Bệnh tuyến giáp và trẻ em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCKII Lê Thị My - Giám đốc Trung tâm bệnh lý tuyến giáp (Vinmec Times City)

Rối loạn chức năng tuyến giáp có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ độ tuổi nào, trong đó có trẻ em - những đối tượng đang trong độ tuổi phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Vì vậy, cần phát hiện và điều trị kịp thời những rối loạn Hormone tuyến giáp để trẻ có thể phát triển bình thường.

Hormone tuyến giáp đóng một vai trò quan trọng như một chất điều hòa tăng trưởng, myelin của hệ thần kinh, trao đổi chất và các chức năng của cơ quan. Đặc biệt với trẻ em, đối tượng có sự phát triển vô cùng mạnh mẽ cả về thể chất lẫn trí tuệ. Bất cứ bất thường nào gây rối loạn về chức năng tuyến giáp đều ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ. Bên cạnh những rối loạn về mặt chức năng như cường giáp, suy giáp... trẻ cũng có thể có những nhân tuyến giáp bao gồm nhân lành tính cũng như ác tính.

1. Cường giáp ở trẻ

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng tiết hormone giáp T3 và T4 vào hệ tuần hoàn của cơ thể. Sự tăng tiết các hormone này dẫn đến quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng hoạt động quá mức. Hormone T3 và T4 theo máu đi khắp cơ thể tác động vào những cơ quan liên quan, gây rối loạn sự điều hòa hằng định nội môi của cơ thể khiến cơ thể không kiểm soát được.

Về mặt chức năng, tình trạng cường giáp xảy ra ở trẻ em sẽ gây ra những triệu chứng như: gầy, sút cân, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt...

Điều trị bệnh cường giáp trẻ em ưu tiên điều trị nội khoa, nếu trong trường hợp khi điều trị nội khoa mà bệnh nhi tái phát nhiều lần hoặc không có kết quả mới sử dụng đến các phương pháp khác như iod phóng xạ hoặc phẫu thuật.

Hiểu rõ những điều cần biết về cường giáp ở trẻ sẽ giúp phát hiện và điều trị kịp thời cho trẻ.

Cường giáp ở trẻ
Cường giáp là một trong các bệnh lý tuyến giáp ở trẻ em

2. Suy giáp ở trẻ

Suy giáp là hiện tượng mà tuyến giáp không thể cung cấp đủ hormone để cho cơ thể hoạt động bình thường. Ở trẻ em, suy giáp có thể xuất hiện ngay sau sinh hoặc có thể phát triển sau này trong thời thơ ấu.

Trẻ bị suy giáp sẽ có những biểu hiện như tăng cân, da khô, chậm chạp, lờ đờ, khả năng tiếp thu học hành không tốt. Cha mẹ cần nắm rõ những điều cần biết về suy giáp ở trẻ em để có thể phát hiện sớm và kịp thời điều trị sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của trẻ.

3. Ung thư tuyến giáp ở trẻ

Về mặt hình thái, theo nghiên cứu có khoảng 2% trẻ có khối u tuyến giáp có thể sờ thấy được. Tuy nhiên khác với người trưởng thành, tỷ lệ ung thư tuyến giáp gặp ở trẻ em khoảng 20-50% tùy từng nghiên cứu, con số này cao hơn rất nhiều so với người trưởng thành là 5-14%. Hơn thể nữa, một khi ung thư tuyến giáp phát hiện ở trẻ em thì nguy cơ khối u xâm lấn vỏ bao giáp cũng như di căn hạch cũng cao hơn nhiều so với người trưởng thành. Đặc biệt ở những em bé có tiền sử gia đình có người thân (bố, mẹ, anh chị em ruột mắc ung thư tuyến giáp), những em bé có tiền sử phơi nhiễm với chất phóng xạ, những em bé mắc bệnh lý di truyền nhiễm sắc thể như hội chứng Down, đa polyp tính chất gia đình, đa u nội tiết (MEN2)... thì tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn rõ các em bé khác.

Nếu ung thư tuyến giáp ở trẻ được phát hiện và điều trị sớm thì tiên lượng rất tốt, trẻ vẫn có thể phát triển bình thường, học tập, sinh hoạt không kém gì bạn bè cùng trang lứa.

Ung thư tuyến giáp ở trẻ
Ung thư tuyến giáp ở trẻ em cần được phát hiện và điều trị sớm

Do vậy với trẻ em có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến giáp hay có các triệu chứng nghi ngờ rối loạn hormone tuyến giáp, cha mẹ cần cho trẻ đi khám để được phát hiện sớm và được điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan