Điểm danh 4 thói quen xấu thường gặp khiến trẻ chậm nói

Bài viết của Chuyên viên Âm ngữ trị liệu - Âu Thị Hoa - Trung tâm trị liệu tế bào, khoa Y học tái tạo - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Tình trạng trẻ chậm nói đơn thuần có thể khiến nhiều các bậc cha mẹ lo lắng và luôn đi tìm những nguyên nhân, cách khắc phục mà không hề biết rằng những thói quen xấu hàng ngày có thể khiến con chậm nói và kém phát triển.

1. Các mốc phát triển ngôn ngữ diễn đạt của trẻ

Không ít lần chúng ta nghe thấy các cha mẹ than phiền với nhau về việc con chậm nói. “ Bằng tuổi con mà bạn A bạn B đã nói được vanh vách tên các con vật rồi”, “ Bạn X đi lớp về biết hát, biết kể chuyện rồi, con nhà mình thì....”. Vậy thời điểm nào thì bố mẹ nên lo lắng về việc trẻ chậm nói. Dưới đây là các mốc phát triển về ngôn ngữ diễn đạt quan trọng mà bố mẹ có thể tham khảo:

  • Khi 6 tháng, con có thể bập bẹ để thu hút sự chú ý.
  • Khi 12 tháng con bắt đầu phát âm được một số từ đơn.
  • Đến 2 tuổi, trẻ nói được các từ đôi.
  • Đến 3 tuổi, vốn từ của trẻ đạt khoảng 200 từ và nói được các mẫu câu đơn giản.

2. Một số thói quen của cha mẹ khiến con chậm nói

Khi đã hiểu rõ hơn về tình trạng này, cha mẹ hãy thử nhìn lại trong sinh hoạt hàng ngày, xem xét bản thân vô tình có những thói quen nào dưới đây khiến trẻ chậm nói không?

2.1. Làm hộ con mọi thứ

Xã hội hiện đại khiến các bậc cha mẹ từ sớm đã có mong muốn con được phát triển toàn diện nhất có thể. Với các bé mầm non, ngoài thời gian học trên lớp, trẻ thường sẽ học thêm ngoại ngữ như tiếng Anh và các môn năng khiếu như vẽ, âm nhạc, múa,...Do vậy, vô hình chung trẻ gần như đã không còn thời gian thực hiện việc nhà hay làm giúp bố mẹ các công việc đơn giản nữa.

Thực tế, thực hiện các công việc trong gia đình sẽ phát triển vốn từ vựng cho trẻ vô cùng tốt. Tên gọi các đồ vật, các loại trái cây, các hành động, các đặc điểm của đồ vật,...Quan trọng hơn là trong quá trình làm việc, trẻ được trải nghiệm cách giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn như đồ vật cần lấy ở vị trí quá cao thì làm như nào, các kỹ năng an toàn khi sử dụng đồ dùng sắc, nhọn, tiếp xúc an toàn với vật nóng,...

Nếu các cha mẹ làm hộ con mọi thứ sẽ vô hình chung tước đoạt đi cơ hội học tập ngôn ngữ quan trọng và cực kỳ thiết yếu này.

2.2. Không cho trẻ cơ hội được nói

Hẳn không ít lần con vừa với lên tủ bố mẹ đã đoán được con muốn lấy sữa hay lấy bánh. Con vừa chỉ tay yêu cầu thì ông bà đã lấy cho cái ô tô đồ chơi yêu thích. Nếu vậy trẻ có thấy cần phải nói không?

Việc đoán được ý muốn của trẻ ngay khi trẻ vừa đưa ra tín hiệu giao tiếp phần nào sẽ khiến trẻ thiếu đi động lực giao tiếp và từ đó làm hạn chế phát triển ngôn ngữ. Điều chúng ta nên làm là có thể giả vờ không hiểu hoặc trì hoãn việc đáp ứng rồi hướng dẫn trẻ yêu cầu bằng lời nói phù hợp. Hoặc với những trẻ có ngôn ngữ tốt hơn, ba mẹ có thể gợi ý “ Con nói như nào”. Đồng thời, hãy khen ngợi và khuyến khích mỗi khi trẻ sử dụng ngôn ngữ một cách phù hợp.

Xem ngay: Khám chậm nói tại Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City

2.3. Để trẻ sử dụng ti vi, điện thoại, ipad quá nhiều

Không thể phủ nhận sự xuất hiện của thiết bị công nghệ trong cuộc sống hiện nay. Đây có thể là các kênh cung cấp thông tin, phương tiện giải trí và xã hội cho trẻ nếu như chúng ta biết dùng đúng cách. Đó là trong điều kiện trẻ sử dụng chúng dưới sự hướng dẫn của người lớn. Còn nếu để trẻ dùng các thiết bị điện tử một mình trong thời gian dài thì sẽ mang đến nhiều hệ quả tiêu cực.

Ti vi, ipad chủ yếu là các kênh thông tin một chiều, trẻ sẽ bị tước mất các cơ hội giao tiếp - trẻ chậm nói nguyên nhân có thể bắt đầu từ đây. Internet là một kho thông tin khổng lồ, trẻ có thể sẽ tiếp xúc với các thông tin có hại, không kiểm duyệt. Bên cạnh đó là các nguy cơ suy giảm thị lực.

Giải pháp được các chuyên gia khuyến cáo là cho trẻ sử dụng ti vi, ipad với một thời gian có giới hạn, đặc biệt là hạn chế dùng với trẻ dưới 18 tháng. Với trẻ từ 18 tháng đến 5 tuổi, trẻ cũng chỉ nên dùng dưới 60 phút mỗi ngày. Sử dụng các ứng dụng như Youtube kids, các quyền chọn lọc kênh trên tivi để kiểm soát các nội dung trẻ có thể xem. Và quan trọng nhất là, cha mẹ hãy cùng con sử dụng chúng. Dành thời gian giới thiệu các nội dung được nói đến, giải thích những điều con chưa hiểu, khuyến khích con kể lại những gì đã xem và nêu ý kiến của mình. Hãy để ti vi, điện thoại, ipad trở thành quyển sách điện tử lớn cho trẻ!

2.4. Thiếu môi trường giao tiếp

Trẻ nhỏ phần lớn thời gian ở nhà sẽ là ông bà hoặc người giúp việc trông, bố mẹ thường quá bận rộn để dành nhiều thời gian cạnh trẻ. Thậm chí với một số gia đình, cha mẹ sẽ để các anh chị trông đứa bé hoặc con tự chơi một mình. Trẻ bị thiếu hụt rất lớn về thời gian giao tiếp hiệu quả tại gia đình. Trẻ loay hoay với đống đồ chơi và có khi là bố mẹ thả điện thoại cho con ngồi ngoan để còn làm việc nhà.

Vậy cha mẹ nên làm gì để con vẫn phát triển ngôn ngữ tốt mà chúng ta vẫn giành được thời gian cho các công việc. Đầu tiên, hãy dành thời gian giao tiếp mỗi ngày tối thiểu 15 phút với con. Thời gian được khuyến cáo tốt nhất là ngay khi con đi học về, trước khi đi ngủ,...Đó sẽ là 15 phút trọn vẹn không điện thoại, không công việc, không có các yếu tố gây nhiễu. Một khoảng thời gian dành trọn cho việc lắng nghe, chia sẻ với con. Cha mẹ có thể cùng con chia sẻ về một ngày đã qua, những vấn đề con cảm thấy vui vẻ hay buồn bã, lắng nghe những băn khoăn của con.

Tuổi thơ của con chỉ có một lần nên thay vì phải đi tìm trẻ chậm nói khám ở đâu thì cha mẹ hãy đầu tư thời gian giao tiếp với trẻ ngay từ đầu một cách đầy đủ để con có thể trải qua những ngày tháng thật đẹp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

283 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan