Dấu hiệu răng bị thừa fluor ở trẻ

Fluor là khoáng chất cần thiết đối với sự chắc khỏe của bộ răng. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng răng bị thừa fluor gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng của răng.

1. Răng bị thừa flour là gì?

Răng bị nhiễm fluor (còn gọi là răng bị thừa fluor) là 1 biểu hiện của tình trạng dư thừa fluor gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành men răng. Tình trạng này biểu hiện bằng nhiều đốm trắng đục loang lổ trên răng khiến cho răng không có màu trắng đều. Độ tuổi biểu hiện bệnh lý này chủ yếu là trẻ nhỏ hoặc trẻ đến giai đoạn vị thành niên, khi đó đã trải qua 1 khoảng thời gian dài mà răng đã tiếp xúc với 1 lượng lớn fluor.

Khi mới khởi phát thì các biểu hiện thường không rõ ràng cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu răng bị thừa fluor điển hình như:

  • Những đốm trắng ở dạng mảng xuất hiện trên bề mặt răng tùy vào mức độ nhiễm fluor nặng hay nhẹ mà tỷ lệ mảng trắng trên nhiều hoặc ít.
  • Màu răng không được đều và có hiện tượng chuyển sang màu vàng hoặc nâu.
  • Chạm vào bề mặt răng có dạng sần sùi và xuất hiện các lỗ bắt đầu xuất hiện rời rạc trên răng.

2. Nguyên nhân gây ra thừa fluor ở răng

Fluor là một chất khoáng chất tự nhiên có chứa trong nhiều loại thực phẩm và nước sinh hoạt hàng ngày. Khoáng chất này có tác dụng tốt đối với sức khỏe răng miệng với vai trò bồi đắp men răng và chống sâu răng hiệu quả. Do đó, trong hầu hết các loại kem đánh răng đều có thành phần fluor.

Tuy nhiên, nếu thừa fluor ở răng thì hoàn toàn không tốt cho cả sức khỏe răng miệng và cơ thể vì chúng sẽ làm cho răng nhiễm bị màu fluor gây mất thẩm mỹ, không còn chắc khỏe như trước. Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng nhiễm fluor như:

  • Nguồn nước tự nhiên đang sử dụng có chứa quá mức fluor cần thiết;
  • Chế độ ăn uống không hợp lý có chứa quá nhiều loại thực phẩm giàu fluor như tôm, cua, khoai tây, nước soda hoặc nho khô;
  • Sử dụng kem đánh răng có chứa một lượng lớn nồng độ fluor với nồng độ cao.

3. Răng bị nhiễm fluor có thể tẩy trắng được hay không?

Răng bị nhiễm fluor thường có nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt hàng ngày, gây ra tình trạng mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy khi răng bị nhiễm fluor có thể tẩy trắng để cải thiện được không?

Trên thực tế, để trả lời câu hỏi này thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ thăm khám và xác định được mức độ nhiễm để có thể đưa ra lời khuyên là có nên thực hiện tẩy trắng hay không.

  • Nhiễm fluor mức độ nhẹ

Khi răng bị thừa flour ở mức độ nhẹ và tình trạng này chưa gây ra tổn thương đến bề mặt răng thì có thể thực hiện phương pháp tẩy trắng răng bằng Laser. Đây là công nghệ tẩy trắng răng hiện đại sử dụng ánh sáng Laser với thuốc tẩy trắng răng để loại bỏ đi các phân tử bám màu từ bên trong men răng. Ở mức độ này thì tẩy trắng có thể đạt được hiệu quả tối đa.

  • Nhiễm fluor ở mức độ nặng

Trong trường hợp răng bị nhiễm fluor quá nặng với hiện tượng quá đậm màu và răng không còn khỏe mạnh thì tẩy trắng gần như không mang lại hiệu quả. Khi đó bác sĩ nha khoa sẽ tư vấn một số các biện pháp phục hình răng thẩm mỹ để khắc phục tình trạng răng bị thừa flour triệt để.

Các biện pháp phục hình thẩm mỹ răng gồm có:

  • Bọc răng sứ

Khi răng bị dư thừa fluor quá nặng và lấn sâu vào bên trong ngà răng thì khi đó màu răng sẽ không thể cải thiện về như ban đầu và biện pháp tẩy trắng răng cũng sẽ không mang lại hiệu quả nếu áp dụng. Do đó, bọc răng sứ là giải pháp thẩm mỹ cần được cân nhắc.

Để tái tạo thẩm mỹ cho răng thì bác sĩ sẽ tiến hành mài bớt đi một phần răng rồi sử dụng mão răng sứ có màu sắc hợp lý gắn lên để phục hình. Đây như một lớp áo mới giúp che đi khuyết điểm giúp bảo vệ men răng và mang lại một bộ răng thẩm mỹ hơn.

  • Dán veneer

Ngoài phương pháp bọc răng sứ thì bệnh nhân có thể lựa chọn giải pháp sử dụng mặt dán sứ Veneer. Không giống như phương pháp bọc răng sứ, mặt dán sứ Veneer là một mặt sứ mỏng dán ra mặt ngoài của răng để khắc phục khuyết điểm về hình thể và màu sắc của răng để mang lại bộ răng đẹp hoàn thiện và thẩm mỹ hơn.

4. Cách phòng ngừa nhiễm fluor

Tình huống thường gặp là cả gia đình đều mắc phải tình trạng răng bị thừa fluor. Nguyên nhân chủ yếu đến từ thói quen sinh hoạt và ăn uống hằng ngày chứ không hẳn là vấn đề di truyền. Do đó, cần thay đổi chế độ ăn uống cũng như thói quen sinh hoạt để chăm sóc sức khỏe răng miệng thật tốt ngay từ nhỏ cho các thành viên trong gia đình. Để ngăn ngừa hiện tượng răng bị nhiễm fluor, bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau:

  • Kiểm tra định kỳ nồng độ fluor trong nước sinh hoạt của gia đình. Lượng fluor trong ngưỡng cho phép nằm trong khoảng 0.7 – 1mg/ lít. Khi nồng độ vượt quá giới hạn này thì bạn nên áp dụng một số biện pháp xử lý ngay như chưng cất, lọc RO, thẩm thấu ngược,...
  • Chọn lựa sử dụng kem đánh răng có nồng độ fluor phù hợp tùy theo từng độ tuổi theo khuyến cáo của tiêu chuẩn bác sĩ nha khoa. Cần lưu ý rằng không cho trẻ sử dụng cùng loại kem đánh răng với người lớn và kiểm soát lượng kem khi trẻ dùng.
  • Sau khi chải răng xong cần súc miệng thật sạch bằng nước sạch để rửa trôi lượng fluor còn sót lại.
  • Cân đối chế độ ăn phù hợp và không nên ăn liên tục trong thời gian dài các loại thực phẩm chứa nhiều fluor.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan