Phòng ngừa bệnh viêm, loét dạ dày-tá tràng, ung thư dạ dày do nhiễm H. Pylori

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương- Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Bệnh lý dạ dày tá tràng ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, vì đây là bệnh lý gây tử vong cao, nhất là bệnh lý viêm dạ dày do H.pylori. Tuy nhiên, bệnh sẽ có tiên lượng tốt nếu như người bệnh được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và có biện pháp theo dõi, điều trị hiệu quả. Vậy phòng ngừa bệnh viêm, loét dạ dày-tá tràng, ung thư dạ dày do nhiễm H. Pylori như thế nào?

Tình trạng nhiễm vi khuẩn H. Pylori ở các nước Đông Á khá phổ biến, đây được gọi là tiền ung thư dạ dày (UTDD), nhưng chỉ có một tỉ lệ nhỏ nhất định diễn tiến thành ung thư dạ dày. Tại Việt Nam, các nghiên cứu trên bệnh nhân viêm dạ dày mãn tính cho thấy tỷ lệ teo niêm mạc dạ dày chiếm đến 68 - 88%, chuyển sản ruột khoảng 12 - 29% và nghịch sản khoảng 3 - 11%. Tỉ lệ hình thành ung thư dạ dày hằng năm ở người có teo niêm mạc dạ dày chỉ khoảng 0,1%, chuyển sản ruột 0,25%, nghịch sản nhẹ 0,6% và nghịch sản nặng 6%.

1. Làm thế nào để có thể phòng ngừa bệnh viêm, loét dạ dày-tá tràng, ung thư dạ dày do nhiễm H.pylori?

Ung thư vẫn là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới, sau bệnh tim mạch và bệnh nhiễm khuẩn. Năm 2002, theo tổ chức ung thư toàn cầu, ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến hàng thứ tư trên thế giới, với hơn 900.000 ca bệnh mới và gần hai phần ba số trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển, điều kiện vệ sinh kém. Tuy nhiên, khác với một số bệnh lý khác, ung thư dạ dày không có sự phân bố theo địa lý rõ rệt. Thật vậy, những nước có tỉ lệ thấp (như Ấn Độ) cũng là nước ở trong khu vực có nguy cơ cao nhất (tức châu Á). Tương tự, trong quần thể nguy cơ thấp, cũng có những phân nhóm có nguy cơ cao hơn (ví dụ người Hàn Quốc sống ở Mỹ).

Kể từ khi tìm ra vi khuẩn H.pylori, năm 1982, do hai nhà khoa học người Úc là Warren và Marshall (nhận giải Nobel về Y học và Sinh lý học năm 2005), người ta càng nhận rõ vai trò quan trọng của H.pylori gây ra bệnh viêm, loét và có thể cả ung thư dạ dày. Năm 1994, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dựa trên các bằng chứng nghiên cứu dịch tễ học đã công nhận vi khuẩn H. pylori là nguyên nhân quan trọng, xếp vào nhóm 1 gây bệnh ung thư biểu mô dạ dày. Hiện nay thế giới đang tập trung vào việc nghiên cứu nhằm tìm ra vắc xin phòng ngừa H. pylori. Đã có một vài công bố tại Hội nghị tiêu hóa châu Âu tổ chức tại Áo, năm 2016, nhưng vẫn chưa thực sự có hiệu quả và thuyết phục.

Nhiễm H.Pylori
Hình 1: Nhiễm H.Pylori, yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày

Hơn nữa, một kết luận quan trọng khác có thể rút ra từ một số nghiên cứu đáng tin cậy là ung thư dạ dày có thể tiếp tục phát triển dù đã thanh toán H. pylori và bắt buộc phải theo dõi nội soi để chẩn đoán sớm. Kết luận này càng được củng cố bởi một tổng phân tích các nghiên cứu ngẫu nhiên đối chứng mới được công bố gần đây, so sánh nhóm điều trị thanh toán vi khuẩn với nhóm giả dược hoặc nhóm không điều trị, cung cấp số liệu về số ung thư dạ dày đã phát triển trong giai đoạn theo dõi sau nghiên cứu. Trong xét nghiệm mô học lúc ban đầu, phần lớn các đối tượng đều có chẩn đoán teo dạ dày, dị sản hoặc loạn sản ruột. Qua thời gian theo dõi từ 4 đến 10 năm, khoảng 1% bệnh nhân đã điều trị thanh toán vi khuẩn bị phát bệnh ung thư dạ dày, so với 50 trên 3031 bệnh nhân đối chứng (1,6%); sự khác biệt này cho thấy nguy cơ tương đối là 0,65. Như vậy, điều trị tiệt trừ H. pylori làm giảm được chút ít nguy cơ ung thư dạ dày ngay cả trên các đối tượng đã có tổn thương tiền ung thư, dù rằng nguy cơ không bị triệt tiêu hẳn. Theo các hướng dẫn hiện hành, phải xét nghiệm và điều trị nhiễm H. pylori trên bệnh nhân có tiền sử gia đình ung thư dạ dày, bị viêm teo dạ dày và sau mổ cắt bỏ dạ dày. Hơn nữa, trong những cộng đồng có xuất độ cao ung thư dạ dày, nên xem xét áp dụng chiến lược tầm soát và điều trị.

2. Sự phát triển ung thư dạ dày sau thanh toán Helicobacter pylori

Có một số khái niệm cần phải hiểu rõ: Các giai đoạn trung gian của ung thư dạ dày (còn được gọi là giai đoạn tiền ung thư) bao gồm teo niêm mạc dạ dày (lớp niêm mạc bị mỏng đi), chuyển sản ruột (tế bào ở niêm mạc dạ dày thay đổi hình thái giống như tế bào ở ruột non và đại tràng), nghịch sản (tế bào ở niêm mạc dạ dày đã có những biến đổi cấu trúc quan trọng hơn theo hướng thoát khỏi cơ chế kiểm soát của cơ thể). Mỗi giai đoạn nói trên lại có những mức độ thay đổi cấu trúc khác nhau và có các mức độ nguy cơ hình thành UTDD khác nhau.

Viêm teo niêm mạc dạ dày
Hình 2: Viêm teo niêm mạc dạ dày – hậu quả của nhiễm H.Pylori

Trước đây, người ta quan niệm, H.Pylori là nguyên nhân gây ung thư dạ dày, điều trị tiệt trừ H.pylori sẽ ngăn chặn nguy cơ ung thư dạ dày về sau. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của Fuccio L và cộng sự năm 2009, 1,0% số bệnh nhân vẫn phát triển ung thư dạ dày dù đã điều trị thanh toán H. pylori thành công. Gần đây, có báo cáo rằng khối u có thể phát triển sau nhiều năm điều trị thanh toán vi khuẩn. Không nên quên rằng ung thư dạ dày, cũng như các loại u bướu khác, là một bệnh do nhiều yếu tố và giải quyết một yếu tố không thể ngăn ngừa được tất cả các bệnh nhân ung thư. Theo dõi nội soi vẫn rất cần thiết, đặc biệt là trên các đối tượng có nguy cơ cao. Tuy vậy, một định nghĩa rõ ràng thế nào là đối tượng “nguy cơ cao” vẫn còn là đề tài tranh cãi. Người ta đã biết rõ rằng nguy cơ ung thư dạ dày thay đổi tùy loại tổn thương tiền ung thư ban đầu. Thật vậy, một nghiên cứu trên quy mô toàn quốc được thực hiện ở Hà Lan cho thấy trong 5 năm đầu theo dõi, bệnh nhân có chẩn đoán loạn sản mức độ thấp thì nguy cơ ung thư hàng năm là 0,6%, còn ở bệnh nhân loạn sản mức độ cao thì nguy cơ này là 6,0%. Trái lại, bệnh nhân viêm teo dạ dày và dị sản ruột, theo thứ tự, có nguy cơ ung thư hàng năm là 0,1% và 0,25% trong 5 năm đầu theo dõi.
Do đó, những bệnh nhân có chẩn đoán lúc ban đầu là loạn sản phải được quản lý chặt chẽ và theo dõi nội soi sát sao hơn so với bệnh nhân viêm teo dạ dày hoặc dị sản ruột . Tuy vậy, hiện không có tài liệu hướng dẫn quốc tế nào ở các nước phương Tây gợi ý nên theo dõi nội soi ra sao, bao lâu một lần và kéo dài trong bao nhiêu năm trên bệnh nhân có tổn thương tiền ung thư ở dạ dày sau khi điều trị thanh toán H. pylori.
Một số yếu tố nguy cơ đã được nhận diện đối với ung thư dạ dày ngoài tâm vị: nhiễm Helicobacter pylori, tình trạng kinh tế xã hội thấp, hút thuốc, ăn thức ăn ướp muối và xông khói, ít dùng rau quả, và tiền sử gia đình có bệnh ung thư dạ dày.

3. Duy trì chế độ ăn cho người nhiễm H. pylori

Chế độ ăn chắc chắn có một vai trò then chốt trong sự phát triển ung thư, như đã thấy với sự thay đổi xuất độ trên người nhập cư tùy theo nơi họ sống. Có nhiều bằng chứng khác nhau (từ các nghiên cứu sinh thái, bệnh chứng và thuần tập) gợi ý rằng ăn nhiều thức ăn ướp muối, hoặc ăn mặn, cũng như nitrosamin trong cá xông khói và rau củ ngâm giấm (dưa chua) “có lẽ” làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, như nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới/Tổ chức Lương Nông. Thật vậy, sự biến thiên của tỉ lệ tử vong ung thư dạ dày theo vùng địa lý trên thế giới, đặc biệt là ở Nhật Bản, có tương quan với mức tiêu thụ muối hàng ngày. Hơn nữa, sự giảm thấp xuất độ ung thư dạ dày ở Mỹ và châu Âu kết hợp với sự sử dụng rộng rãi phương pháp bảo quản lạnh thực phẩm hơn là ướp muối hoặc xông khói, và sự gia tăng tiêu thụ rau quả tươi.
Tuy nhiên, người ta vẫn chưa chứng minh được thành phần nào trong rau quả có tác dụng bảo vệ này. Stress oxy-hóa có thể gây đột biến gen, điều biến chương trình vòng bào và thúc đẩy quá trình sinh ung thư dạ dày. Do đó, các chất bổ sung chống oxy-hóa (ví dụ β-caroten, α-tocopherol và vitamin C) đã được thăm dò rộng rãi nhưng những số liệu tốt hiện có không cho thấy bất kỳ tác dụng có lợi nào trong việc đề phòng ung thư dạ dày.

Ăn nhiều rau xanh và trái cây giúp cải thiện chất lượng tinh trùng
Bệnh nhân nhiễm H. pylori cần tăng cường rau xanh trong chế độ ăn uống

Rất có thể nhiễm H. pylori và các yếu tố ẩm thực tác động hiệp lực với nhau để thúc đẩy sự phát triển ung thư dạ dày. Những nghiên cứu tiền cứu trên người gặp những khó khăn về mặt phương pháp và hậu cần khi phải khảo sát cùng một lúc nhiều nguyên nhân hội tụ của bệnh. Thật vậy, để duy trì sự kiểm soát chặt chế độ ăn và hiện trạng nhiễm H. pylori rõ ràng là không thể thực hiện trong các nghiên cứu trên toàn bộ dân số. Do đó, một số mô hình thực nghiệm trên động vật đã được phát triển. Bằng chứng gần đây nhất, dựa trên các nghiên cứu thực hiện trên loài linh trưởng, gợi ý rằng nhiễm khuẩn lâu ngày đơn thuần hoặc chỉ ăn thực phẩm có nitrosamin có thể gây viêm niêm mạc dạ dày nhưng không gây ung thư, tuy rằng ung thư sẽ phát triển khi đồng thời có cả hai yếu tố này.

Khi chưa có vắc xin phòng ngừa lây nhiễm và kể cả tái nhiễm sau điều trị H. pylori, cần chú ý những vấn đề sau để ngăn ngừa nguy cơ bệnh viêm, loét dạ dày-tá tràng, ung thư dạ dày do nhiễm H.pylori:

  • Ăn chín: Ăn nhiều rau trái cây, hạn chế ăn mặn, ăn thịt cá hun khói, thức ăn lên men, thức ăn bảo quản bằng hóa chất không rõ nguồn gốc...
  • Uống sạch: nên đun sôi nước để uống, nước đã đun sôi để tủ lạnh; bia nước ngọt ướp lạnh; nước trà giúp nhuận trường; bia, rượu vang tốt cho sức khỏe và tim mạch nếu uống vừa phải...
  • Cách ăn: Nên dọn mỗi người một phần ăn riêng như các nhà hàng Nhật Bản; hoặc cách ăn dọn từng món ăn như ở Pháp (hiện nay tại các nhà hàng Việt Nam đã bắt đầu dọn ăn theo cách này); hoặc ở gia đình nên dọn mỗi người một chén nước chấm riêng, mỗi món ăn để một muỗng (thìa, nĩa) và một đôi đũa chung để gắp và lấy thức ăn. Ví dụ khi ăn dùng muỗng lấy thức ăn vào chén (bát) của mình xong mới được cầm đũa của mình lên ăn. Đũa riêng đang sử dụng không được dùng gắp thức ăn chung, nếu muốn gắp phải dùng đôi đũa chung hoặc dùng đôi đũa riêng của mình nhưng phải trở đầu đũa. Để tránh lây nhiễm cho con cháu, ông bà cha mẹ không được nhai cơm nát để “mớm” cho trẻ nhỏ, không được thổi trực tiếp hoặc nếm và cho cháu ăn... Cách ăn và tập quán ăn “theo thói quen xấu” dùng đũa đang ăn (miệng mỗi người có thể đang bị viêm họng, sâu răng, lao phổi khạc đờm qua miệng, dịch dạ dày có H. pylori do trào ngược...) gắp thức ăn cho người khác cần nên bỏ. Nếu ông bà cha mẹ vì tình cảm và quan tâm đến con cháu có thể dùng muỗng/nĩa chung để lấy thức ăn cho con cháu. Nếu ăn uống không khoa học, ăn uống không đúng cách thì sẽ bị bệnh, bệnh sẽ tái lại do tái nhiễm H. pylori.

Ngoài ra, cần lưu ý bác sĩ điều trị: bệnh nhân tiếp tục để lây bệnh thì không thể nào chữa hết bệnh. Hiện nay, việc điều trị H. pylori là hết sức khó khăn do tỷ lệ kháng các thuốc kháng sinh đang ngày càng gia tăng đến mức báo động (theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới).
Điều trị tiệt trừ H. pylori là hết sức cần thiết khi có các chỉ định nêu trên. Việc chẩn đoán bệnh cho trẻ em cũng cần được lưu ý dùng các xét nghiệm ít xâm hại như hơi thở, huyết thanh, thử phân... khi cần thiết và ở trẻ lớn có thể nội soi gây mê. Ở một số bệnh nhân nặng, phải được nội soi để có thể chẩn đoán chính xác nhằm tránh bỏ sót ung thư dạ dày trước khi điều trị. Sau điều trị, người bệnh cần ngưng không uống thuốc dạ dày và kháng sinh trong một tháng theo quy ước Quốc tế, để kiểm tra kết quả điều trị H. pylori bằng nội soi dạ dày-tá tràng hoặc bằng xét nghiệm hơi thở... Mùa xuân về, để có được những ngày Tết yên vui, sum họp đầm ấm bên gia đình trọn vẹn, và trong 14 điều răn của đức Phật có câu: “Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe”. Chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình, cho mọi người và chăm lo cho con cháu mai sau lớn lên không còn bệnh hoặc hạn chế lây nhiễm chỉ đơn giản bằng cách ăn uống một cách khoa học, vệ sinh và đúng cách...

thuốc kháng sinh
Sau khi điều trị nhiễm H. pylori, người bệnh cần dừng uống thuốc kháng sinh trong một tháng

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ uy tín được nhiều bệnh nhân tin cậy trong thực hiện kỹ thuật chẩn đoán và điều trị các bệnh lý viêm dạ dày, tá tràng... Cùng với đó, tại Vinmec, việc thực hiện chẩn đoán thông qua nội soi dạ dày tá tràng với máy nội soi Olympus CV 190, với chức năng NBI (Narrow Banding Imaging - nội soi với dải tần ánh sáng hẹp) cho kết quả hình ảnh phân tích bệnh lý niêm mạc rõ nét hơn so với nội soi thông thường, phát hiện các tổn thương viêm loét ở ống tiêu hóa. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, luôn tận tâm tận lực trong khám chữa bệnh, khách hàng có thể yên tâm với dịch vụ nội soi đại trực tràng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Khách hàng quan tâm tới dịch vụ chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa và có mong muốn tầm soát và phát hiện sớm ung thư thực quản dạ dày từ khi chưa có triệu chứng có thể liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

201 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan