Chấn thương đầu ở trẻ do té ngã

Chấn thương đầu ở trẻ em là một trong những biến cố nguy hiểm thường gặp gây tàn tật và tử vong. Trẻ bị ngã chấn thương đầu nhẹ chỉ gây ra các vết bầm tím, rách da trên đầu nhưng nếu ở mức độ nghiêm trọng thì có thể gây tổn thương não.

1. Các dạng chấn thương đầu ở trẻ em

Chấn thương vùng đầu ở trẻ em là bất kỳ loại tổn thương nào đối với da đầu, hộp sọ, não hoặc các mô và mạch máu khác ở đầu. Chấn thương đầu còn thường được gọi là chấn thương sọ não, tùy thuộc vào mức độ chấn thương. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tàn tật và tử vong ở trẻ nhỏ.

Nguy cơ trẻ bị ngã chấn thương đầu thường gặp ở tuổi trẻ tập đi hay ở thanh thiếu niên, xảy ra ở trẻ em trai nhiều gấp đôi so với trẻ em gái. Hơn nữa, chấn thương đầu ở trẻ em thường xảy ra nhiều hơn vào những tháng mùa xuân và mùa hè, khi trẻ em rất hiếu động trong các hoạt động thể lực như chạy nhảy và chơi đùa. Ngoài ra, trẻ tham gia các môn thể thao như bóng đá, khúc côn cầu và bóng rổ cũng có nguy cơ bị chấn thương đầu cao hơn.

Các dạng chấn thương đầu ở trẻ em bao gồm:

  • Chấn động: Đây là một chấn thương ở đầu có thể chấn động não làm não không hoạt động bình thường trong thời gian ngắn. Trong một số trường hợp, em bé bị đập đầu có thể dẫn đến mất nhận thức hoặc tỉnh táo trong vài phút đến vài giờ. Đôi khi cũng có thể trẻ bị chấn thương đầu nhẹ và cha mẹ không biết triệu chứng bất thường.
  • Tụ máu: Đây là một vết bầm trên não sau khi bé bị chấn thương đầu. Lúc này, vùng bị chấn thương sẽ có hiện tượng sung huyết gây chảy máu và sưng bên trong não xung quanh. Trong một số trường hợp, trẻ có thể xuất hiện một cơn co giật xảy ra ở phía đối diện của đầu do não va vào hộp sọ.
  • Vỡ sọ: Chấn thương vùng đầu ở trẻ em mức độ nặng có thể gây vỡ sọ. Có 4 loại vỡ xương sọ chính:
  • Vỡ xương sọ tuyến tính: Đây là tình trạng gãy xương không di chuyển được xương. Trẻ cần được theo dõi chặt chẽ trong bệnh viện nhưng hầu hết các trường hợp trẻ có thể trở lại các hoạt động bình thường sau một vài ngày mà không cần điều trị.
  • Vỡ xương sọ dạng khuyết: Một phần của hộp sọ sẽ bị lõm vào nơi xương bị vỡ khi trẻ bị ngã chấn thương đầu cường độ mạnh. Tình trạng này có thể xảy ra với có hoặc không có vết cắt trên da đầu. Nếu phần bên trong của hộp sọ đè lên não, trẻ cần được phẫu thuật khẩn trương để giúp điều chỉnh lại.
  • Vỡ xương sọ áp lực: Các vết nứt vỡ xảy ra dọc theo các đường khớp trong hộp sọ, thường thấy ở trẻ sơ sinh khi các thóp chưa đóng kín và các khớp sọ chưa khép sát. Lúc này, các đường khớp sọ sẽ khó liền lại mà càng được nới rộng hơn.
  • Vỡ sàn sọ: Đây là tình trạng gãy các xương ở đáy hộp sọ, thường xảy ra khi chấn thương đầu ở trẻ em mức độ nghiêm trọng. Trẻ bị vỡ sọ kiểu này thường có vết bầm tím quanh mắt và vết bầm sau tai. Trẻ cũng có thể có chất lỏng trong suốt chảy ra từ mũi hoặc tai, do một phần của vỏ não bị rách gây rò rỉ dịch não tủy. Các trường hợp này phải được theo dõi chặt chẽ trong bệnh viện.
Chấn thương vùng đầu ở trẻ em
Chấn thương vùng đầu ở trẻ em là bất kỳ loại tổn thương nào đối với da đầu, hộp sọ, não

2. Các triệu chứng của chấn thương đầu ở trẻ em như thế nào?

Các triệu chứng của chấn thương đầu ở trẻ em có thể rất đa dạng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

Khi trẻ bị chấn thương đầu nhẹ, có thể xảy ra các triệu chứng sau:

  • Vùng da sưng tấy hoặc bầm tím;
  • Trầy rách nông trên da đầu;
  • Đau đầu;
  • Nhạy cảm với tiếng ồn và ánh sáng;
  • Khó chịu hoặc hành vi bất thường;
  • Thờ ơ, hoang mang;
  • Chóng mặt hoặc có vấn đề trong khả năng giữ thăng bằng;
  • Buồn nôn, thay đổi khẩu vị;
  • Bất thường về trí nhớ hay khả năng tập trung;
  • Thay đổi giấc ngủ;
  • Nhìn mờ hoặc nhìn đôi;
  • Ù tai.

Các triệu chứng của chấn thương đầu từ trung bình đến nặng có thể bao gồm bất kỳ dấu hiệu nào ở trên cộng với:

  • Mất ý thức;
  • Đau đầu dữ dội không biến mất;
  • Buồn nôn và nôn ói liên tục;
  • Mất trí nhớ ngắn hạn;
  • Nói lắp;
  • Khó khăn khi đi lại;
  • Yếu một bên hoặc một vùng của cơ thể;
  • Đổ mồ hôi;
  • Màu da nhợt nhạt;
  • Động kinh hoặc co giật;
  • Chảy máu hay dịch từ tai hoặc mũi;
  • Giãn đồng tử;
  • Vết cắt sâu trên da đầu;
  • Mất ý thức và hôn mê.

3. Làm thế nào để tiếp cận chẩn đoán chấn thương đầu ở trẻ em?

Khi phát hiện thấy trẻ bị ngã chấn thương đầu, tốt nhất cha mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám. Bác sĩ khám và khai thác về các triệu chứng, tiền sử sức khỏe cũng như những thương tích gần đây của trẻ.

Sau đó, trẻ cũng cần thực hiện các xét nghiệm và công cụ hình ảnh học như sau:

  • Xét nghiệm máu;
  • Chụp X quang: Tia X sẽ giúp đánh giá sự toàn diện của hộp sọ;
  • Chụp cắt lớp hay chụp cộng hưởng từ: So với X quang, các phương tiện này cho phép đánh giá các cấu trúc bên trong hộp sọ tốt hơn, khảo sát các tổn thương mạch máu hay đụng dập não nếu có.
chấn thương đầu ở trẻ em
Các triệu chứng của chấn thương đầu ở trẻ em có thể rất đa dạng

4. Chấn thương đầu ở trẻ em được điều trị như thế nào?

Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng của chấn thương, độ tuổi và tình trạng sức khỏe chung của trẻ. Các nguyên tắc điều trị chấn thương vùng đầu ở trẻ em bao gồm:

  • Theo dõi đơn thuần;
  • Băng bó và cầm máu vết thương;
  • Khâu da đầu để đóng vết thương hở;
  • Giảm kích động, bằng cách cho thuốc an thần giúp trẻ thư giãn hoặc ngủ;
  • Phẫu thuật nếu chấn thương sọ não mức độ nghiêm trọng.

5. Các biến chứng có thể xảy ra sau chấn thương đầu ở trẻ em là gì?

Trẻ bị ngã chấn thương đầu mức độ nặng có thể mất một số chức năng về sức cơ, lời nói, thị giác, thính giác hoặc vị giác. Điều này phụ thuộc vào khu vực não bị tổn thương. Những thay đổi dài hạn hoặc ngắn hạn trong tính cách hoặc hành vi cũng có thể bị ảnh hưởng. Theo đó, những đứa trẻ này cần được điều trị y tế và phục hồi chức năng suốt đời, có thể bao gồm trị liệu vật lý, định hướng nghề nghiệp hoặc hỗ trợ ngôn ngữ.

Mức độ hồi phục sau chấn thương đầu ở trẻ em phụ thuộc vào loại chấn thương não và các vấn đề y tế khác có thể có. Điều quan trọng là phải phát hiện sớm, tối thiểu tổn thương não cũng như tích cực phục hồi chức năng, tập trung vào việc phát huy tối đa năng lực của trẻ ở gia đình và cộng đồng.

chấn thương đầu ở trẻ em
Việc điều trị chấn thương đầu ở trẻ em sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng của chấn thương

6. Cha mẹ có thể giúp ngăn ngừa chấn thương vùng đầu ở trẻ em bằng cách nào?

Chấn thương vùng đầu ở trẻ em có thể được ngăn ngừa bằng những cách như:

  • Theo dõi sát trẻ trong giai đoạn trẻ tập đi
  • Thiết kế một môi trường phù hợp để vui chơi một cách an toàn cho trẻ em
  • Trang bị đầy đủ cho trẻ các phương tiện bảo hộ như cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi chơi thể thao, đi xe đạp, trượt patin, trượt ván

Tóm lại, chấn thương đầu ở trẻ em là biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Hầu hết các trường hợp em bé bị đập đầu đều nhẹ và không gây ra chấn thương sọ não hoặc để lại các biến chứng lâu dài. Tuy nhiên, khi phát hiện con bị té ngã vào vùng đầu, cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám để được bác sĩ đánh giá và theo dõi kỹ lưỡng, giảm thiểu rủi ro của những tổn thương não đáng tiếc trong tương lai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan