Có nên ăn hạt kê?

Hạt kê còn được gọi với cái tên là tiểu mễ, đây là một loại ngũ cốc tuy không phải là loại ngũ cốc chính tại nước ta, nó thường được sử dụng làm cháo hay bánh đa kê với giá trị dinh dưỡng cao. Không chỉ vậy hạt kê còn được ứng dụng trong điều trị một số bệnh từ xưa tới nay.

1. Đặc điểm hạt kê

Kê là một loại cây lương thực, còn được gọi với những tên gọi khác như tiểu mễ, cốc tử, bạch lương túc...có hình dáng gần giống với cây cây lúa mì, nhưng hạt kê thường to hơn nhiều so với hạt lúa mì.

Cây kê ít được trồng ở nước ta, nhưng nó là loại thực quan trọng của nhiều nước Châu Âu và Trung Quốc. Tại Việt Nam cây kê cũng được trồng ở một số tỉnh có khí hậu khô nóng và ít mưa như Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị bởi cây kê cần ít nước và khả năng chịu hạn rất tốt.

Tuy hạt kê là loại lương thực phụ nhưng nó lại có giá trị dinh dưỡng cao và được sử dụng làm nhiều món ăn được rất nhiều người yêu thích như cháo, bánh đa kê...

2. Có nên ăn hạt kê không?

Hạt kê là một loại ngũ cốc có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như tinh bột, protein, lipid, rất giàu hàm lượng khoáng chất canxi, Photpho, đặc biệt có hàm lượng sắt rất cao, các loại vitamin nhóm B như B1, B2... Là những thành phần rất có lợi cho sức khỏe. Cho nên việc ăn thường xuyên hạt kê rất tốt cho cơ thể, đặc biệt những người kém hấp thu, mới ốm dậy...

Hạt kê có rất nhiều tác dụng tốt như:

  • Giúp ổn định đường huyết: Đây là loại hạt có chỉ số đường huyết thấp, có lượng chất xơ cao hơn so với một số loại hạt ngũ cốc khác, cho nên giúp bổ sung đủ dinh dưỡng nhưng không gây tăng đường huyết. Món cháo kê là lựa chọn tuyệt vời cho bữa ăn phụ của người tiểu đường.
  • Tốt cho hệ tiêu hóa: Hạt kê theo đông y có tác dụng kiện tỳ, ích vị nên được sử dụng cho những người có tình trạng tỳ vị hư làm ăn không ngon, hạt bị nôn ói, tiêu chảy, ăn uống không tiêu, kém hấp thu. Thường xuyên dùng hạt kê sẽ giúp những người có hệ tiêu hóa kém cải thiện tốt hơn.
  • Giúp bổ máu: Trong hạt kê không chỉ có nhiều thành phần tốt cho sức khỏe, mà hàm lượng sắt trong hạt kê tương đối cao. Sắt là một thành phần quan trọng trong quá trình tạo hồng cầu, cho nên giúp ích cho những người bị thiếu máu thiếu sắt, nhất là phụ nữ mang thai và sau sinh nhu cầu về sắt tăng.
  • Hỗ trợ điều trị suy nhược có thể: Hạt kê rất tốt cho những người thường xuyên mệt mỏi, gây yếu, ăn ngủ kém, mới ốm dậy vì trong hạt kê chứa hàm lượng sinh tố B và các chất vi lượng cần thiết cho quá trình phục hồi sức khỏe. Theo đông y thì người mới ốm dậy rất cần được bồi bổ tỳ vị, vì đây là cơ quan trọng trong dễ bị tổn thương, mà hạt kê lại có công hiệu bổ tỳ vị rất tốt.
  • Kích thích tiết sữa cho phụ nữ sau sinh: Hạt kê giúp cho phụ nữ sau sinh có nhiều sữa.
  • Hạt kê có vị ngọt, mặn tính mát có tác dụng bổ thận dùng trong trường hợp thận hư gây đau lưng, mỏi gối, tóc bạc sớm, di tinh, mộng tinh...

Với những công hiệu tuyệt vời như trên thì bạn nên ăn hạt kê, có thể ăn mỗi ngày giúp bổ sung chất dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe.

Có nên ăn hạt kê?
Ăn hạt kê có tác dụng gì là thắc mắc của nhiều người dùng

3. Một số cách chế biến hạt kê

Hạt kê có thể được chế biến dưới nhiều cách khác nhau, được dùng riêng lẻ hay kết hợp với những vị thuốc khác giúp tăng công hiệu điều trị.

  • Cháo kê thịt gà: Hạt kê vo sạch ngâm khoảng 1 giờ cho mềm, thịt gà luộc chín. Vớt gà ra cho khô rồi xé nhỏ, đồng thời cho hạt kê đã ngâm vào nước luộc gà nấu lửa nhỏ, cần khuấy liên tục để tránh bị cháy. Khi hạt kê chín thì cho gà vào và cho gia vị vừa ăn. Cháo hạt kê thịt gà là món ăn bổ dưỡng rất tốt cho người gầy yếu, mệt mỏi, chán ăn, mới ốm dậy, phụ nữ sau sinh ít sữa...
  • Cháo kê với khoai lang: Chuẩn bị hạt kê vừa ăn bỏ vỏ, khoai lang gọt vỏ thái lạt. Cho hai loại vào nấu cùng nhau tới khi chín, nêm gia vị vừa đủ. Món ăn này có thể dùng cho bữa sáng rất tốt cho người tiểu đường, ăn không ngon...
  • Cháo kê chay: Chuẩn bị bột mì và hạt kê với tỷ lệ 1:2, sau đó trộn đều hai nguyên liệu dùng để nấu thành cháo. Ăn khi đói ngày 2 lần rất tốt cho người cao tuổi, tỳ vị hư, ăn uống không tiêu, gầy sút cân, tiểu đường...
  • Cháo kê với trúc diệp: Chuẩn bị hạt kê và một ít lá trúc diệp(lá tre) đã được thái nhỏ. Nấu trúc diệp lên sau đó lấy nước bỏ bã, cho hạt kê vào nước lá trúc diệp nấu lên thành cháo. Món ăn rất tốt cho những người bị say nắng, say nóng, hồi hộp trống ngực...
  • Cháo kê với đại táo: Chuẩn bị khoảng 200gr hạt kê với khoảng 12 quả đại táo. Sau đó nấu thành cháo, cho thêm đường vừa ăn. Món này rất tốt cho trẻ em,người già bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, ăn kém, người mệt mỏi...
  • Cơm hạt kê: Hạt kê được nấu thành dạng cơm xôi dùng để ăn hàng ngày thay cơm. Tốt cho người mắc bệnh tiểu đường.
  • Chè kê: Chuẩn bị kê khoảng 150gr , đường phèn khoảng 5-7 cục (50g). Kê xát sạch vỏ, nấu cháo chín rồi cho đường vào, đánh tan, đun sôi là được. Món này tốt cho những người lao động nặng hay phòng dục quá độ gây nên thấy người hâm hấp nóng, ho, ra mồ hôi trộm, mất ngủ.

Lưu ý bạn không nên ăn hạt kê với hạt hạnh nhân để tránh gây ra tình trạng nôn và tiêu chảy.

Tóm lại, trả lời câu hỏi có nên ăn hạt kê không thì câu trả lời là có. Bởi hạt kê có giá trị dinh dưỡng cao, lại có chỉ số đường huyết thấp phù hợp với cả người mắc bệnh tiểu đường.

Hãy thường xuyên theo dõi website Vinmec (www.vinmec.com) để cập nhật thông tin chăm sóc sức khỏe hữu ích và để lại thông tin khi cần bác sĩ tư vấn hỗ trợ nhé!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

78.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan