15 vấn đề cơ bản nhất về việc ăn dặm của trẻ

Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, sẽ có rất nhiều câu hỏi được đặt ra như bạn nên cho bé ăn bao nhiêu thức ăn và khi nào bạn nên bắt đầu kế hoạch ba bữa một ngày? Tỉ lệ thức ăn rắn so với thức ăn lỏng là bao nhiêu và cả hai món này nên có trong thực đơn cùng một lúc cho trẻ ăn không?

1. Khi nào tôi nên cho bé ăn dặm?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em, miễn là bé có dấu hiệu sẵn sàng, các bậc cha mẹ có thể cho bé bắt đầu ăn dặm trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tháng tuổi. Cho đến thời điểm bé chính thức ăn dặm, sữa mẹsữa công thức chính là nguồn cung cấp toàn bộ năng lượng và chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ. Trẻ sơ sinh chưa có các kỹ năng trong việc nhai nuốt thức ăn rắn một cách an toàn và hệ tiêu hóa của bé đơn giản là chưa sẵn sàng hấp thu thức ăn đặc cho đến khi bé được khoảng 4 tháng tuổi.

Tuy nhiên, cũng có một số tranh cãi về thời điểm cho bé ăn dặm. Trong khi Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị rằng trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu tiên thì phần dinh dưỡng của AAP và hướng dẫn dành cho bác sĩ nhi khoa khuyên các bậc cha mẹ nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm khi trẻ đạt từ 4 đến 6 tháng tuổi.

2. Làm thế nào tôi có thể biết khi nào trẻ đã sẵn sàng ăn thức ăn đặc?

Trong quá trình phát triển của trẻ, giai đoạn sẵn sàng cho thức ăn dặm của bé sẽ được đánh dấu bởi một số bước thay đổi quan trọng sau đây:

  • Trẻ đã có thể tự kiểm soát đầu: Bé có thể tự giữ đầu mình ở tư thế thẳng mà không cần sự giúp đỡ từ cha mẹ
  • Ngồi vững khi được trợ giúp: Bé đã có thể ngồi thẳng trên ghế dành cho trẻ sơ sinh hoặc ghế ăn cho trẻ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuốt cũng như tiêu hóa thức ăn.
  • Miệng và lưỡi của trẻ đã phát triển một cách đồng bộ với hệ tiêu hóa. Để bắt đầu ăn dặm, trẻ cần di chuyển thức ăn vào sâu trong khoảng miệng và nuốt thay vì dùng lưỡi để đẩy thức ăn ra.
  • Tăng cân rõ rệt: Bé sẽ sẵn sàng ăn dặm khi đã tăng gấp đôi trọng lượng so với lúc mới sinh
  • Sự tò mò về thức ăn. Trẻ có thể bắt đầu nhìn hoặc đòi thức ăn và hình thành phản xạ há miệng khi được đút
trẻ ngóc đầu
Thời điểm trẻ đã có thể tự kiểm soát đầu đánh dấu giai đoạn trẻ đã sẵn sàng cho thức ăn dặm

3. Nên cho bé ăn thức ăn đặc nào trước?

Mỗi trẻ sẽ phù hợp với các loại thức ăn khác nhau, do đó điều các bậc cha mẹ cần làm là trao đổi với các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em về các loại thức ăn mà bé có thể ăn trong quá trình ăn dặm. Hầu hết trẻ sơ sinh có thể ăn được bất kỳ loại thực phẩm nào được xay nhuyễn mà không thêm muối và đường. Mặc dù có một số phong tục tồn tại trong các gia đình ở Mỹ là bắt đầu cho trẻ ăn dặm bằng ngũ cốc dành cho trẻ sơ sinh tuy nhiên không có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này có thể mang lại những lợi ích cho sức khỏe của bé.

Nếu trẻ được bú mẹ đầy đủ cho đến khi ăn dặm, các chuyên gia đề xuất loại thức ăn đầu tiên cho trẻ ăn dặm là thịt bởi hàm lượng chất sắt trong thịt bò hay thịt gà có thể giúp bổ sung lượng sắt dự trữ của trẻ khi mà chúng bắt đầu giảm dần khi trẻ được 6 tháng tuổi. Các loại thực phẩm khác được khuyến khích có thể kể đến là khoai lang xay nhuyễn, bí, táo, chuối, đào, lê ....

5. Có thể làm gì để giảm thiểu nguy cơ bị dị ứng thực phẩm?

Theo Viện Hàn lâm Dị ứng và Miễn dịch học Hoa Kỳ (AAAI), việc kết hợp các thực phẩm thường gây dị ứng vào chế độ ăn uống của bé bắt đầu từ khoảng 4 đến 6 tháng (và tiếp tục cho sau này) thực sự có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của dị ứng thực phẩm.

Bắt đầu với các loại thực phẩm “lành tính” và ít gây dị ứng như ngũ cốc, rau, trái cây.... Khi trẻ dung nạp tốt những thực phẩm này, hãy để trẻ thử các loại thực phẩm dễ bị dị ứng hơn như đậu nành, trứng, mì, cá, đậu phộng...

Các biện pháp phòng ngừa đặc biệt cũng cần được áp dụng với một số trẻ sơ sinh. Nếu bé thuộc bất kỳ trường hợp nào sau đây, cần tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng trước khi quyết định thực phẩm ăn dặm cho trẻ:

  • Trẻ có anh chị em ruột bị dị ứng đậu phộng
  • Trẻ bị chàm từ vừa đến nặng mặc dù đã tuân theo chỉ dẫn về cách điều trị của các bác sĩ
  • Trẻ có phản ứng dị ứng tức thì với một số loại thức ăn mới trước đây
  • Xét nghiệm máu của trẻ cho kết quả dương tính với dị ứng một số loại thực phẩm cụ thể.
Dinh dưỡng ăn dặm
Bắt đầu với các loại thực phẩm “lành tính” và ít gây dị ứng như ngũ cốc, rau, trái cây....

6. Nên giới thiệu thức ăn rắn cho trẻ như thế nào?

Không có cách nào có thể được xem là tối ưu cho vấn đề này. Cách tốt nhất để bắt đầu cho trẻ ăn dặm là cho bé ăn ngũ cốc hoặc thức ăn xay nhuyễn bằng thìa. Một số cha mẹ cũng áp dụng phương pháp cho trẻ ăn bằng cách đặt thức ăn dặm trước mặt để trẻ tự cầm hoặc xúc ăn.

Đối với những lần đầu tiên, chỉ nên cho trẻ ăn từ 1 đến 2 thìa thức ăn dặm sau khi trẻ đã bú mẹ hoặc bú bình. Dùng thìa nhựa mềm để đút thức ăn cho trẻ nhằm tránh tổn thương nướu. Nếu bé có dấu hiệu không thích chỉ nên để bé ngửi và thử cho ăn lại vào lần khác. Nếu cho trẻ ăn dặm bằng ngũ cốc, hãy để trẻ ăn từ 1 đến 2 thìa ngũ cốc pha loãng, thêm một chút sữa mẹ hoặc sữa công thức, sau đó từ từ giảm dần lượng sữa thêm vào để khiến thức ăn đặc hơn. Ban đầu em bé có thể chưa quen với thức ăn rắn và sẽ ăn rất ít hoặc luôn ngậm thức ăn trong miệng do đó các bậc cha mẹ cần kiên nhẫn trong việc tập cho trẻ ăn dặm từ một đến vài thìa mỗi ngày.

7. Làm cách nào để giới thiệu từng loại thức ăn mới cho trẻ?

Tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em bởi sẽ có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến tiền sử dị ứng thực phẩm của gia đình bé. Bình thường, trẻ sẽ được cho ăn từng loại thức ăn dặm và mỗi loại sẽ được sử dụng một vài lần cho đến khi thử loại thức ăn khác. Tuy nhiên, việc bắt đầu với nhiều loại thực phẩm cùng lúc cũng được chứng minh là an toàn và không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.

Mặc dù các bậc cha mẹ luôn muốn bé ăn nhiều loại thức ăn khác nhau nhưng bé cần có thời gian để làm quen với hương vị và kết cấu của từng loại. Mỗi em bé sẽ có sở thích ăn uống riêng, nhưng nhìn chung, trẻ có thể bắt đầu chuyển đổi với thức ăn xay nhuyễn hoặc bán lỏng, sau đó chuyển sang thức ăn xay hoặc nghiền, và cuối cùng chuyển sang thức ăn dạng miếng nhỏ.

Nếu trẻ ăn ngũ cốc, hãy cho một vài thìa rau hoặc trái cây vào cùng một bữa ăn với bữa ăn ngũ cốc (hoặc trộn chúng với nhau). Tất cả thức ăn cần đảm bảo độ nhão bở giai đoạn này bé sẽ cố gắng đưa thức ăn vào sâu trong miệng trước khi nuốt.

ăn dặm tự chỉ huy
Mặc dù các bậc cha mẹ luôn muốn bé ăn nhiều loại thức ăn khác nhau nhưng bé cần có thời gian để làm quen với hương vị và kết cấu của từng loại

7. Các dấu hiệu của dị ứng thực phẩm là gì?

Nếu bé bị dị ứng với các loại thức ăn mới, triệu chứng sẽ xuất hiện trong vài phút hoặc vài giờ. Hầu hết trẻ dị ứng thức ăn đều có triệu chứng nhẹ. Nếu xuất hiện tình trạng phát ban, nôn mửa hoặc tiêu chảy hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị. Nếu trẻ có dấu hiệu thở khò khè, khó thở hoặc phù nề, rất có thể bé đang bị sốc phản vệ - một loại phản ứng của cơ thể có thể đe dọa đến tính mạng cần ngay lập tức gọi xe cấp cứu trước khi quá muộn.

8. Làm thế nào có thể biết khi nào trẻ đã bú no?

Sự thèm ăn của bé sẽ thay đổi qua mỗi lần bú, vì vậy việc tính toán lượng sữa bé đã bú không phải là cách đáng tin cậy để biết bé đã bú đủ no chưa. Các bậc cha mẹ nên dựa vào những dấu hiệu sau để biết trẻ đã bú đủ hay chưa:

  • Tựa lưng vào ghế ăn
  • Quay đầu đi khi được đút thức ăn
  • Bắt đầu chơi với thìa hoặc đồ chơi gần đó
  • Ngậm chặt miệng khi được đút miếng tiếp theo

9. Tôi vẫn cần cho con tôi bú sữa mẹ hay sữa công thức?

Sữa mẹ hay sữa công thức vẫn sẽ là nguồn cung cấp phần lớn năng lượng và chất dinh dưỡng cho bé cho đến khi bé được một tuổi. Cả sữa mẹ và sữa công thức đều cung cấp các loại vitamin và khoáng chất, sắt và protein ở dạng dễ tiêu hóa với trẻ. Thức ăn dặm không thể thay thế các chất dinh dưỡng mà sữa mẹ và sữa công thức cung cấp trong năm đầu tiên đó.

sữa mẹ và sữa công thức
Sữa mẹ hay sữa công thức vẫn sẽ là nguồn cung cấp phần lớn năng lượng và chất dinh dưỡng cho bé cho đến khi bé được một tuổi

10. Mẹo cho ăn thức ăn rắn

  • Có thể cho trẻ ăn đồ ngọt hoặc mặn theo nhu cầu của bé: Một số ông bố bà mẹ có thể bắt đầu cho con ăn rau thay vì trái cây để trẻ có thể hạn chế đồ ngọt. Tuy nhiên một điều mà ít người biết là từ khi sinh ra trẻ đã có sở thích ăn đồ ngọt, do đó không cần phải quá lo lắng về việc cho trẻ ăn đồ ngọt hay mặn
  • Chỉ cho trẻ ăn ngũ cốc hoặc đồ ăn dặm khác bằng thìa: Đừng cho chúng vào bình sữa, trẻ có thể bị sặc hoặc tăng cân quá mức.
  • Không nên loại bỏ bất kỳ món ăn nào khỏi thực đơn của trẻ chỉ vì cha mẹ không thích. Cho trẻ có thời gian làm quen với món ăn mới. Nếu trẻ không thích một món nào đó, đừng cố ép. Hãy thử cho bé ăn lại sau vài ngày hoặc một tuần, trẻ có thể sẽ thay đổi thái độ với món ăn đó
  • Hạn chế nguy cơ bị nghẹn ở trẻ: Đừng cho trẻ ăn những thức ăn quá rắn, khiến trẻ bị nghẹn hoặc sặc.
  • Đề phòng táo bón: Phân của bé thay đổi khi các chế độ ăn thay đổi. Mặc dù chỉ là tạm thời nhưng trẻ có thể bị táo bón sau khi ăn đồ ăn dặm. Nếu thấy bé ít đi ngoài hơn hoặc phân trở nên khô và cứng đó là dấu hiệu của táo bón. Hãy bổ sung thêm chất xơ cho bé từ một số loại trái cây như lê, đào vào chế độ ăn của trẻ hoặc cho trẻ uống nước ép những loại trái cây này cho đến khi trẻ có thể đi ngoài bình thường. Ngoài ra các ông bố bà mẹ cũng không nên lo lắng nếu phân của bé đổi màu và có mùi khó chịu ngay khi thực hiện chế độ ăn dặm. Điều này là hoàn toàn bình thường.

11. Con tôi nên ăn thức ăn đặc bao nhiêu lần một ngày?

Giai đoạn đầu chỉ nên cho trẻ ăn một bữa mỗi ngày. Sau đó tăng lên 2 bữa mỗi ngày khi trẻ đạt 6-7 tháng tuổi. Bắt đầu từ 8-9 tháng trẻ đã có thể ăn 3 bữa một ngày. Chế độ ăn của trẻ giai đoạn này có thể bao gồm:

  • Sữa mẹ hoặc sữa công thức tăng cường sắt
  • Ngũ cốc tăng cường sắt
  • Rau
  • Trái cây
  • Một lượng nhỏ protein chẳng hạn như trứng, thịt, đậu...

Lưu ý một số loại thực phẩm chưa nên cho bé ăn trong giai đoạn này. Ví dụ mật ong có thể gây ngộ độc cho trẻ dưới 1 tuổi hoặc sữa bò hay sữa đậu nành....

mật ong
Mật ong có gây ngộ độc cho trẻ dưới 1 tuổi, do đó nếu trẻ chưa 1 tuổi bạn không nên cho mật ong vào thức ăn của trẻ

12. Tôi cần thiết bị gì để cho bé ăn thức ăn đặc?

Tùy vào điều kiện mỗi gia đình mà các bậc cha mẹ có thể cân nhắc cho trẻ ăn sao cho hợp lý nhưng sẽ thật hữu ích khi có:

  • Một chiếc ghế cao
  • Đĩa và bát bằng nhựa
  • Thìa nhựa để bảo vệ nướu cho bé
  • Yếm
  • Một tấm thảm trải nhà

13. Tôi cần những gì để tự chế biến thức ăn cho trẻ nhỏ?

Các bậc cha mẹ sẽ cần một số dụng cụ sau để có thể chế biến thức ăn cho trẻ:

  • Máy xay sinh tố, máy xay thực phẩm hoặc thức ăn cho trẻ
  • Hộp đựng thức ăn cho trẻ để bảo quản trong tủ lạnh hoặc khay đá.

14. Tôi nên cho trẻ ăn thức ăn đặc ở đâu?

Chắc chắn đó phải là một nơi vững chắc, ổn định, thoải mái để bé ngồi ở một độ cao thuận tiện để cha mẹ hoặc người trông giữ trẻ có thể cho trẻ ăn. Khi bé có thể tự ngồi vững, hay đặt bé ngồi trên một chiếc ghế cao để cùng thưởng thức bữa ăn với gia đình, khi đó các bà mẹ vừa có thể ăn và cho bé ăn cùng lúc.

ghế ăn dặm
Bạn nên cho bé ăn ở một nơi vững chắc, ổn định, thoải mái để bé ngồi ở một độ cao thuận tiện để cha mẹ hoặc người trông giữ trẻ có thể cho trẻ ăn

15. Làm cách nào để giúp con tôi phát triển thói quen ăn uống lành mạnh?

Không nên quá đặt nặng vấn đề trẻ cần ăn gì mới thực sự tốt. Các món ăn lặp đi lặp lại có thể tạo nên sự nhàm chán và khiến trẻ không muốn ăn. Hãy học cách tự làm và kết hợp các món ăn cho trẻ.

Ăn dặm là một giai đoạn không thể thiếu trong quá trình phát triển của mỗi em bé. Ăn dặm có thể giúp trẻ bổ sung thêm các chất dinh dưỡng khi mà sữa mẹ hoặc sữa công thức dần không còn cung cấp đủ nữa. Thông thường, các bà mẹ sẽ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu gần đây, các chuyên gia khuyến cáo nên cho trẻ ăn dặm ngay từ tháng thứ 4 kèm theo đó là tăng dần độ đặc của thức ăn. Và ngoài những món ăn dặm truyền thống, các bà mẹ cũng nên tự chế biến các món ăn khác để thay đổi khẩu vị, khiến bé dễ ăn hơn.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan