bên trong ổ bụng thông qua một màn hình lớn được kết nối và có thể thực hiện các thao tác để cắt bỏ ruột thừa như bình thường.

Những ưu điểm của mổ ruột thừa bằng phương pháp nội soi so với mổ hở có thể kể ra như:

  • Vết mổ nhỏ hơn, người bệnh ít đau hơn sau khi mổ;
  • Thời gian nằm viện ngắn hơn;
  • Chăm sóc sau mổ đơn giản hơn;
  • Chức năng đường tiêu hóa được phục hồi nhanh hơn;
  • Có tính thẩm mỹ cao hơn;
  • Người bệnh trở lại sinh hoạt bình thường sớm hơn.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp chỉ định mở bụng cắt ruột thừa là bắt buộc khi ruột thừa đã vỡ mủ và lan ra khắp ổ bụng, dẫn đến nhiễm trùng toàn bộ phúc mạc, người bệnh có triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc hoặc khi huyết động không ổn định do tình trạng vỡ mủ ruột thừa,... Lúc này, mổ hở không chỉ giúp cắt bỏ ruột thừa mà còn giúp giải quyết các vấn đề nhiễm trùng. Nếu người bệnh có rối loạn huyết động, cần phải vừa hồi sức vừa phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa.

3. Mổ ruột thừa bao lâu được làm việc nặng?

Như bất kỳ phẫu thuật nào khác, sau khi mổ ruột thừa dù là mổ nội soi hay mổ hở, sức khỏe của người bệnh đều bị suy giảm, bên cạnh đó là tình trạng đau vết thương sau mổ chưa phục hồi. Vì vậy, người bệnh cần phải được nghỉ ngơi, bồi dưỡng để vết thương lành lại, khôi phục lại các chức năng tiêu hóa cũng như hồi phục sức khỏe trước khi làm việc trở lại.

Thông thường, tùy theo phương pháp mổ mà người bệnh sẽ nằm viện từ 3 – 5 ngày để được chăm sóc vết thương và theo dõi sự phục hồi sau mổ. Sau đó, người bệnh có thể được cho ra viện, tuy nhiên cần tiếp tục nghỉ ngơi và điều trị tại nhà sau thời gian này. Cần tiếp tục theo dõi sát tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng như đảm bảo như nghỉ ngơi và bồi dưỡng cơ thể.

Việc quyết định khi nào người bệnh có thể trở lại làm việc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: Tình trạng trước khi mổ, phương pháp mổ ruột thừa, sự hồi phục sau mổ, tình trạng sức khỏe của người bệnh và tính chất công việc của người bệnh,... Trường hợp cơ thể hồi phục nhanh, tính chất công việc nhẹ nhàng và được mổ nội soi thì người bệnh có thể trở lại làm việc sau 10 ngày điều trị. Đối với những trường hợp mổ mở, người bệnh cần nghỉ ngơi ít nhất 2 – 3 tuần trước khi chính thức làm việc trở lại.

Đặc biệt, những trường hợp phải lao động nặng nhọc thì thời gian nghỉ ngơi cần kéo dài hơn để đảm bảo sức khỏe và người bệnh có thể trở lại với công việc sau 6 – 8 tuần. Trong những tuần mới trở lại công việc sau mổ ruột thừa, người bệnh cần chú ý làm vừa sức, chú ý giữ gìn sức khỏe và phải dừng ngay nếu thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường.

4. Những điều cần lưu ý sau khi mổ ruột thừa

Để vết thương mau lành, cơ thể nhanh chóng phục hồi sức khỏe, người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau trong quá trình điều trị, chăm sóc sau mổ ruột thừa.

  • Vệ sinh, thay băng vết thương hàng ngày, đảm bảo vết mổ luôn sạch sẽ và khô ráo.
  • Thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng các loại kem bôi kem chống sẹo hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác ngoài đơn kê của bác sĩ.
  • Trong tuần đầu tiên sau mổ ruột thừa, người bệnh chỉ nên ăn thức ăn dạng lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa... cho đến khi các nhu động ruột và chức năng tiêu hóa trở lại bình thường.
  • Người bệnh cần hạn chế vận động, hoạt động nhiều, đặc biệt là leo cầu thang, tập thể thao mạnh hoặc khiêng vác nặng, nhất là khi mổ hở.
  • Chú ý uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, đi lại nhẹ nhàng để tránh táo bón, phục hồi nhu động ruột và tăng lưu thông máu sau mổ.
  • Chọn các loại quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ chịu, và tránh ma sát với vết mổ.
  • Người sau mổ ruột thừa không nên đi bơi, đi biển hoặc tắm trong bồn vì dễ làm nhiễm trùng vết mổ.
  • Chú ý các triệu chứng nhiễm trùng vết mổ như sốt, sưng tấy, đỏ, đau xung quanh vết mổ, các triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa như mất khẩu vị, co thắt dạ dày, tiêu chảy, không đi tiêu sau hơn 2 ngày hoặc đau bụng...

Tóm lại, mổ ruột thừa viêm là 1 phẫu thuật hay gặp, nếu được xử trí kịp thời sẽ đem lại kết quả tốt cho người bệnh. Sau mổ ruột thừa viêm, người bệnh cần chú ý nghỉ ngơi, đảm bảo lành vết thương, phục hồi sức khỏe trước khi trở lại công việc, nhất là các công việc nặng cần tuân thủ đúng thời gian điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan