Điều gì xảy ra nếu nhịp tim của bạn quá cao?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Nguyễn Thùy Đoan Trang - Trưởng nhóm Tuần hoàn ngoài cơ thể - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tim đập quá nhanh hoặc nhịp tim quá cao là một tình trạng sức khỏe phổ biến, có thể xảy ra do một số yếu tố như tập thể dục, uống nhiều rượu, hút thuốc lá và các vấn đề sức khoẻ khác. Đôi khi, nhịp tim đập quá nhanh tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng cho sức khoẻ nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, việc ngăn ngừa nhịp tim nhanh sẽ tập trung chủ yếu vào việc thay đổi về lối sống, chế độ dinh dưỡng cũng như việc sử dụng thuốc của bạn.

1. Nhịp tim nhanh là gì?

Nhịp tim nhanh là tình trạng tim của bạn đập quá nhanh, đối với người lớn >14 tuổi trên 100 nhịp mỗi phút. Nhịp tim nhanh có thể xảy ra do nhiều dạng rối loạn nhịp tim khác nhau (hay còn gọi là loạn nhịp tim).

Trong một số trường hợp nhất định, tim đập nhanh là một điều khá bình thường, chẳng hạn như sau khi tập thể dục, căng thẳng, chấn thương hoặc bệnh tật. Tuy nhiên, đối với tình trạng rối loạn nhịp tim nhanh, việc tim của bạn đập nhanh hơn bình thường có thể xuất phát từ các điều kiện không liên quan đến căng thẳng sinh lý.

Nhịp tim nhanh có thể không biểu hiện ra các triệu chứng nhất định nhưng nếu không được điều trị, tình trạng này có thể sẽ phá vỡ các chức năng bình thường của tim và dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe của bạn, bao gồm:

Hiện nay, để điều trị cho tình trạng nhịp tim nhanh, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bệnh nhân hoặc đề nghị thực hiện các thủ thuật và phẫu thuật. Những biện pháp này sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát được nhịp tim nhanh cũng như các yếu tố khác gây ra vấn đề này.

2. Một số loại nhịp tim nhanh

Nhịp tim đập nhanh
Có 5 loại nhịp tim nhanh phổ biến: Rung tâm nhĩ, cuồng nhĩ, nhịp tim nhanh trên thất, nhịp tim nhanh thất và rung thất.

Dưới đây là một số loại nhịp tim nhanh phổ biến, bao gồm:

  • Rung nhĩ: Là loại nhịp tim nhanh phổ biến nhất, gây ra các xung điện không đều và hỗn loạn trong buồng tim phía trên (tâm nhĩ). Những tín hiệu này dẫn đến sự co bóp nhanh, mất phối hợp và yếu của tâm nhĩ. Rung nhĩ là một tình trạng tạm thời, tuy nhiên, một số cơn có thể không kết thúc trừ khi được điều trị.
  • Cuồng nhĩ: Đối với loại nhịp tim nhanh này, tâm nhĩ của tim sẽ đập rất nhanh nhưng với một tốc độ đều đặn. Khi đập với tốc độ nhanh sẽ khiến cho tâm nhĩ co bóp yếu. Cuồng nhĩ xảy ra là do dẫn truyền không đều trong tâm nhĩ. Các cơn cuồng nhĩ có thể tự khỏi hoặc phải cần đến các biện pháp điều trị. Những người bị cuồng nhĩ cũng thường bị rung nhĩ vào một số thời điểm nhất định.
  • Nhịp tim nhanh trên thất (SVT): Đây là một loại nhịp tim nhanh bất thường, xảy ra ở một số vị trí phía trên ngăn dưới của tim (tâm thất). Nguyên nhân là do các dẫn truyền bất thường trong tim xuất hiện khi mới sinh và tạo ra một vòng lặp các tín hiệu chồng chéo.
  • Nhịp nhanh thất: Là tình trạng nhịp tim nhanh bắt đầu với các tín hiệu điện bất thường trong những buồng tim phía dưới (tâm thất). Nhịp tim đập quá nhanh khiến tâm thất khó được lấp đầy máu và co bóp hiệu quả để bơm đủ máu cho cơ thể. Các cơn nhịp nhanh thất thường xảy ra trong một thời gian ngắn và chỉ kéo dài vài giây mà không gây nguy hại tới tính mạng. Tuy nhiên, nếu nhịp nhanh thất diễn biến phức tạp hơn và lâu hơn có thể trở thành một trường hợp cấp cứu y tế đe dọa tới tính mạng.
  • Rung thất: Tình trạng này xảy ra khi các xung điện có dấu hiệu hỗn loạn, làm cho các buồng tim dưới (tâm thất) rung lên thay vì bơm máu cần thiết cho cơ thể. Tình trạng này có thể gây tử vong nếu tim không được phục hồi trở lại với nhịp điệu bình thường trong vòng vài phút bằng một cú sốc điện tim (khử rung tim). Tình trạng rung thất có nhiều khả năng xảy ra trong hoặc sau cơn đau tim. Mặt khác, hầu hết những người bị rung thất đều tiềm ẩn bệnh tim hoặc đã trải qua một sự cố gây chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như bị sét đánh.

3. Các triệu chứng thường gặp của nhịp tim nhanh

Khi tim đập quá nhanh, nó có thể không bơm đủ máu đến phần còn lại của cơ thể, gây thiếu oxy cho các cơ quan và mô của bạn, đồng thời dẫn đến các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến nhịp tim nhanh sau đây:

  • Lâng lâng.
  • Hụt hơi.
  • Tim đập nhanh, khó chịu, không đều hoặc có cảm giác tức ngực.
  • Ngất xỉu.

Một số người bị nhịp tim nhanh không có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh và tình trạng này chỉ được phát hiện cho đến khi họ thăm khám sức khỏe hoặc kiểm tra theo dõi tim qua điện tâm đồ.

Triệu chứng nhịp tim đập nhanh
Hụt hơi là một trong số những triệu chứng liên quan đến nhịp tim nhanh.

4. Nguyên nhân nào gây ra nhịp tim nhanh?

Nhịp tim nhanh xảy ra do các xung điện bình thường có vai trò kiểm soát tốc độ bơm máu của tim bị gián đoạn. Những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhịp tim nhanh thường bao gồm:

  • Uống quá nhiều rượu.
  • Thiếu máu.
  • Tập thể dục.
  • Uống nhiều đồ có chứa caffeine.
  • Sốt.
  • Huyết áp cao hoặc thấp.
  • Mất cân bằng chất điện giải.
  • Tác dụng phụ của thuốc.
  • Hút thuốc lá.
  • Cường giáp do tuyến giáp của cơ thể hoạt động quá mức.
  • Căng thẳng đột ngột, ví dụ như sợ hãi.
  • Sử dụng chất kích thích, ví dụ như methamphetamine và cocaine.

5. Hệ thống điện của tim

Việc hiểu được cách thức hoạt động của hệ thống điện của tim sẽ giúp bạn hiểu được nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về nhịp tim.

Trái tim của chúng ta được tạo thành từ 4 ngăn, bao gồm hai ngăn trên (tâm nhĩ) và hai ngăn dưới (tâm thất). Nhịp tim bình thường của cơ thể sẽ được điều khiển bởi một máy tạo nhịp tim tự nhiên, được gọi là nút xoang, nằm trong tâm nhĩ phải của tim. Nút xoang sẽ giữ vai trò tạo ra các xung điện để bắt đầu mỗi nhịp tim.

Từ nút xoang, các xung điện sẽ đi qua tâm nhĩ, làm cho các cơ tâm nhĩ co lại và tiếp tục bơm máu vào các buồng dưới của tim (tâm thất). Sau đó, các xung điện sẽ đến một cụm tế bào, có tên là nút nhĩ thất (AV). Đây được xem là con đường duy nhất để các tín hiệu đi từ tâm nhĩ đến tâm thất.

Nút AV có tác dụng làm chậm tín hiệu điện trước khi đến tâm thất. Sự chậm trễ này tạo điều kiện để máu được đổ đầy vào tâm thất. Khi xung điện đi đến các cơ của tâm thất, chúng sẽ co lại và bơm máu lên phổi hoặc đi đến các phần còn lại của cơ thể. Khi hệ thống điện của tim bị rối loạn sẽ làm cho nhịp tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc bất thường.

6. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhịp tim nhanh

Tuổi cao, có tiền sử gia đình mắc chứng nhịp tim nhanh hoặc một số rối loạn nhịp tim khác có thể làm tăng nguy cơ mắc nhịp tim nhanh. Ngoài ra, bất kỳ tình trạng nào gây căng thẳng cho tim hoặc làm tổn thương mô tim đều có thể làm tăng khả năng mắc vấn đề này. Những yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Bệnh tim.
  • Thiếu máu.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Sử dụng nhiều caffeine.
  • Sử dụng rượu nặng.
  • Huyết áp cao.
  • Một số vấn đề về tuyến giáp, chẳng hạn như cường giáp hoặc suy giáp.
  • Tâm lý lo lắng hoặc căng thẳng.
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Hút thuốc lá.
  • Sử dụng thuốc kích thích.

Để làm giảm nguy cơ nhịp tim nhanh, bạn nên thay đổi lối sống hoặc áp dụng một số phương pháp điều trị cho các tình trạng sức khoẻ khác có liên quan đến nhịp tim nhanh.

Uống nhiều cafe làm nhịp tim đập nhanh
Sử dụng nhiều caffein có thể là yếu tố nguy cơ làm nhịp tim nhanh.

7. Các biến chứng của nhịp tim nhanh

Các biến chứng của nhịp tim nhanh sẽ phụ thuộc vào loại bệnh nhịp tim đập nhanh như thế nào, kéo dài trong bao lâu và bạn có đang mắc phải bất kỳ bệnh lý tim mạch nào khác không.

Một số biến chứng của nhịp tim nhanh, bao gồm:

  • Sự hình thành của các cục máu đông dẫn đến cơn đột quỵ hoặc đau tim.
  • Tim không được bơm đủ máu có thể gây suy tim.
  • Thường xuyên ngất xỉu và bất tỉnh.
  • Đột tử do biến chứng của rung thất và nhịp nhanh thất.

8. Các biện pháp phòng ngừa nhịp tim nhanh

Biện pháp phòng ngừa nhịp tim nhanh hiệu quả nhất là duy trì một trái tim khỏe mạnh và giảm thiểu các nguy cơ phát triển bệnh tim. Nếu bạn đã mắc bệnh tim, bạn cần theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên và tuân theo kế hoạch điều trị của bác sĩ để giúp ngăn ngừa nhịp tim nhanh xảy ra.

Các cách ngăn ngừa bệnh tim: Trước hết, để làm giảm nguy cơ mắc tình trạng nhịp tim nhanh, bạn cần loại bỏ hoặc điều trị các nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh tim. Dưới đây là một số cách giúp bạn ngăn ngừa bệnh tim hiệu quả, bao gồm:

  • Tập thể dục và ăn uống lành mạnh: Tim cũng cần đến một lối sống lành mạnh để có thể duy trì và thực hiện tốt các chức năng của mình. Bạn nên cố gắng tập thể dục đều đặn hàng ngày, kết hợp với một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ít chất béo, nhiều trái cây, rau quả và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Duy trì một cân nặng hợp lý, vì sự thừa cân được xem là nguyên nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.
  • Kiểm soát mức huyết áp và cholesterol: Bạn nên thực hiện một số thay đổi nhỏ trong lối sống sinh hoạt hàng ngày và sử dụng thuốc điều chỉnh huyết áp cũng như cholesterol theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
  • Bỏ thuốc lá: Thuốc lá được xem là tác nhân chính gây ra các vấn đề về tim mạch, trong đó bảo gồm cả nhịp tim nhanh.
  • Uống rượu có chừng mực: Bạn nên uống rượu một cách vừa phải và có chừng mực. Đối với phụ nữ, chỉ nên uống tối đa một ly rượu mỗi ngày và hai ly đối với nam giới. Trong nhiều điều kiện nhất định, bạn có thể phải tránh sử dụng rượu hoàn toàn.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích: Những chất kích thích như cocaine thường gây ra nhiều tác hại khôn lường tới sức khoẻ, trong đó có các vấn đề về tim mạch.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc không kê đơn: Một số loại thuốc không kê đơn, chẳng hạn như thuốc trị ho và cảm có thể chứa các chất kích thích dẫn đến tình trạng tim đập quá nhanh so với bình thường. Tốt nhất, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào, bạn cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ kỹ lưỡng.
  • Hạn chế các đồ uống chứa caffein.
  • Kiểm soát căng thẳng.
  • Đi khám sức khỏe thường xuyên và báo cáo với bác sĩ bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào mà bạn đang gặp phải.

Theo dõi và điều trị bệnh tim hiện có: Nếu bạn đã bị mắc bệnh tim, bạn có thể thực hiện một số bước sau đây để giúp ngăn ngừa nhịp tim nhanh cũng như các rối loạn nhịp tim khác:

  • Điều trị và sử dụng thuốc theo đúng lịch trình của bác sĩ đề ra.
  • Theo dõi và báo cáo với bác sĩ ngay lập tức khi xuất hiện các thay đổi hay triệu chứng mới sau khi sử dụng thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan