Cholesterol và sức khỏe tim mạch của phụ nữ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Bác sĩ Hồi Sức cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong Hồi Sức cấp cứu.

Cholesterol ở nữ là loại chất béo cần thiết đối với sự phát triển của các tế bào trong cơ thể, giúp sản sinh ra các loại hormone, axit mật và vitamin D. Tuy nhiên, dư thừa cholesterol lại là yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch ở phụ nữ.

1. Cholesterol là gì?

Cholesterol là một chất béo, giống như sáp. Cơ thể chúng ta sử dụng cholesterol làm nguyên liệu để tạo ra lớp vỏ bên ngoài của các tế bào. Cholesterol ở nữ còn đóng vai trò quan trọng để sản xuất ra một số loại hormone, bao gồm estrogen và testosterone. Cholesterol cũng tham gia vào quá trình tạo ra vitamin D và axit mật, giúp bạn tiêu hóa thức ăn. Thế nhưng quá nhiều cholesterol lại là tình trạng không tốt đối với cơ thể nữ giới, có thể dẫn đến hàng loạt bệnh lý khác nhau, nhất là bệnh tim mạch ở phụ nữ.

2. Nguồn gốc của cholesterol

Gan là nơi sản xuất ra hầu hết các loại cholesterol trong cơ thể. Ngoài ra, một lượng nhỏ có thể đến từ thực phẩm hàng ngày, chẳng hạn như thịt và các sản phẩm từ sữa. Chất béo có trong các loại thực phẩm này được chuyển hóa thành triglyceride. Triglyceride di chuyển theo dòng máu và được tích trữ trong các tế bào mỡ, đóng vai trò như nguồn năng lượng dư thừa trong cơ thể. Bên cạnh nguồn chất béo, cơ thể cũng chuyển hóa thành phần đường có trong trái cây và thực phẩm có đường thành triglyceride.

3. Thế nào là cholesterol tốt và cholesterol xấu đối với sức khỏe phụ nữ?

Cholesterol ở nữ cùng với protein và triglyceride tham gia vào quá trình tổng hợp nên một chất gọi là lipoprotein. Có hai loại lipoprotein chính:

  1. LDL - Cholesterol: (Low-density Lipoprotein - Lipoprotein tỷ trọng thấp): Đây là loại lipoprotein có nhiệm vụ mang cholesterol đến các cơ quan trong cơ thể. Nếu có quá nhiều LDL, chúng sẽ có xu hướng tích tụ lại trên thành mạch máu. LDL thường được gọi là cholesterol xấu.
  2. HDL - Cholesterol: (High-density Lipoprotein - Lipoprotein tỷ trọng cao): Đây là loại lipoprotein có vai trò thu gom cholesterol trong máu và đưa chúng trở lại gan. Gan sau đó sẽ phân hủy cholesterol thành các cơ chất đơn giản để thải ra khỏi cơ thể. HDL còn được gọi là cholesterol tốt.
Cholesterol và sức khỏe tim mạch của phụ nữ
HDL thường gọi là ”cholesterol tốt”, trong khi đó LDL được xem là “cholesterol xấu”

4. Cách xác định mức cholesterol ở nữ

Để đo mức cholesterol, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm sẽ cho biết mức cholesterol của bạn đang nằm ở đâu so với giới hạn bình thường của người khỏe mạnh. Khi phân tích thành phần lipoprotein, bác sĩ sẽ đo được lượng cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, HDL cholesterol và cả triglyceride. Kết hợp tất cả các chỉ số trên, bác sĩ sẽ ra quyết định tốt nhất đối với mục tiêu điều trị bệnh rối loạn mỡ máu. Mức cholesterol lý tưởng sẽ dao động tùy theo độ tuổi và giới tính:

Cholesterol và sức khỏe tim mạch của phụ nữ
Cách xác định mức cholesterol ở nữ

5. Rối loạn mỡ máu là bệnh gì?

Rối loạn mỡ máu, còn gọi là rối loạn lipid máu, máu nhiễm mỡ hay mỡ máu cao, là tình trạng xảy ra khi mức cholesterol hoặc triglyceride trong cơ thể trở nên bất thường (vượt quá giới hạn bình thường). Nguyên nhân gây ra rối loạn lipid máu phổ biến là khi lượng LDL cholesterol và triglyceride tăng lên quá cao trong khi mức HDL cholesterol giảm xuống quá thấp. Rối loạn mỡ máu do nguyên nhân này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ.

6. Tại sao LDL cholesterol tăng cao dẫn đến bệnh tim mạch

Khi lượng LDL cholesterol ở nữ tăng cao, chúng sẽ tích tụ trong thành mạch máu. Đồng thời, nếu HDL tụt xuống thấp, khả năng loại bỏ cholesterol xấu ra khỏi máu sẽ bị hạn chế. LDL tích tụ trong thành mạch máu sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể, dẫn đến sự tích tụ mảng bám. Mảng bám này có thể gây xơ cứng và thu hẹp lòng mạch máu, tình trạng này gọi là xơ vữa động mạch.

Theo thời gian, mảng xơ vữa động mạch có khả năng tạo thành cục máu đông, gây thu hẹp hoặc ngăn chặn dòng chảy của máu trong lòng động mạch. Nếu điều này xảy ra ở một động mạch trong tim thì sẽ gây ra nhồi máu cơ tim. Nếu cục máu đông gây tắc mạch xảy ra ở một động mạch trong não sẽ dẫn đến đột quỵ. Cả hai tình trạng này đều rất nguy kịch, đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

7. Các yếu tố nguy cơ khác có thể dẫn đến bệnh tim mạch

Ngoài cholesterol cao, các yếu tố nguy cơ sau đây cũng có khả năng gây ra bệnh tim mạch:

  • Tuổi tác
  • Tiền sử gia đình đã từng mắc bệnh tim mạch
  • Giới tính nam
  • Thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia
  • Thiếu các hoạt động thể chất
  • Béo phì, thừa cân
  • Chế độ ăn uống kém
  • Có kèm theo các bệnh lý liên quan, như đái tháo đường và tăng huyết áp.
Cholesterol và sức khỏe tim mạch của phụ nữ
Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch bạn có thể chủ động thay đổi được

Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch chỉ có ở phụ nữ:

Đối với phụ nữ không có yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch kể trên, nên đo mức cholesterol mỗi 5 năm, bắt đầu từ độ tuổi 45. Trường hợp phụ nữ đang có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch, thì cần phải sớm bắt đầu làm xét nghiệm mức cholesterol định kỳ.

8. Cách giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

8.1. Thay đổi lối sống

Những biện pháp sau đây có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch mà chưa cần phải dùng đến thuốc:

  • Xây dựng chế độ ăn uống có lợi cho tim: Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, đậu và các loại sữa ít béo. Thực phẩm chính nên bao gồm cá và gia cầm. Hạn chế thịt đỏ, đồ uống có đường và muối ăn. Ăn nhạt là một cách để giảm nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp và các bệnh tim mạch liên quan.
  • Tập thể dục: Đây là phương pháp hiệu quả để cải thiện sức khỏe trái tim và tăng cường lưu thông máu. Hơn nữa, tập thể dục còn giúp tăng mức HDL và giảm huyết áp.
  • Giảm cân: Những người thừa cân và béo phì rất dễ mắc các bệnh tim mạch.
  • Bỏ thuốc lá. Hút thuốc khiến cho mạch máu nhanh chóng bị xơ vữa. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với bệnh tim, làm giảm HDL và tăng triglyceride trong máu. Ngoài ra, hút thuốc lá còn gây ra các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp.

8.2. Dùng thuốc điều trị

Statin là nhóm thuốc được sử dụng để ức chế sản xuất cholesterol ở gan. Nhóm thuốc statin ngoài tác dụng làm giảm LDL, còn giúp giảm triglycerides và tăng HDL, từ đó ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

Các thuốc thuộc nhóm statin đang được sử dụng ngày càng nhiều trên thế giới trong việc phòng ngừa và điều trị các bệnh lý tim mạch liên quan đến kiểm soát mỡ máu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Acog.org

2.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan