Các cách giảm cân cho trẻ em

Tình trạng béo phì ở trẻ em ngày càng phổ biến và có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ. Béo phì là tình trạng sức khỏe mà cân nặng vượt mức cân nặng chuẩn theo Tổ chức Y tế Thế giới, hoặc chênh lệch nhiều so với độ tuổi, chiều cao.

1. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ em

1.1. Lối sống sinh hoạt không lành mạnh

Trẻ bị thừa cân, béo phì chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân do lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh như chế độ dinh dưỡng hàng ngày không hợp lý và ít vận động. Khi năng lượng nạp vào cơ thể vượt quá nhu cầu năng lượng thì lượng calo sẽ được lưu trữ dưới dạng chất béo.

Nếu trẻ tiêu thụ quá mức các loại thực phẩm giàu chất đạm, chứa nhiều đường và dầu mỡ như các loại đồ ăn nhanh, nước ngọt, thực phẩm chế biến sẵn,... làm dư thừa năng lượng và dẫn đến tình trạng nạp năng lượng vượt quá nhu cầu của cơ thể.

Thói quen sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài cùng với việc ít vận động làm cho thức ăn đi vào cơ thể không thể tiêu hao, năng lượng dư thừa sẽ chuyển hóa dẫn đến tích tụ thành mỡ. Do đó, chế độ dinh dưỡng quá giàu chất béo và calo có liên quan chặt chẽ làm tăng tình trạng thừa cân béo phì.

1.2. Yếu tố di truyền cơ địa

Theo một số nghiên cứu, tình trạng thừa cân và béo phì ở trẻ có yếu tố di truyền. Trẻ được sinh ra bởi bố mẹ bị thừa cân, béo phì thường mang một số gen được di truyền từ bố mẹ. Các gen này thuộc nhóm gen kích thích sự ngon miệng, nhóm gen liên quan đến tiêu hao năng lượng, nhóm gen điều hòa chuyển hóa hoặc nhóm gen liên quan đến quá trình phát triển tế bào mỡ,...

1.3. Trẻ mắc một số bệnh lý do rối loạn chuyển hóa

Một số trẻ nhỏ có thể mắc bệnh béo phì nguyên nhân do mắc các bệnh lý liên quan đến rối loạn nội tiết và chuyển hóa, cụ thể như: rối loạn chuyển hóa đường, rối loạn mỡ máu ... hoặc do đột biến gen (cụ thể là gen tổng hợp POMC, Me – 4 Receptor,...).

1.4. Trẻ thiếu ngủ, ngủ ít

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thời gian và chất lượng giấc ngủ không đảm bảo cũng tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì đối với trẻ em. Ngủ ít gây ra tình trạng mất cân bằng lượng hormone trong cơ thể làm trẻ ăn nhiều hơn và tăng cân nhanh hơn. Leptin và ghrelin là hai loại hormone điều chỉnh sự thèm ăn. Khi trẻ không ngủ đủ giấc, quá trình sản xuất các loại hormone này bị thay đổi theo hướng làm tăng cảm giác đói.

Tình trạng thiếu ngủ có liên quan đến sự thiếu hụt hormone tăng trưởng và nồng độ cortisol tăng cao, cả hai đều có liên quan đến bệnh béo phì. Ngủ không đủ giấc còn có thể làm rối loạn quá trình chuyển hóa thức ăn.

Ngoài ra, thai nhi quá cân, trẻ sơ sinh có cân nặng quá cao cũng có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn so với những trẻ thông thường.

2. Khi nào trẻ bị béo phì cần giảm cân?

Thừa cân béo phì có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mắc một số bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, rối loạn cơ xương khớp, ảnh hưởng đến chức năng đường hô hấp, nguy cơ mắc bệnh ung thư (gan, sỏi mật, đại tràng, thận,...). Những tình trạng bệnh lý này không chỉ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ em.

Béo phì ở trẻ em được đánh giá qua chỉ số khối cơ thể hay còn được gọi là BMI. Trẻ bị béo phì cần giảm cân là khi chỉ số BMI cao hơn hoặc bằng 95% so với những trẻ có cùng độ tuổi và cùng giới tính. Vì vậy, bố mẹ nên tìm cách giảm cân cho trẻ em béo phì khi chỉ số BMI ở trẻ vượt quá mức bình thường.

3. Cách giảm cân cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, nhà trẻ

  • Trẻ bị béo phì cần giảm cân nên được hướng dẫn theo dõi bởi các bác sĩ dinh dưỡng, để hạn chế nguy cơ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết đối với quá trình phát triển của trẻ em.
  • Chế độ dinh dưỡng hàng ngày: Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần đảm bảo phù hợp với nhu cầu sinh lý hoặc chỉ giảm chút ít. Điều này có nghĩa là bạn cần chú ý đảm bảo cung cấp cho con nhu cầu đạm và canxi cho trẻ từ các loại thực phẩm như sữa, thịt, trứng, đậu....
  • Hạn chế cho trẻ ăn các loại thức ăn ngọt: Trong các cách giảm cân cho trẻ em, chế độ dinh dưỡng hàng ngày là yếu tố rất quan trọng quyết định thành công. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chế độ dinh dưỡng hàng ngày có chứa quá nhiều đường được ghi nhận có liên quan đến nguy cơ bị bệnh béo phì và bệnh đái tháo đường tuýp 2. Vì vậy, bố mẹ cần chủ động cho trẻ thay thế các loại thức ăn có chứa nhiều đường bằng các món ăn có vị ngọt tự nhiên như trái cây, sữa chua ít béo....
  • Thay đổi thói quen của con: Bố mẹ cần động viên và thực hiện thay đổi chế độ ăn uống của con kết hợp với việc cho con tham gia các hoạt động thể chất lành mạnh thành một thói quen lâu dài. Bạn cần khuyến khích trẻ vận động mọi lúc mọi nơi như đi dạo cùng nhau, làm vườn hay hướng dẫn trẻ chủ động tham gia vào những hoạt động như đi mua sắm thực phẩm, lựa chọn những loại thức ăn lành mạnh... Đồng thời, bố mẹ cũng cần hạn chế trẻ thụ động nằm, ngồi xem tivi dưới 1 giờ/ngày, không cho trẻ ngồi quá lâu ở một chỗ.

4. Một số cách giảm cân cho trẻ em 10 tuổi

Đối với những trẻ lớn thì các bậc phụ huynh có thể sử dụng một số cách giảm cân cụ thể như sau:

  • Lượng thức ăn bổ sung cho trẻ nhiều vào buổi sáng, giảm về chiều và hạn chế ăn tối. Với trẻ em 10 tuổi bị béo phì thừa cân nên ăn ít năng lượng hơn trước. Bạn có thể cho trẻ uống một cốc nước trước bữa ăn, ít rau luộc hoặc 1 quả dưa chuột... để tạo cảm giác no. Từ đó có tác dụng giảm lượng thức ăn ăn vào, nên ngừng ăn trước khi có cảm giác quá no.
  • Tăng cường những thức ăn giàu chất xơ như: khoai lang, bắp ngô, gạo lứt, các loại rau xanh và hoa quả tươi ít ngọt tác dụng nhằm giảm cung cấp năng lượng, vừa bổ sung thêm vitamin, muối khoáng, vừa dễ tiêu hóa hấp thu, tăng đào thải Cholesterol và các chất độc hại ra khỏi cơ thể.
  • Tăng cường cho trẻ ăn các loại trái cây, ăn cả xác thay vì chỉ ép lấy nước, đậu đỗ thì ăn cả vỏ... để tận dụng chất xơ giúp tạo cảm giác no lâu.
  • Giảm tối đa việc sử dụng các chất béo bằng cách ăn các loại thịt nạc lột bỏ các loại da lợn, gà, vịt. Đồng thời, bố mẹ cũng cần hạn chế cho trẻ ăn phủ tạng động vật như óc, thận, tim, gan, cật, lòng, lòng đỏ trứng... vì những thức ăn này chứa nhiều chất béo. Bên cạnh đó, phụ huynh nên cho trẻ ăn các loại thức ăn chế biến thức ăn dưới dạng luộc, hấp để giảm lượng dầu mỡ.
  • Tập cho trẻ làm một số công việc ở lớp như phụ giúp cô giáo và ở nhà phụ gia đình: Đây là cách giảm cân cho trẻ em 10 tuổi thường được áp dụng trong gia đình và trường học. Một số công việc cụ thể như dọn dẹp đồ chơi, tưới cây, dọn bàn ghế, bưng đồ, lấy đồ, lau quét nhà... Đồng thời, cần động viên trẻ đi bộ ở bất cứ nơi nào như: Lên xuống cầu thang, những nơi an toàn khi gần đến nhà, đến lớp, trong công viên... nên để cho trẻ đi bộ.
  • Giảm thời gian sử dụng các thiết bị điện tử : Đây cũng là một trong những yếu tố làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ ngày càng tăng. Hiểu được điều này, bố mẹ cần hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử ở trẻ, theo đó chỉ nên cho trẻ sử dụng dưới 2 giờ/ngày. Sau đó, bố mẹ cũng cần khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời để tiêu hao năng lượng dư thừa.
  • Một phương pháp khác để giảm cân cho trẻ em là khuyến khích như các môn thể thao đồng đội, đạp xe, khiêu vũ hoặc sử dụng các ứng dụng tập thể dục dành riêng cho trẻ em. Với một số trẻ em thì cần được kiểm tra và tư vấn của các bác sĩ hoặc chuyên gia về y học thể thao để có chương trình tập cũng như bài tập phù hợp với thể trạng của trẻ.
  • Thời gian tập luyện có thể vận động mỗi lần từ 5 - 10 phút, 3 - 4 lần/ngày. Khi sắp xếp được thời gian, nên vận động thường xuyên, đều đặn ở hầu hết các ngày trong tuần trung bình trên 5 ngày trong một tuần và mỗi lần vận động trên 10 phút, sao cho tổng thời gian tập trong 1 ngày là trên 30 phút.
  • Lập biểu đồ để theo dõi tiến độ giảm cân của trẻ cũng là cách giảm cân cho trẻ em rất hay: cách giảm cân cho trẻ em 10 tuổi là bố mẹ có thể hướng dẫn con lập một biểu đồ theo tuần hoặc theo tháng để ghi lại sự thay đổi cân nặng, chiều cao của trẻ cùng một số thông tin khác như thực đơn ăn uống hàng ngày, thời gian tập thể dục,...Con có thể tự lập trong việc theo dõi tiến trình giảm cân và tăng thêm động lực cho trẻ cải thiện cân nặng của chính bản thân trẻ.

5. Tổng kết

Đối với những trẻ thừa cân béo phì cần được khám và tư vấn bởi chuyên gia dinh dưỡng. Cha mẹ không nên tự đưa ra kế hoạch giảm cân bằng việc cắt giảm quá nhiều thức ăn khiến trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Những trẻ em đang tăng trưởng và phát triển nên rất nhạy cảm với việc chế giễu, nhấn mạnh đến vóc dáng. Việc đặt ra quá nhiều mục tiêu giảm cân sẽ tạo một sức ép về tâm lý, có thể dẫn đến tình trạng trẻ tự ti, mặc cảm, cô độc và các rối loạn hành vi ăn uống như chán ăn hay háu ăn quá mức rất khó chữa trị, có tỷ lệ tử vong khá cao.

Do vậy, các bậc phụ huynh và những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ cần phải có thái độ quan tâm đúng mức, tôn trọng và hiểu về trẻ. Từ đó có thể giúp trẻ có thói quen ăn uống tốt và vận động hơn là nhấn mạnh đến hình thể và sự giảm cân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

414 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan