Viêm loét dạ dày mãn tính có thể gây ung thư?

Viêm loét dạ dày mãn tính là chứng bệnh vô cùng phổ biến, bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính. Viêm loét dạ dày mãn tính không những gây ra các cơn đau đớn khó chịu cho người bệnh mà còn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không điều trị kịp thời. Vậy viêm loét dạ dày mãn tính có thể gây ung thư hay không?

1. Bệnh viêm dạ dày mãn tính

Viêm dạ dày mãn tính được chia làm 2 loại chính là viêm ở thân vị và viêm vùng hang vị. Hầu hết tình trạng viêm dạ dày mãn tính thường tiến triển thứ phát sau một số rối loạn tiêu hoá kéo dài hoặc các rối loạn chức năng của hệ tiêu hoá.

Nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày mãn tính thường do chế độ ăn uống không khoa học, do tác động của hóa chất, tình trạng suy dinh dưỡng, do rối loạn nội tiết tố, các yếu tố dị ứng, miễn dịch, di truyền... Viêm dạ dày mãn tính thường tiến triển âm thầm, không có dấu hiệu lâm sàng đặc trưng để nhận biết chính xác.

Bệnh nhân thường có những rối loạn cơ năng tương tự như rối loạn tiêu hoá, triệu chứng này thường xảy ra sớm sau khi ăn, đặc biệt là sau bữa ăn trưa với các dấu hiệu: nặng bụng, ợ hơi, có thể kèm theo nhức đầu, mặt đỏ, cảm giác có vị đắng miệng vào buổi sáng, buồn nôn/nôn, chán ăn, táo bón hoặc đi lỏng thất thường, nóng rát vùng thượng vị sau hoặc trong khi ăn, đặc biệt triệu chứng nóng rát xuất hiện rõ rệt sau khi uống bia, rượu, ăn gia vị cay chua hoặc ngọt.

Đau vùng thượng vị trong bệnh viêm dạ dày mãn tính thường không dữ dội, chỉ là cảm giác khó chịu, âm ỉ thoáng qua hoặc có xu hướng tăng lên sau khi ăn. Do đó, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào phương pháp nội soisinh thiết dạ dày.

Bệnh viêm dạ dày mãn tính nếu không được phát hiện và điều trị, lâu ngày có thể dẫn đến các biến chứng như:

Trong đó, viêm dạ dày mãn tính biến chứng thành loét dạ dày, sau đó là viêm loét dạ dày mãn tính là biến chứng thường gặp nhất khi viêm ở vùng hang vị. Ung thư dạ dày cũng là một trong những biến chứng có thể gặp phải của bệnh viêm dạ dày mãn tính.

Viêm dạ dày mãn tính hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tùy theo từng trường hợp bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc tráng hoặc nuôi dưỡng niêm mạc để hỗ trợ việc hồi phục niêm mạc dạ dày. Bệnh nhân cần nội soi dạ dày tá tràng từ 6 tháng - 1 năm một lần để kiểm tra, kịp thời xử lý các tổn thương nghiêm trọng hoặc biến chứng nguy hiểm nếu có.

Viêm dạ dày mạn tính được phân thành nhiều loại, do nhiều nguyên nhân khác nhau:

  • Viêm dạ dày mạn tính loại A: Nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch tự phá hủy các tế bào niêm mạc dạ dày. Thể bệnh này làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin, thiếu máu và ung thư;
  • Viêm dạ dày mạn tính loại B: Thể bệnh này hay gặp nhất, nguyên nhân chính là vi khuẩn Helicobacter pylori. Biến chứng của thể bệnh này bao gồm viêm loét dạ dày, viêm loét đường ruột và ung thư dạ dày;
  • Viêm dạ dày mạn tính loại C: Nguyên nhân của bệnh viêm dạ dày mãn tính loại C là các hóa chất kích thích như thuốc kháng viêm không steroid, rượu bia hoặc các chất kích thích khác. Thể bệnh này có thể gây bào mòn niêm mạc và hệ quả nặng nề là chảy máu tiêu hóa;
  • Loại khác: viêm dạ dày phì đại khổng lồ, viêm dạ dày ái toan... trong đó viêm dạ dày phì đại khổng lồ xảy ra do có sự thiếu hụt protein, còn viêm dạ dày ái toan xảy ra đồng thời với các bệnh dị ứng khác như hen hoặc chàm da.

Người bệnh cần ăn chậm, nhai kỹ, ăn thức ăn dễ tiêu, chín kỹ, thiết kế khoảng cách giữa các bữa ăn hợp lý, tránh thức ăn quá nhiều chất xơ, quá nóng, quá lạnh hoặc quá cứng rắn, kiêng ăn các gia vị cay, chua, dầu mỡ, rượu, cafe, thuốc lá...

loét dạ dày mãn tính
Viêm loét dạ dày mãn tính có thể do vi khuẩn Helicobacter pylori gây nên

2. Bệnh viêm loét dạ dày mãn tính

Viêm loét dạ dày mãn tính rất thường gặp, đặc biệt ở các nước phát triển, do sự phá hủy cục bộ niêm mạc dạ dày kèm theo các yếu tố tấn công như: acid dịch vị, pepsin và vi khuẩn H.P. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy nguyên nhân gây loét niêm mạc, nhưng người bệnh thường có một số yếu tố nguy cơ như: yếu tố di truyền, yếu tố tâm lý (như các sang chấn tâm lý và áp lực công việc), các rối loạn vận động đường tiêu hóa, các yếu tố môi trường (như thức ăn, thuốc lá) và các loại thuốc như aspirin, corticoid, thuốc giảm đau không steroid.

Biểu hiện viêm loét dạ dày mãn tính chủ yếu là triệu chứng đau thượng vị. Tính chất cơn đau bao gồm đau thành từng đợt, mỗi đợt kéo dài 2 – 8 tuần và cách nhau từ vài tháng đến vài năm, đau tăng theo mùa (đau nhiều vào mùa đông). Bên cạnh đó, các cơn đau thượng vị thường liên quan đến bữa ăn, người bệnh đa số đau nhiều sau khi ăn ăn trưa và tối.

Chẩn đoán viêm loét dạ dày mãn tính hiện nay chủ yếu là phương pháp nội soi, một số người bệnh đôi khi cần phải sinh thiết để xác định chẩn đoán. Viêm loét dạ dày không được điều trị đúng và kịp thời có thể để lại các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, thủng, hẹp môn vị, loét, ung thư dạ dày...

Trong đó, tỷ lệ ung thư dạ dày tương đối thấp, chỉ gặp khoảng 5 – 10% với những vết loét dạ dày mãn tính kéo dài trên 10 năm. Bên cạnh đó, thể viêm loét dạ dày mãn tính thể teo ở vùng hang vị có khả năng ung thư hoá cao hơn (30%) so với loét tá tràng.

Sự phát triển của Y học giúp tăng khả năng điều trị loét dạ dày mãn tính, hạn chế nguy cơ tái phát và các biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh sử dụng các thuốc điều trị theo phác đồ của bác sĩ, người bệnh có thể tăng hiệu quả điều trị nếu cần chủ động trong việc thay đổi lối sống, hạn chế các nguyên nhân như sử dụng chất kích thích, kiểm soát tốt các sang chấn tâm lý, lập kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý...

loét dạ dày mãn tính
Biểu hiện viêm loét dạ dày mãn tính chủ yếu là triệu chứng đau thượng vị

3. Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày được xem là biến chứng nguy hiểm và nặng nề nhất của các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa, trong đó quan trọng nhất là viêm loét dạ dày mạn tính. Cơ chế hình thành bệnh là sự phát triển bất thường của các tế bào, từ đó hình thành một hoặc nhiều khối u ác tính tại dạ dày.

Người mắc ung thư dạ dày thường có những triệu chứng sau:

  • Đau dạ dày, thượng vị dữ dội;
  • Mất khẩu vị, giảm cảm giác ăn uống, chán ăn;
  • Cảm giác đầy hơi chướng bụng kéo dài;
  • Khó nuốt;
  • Ợ chua hoặc ợ nóng;
  • Đi ngoài ra máu.

Theo thống kê, ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất và có nguy cơ di căn cao. Để góp phần vào việc chẩn đoán, kiểm soát và điều trị bệnh, những nhà khoa học chia ung thư dạ dày thành 5 giai đoạn khác nhau, gồm:

  • Giai đoạn 0: Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn ung thư biểu mô. Khi đó, các tế bào bất thường phát hiện chủ yếu trên lớp niêm mạc;
  • Giai đoạn 1: Giai đoạn này các tế bào ung thư đã xâm nhập vào bên dưới lớp niêm mạc;
  • Giai đoạn 2: Giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn ung thư dưới cơ do các tế bào đột biến đã di chuyển đến lớp cơ dạ dày;
  • Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư chuyển sang giai đoạn di căn hạch bạch huyết và các cơ quan lân cận;
  • Giai đoạn cuối: Lúc này các tế bào ác tính di căn xa đến các cơ quan cách khác nhau, thậm chí là toàn bộ cơ thể. Tỷ lệ tử vong của ung thư dạ dày giai đoạn cuối là rất cao.

Viêm loét dạ dày mãn tính có thể gây ung thư dạ dày. Vì thế, việc thăm khám, tầm soát bệnh sớm là việc làm vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan