Tắc mạch máu não nguy hiểm thế nào?

Tắc mạch máu não là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai biến mạch mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ. Bệnh khởi phát trong khoảng thời gian nhanh và ít dấu hiệu báo trước. Hậu quả của bệnh thường rất nặng nề, tỷ lệ tử vong cao.

1. Tắc mạch máu não là gì?

Hệ tuần hoàn bao gồm tim và hệ thống các mạch máu có chức năng vận chuyển máu đi khắp cơ thể để nuôi dưỡng tất cả các bộ phận.

Khi các mạch máu lên não bị chít hẹp hoặc ách tắc bởi các yếu tố bệnh lý, điều này đồng nghĩa với việc dòng máu lên não không lưu thông. Não không được tưới máu thường xuyên dẫn đến rối loạn và mất các chức năng vùng não, sau đó là hoại tử tế bào não. Đây chính là tiến triển dẫn tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ của tắc mạch máu não.

2. Nguyên nhân gây tắc mạch máu não

Có 4 nhóm nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này:

  • Xơ vữa động mạch: Đây là nhóm nguyên nhân chiếm đến 50% trên tổng số các nguyên nhân gây ra tắc mạch máu não. Khi lượng chất béo, cholesterol trong máu cao, nó có xu hướng lắng đọng lại và tạo nên các mảng xơ vữa trong mạch máu. Đây chính là yếu tố gây cản trở quá trình lưu thông máu. Đối tượng có nguy cơ bị xơ vữa động mạch bao gồm: người bị tăng huyết áp, lipid máu cao, tiểu đường, hút thuốc lá, người cao tuổi...
  • Bệnh huyết khối ở tim: Khi xuất hiện những cục máu đông ở trong lòng các mạch máu, quá trình lưu thông máu cũng bị ảnh hưởng. Các đối tượng thường gặp bệnh lý này bệnh nhân bị bệnh rung nhĩ hoặc bệnh van tim.
  • Tắc các mạch máu nhỏ trong não: Nguyên nhân này chiếm 25%.
  • Xuất phát từ các bệnh lý về máu: Nguyên nhân này tương đối ít gặp, chỉ chiếm khoảng 5%.

3. Các triệu chứng có thể gặp ở người tắc mạch máu não

Các triệu chứng tắc mạch máu não thường không điển hình khiến cho bệnh nhân dễ bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Một số dấu hiệu mà bệnh nhân lên lưu ý như:

  • Đau đầu
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Gặp vấn đề trong việc nói
  • Lệch hoặc méo mặt
  • Run tay
  • Đau tức ở ngực

4. Tắc mạch máu não có nguy hiểm không?

Hậu quả của tắc mạch máu não là tai biến mạch máu não hay đột quỵ. Đây là những bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao, chiếm đến trên 60%. Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não cần được can thiệp và xử trí trong thời gian nhanh nhất có thể, vì việc chậm trễ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

Trong số những bệnh nhân sống sót, có đến 92% mắc các di chứng nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của bệnh nhân như:

  • Hôn mê
  • Liệt (có thể liệt toàn thân, liệt nửa người hoặc liệu 1 bộ phận)
  • Rối loạn ngôn ngữ
  • Khó nuốt
  • Suy giảm trí nhớ
  • Phản xạ kém
  • Chức năng vận động phục hồi kém dẫn đến mất khả năng tự chăm sóc.

Có thể nói, những di chứng của tắc nghẽn mạch máu não là rất nặng nề, có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của người bệnh. Bệnh nhân thường phải tiếp nhận phục hồi trong một khoảng thời gian dài, tỷ lệ phục hồi hoàn toàn không cao. Do đó, việc phòng ngừa và nhận biết sớm nguy cơ mắc bệnh là rất quan trọng.

5. Cách phòng ngừa tắc nghẽn mạch máu não

Những đối tượng có nguy cơ bị tắc mạch máu não cao như người tăng huyết áp, cao mỡ máu, tiểu đường hay người cao tuổi nên chủ động phòng ngừa tai biến mạch máu não và đột quỵ thông qua những thay đổi trong lối sống hàng ngày như:

  • Xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp, đảm bảo khoa học: Đây là việc làm rất cần thiết để phòng ngừa tắc mạch máu não. Chế độ ăn cần duy trì lượng chất béo ở mức độ hạn chế, giảm mặn, tăng cường nhiều rau xanh và các thực phẩm chống oxy hóa. Hạn chế các đồ ăn nhanh, nước uống ngọt có ga, các đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, vì đây là nguyên nhân khiến các bệnh lý như rối loạn lipid máu hay tiểu đường trở nên trầm trọng hơn. Việc thường xuyên bổ sung những thực phẩm có chứa dưỡng chất nuôi dưỡng mạch máu cũng rất quan trọng.
  • Thường xuyên vận động, tập thể dục với cường độ hợp lý: Duy trì vận động hàng ngày giúp tăng lưu thông máu trong cơ thể. Tùy thuộc theo độ tuổi và khả năng mà người bệnh nên xây dựng cho mình một chế độ tập thể dục phù hợp. Ngồi quá lâu khi làm việc hàng ngày khiến cơ thể trì trệ, giảm lưu thông khí huyết.
  • Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một trong các yếu tố nguy cơ cao của bệnh tắc mạch máu não. Do đó việc từ bỏ thuốc lá là rất cần thiết.
  • Duy trì khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần: Việc khám sức khỏe định kỳ giúp bạn phát hiện kịp thời và kiểm soát được các yếu tố nguy cơ gây tắc mạch máu não. Thường xuyên thăm khám và làm các xét nghiệm là rất quan trọng, nhất là với đối tượng người cao tuổi. Căn cứ vào các chỉ số khám sức khỏe, bác sĩ có thể đánh giá nguy cơ và đưa ra những lời khuyên hữu ích cho bạn.
  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ: Ở những đối tượng có nguy cơ tai biến mạch máu não cao như bệnh nhân bị xơ vữa động mạch, người tiểu đường, cao huyết áp,... bác sĩ thường chỉ định điều trị bằng thuốc cho bệnh nhân. Những thuốc này có đặc điểm là phải sử dụng hàng ngày và duy trì trong thời gian dài. Do đó, việc tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ là rất quan trọng. Người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc, uống thuốc không đúng liều lượng vì điều này làm gia tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu não ở các đối tượng kể trên.

Hy vọng rằng, bài chia sẻ này đã giúp các bạn hiểu hơn về tình trạng tắc mạch máu não. Hãy xây dựng một lối sống khoa học, chủ động phòng ngừa tắc nghẽn mạch máu não để luôn có một sức khỏe tốt các bạn nhé!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

133 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan