Hiểu đúng về tắm nắng - vitamin D - còi xương - vàng da

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Thị Cẩm Vân - Bác sĩ sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác đã có kinh nghiệm 7 năm làm Bác sĩ nội trú và Bác sĩ điều trị Nhi - Sơ sinh tại Bệnh viện Trung Ương Huế và Bệnh viện Đại học Y Dược Huế. Thế mạnh của bác là điều trị các bệnh lý Nhi khoa về Hô hấp, Tiêu hóa, bệnh lý truyền nhiễm, chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh, hồi sức sơ sinh.

Việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh nhằm giúp cơ thể bé tổng hợp vitamin D và tránh còi xương luôn được nhiều phụ huynh tin tưởng. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn có quan niệm phơi nắng sáng cũng chữa được triệu chứng vàng da.

1. Vitamin D

Vitamin D là một dạng vitamin tan trong chất béo, rất quan trọng đối với cơ thể và được phân thành 2 loại chính:

  • Vitamin D2 (Ergocalciferol): Có nguồn gốc từ một số ít nhóm thực phẩm giàu vitamin D (ví dụ như cá biển), cung cấp khoảng 10% nhu cầu cơ thể.
  • Vitamin D3 (Cholecalciferol): Được tổng hợp qua da từ tiền tố Vitamin D nhờ tác động của tia UVB - một trong số 3 tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời. Vitamin D3 cung cấp 90% còn lại cho nhu cầu cơ thể.

Một người trung bình cần đến 400-1000 UI vitamin D mỗi ngày. Song trên thực tế, lượng vitamin D có được từ thức ăn rất ít và chúng ta phải ăn thực phẩm giàu vitamin D với số lượng nhiều thì mới đủ cung cấp cho cơ thể. Chẳng hạn như:

  • Một lòng đỏ trứng: Có khoảng 20 IU vitamin D, tương đương ăn 20 quả trứng mới đủ 400 IU.
  • Sữa mẹ: Chỉ có từ 25-79 IU/L, tương đương uống 10 lít sữa mẹ mỗi ngày mới có được lượng Vit D tối thiểu.
  • Sữa công thức tăng cường Vitamin D: Có 350-400 IU/L, tương đương uống khoảng 1 lít mỗi ngày thì đủ lượng vitamin D.

Chính vì vậy, phần lớn vitamin D con người tổng hợp được là từ da khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

2. Còi xương do thiếu vitamin D

Vitamin D
Vitamin D cần thiết cho sự phát triển của xương, chủ yếu đến từ ánh nắng mặt trời

Vitamin D giữ vai trò chủ yếu trong quá trình hấp thu Canxi và Phốt-pho từ ruột, giúp làm vững chắc xương. Nếu cơ thể thiếu vitamin D, Canxi từ trong xương phải bị lấy ngược để sử dụng, khiến xương yếu mềm và biến dạng. Đây là nguyên nhân hình thành nên bệnh còi xươngtrẻ sơ sinh cũng như loãng xương ở người lớn. Do đó, việc uống bổ sung Canxi thường xuyên nhưng lại quên cung cấp vitamin D là gần như vô tác dụng. Ngoài ra, Vitamin D còn có tác dụng ngăn ngừa một số bệnh ung thư, bệnh tự miễn hoặc bệnh mạch vành và hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn của y tế hiện nay là thiếu vitamin D, nguyên nhân đến từ:

  • Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin D
  • Thiếu ánh nắng mặt trời
  • Dùng nhiều kem chống nắng

Theo số liệu báo cáo, khoảng 1/3 người trẻ từ 18-29 tuổi thiếu vitamin D và khoảng 90% trẻ em béo phì hoặc da đen tối màu đều có mức vitamin D thấp. Ngoài ra, một số đối tượng khác cũng có nguy cơ thiếu vitamin D bao gồm:

  • Người sống ở xa xích đạo (vĩ tuyến 37 trở lên)
  • Người da sẫm màu
  • Người béo phì
  • Người già, chất béo dưới da giảm
  • Phụ nữ đang mang thai

3. Tắm nắng cho trẻ sơ sinh

Trong ánh sáng mặt trời bao gồm hai loại tia cực tím (UV) là UVA và UVB, bên cạnh đó còn có UVC nhưng đã bị tầng ozone hấp thụ hết.

  • UVA: Là thủ phạm làm nhăn nheo và lão hóa da, tác dụng cộng dồn có thể gây ung thư da
  • UVB: Có bước sóng thấp hơn và cần thiết tạo vitamin D

Ngoài ra, tia UV nói chung cũng có nguy cơ gây các bệnh về mắt, trong đó bao gồm đục thuỷ tinh thể. Do đó, để việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh được phát huy tác dụng tích cực, phụ huynh cần nắm rõ để tránh mắc phải một số yếu tố làm giảm tác dụng của tia UVB như sau:

  • Bóng râm hoặc trời nhiều mây (giảm 50%)
  • Cho trẻ mặc quần áo khi tắm nắng (giảm gần như hoàn toàn)
  • Ô nhiễm không khí
  • Kem chống nắng (giảm 80-90%)
  • Da càng tối màu thì hiệu quả càng kém
  • Phơi nắng qua lớp cửa kính, phơi trong nhà

Việc tắm nắng không đúng cách có nguy cơ khiến trẻ sơ sinh dễ bị ung thư da và lão hoá da sau này. Hơn nữa, nếu nơi tắm nắng cho bé có không khí ô nhiễm, trẻ hít phải nhiều khói bụi cũng là yếu tố gây tự kỷ. Thế nhưng, để tắm nắng mà tạo đủ 1000 IU vitamin D mỗi ngày cho bé là chuyện gần như không thể. Vì lý do trên, các tổ chức Y tế hiện nay khuyến cáo nên cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoặc sữa công thức <1 lít/ngày, kết hợp uống thêm Vitamin D 400 IU/ngày sẽ tốt cho sự phát triển của xương, đồng thời hạn chế nguy cơ tổn thương da do tiếp xúc quá lâu dưới ánh nắng mặt trời.

4. Sai lầm phơi nắng chữa vàng da

Chiếu đèn bức xạ cao điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh
Chiếu đèn bức xạ cao điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân của vàng da sơ sinh là do tăng bilirubin gián tiếp trong máu hoặc có liên quan đến bệnh lý gan mật. Trẻ sinh non thường dễ bị vàng da hơn trẻ đủ tháng vì khả năng kết hợp và đào thải bilirubin chậm hơn. Đây là hiện tượng sinh lý và thường giảm dần trong vài tuần đầu đến 2 tháng sau sinh. Tuy nhiên, nếu bilirubin tăng quá cao hoặc vàng da kéo dài, chất này sẽ vào trong não khiến não trẻ sơ sinh bị tổn thương. Do vậy việc phát hiện vàng da sớm và đưa bé đi khám để được theo dõi là rất quan trọng. Bác sĩ sẽ xác định mức bilirubin trong máu và chỉ định các biện pháp điều trị thích hợp khi cần thiết.

Có 2 cách chính để điều trị vàng dachiếu đènthay máu. Trong đó, phương pháp chiếu đèn là dùng sóng bức xạ 450-460 chiếu vào da 15 phút liên tục để bắt đầu có tác dụng giảm bilirubin, sau đó mất thêm 4 tiếng mới dần đạt hiệu quả tối ưu. Trẻ phải cởi hết quần áo (chỉ che mắt) và nằm dưới ánh đèn liên tục suốt ngày đêm, đôi khi phải dùng cả tấm lót có đèn dưới lưng nếu bị vàng da nhiều.

Do đó, việc phơi nắng thông thường không mang lại tác dụng gì đối với lượng bilirubin trong cơ thể bé. Ngược lại, nếu tắm nắng quá lâu còn khiến trẻ tiếp xúc nhiều với tia cực tím và tia hồng ngoại, làm bỏng da và tăng nguy cơ ung thư da. Các chuyên gia Nhi khoa trên thế giới đều khẳng định tắm nắng sáng không làm hết vàng da.

Tóm lại, phơi nắng buổi sáng chỉ có tác dụng giúp cơ thể trẻ sơ sinh tổng hợp vitamin D và tránh còi xương, không hề có liên quan đến điều trị vàng da. Nếu phát hiện trẻ có biểu hiện vàng da, phụ huynh cần đưa bé đi khám ngay vì đợi đến khi bệnh vào giai đoạn muộn sẽ có nguy cơ gây tổn thương não rất nguy hiểm. Triệu chứng vàng da sơ sinh nhẹ sẽ tự hết sau một thời gian ngắn nhưng vẫn cần được bác sĩ theo dõi thường xuyên.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: vàng da sinh lý, sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,...Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Đặc biệt với hệ thống chiếu đèn an toàn, dễ thực hiện, trẻ vẫn được bú mẹ khi phải chiếu đèn. Có nhiều loại đèn chiếu phù hợp cho từng đối tượng vàng da cần chiếu đèn: Đèn dạng nôi (trẻ nằm trực tiếp lên trên, dạng đèn kép chiếu trên dưới (dùng trong các trường hợp cần chiếu đèn tích cực), đèn dạng chăn, túi quấn quanh người trẻ (rất thuận tiện cho mẹ khi chăm sóc bé: vừa bế lên được để cho bú, vừa chiếu đèn).

Nếu như điều trị trẻ vàng da nặng khi chiếu đèn không hiệu quả hay trẻ bị vàng da nặng đến muộn, có nồng độ bilirubin trong máu quá cao, bác sĩ sẽ có chỉ định sử dụng biện pháp thay máu là biện pháp cuối cùng. Khi thay máu ta có thể lấy được nhanh bilirubin đang lưu hành trong lòng mạch, dẫn đến giảm bilirubin trong máu và nhờ đó cũng giảm được bilirubin ở ngoài tổ chức.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

76.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan