Khi nào cần phẫu thuật thay van 2 lá?

Van tim đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đẩy máu lưu thông khắp hệ tuần hoàn. Tuy nhiên do một số nguyên nhân van tim có thể bị tổn thương, thoái hóa mức độ nhẹ hoặc nghiêm trọng cần đến phẫu thuật thay van tim. Cùng tìm hiểu khi nào cần phẫu thuật hở van tim 2 lá, hẹp van 2 lá thông qua bài viết dưới đây.

1. Khi nào cần tiến hành phẫu thuật thay van tim?

Van 2 lá có vai trò giống như một “cánh cửa” nằm ở giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái. Trong kỳ tâm trương, van 2 lá sẽ mở ra giúp cho máu đi một chiều dễ dàng từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Trong kỳ tâm thu, khi thất trái bơm máu vào động mạch chủ, van 2 lá sẽ đóng lại ngăn cho máu không chảy ngược về nhĩ trái.

Người bệnh cần được phẫu thuật thay van tim trong các trường hợp:

1.1. Hẹp khít van 2 lá

Van hai lá nếu không được mở hoàn toàn sẽ khiến máu khó đi xuống thất trái, kết quả bị ứ đọng và tăng áp lực tại nhĩ trái, nếu duy trì trong thời gian dài sẽ giãn nhĩ trái, tăng áp lực tĩnh mạch phổi và động mạch phổi.

Người bệnh bị hẹp van 2 lá quá khít thường có dấu hiệu khó thở khi gắng sức, nếu không điều trị thì tình trạng khó thở sẽ tăng lên ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Hẹp van 2 lá còn dẫn đến các cơn khó thở cấp (phù phổi cấp, hen tim), rối loạn nhịp, rung tâm nhĩtai biến mạch máu não (do huyết khối từ tim bắn lên).

Về hướng điều trị, nếu hẹp 2 lá khít đơn thuần thì bác sĩ có thể chỉ định can thiệp nong van bị hẹp bằng bóng. Nếu hẹp 2 lá khít kèm theo hở van 2 lá hoặc van quá dày, vôi hóa thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật thay van tim.

1.2. Hở van tim 2 lá

Hở van tim 2 lá là tình trạng hai van tim không khép kín dẫn đến một lượng máu từ thất trái bị trào ngược trở lại vào buồng tim thay vì được vận chuyển đến hệ tuần hoàn. Hở 2 lá càng nhiều càng khiến thất trái phải làm việc nhiều hơn, lâu ngày sẽ giãn ra dẫn đến tình trạng suy tim. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hở van tim 2 lá như: sa van 2 lá, thấp tim, thoái hóa van tim, nhiễm trùng trong tim, hở van bẩm sinh, hở van sinh lý...

Người bị hở van tim 2 lá thường có biểu hiện khó thở khi gắng sức hoặc siêu âm tim có EF giảm (<60%). Tùy theo mức độ tổn thương van và hệ thống dây chằng, cơ mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật hở van tim 2 lá

Nói chung, phẫu thuật thay van tim nhân tạo hoặc sửa van tim là đều hướng điều trị cần thiết khi van tim đã bị tổn thương nặng, các buồng tim giãn rộng ảnh hưởng đến chức năng của tim. Việc sửa hoặc thay thế van tim mới sẽ giúp điều trị tận gốc căn bệnh, giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng, ngăn ngừa rối loạn nhịp tim và ngăn ngừa các biến chứng như suy tim, tai biến mạch não, giúp kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

Phẫu thuật hở van tim 2 lá
Phẫu thuật hở van tim 2 lá là hướng điều trị cần thiết khi van tim bị tổn thương

2. Trường hợp chống chỉ định

Kết quả phẫu thuật thay van tim phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có 2 điểm nổi bật ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật:

  • Mức độ hư hại của van tim: nhiều bệnh nhân phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn đã muộn, khi tim suy nặng và có nhiều biến loạn toàn thân.
  • Trang thiết bị của bệnh viện, cơ sở thực hiện ca mổ: phẫu thuật thay van tim hay sửa van đều là đại phẫu và cần thực hiện trong điều kiện đầy đủ trang thiết bị y tế tân tiến nhất.

Bên cạnh đó, dù van bị tổn thương như thế nào cũng nên thận trọng khi chỉ định phẫu thuật, nhất là khi có các thông số về lâm sàng và cận lâm sàng như sau:

  • Suy tim nặng, không có khả năng đáp ứng hoặc đáp ứng rất chậm với điều trị nội khoa tích cực.
  • Suy tim kéo dài, thể chất suy kiệt, suy giảm chức năng gan, chức năng thận.
  • Trên siêu âm thấy chức năng thất trái giảm nặng: phân suất tống máu (FE) dưới 40%, phân suất co thắt dưới 25%.
  • Thất trái giãn to trên 80mm.
  • Bệnh nhân có các chống chỉ định phẫu thuật khác như: đang có ổ nhiễm trùng ở các cơ quan khác, có bệnh mạn tính nặng, bệnh lý máu...

3. Thay van tim nhân tạo có nguy hiểm không?

Bất cứ phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn rủi ro, và phẫu thuật thay van tim cũng không ngoại lệ. Sau phẫu thuật người bệnh vẫn gặp một số biến chứng nguy hiểm không phổ biến như:

  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: là tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, đi vào máu gây nhiễm khuẩn cơ quan, làm loét van tim.
  • Chảy máu do dùng thuốc chống đông máu quá liều: người bệnh thay van tim cơ học phải dùng thuốc chống đông suốt đời để ngăn hình thành huyết khối trên van, điều này có thể dẫn đến nhiều nguy cơ như: chảy máu, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não,... Người bệnh lưu ý là, kể cả khi xảy ra những phản ứng phụ trên thì việc ngừng thuốc kháng đông đột ngột cũng phải được bác sĩ thông qua.
  • Hình thành huyết khối trên van: thường xảy ra ở van cơ học, gây kẹt van nếu không duy trì dùng thuốc chống đông máu.
  • Đột quỵ: là tình trạng khá phổ biến sau khi phẫu thuật thay van tim, đây là do của huyết khối quanh van cơ học bong ra làm tắc nghẽn mạch máu não.
  • Nhồi máu cơ tim: là biến chứng cực kỳ nghiêm trọng, có thể gây tử vong chỉ trong thời gian ngắn. Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra rất đột ngột và không có dấu hiệu rõ nét.
  • Tái hẹp, hở van nhân tạo: có thể xuất hiện trên cả van cơ học và van sinh học. Đối với van tim cơ học chủ yếu là do hình thành huyết khối trên van, còn van tim sinh học là do quá trình thoái hóa van theo thời gian.

Do vậy, người bệnh sau phẫu thuật thay van tim cần sắp xếp lối sống, sinh hoạt điều độ, khoa học và tuân thủ điều trị để không làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của van tim và tim.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan