Các yếu tố nguy cơ khiến trẻ em bị tăng huyết áp

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nhắc đến bệnh cao huyết áp chúng ta thường nghĩ nhiều đến đối tượng người trưởng thành. Tuy nhiên bệnh cao huyết áp ở trẻ em vẫn rất hay gặp và có nhiều đặc điểm khác với người lớn. Vậy những vấn đề cần chú ý ở bệnh tăng huyết áp trẻ em là gì?

1. Nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp ở trẻ em

Tăng huyết áp trẻ em tương tự người trưởng thành sẽ bao gồm 2 nguyên nhân chính là tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát:

  • Tăng huyết áp trẻ em thứ phát thường là hệ quả của các bệnh lý khác như bất thường nhu mô hay mạch máu thận, hẹp eo động mạch chủ;
  • Tăng huyết áp trẻ em nguyên phát liên quan đến các yếu tố như di truyền gia đình, tình trạng béo phì, chế độ dinh dưỡng (như ăn nhiều calo, sử dụng thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ hoặc uống nước có gas...), chế độ hoạt động thể chất, stress...

Đặc biệt, những bé thể trạng béo phì, chậm tăng trưởng hay có những vấn đề khác như nhiễm trùng đường tiểu tái phát, tiểu có máu, cá nhân hoặc gia đình trẻ có người mắc bệnh lý thận bẩm sinh có nguy cơ rất cao dẫn đến tăng huyết áp. Do đó, những trường này cần được theo dõi huyết áp thường xuyên, từ đó phát hiện bệnh cao huyết áp ở trẻ em và có biện pháp can thiệp thích hợp. Theo thống kê, tỷ lệ tăng huyết áp trẻ em rất thấp (dưới 1%) và thường huyết áp tăng gợi ý một bệnh lý tiềm ẩn khác (tăng huyết áp thứ phát).

Những trường hợp cao huyết áp ở trẻ em mức độ nặng hoặc có triệu chứng đa số đều là tăng huyết áp thứ phát. Trong khi đó, số trường hợp tăng huyết áp trẻ em nguyên phát đa số nằm ở độ tuổi đi học hoặc thanh thiếu niên và thường gia tăng cùng với tỷ lệ béo phì.

Một số trường hợp trẻ cần có kế hoạch theo dõi huyết áp bao gồm:

  • Tiền sử sinh non, rất nhẹ cân hoặc có những bệnh lý gây biến chứng ở độ tuổi sơ sinh cần được điều trị hồi sức tích cực;
  • Bệnh tim bẩm sinh;
  • Bệnh thận hoặc dị dạng đường tiết niệu;
  • Những trẻ được ghép tạng đặc (như gan, thận...);
  • Các bệnh ác tính;
  • Trẻ được ghép tủy;
  • Trẻ có sử dụng các loại thuốc có khả năng gây tăng huyết áp;
  • Các bệnh hệ thống có liên quan đến tăng huyết áp (như đa u sợi thần kinh);
  • Trẻ tăng áp lực nội sọ.
cao huyết áp ở trẻ em
Cao huyết áp ở trẻ em rất hay gặp và có nhiều đặc điểm khác với người lớn

2. Chẩn đoán bệnh lý cao huyết áp ở trẻ

Năm 2017, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã ban hành các hướng dẫn cho các bác sĩ chuyên khoa Nhi về chẩn đoán bệnh cao huyết áp ở trẻ em. Khác với biện pháp đo huyết áp người lớn, Hiệp hội không đưa ra một mức cụ thể nào về các chỉ số huyết áp bình thường khi dùng các dụng cụ đo huyết áp (cả tâm thu và tâm trương). Các chỉ số huyết áp được xem là bình thường sẽ phụ thuộc vào các yếu tố khác của trẻ như tuổi, giới tính và chiều cao.

Cùng với đó, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ từng đưa ra khuyến cáo tất cả trẻ em từ 3 tuổi trở lên nên được kiểm tra huyết áp mỗi năm. Nếu xác định chỉ số huyết áp của bé cao, bác sĩ sẽ yêu cầu cha mẹ đưa trẻ tái khám một vài lần nữa. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định cho những trường hợp này sử dụng thiết bị di động để đo huyết áp liên tục 24 giờ. Nếu các chỉ số huyết áp đo được bất thường, trẻ được chẩn đoán xác định là tăng huyết áp trẻ em.

Để thuận lợi cho quá trình chẩn đoán và điều trị, bác sĩ cần thêm một số thông tin khác để xác định nguyên nhân gây bệnh, đặc biệt là tiền sử sức khỏe bao gồm các yếu tố như chế độ dinh dưỡng, mức độ hoạt động thể chất, các hoạt động thường thực hiện tại nhà, ở trường và một số yếu tố có thể gây căng thẳng cho bé... Bên cạnh đó, trẻ sẽ được chỉ định một số xét nghiệm như nước tiểu, máu và siêu âm thận... Từ đó có thể chẩn đoán tăng huyết áp trẻ em là nguyên phát hay thứ phát.

Bệnh cao huyết áp ở trẻ em giai đoạn đầu thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Một số ít trường hợp có các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, mặt đỏ bừng, hồi hộp, đánh trống ngực, vã mồ hôi hay thậm chí co giật, giảm thị lực, phù...

Tương tự người trưởng thành, tăng huyết áp trẻ em được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì các triệu chứng không điển hình và các biến chứng nguy hiểm thường xuất hiện bất ngờ và gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Những trường hợp cao huyết áp ở trẻ em kéo dài, không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Những biến chứng tim mạch liên quan đến bệnh lý này bao gồm: phì đại cơ tim (hay gặp là phì đại thất trái), suy tim, tổn thương mạch máu, tổn thương võng mạc hay các biến chứng thần kinh. Cao huyết áp ở trẻ em có thể để lại một số hệ quả khi trẻ trưởng thành như gia tăng nguy cơ xảy ra các bệnh lý như đột quỵ, mạch vành, suy tim, suy thận.

3. Phương pháp đo huyết áp cho trẻ em

Yêu cầu đầu tiên khi đo huyết áp ở trẻ em là máy đo huyết áp phải có kích thước bóng hơi (dùng để quấn quanh tay) phù hợp với tay của trẻ, không quá lớn, cũng không quá nhỏ.

Trước khi tiến hành đo huyết áp, trẻ phải được nghỉ ngơi thoải mái khoảng 10 đến 15 phút. Không gian nơi đo huyết áp phải đảm bảo thoải mái, trẻ phải nằm yên, không quấy khóc (đối với trẻ nhỏ).

Ở điều kiện thông thường, trẻ cần được đo huyết áp ở cả 2 tay để đảm bảo chính xác vì những trẻ mắc chứng hẹp eo động mạch chủ sẽ có huyết áp tay trái thấp hơn tay còn lại.

Trị số huyết áp của trẻ sau đó sẽ được so sánh với bảng giá trị huyết áp bình thường theo tuổi, giới tính, chiều cao. Từ đó xác định có cao huyết áp ở trẻ em hay không.

cao huyết áp ở trẻ em
Tạo thói hoạt động thể chất phù hợp cho trẻ như thói quen tập thể dục mỗi ngày

4. Phòng ngừa bệnh cao huyết áp ở trẻ em

Tăng huyết áp trẻ em hoàn toàn có thể phòng ngừa được, đồng thời hỗ trợ điều trị hiệu quả nếu trẻ được hướng dẫn thay đổi lối sống và áp dụng chế độ ăn uống khoa học. Theo khuyến cáo của các chuyên gia tim mạch, cha mẹ trẻ mắc bệnh tăng huyết áp nên chú ý các vấn đề sau:

  • Duy trì trọng lượng cơ thể trẻ phù hợp, tránh để trẻ béo phì, thừa cân;
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng các nhóm chất một cách hợp lý, khoa học, hạn chế tối đa các món ăn chứa nhiều đường, muối, dầu mỡ, thức ăn nhanh. Chú ý lượng muối ăn bổ sung mỗi ngày cho trẻ từ 4-8 tuổi là 1.2 gam, trẻ lớn hơn là 1.5 gam. Đồng thời, chế độ ăn cần tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, bổ sung thêm rau xanh, trái cây tươi...;
  • Tạo thói hoạt động thể chất phù hợp cho trẻ như thói quen tập thể dục mỗi ngày, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời. Đồng thời, cần hạn chế cho con ngồi quá lâu trước màn hình, chơi game, xem ti vi...;
  • Có các biện pháp giúp trẻ đối phó với căng thẳng: Stress, căng thẳng tinh thần là nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp trẻ em và cả người trưởng thành.

5. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh cao huyết áp ở trẻ em

Trong chế độ dinh dưỡng của trẻ bị cao huyết áp cũng cần chú ý:

  • Chế độ ăn nên sử dụng nhiều các món ăn chế biến cá hơn các loại thịt, khi cho bé ăn thịt cần loại bỏ phần da mỡ. Nên bổ sung vào bữa ăn đậu phụ và các loại đậu khác thay thế thịt;
  • Tăng cường bổ sung các loại sữa để cung cấp thêm canxi và các chất dinh dưỡng khác;
  • Hạn chế bổ sung cho trẻ bị cao huyết áp các món ăn chứa nhiều muối hoặc đường, hạn chế các món chiên rán hay xào vì có nhiều dầu mỡ;
  • Thay mỡ động vật bằng các loại dầu thực vật;
  • Hạn chế tối đa các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol và axit béo bão hoà như mỡ động vật (trừ mỡ cá), da, tạng, lòng đỏ trứng.

Có nhiều nguyên nhân gây cao huyết áp ở trẻ, vì thế cha mẹ cần quan tâm và chú ý đến các dấu hiệu của con để sớm có hướng đưa trẻ đi khám và điều trị khi cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

440 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan