Bị suy giãn tĩnh mạch có nên đi bộ không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Đi bộ là một thói quen rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, rất nhiều người bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới đã dừng việc này lại bới vì nghe lời khuyên rằng đi bộ không tốt đối với những người bị suy giãn tĩnh mạch. Vậy thực sự thì những lời khuyên đó có đúng hay không? Khi bị suy giãn tĩnh mạch chân có nên đi bộ không?

1. Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới nguyên nhân do đâu?

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới là một bệnh rất thường gặp. Theo một thống kê cho thấy, có tới 35% người trưởng thành và 50% người nghỉ hưu mắc phải tình trạng này, nguyên nhân của suy giãn tĩnh mạch là do:

  • Hệ thống tĩnh mạch có cấu tạo như một mạng lưới bao gồm nhiều cấu trúc hình ống. Những tĩnh mạch nhỏ ở xa có nhiệm vụ dẫn máu về các tĩnh mạch lớn hơn và sau đó đổ về tim.
  • Hệ thống tĩnh mạch chân gồm các tĩnh mạch nông/sâu/xuyên. Trong lòng tĩnh mạch chân bình thường sẽ có các van. Chúng được cấu tạo bởi 2 lá van giống như túi, với mặt lõm được hướng lên trên. Mỗi lá van có một phần tự do trong lòng mạch, một phần dính vào thành tĩnh mạch.
  • Khi bạn đứng thẳng, máu trong tĩnh mạch sẽ phải thắng trọng lực để chảy về tim. Khi đó, các cơ phải ép các tĩnh mạch sâu ở chân và ở bàn chân, đồng nhịp với các hoạt động đóng mở của các van tĩnh mạch.
  • Khi cơ ở chân co thì các van trong tĩnh mạch sẽ mở ra, còn khi cơ thả lỏng, các van sẽ đóng lại. Điều này giúp máu không chảy ngược trở lại phía dưới. Toàn bộ quá trình đưa máu trở về tim ở trên được gọi là bơm tĩnh mạch, với phương thức hoạt động như vậy thì các van tạo nên một hệ thống dòng chảy theo một chiều từ dưới lên trên và từ nông vào sâu.
  • Tình trạng suy giãn tĩnh mạch được gây ra bởi sự hư hại của các van trong lòng tĩnh mạch. Khi đó, máu sẽ chảy ngược xuống dưới theo chỗ hở của van tĩnh mạch, gây ứ đọng và tăng áp lực tĩnh mạch khiến những tĩnh mạch nông sẽ giãn to ra và bị viêm. Đây cũng chính là nguồn gốc gây nên các triệu chứng đau nhức và khó chịu, phù chân của tình trạng suy giãn tĩnh mạch.

Xem ngay: Chẩn đoán và điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới mãn tính

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới xuất hiện khi các van trong lòng tĩnh mạch hư hại

2. Bị suy giãn tĩnh mạch chân có nên đi bộ không?

Một trong những bài thể dục tốt nhất cho người bị suy giãn tĩnh mạch chính là đi bộ. Bởi vì khi đi bộ thì thể tích và áp lực trong tĩnh mạch sẽ thay đổi. Trong đó, khi bạn ở tư thế đứng yên, với bàn chân tiếp xúc với mặt đất, sẽ không có dòng chảy tĩnh mạch.

Tuy nhiên, khi gót chân được nhấc lên cao thì máu từ đám rối tĩnh mạch ở phía dưới gót chân và mặt lòng bàn chân sẽ đẩy lên các tĩnh mạch sâu của cẳng chân. Khi đó, hoạt động co cơ cẳng chân sẽ đẩy dòng máu về tĩnh mạch của vùng đùi và dòng máu sẽ cứ như thế chảy về tĩnh mạch cao hơn và tiếp tục về tim.

Khi đi bộ, sẽ giúp bơm tĩnh mạch hoạt động hiệu quả hơn. Các chuyên gia đã đo được lực ép của cơ vào hệ tĩnh mạch sâu khi chân đang vận động tích cực cao hơn so với lúc đang đứng yên. Điều đó đã giúp máu đẩy mạnh mẽ về tim và giảm được tình trạng ứ đọng, đồng thời, giúp giảm áp lực trong hệ tĩnh mạch nông.

Với những người bị suy giãn tĩnh mạch chân, việc đi bộ đều đặn sẽ cải thiện được các bơm tĩnh mạch, giúp đẩy máu về tim tốt hơn. Ngoài ra, nó còn làm giảm áp lực tĩnh mạch do ứ đọng. Hướng dẫn cách đi bộ đúng cho người bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới:

  • Với những người bệnh chưa có thói quen đi bộ thì nên bắt đầu tập đi bộ với thời gian và quãng đường ngắn. Sau đó tăng dần quãng đường và thời gian.
  • Đối với những người loét chân do suy tĩnh mạch, việc vận động cổ chân sẽ bị hạn chế. Do vậy, người bệnh cần được vật lý trị liệu cổ chân và liệu pháp giảm đau trước khi đi bộ.
suy giãn tĩnh mạch có nên đi bộ không
Mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch có nên đi bộ không là thắc mắc của nhiều người bệnh

Thực nghiệm đánh giá sự thay đổi của áp lực tĩnh mạch nông khi đi bộ, người ta tiến hành luồn kim nhựa vào lòng tĩnh mạch nông ở bàn chân của người bệnh và nối với một cột nước. Kết quả thực nghiệm cho thấy: Trong khi đứng yên, cột nước dâng cao ngang tim, còn khi di chuyển cổ chân liên tục, cột nước giảm xuống. Điều này chứng tỏ, việc đi bộ rất tốt cho người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Một nghiên cứu y khoa được cập nhật gần đây, cho biết: “ Với những người bị suy giãn tĩnh mạch mãn tính, nếu đi bộ ít hơn 10 phút/ngày thì có nguy cơ loét chân cao hơn nhóm người hoạt động thể chất tích cực. Ngoài ra, các hiệp hội phẫu thuật mạch máu trên thế giới cũng đều khuyến cáo rằng, bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch rất nên đi bộ mỗi ngày.

Bạn có thể đi bộ 30-45 phút/ lần, có thể lặp lại nhiều lần trong ngày.

Hy vọng những thông tin bổ ích trên đã giúp mọi người tìm được câu trả lời cho thắc mắc “Khi bị suy giãn tĩnh mạch chân có nên đi bộ không?” Chúc mọi người có một đôi chân khỏe.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

29.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan