Lưu ý trong phối hợp thuốc tăng huyết áp

Hiện nay tình trạng tăng huyết áp ngày càng trở nên phổ biến với tỷ lệ người mắc đang ngày một gia tăng. Đặc biệt ở những bệnh nhân mắc phải bệnh này lâu năm có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Do đó, việc phối hợp thuốc điều trị tăng huyết áp đang là giải pháp được nhiều bác sĩ sử dụng. Vậy cách phối hợp thuốc huyết áp như thế nào là đúng?

1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng huyết áp

Phần lớn nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp ở người lớn tuổi là không rõ nguyên nhân, hay còn gọi là tăng huyết áp vô căn hoặc tăng huyết áp nguyên phát và 10% là có nguyên nhân gây ra, còn gọi là tăng huyết áp thứ phát.

2. Tại sao cần phối hợp thuốc trong điều trị tăng huyết áp?

Có một số lợi ích rõ rệt đã được nghiên cứu khi thực hiện phối hợp thuốc trong điều trị tăng huyết áp như sau:

  • Tăng tác dụng điều chỉnh huyết áp: Đây là mục tiêu đầu tiên khi thực hiện phối hợp các thuốc điều trị cao huyết áp với nhau nhờ vào tác dụng cộng hợp. Ví dụ như khi kết hợp thuốc Amlodipin có cơ chế ức chế kênh canxi để làm giảm kháng lực ngoại biên và thuốc atenolol chẹn beta làm giảm nhịp tim.
  • Giảm đi tác dụng phụ của thuốc so với khi chỉ dùng đơn liều: Việc phối hợp thuốc giúp giảm đi các tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến cơ thể như Nifedipine làm nhịp tim nhanh nhưng nhóm chẹn bêta làm nhịp tim chậm nên có tác dụng trung hòa. Tác dụng phụ của thuốc cũng giảm đi rõ rệt vì khi phối hợp sẽ không dùng liều ở mức quá cao.
  • Có tác động tốt ở cơ quan đích: Ở thận, nhóm thuốc chẹn kênh canxi như Amlodipin giúp làm giảm trương lực động mạch đến, trong khi đó nhóm thuốc đối kháng thụ thể Angiotensin II như losartan làm giảm trương lực động mạch đi. Do đó, áp lực tại cầu thận sẽ giảm rất tốt khi phối hợp 2 thuốc này trong điều trị. Đặc biệt với khả năng làm giảm albumin niệu ở bệnh nhân đái tháo đường.
  • Đơn giản hóa điều trị: Theo phương thức cổ điển thì bác sĩ thường bắt đầu điều trị với liều thấp và tăng dần lên tối đa trong trường hợp bệnh nhân chưa kiểm soát được huyết áp. Nhưng điều này có thể tăng nguy cơ mắc phải tác dụng phụ. Việc phối hợp thuốc giúp đơn giản hóa điều trị với một liều cố định trong suốt quá trình đang là xu hướng được nhiều người sử dụng hiện nay.

3. Nguyên tắc phối hợp thuốc tăng huyết áp

3.1. Nguyên tắc chung

  • Đánh giá nguy cơ tổng quát đối với từng cá nhân trước khi điều trị để xác định thuộc nhóm nguy cơ thấp, vừa, cao hay rất cao.
  • Không được hạ huyết áp quá nhanh.
  • Hạ huyết áp từng bước với từng cá thể là khác nhau.
  • Điều trị lâu dài với mục tiêu đạt được liều duy trì thích hợp.
  • Tăng cường giáo dục ý nghĩa việc điều trị đối với bệnh nhân
  • Lưu ý đến điều kiện kinh tế của bệnh nhân.

3.2. Nguyên tắc phối hợp thuốc

Các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh rằng việc phối hợp nhiều nhóm thuốc điều trị cao huyết áp là cần thiết để đạt được huyết áp mục tiêu, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao. Việc phối hợp thuốc dựa vào sinh lý bệnh thông qua 3 cơ chế chính:

  • Giảm thể tích bằng cách sử dụng nhóm thuốc lợi tiểu như Thiazides, lợi tiểu quai, kháng Aldosteron.
  • Giảm tần số tim như nhóm chẹn beta và nhóm chẹn kênh calcium như Verapamin, Diltiazem.
  • Giảm kháng lực mạch máu bằng cách dùng các thuốc dãn mạch do ức chế hệ renin như ức chế men chuyển, ức chế thụ thể, hoặc nhóm dãn cơ trơn như chẹn kênh calcium Dihydropyridine và chẹn thụ thể alpha hoặc dãn mạch trực tiếp như hydralazine, minoxidil.

Để giải quyết triệt để nguyên nhân gây ra tăng huyết áp thì thuốc phối hợp thứ 2 hoặc thứ 3 cần phải có những thay đổi bù trừ gây ra do thuốc đầu tiên, ví dụ như khi sử dụng thuốc lợi tiểu sẽ kích thích tiết renin thì thuốc thứ 2 hay thứ 3 phải là thuốc ức chế hệ renin... Nếu thuốc ban đầu có tác dụng ức chế hệ renin nhưng không đạt được tác dụng này thì thuốc thứ 2 cần phải tăng tiết renin hoặc không được ức chế renin. Do đó, khi phối hợp thuốc cần lưu ý các thuốc này có tác dụng cộng hưởng hoặc ít nhất là không gây ảnh hưởng đến tác dụng của nhau.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

200 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan