Chăm sóc mẹ để trẻ không bị suy dinh dưỡng bào thai

Trong thời gian mang thai, nếu người mẹ không được ăn uống đầy đủ, làm việc - nghỉ ngơi không hợp lý hoặc bị bệnh thì trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng bào thai. Bởi vậy, chú trọng tới vấn đề dinh dưỡng khi mang thai có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe của trẻ.

1. Suy dinh dưỡng bào thai là gì?

Suy dinh dưỡng bào thai là thể suy dinh dưỡng thể hiện sớm nhất ở trẻ. Trẻ được coi là suy dinh dưỡng bào thai nếu được sinh đủ tháng nhưng cân nặng lúc mới ra đời dưới 2.500g. Ở những trẻ này, các cơ quan như da, cơ, xương, gan, não, thận,... đều bị ảnh hưởng.

Suy dinh dưỡng bào thai xảy ra ở 3 tháng cuối của thai kỳ sẽ làm não bộ trẻ chậm phát triển, sau này bé thường kém thông minh. Bên cạnh đó, suy dinh dưỡng bào thai còn thường đi kèm với các bệnh mạn tính khá như: bệnh tim mạch, bệnh chuyển hóa, bệnh về máu và các dị tật bẩm sinh.

Ngoài ra, trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai khi chào đời cũng dễ bị hạ đường máu, hạ thân nhiệt gây rối loạn nhịp thở, hạ canxi máu gây co giật. Nếu được nuôi dưỡng đúng cách, trẻ có thể tăng trưởng bình thường, đạt mức cân nặng như các trẻ khác sau 2 - 3 tháng. Ngược lại, trường hợp nuôi dưỡng không tốt, trẻ sẽ tiếp tục bị suy dinh dưỡng, ốm đau, chậm phát triển trí tuệ và thể chất.

Đặc biệt, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng hơn 30% số trẻ có cân nặng khi sinh dưới 2.500g thường tử vong trong năm đầu đời.

2. Chăm sóc dinh dưỡng khi mang thai để trẻ không bị suy dinh dưỡng bào thai

Việc phát triển của bào thai chịu ảnh hưởng nhiều bởi chế độ dinh dưỡng của người mẹ. Dinh dưỡng từ cơ thể mẹ sẽ theo máu, qua nhau thai tới nuôi dưỡng thai nhi nên cần đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho mẹ và bé để trẻ phát triển toàn diện, không bị suy dinh dưỡng bào thai. Một số vấn đề cần chú ý trong việc chăm sóc dinh dưỡng khi mang thai là:

2.1 Các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho bà mẹ mang thai

  • Nhu cầu năng lượng: Cần 2.550 kcal/ngày;
  • Chất đạm và chất béo: Để xây dựng các tổ chức cơ thể của mẹ và bé. Chất đạm cần tăng thêm 15g/ngày so với mức tiêu thụ của người bình thường và chất béo cần chiếm khoảng 20% tổng năng lượng (tương đương 40g). Thực phẩm có nhiều chất đạm và chất béo tốt cho sức khỏe của các thai phụ là sữa, trứng, tôm, cua, cá, ốc, đậu tương, đậu xanh, vừng, lạc,...;
  • Sắt: Phụ nữ mang thai nên bổ sung 60 mg sắt nguyên tố/ngày trong suốt thời kỳ mang thai tới sau sinh 1 tháng. Sắt có nhiều trong thịt, cá, nghêu, sò, ốc, hến, ngũ cốc, tiết động vật,...;
  • Kẽm: Thiếu kẽm có thể gây sảy thai, sinh non hoặc sinh già tháng, thai chết gần ngày sinh,... Vì vậy, cần đảm bảo nhu cầu kẽm của thai phụ là 15 mg/ngày. Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, cá và các loại hải sản;
  • Canxi: Mỗi ngày bà mẹ mang thai và cho con bú nên tiêu thụ khoảng 800 - 1.000 mg canxi. Canxi có nhiều trong tôm, cua, cá và các chế phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua, phô mai,...;
Thai phụ nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu sắt trong suốt thai kỳ
Thai phụ nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu sắt trong suốt thai kỳ

  • Axit folic: Thiếu axit folic ở người mẹ có thể gây thiếu cân ở trẻ sơ sinh. Đồng thời, axit folic còn ngăn ngừa dị tật ống thần kinh của thai nhi. Do vậy, cần bổ sung axit folic trong thời kỳ mang thai với lượng khoảng 300 - 400 mcg/ngày. Nguồn cung cấp axit folic dồi dào trong thực phẩm là rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,...;
  • I-ốt: Phụ nữ mang thai bị thiếu i-ốt có nguy cơ cao bị sảy thai tự nhiên, sinh non, thai chết lưu. Khi bị thiếu i-ốt nặng, trẻ sinh ra có thể bị tổn thương não vĩnh viễn hoặc có các khuyết tật bẩm sinh như nói ngọng, điếc, liệt các chi, câm, mắt lác,... Do vậy, cần bổ sung đủ lượng i-ốt cho nhu cầu của phụ nữ mang thai là 175 - 200 mcg/ngày. Nguồn thức ăn giàu i-ốt là cá biển, rong biển, nghêu sò, muối có tăng cường i-ốt,...;
  • Các loại vitamin: Vitamin A (bổ sung 600 mcg/ngày, có nhiều trong sữa, trứng, gan, rau màu xanh đậm, củ quả màu vàng, đỏ); vitamin D (bổ sung 10 mcg/ngày, có nhiều trong cá, trứng, sữa,...); vitamin B1 (bổ sung 1,1 mg/ngày, có hàm lượng dồi dào trong ngũ cốc và các loại hạt họ đậu); vitamin B2 (nhu cầu mỗi ngày là 1,5mg, có nhiều trong thức ăn động vật, các loại rau, đậu, sữa,...) và vitamin C (nhu cầu mỗi ngày là 80mg, có nhiều trong các loại quả chín).

2.2 Chế độ dinh dưỡng trong các giai đoạn của thai kỳ

  • Dinh dưỡng trong 3 tháng đầu

Đây là giai đoạn hình thành các cơ quan, tổ chức của thai như tủy sống, tim, gan, phổi, não,... nên cần tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu đạm như trứng, thịt, sữa, các loại đậu,... Đồng thời, cần đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, khắc phục tình trạng nghén để đạt mức tăng cân phù hợp là khoảng 1kg/tháng.

Ngoài việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn, bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu cần uống bổ sung viên sắt và axit folic theo liều lượng được bác sĩ chỉ định để phòng ngừa thiếu máu và nguy cơ con bị dị tật. Khi uống viên sắt và axit folic, thai phụ có thể gặp phải một số tác dụng phụ như buồn nôn, táo bón nhưng không gây hại gì và thường mất đi sau vài tuần.

  • Dinh dưỡng trong 3 tháng giữa

Đây là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh nên cần đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của bà mẹ mang thai. Theo đó, khẩu phần ăn của thai phụ trong giai đoạn 3 tháng giữa nên tăng 250 kcal/ngày (tương đương 1 bát cơm và lượng thức ăn hợp lý).

Ngoài ra, 3 tháng giữa thai kỳ cũng là giai đoạn phát triển về khung xương và chiều cao của trẻ nên người mẹ cần chú ý ăn các thực phẩm giàu canxi và kẽm như trứng, sữa, tôm, cua, thủy sản,...

  • Dinh dưỡng trong 3 tháng cuối

Đây là giai đoạn thai nhi phát triển cân nặng nhanh nhất nên thai phụ cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của thai nhi, tránh tình trạng suy dinh dưỡng bào thai. Về khẩu phần ăn, người mẹ nên tăng 450 kcal/ngày, tương đương 2 bát cơm và có lượng thức ăn hợp lý.

Ngoài ăn cơm đủ no, bà mẹ mang thai cần bổ sung thêm chất đạm và chất dinh dưỡng vào chế độ ăn của mình để góp phần xây dựng, phát triển cơ thể trẻ.

2.3 Lưu ý về dinh dưỡng và sinh hoạt khi mang thai

  • Tuyệt đối không hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích;
  • Giảm ăn các loại gia vị cay nóng như hạt tiêu, ớt, tỏi,...;
  • Hạn chế thức ăn chế biến sẵn và hạn chế uống cà phê, trà đặc;
  • Bà mẹ có phù, tăng huyết áp hoặc bị nhiễm độc thai nghén nên giảm ăn mặn để tránh tai biến khi sinh;
Thai phụ không nên ăn đồ cay nóng
Thai phụ không nên ăn đồ cay nóng

  • Nên ăn nhiều rau quả vì nhóm thực phẩm này cung cấp đủ chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết;
  • Chọn thực phẩm tươi, sạch và có giá trị dinh dưỡng cao, đảm bảo vệ sinh;
  • Bữa ăn cần đa dạng nhiều loại thực phẩm khác nhau, không nên quá kiêng khem;
  • Những thai phụ bị nghén nên chia nhỏ bữa ăn và ăn nhiều lần trong ngày;
  • Việc sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai cần đặc biệt thận trọng, tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ;
  • Phụ nữ có thai nên làm việc theo khả năng, không làm việc quá sức;
  • Tránh làm việc ở trên cao hoặc ngâm mình dưới nước. Ở tháng cuối nên vận động nhẹ nhàng bằng cách làm việc nhà và không nên nghỉ ngơi thụ động;
  • Đảm bảo ngủ mỗi ngày tối thiểu 8 tiếng, nên ngủ trưa 30 phút - 1 tiếng;
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu và hạn chế đi xa;
  • Giữ môi trường sống trong lành, tránh bụi và khói thuốc lá;
  • Khám thai định kỳ theo đúng lịch và khám thai ngay nếu có các dấu hiệu bất thường như đau bụng từng cơn, đau bụng dữ dội, xuất huyết âm đạo, thai ít máy hoặc không máy,...;
  • Khám vú, lưu ý phát hiện bất thường núm vú như núm vú ngắn hoặc núm vú thụt để hướng dẫn bà mẹ cách nuôi con bằng sữa mẹ;
  • Tiêm phòng đủ các mũi theo khuyến nghị của bác sĩ.

Chăm sóc dinh dưỡng khi mang thai đóng vai trò then chốt trong việc phòng tránh suy dinh dưỡng bào thai ở trẻ sơ sinh. Đây cũng là tiền đề quan trọng cho sự phát triển toàn diện về trí não và thể chất của trẻ.

Thai phụ có thể gặp các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng trong suốt thai kỳ, đảm bảo bé không có khả năng mắc suy dinh dưỡng bào thai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan