Inositol (vitamin B8): Lợi ích, tác dụng phụ và liều dùng

Inositol xuất hiện tự nhiên trong các loại thực phẩm như trái cây, đậu, ngũ cốc và các loại hạt. Cơ thể cũng có thể sản xuất inositol từ carbohydrate trong thực phẩm. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung inositol có thể có nhiều lợi ích sức khỏe. Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn chi tiết về lợi ích, liều lượng khuyến cáo và tác dụng phụ tiềm ẩn của chất bổ sung inositol.

1. Inositol - vitamin B8 là gì?

Mặc dù thường được gọi là vitamin B8, inositol hoàn toàn không phải là vitamin mà là một loại đường có một số chức năng quan trọng. Inositol đóng vai trò cấu trúc trong cơ thể như là một thành phần chính của màng tế bào. Tuy nhiên, nó cũng ảnh hưởng đến hoạt động của insulin-một loại hormone cần thiết cho việc kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài ra, nó ảnh hưởng đến các chất hóa học truyền thông tin trong não, chẳng hạn như serotonindopamine.

Một số nghiên cứu đã ước tính rằng một chế độ ăn điển hình ở Mỹ có chứa khoảng 1 gam inositol-vitamin B8 mỗi ngày. Nguồn phong phú vitamin B8 có trong thực phẩm bao gồm ngũ cốc, đậu, các loại hạt và trái cây và rau quả tươi. Tuy nhiên, liều bổ sung của inositol thường cao hơn. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu lợi ích của liều lên tới 18 gam mỗi ngày với kết quả đầy hứa hẹn và ít tác dụng phụ.

Các loại hạt
Vitamin B8 có thể được tìm thấy trong các loại hạt

2. Tác dụng của inositol

Dựa vào vai trò của inositol - vitamin B8, chúng ta có thể nhận định được vitamin B8 có tác dụng như:

2.1. Có thể có lợi ích sức khỏe tâm thần

Inositol có thể giúp cân bằng các hợp chất quan trọng trong não bao gồm cả những chất được cho là ảnh hưởng đến tâm trạng chẳng hạn như serotonin và dopamine

Thật thú vị, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số người mắc chứng trầm cảm, lo âu và rối loạn lưỡng cực có mức độ inositol trong não thấp hơn.

Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn về tác dụng của inositol, nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng inositol có khả năng được áp dụng là phương pháp điều trị thay thế cho các tình trạng sức khỏe tâm thần. Nó dường như cũng có ít tác dụng phụ hơn so với các loại thuốc truyền thống.

  • Rối loạn hoảng sợ

Trong khi nghiên cứu vẫn còn hạn chế đối với các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần, bổ sung inositol có thể hữu ích để điều trị rối loạn hoảng sợ là một dạng lo âu nghiêm trọng.

Những người mắc chứng rối loạn hoảng sợ thường trải qua các cơn hoảng loạn thường xuyên, đó là những cảm giác sợ hãi đột ngột. Các triệu chứng bao gồm nhịp tim nhanh, khó thở, chóng mặt, đổ mồ hôi và cảm giác ngứa ran hoặc tê ở tay.

Trong một nghiên cứu được thực hiện ở 20 người bị mắc chứng rối loạn hoảng sợ đã sử dụng thuốc bổ sung inositol 18 gam hoặc thuốc lo âu thông thường mỗi ngày, kéo dài trong 1 tháng. Kết quả cho thấy, những người dùng inositol có ít cơn hoảng loạn hơn mỗi tuần so với những người dùng thuốc lo âu.

Rối loạn hoảng sợ
Vitamin B8 giúp cải thiện các triệu chứng của rối loạn hoảng sợ

  • Trầm cảm

Inositol có thể cải thiện các triệu chứng trầm cảm, nhưng một số nghiên cứu chưa có kết quả thống nhất. Ví dụ, một nghiên cứu ban đầu đã chứng minh rằng việc bổ sung inositol 12 gam mỗi ngày trong 4 tuần đã cải thiện các triệu chứng ở những người bị trầm cảm. Ngược lại, các nghiên cứu tiếp theo lại không cho thấy bất kỳ lợi ích đáng kể nào của hợp chất này. Nhìn chung, vẫn chưa có đủ bằng chứng để nói liệu inositol có ảnh hưởng thực sự đến trầm cảm hay không. Và cần thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu để làm rõ vai trò của inositol.

  • Rối loạn lưỡng cực

Cũng như các tình trạng sức khỏe tâm thần khác, nghiên cứu về ảnh hưởng của inositol và rối loạn lưỡng cực bị hạn chế. Tuy nhiên, kết quả của các nghiên cứu sơ bộ có vẻ đầy hứa hẹn. Ví dụ, một nghiên cứu nhỏ tiến hành ở trẻ em bị rối loạn lưỡng cực cho thấy các triệu chứng hưng cảm và trầm cảm giảm khi kết hợp 3 gam acid béo omega-3 và tối đa 2 gam inositol được thực hiện hàng ngày trong 12 tuần.

Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy với hàm lượng 3-6 gam inositol uống hàng ngày có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh vẩy nến do lithium, một loại thuốc phổ biến được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực.

Rối loạn lưỡng cực
Inositol có lợi cho bệnh nhân rối loạn lưỡng cực

2.2. Có thể cải thiện các triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng gây mất cân bằng hormone ở phụ nữ, có thể dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đềuvô sinh. Tăng cân, lượng đường trong máu cao và mức cholesterol cũng như chất béo trung tính không mong muốn có thể là mối quan tâm với PCOS.

Bổ sung inositol có thể cải thiện các triệu chứng PCOS, đặc biệt khi kết hợp với acid folic. Ví dụ, các nghiên cứu lâm sàng cho rằng sử dụng liều inositol và acid folic hàng ngày có thể giúp giảm mức độ chất béo trung tính trong máu. Hơn nữa, nó cũng có thể cải thiện chức năng insulin và giảm huyết áp ở những người có PCOS .

Thêm vào đó, một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy rằng sự kết hợp của inositol và acid folic có thể thúc đẩy sự rụng trứng ở phụ nữ có vấn đề về khả năng sinh sản từ PCOS. Trong một nghiên cứu tiến hành bổ sung 4 gam inositol và 400mcg acid folic hàng ngày trong 3 tháng, kết quả gây ra rụng trứng ở 62% phụ nữ được điều trị.

2.3. Có thể giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ hội chứng chuyển hóa

Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy bổ sung inositol có thể có lợi cho những người mắc hội chứng chuyển hóa. Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các tình trạng làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính bao gồm bệnh tim và tiểu đường type 2.

Trong một nghiên cứu lâm sàng kéo dài một năm được thực hiện ở 80 phụ nữ mắc hội chứng chuyển hóa cho thấy khi bổ sung 2 gam inositol với liều lượng hai lần mỗi ngày có tác dụng làm giảm nồng độ triglyceride trung bình trong máu 34% và tổng lượng cholesterol giảm 22%. Những cải thiện về huyết áp và lượng đường trong máu cũng quan sát được. Thật đáng ngạc nhiên, 20% phụ nữ sử dụng chất bổ sung inositol không còn đáp ứng các tiêu chí cho hội chứng chuyển hóa vào cuối nghiên cứu

Hội chứng chuyển hóa
Bệnh nhân hội chứng chuyển hóa nên bổ sung inositol

2.4. Có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ

Một số phụ nữ sẽ có lượng đường trong máu cao khi mang thai. Tình trạng này được gọi là bệnh tiểu đường thai kỳ (GDM) và biến chứng lên đến 10% trường hợp mang thai ở Mỹ mỗi năm.

Trong các nghiên cứu trên động vật, inositol có liên quan trực tiếp đến chức năng của insulin, một loại hormone điều chỉnh lượng đường trong máu. Tuy nhiên, chỉ có một số lượng hạn chế các nghiên cứu về chất bổ sung và GDM ở người. Mặc dù vậy, các nghiên cứu cũng đưa ra một số gợi ý rằng sự kết hợp của 4 gam myo-inositol và 400mcg acid folic có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa GDM khi dùng hàng ngày trong suốt thai kỳ. Nhưng để hiểu rõ hơn về chức năng của inositol đối với GDM, cần nhiều nghiên cứu hơn để có căn cứ chứng minh.

2.5. Lợi ích tiềm năng khác

Inositol đã được nghiên cứu như là một lựa chọn điều trị tiềm năng cho nhiều tình trạng bệnh. Bên cạnh những điều đã được đề cập, một số nghiên cứu cho thấy inositol có thể hữu ích trong các điều kiện sau:

  • Hội chứng suy hô hấp: Ở trẻ sinh non tháng, inositol có vẻ hữu ích để điều trị các vấn đề về hô hấp từ phổi kém phát triển.
  • Bệnh tiểu đường type 2: Một nghiên cứu sơ bộ cho thấy rằng inositol và acid folic dùng hàng ngày trong 6 tháng có thể hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2.
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): Một nghiên cứu nhỏ cho thấy 18 gam inositol uống hàng ngày trong 6 tuần có thể làm giảm các triệu chứng của OCD.
Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh
Inositol giúp điều trị chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

3. Tác dụng phụ của inositol

Hầu hết các chất bổ sung inositol dường như được dung nạp tốt bởi tất cả mọi người. Tuy nhiên, nó vẫn có tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo với liều 12 gam mỗi ngày hoặc cao hơn. Các tác dụng phụ sẽ gây ra các triệu chứng bao gồm buồn nôn, đầy hơi, khó ngủ, đau đầu, chóng mặt và mệt mỏi.

Khi tăng lên đến 4 gam inositol mỗi ngày và được sử dụng bởi phụ nữ mang thai thì kết quả trong các nghiên cứu cho thấy không có tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu để chứng minh điều này. Thêm vào đó, hiện nay chưa có đủ nghiên cứu để xác định sự an toàn của các chất bổ sung trong khi nuôi con bú, mặc dù sữa mẹ được biết là rất giàu inositol.

Ngoài ra, vẫn chưa có những căn cứ rõ ràng cho thấy liệu bổ sung inositol có an toàn khi sử dụng lâu dài hay không. Bởi vì, trong hầu hết các nghiên cứu, bổ sung inositol chỉ được thực hiện trong một năm hoặc ít hơn.

4. Liều dùng khuyến nghị cho inositol

Có hai dạng chính của inositol được sử dụng trong các chất bổ sung, đó là myo-inositol (MYO) và D-chiro-inositol (DCI). Mặc dù không có sự đồng thuận chính thức về loại và liều lượng hiệu quả nhất, nhưng chúng dường như có hiệu quả trong các nghiên cứu:

  • Đối với các tình trạng sức khỏe tâm thần: 12-18 gam MYO một lần mỗi ngày trong 4-6 tuần.
  • Đối với hội chứng buồng trứng đa nang: 1.2 gram DCI mỗi ngày một lần, hoặc 2 gam MYO và 200 mcg acid folic hai lần mỗi ngày trong 6 tháng.
  • Đối với hội chứng chuyển hóa: 2 gam MYO hai lần mỗi ngày trong một năm.
  • Để kiểm soát lượng đường trong máu của bệnh tiểu đường thai kỳ: 2 gam MYO và 400mcg acid folic hai lần mỗi ngày trong thai kỳ.
  • Để kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh tiểu đường type 2: 1 gam DCI và 400mcg acid folic mỗi ngày một lần trong 6 tháng.
myo-inositol (MYO)
Myo-inositol (MYO) là một loại chất bổ sung inositol

Mặc dù các liều inositol này có vẻ hữu ích cho một số điều kiện nhất định trong thời gian ngắn, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định xem chúng có an toàn và hiệu quả trong thời gian dài hơn hay không.

Tóm lại, các nghiên cứu cho thấy rằng inositol có thể hỗ trợ những người có sức khỏe tâm thần và các tình trạng chuyển hóa, như rối loạn hoảng sợ, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, hội chứng buồng trứng đa nang, hội chứng chuyển hóa và tiểu đường. Nó dường như an toàn cho hầu hết mọi người và chỉ gây ra tác dụng phụ nhẹ với liều hàng ngày lên đến 18 gam. Mặc dù chế độ ăn có thể chứa một lượng nhỏ inositol, nhưng việc bổ sung inositol được chứng minh có lợi cho một số người.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

96.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan