Điều gì ảnh hưởng đến mùi và vị sữa mẹ?

Trong hầu hết các trường hợp, bạn không cần lo lắng khi thấy sữa mẹ có mùi hôi hoặc sữa mẹ bị chua. Sữa mẹ thay đổi về mùi vị và hình thức tùy thuộc vào chế độ ăn uống, thuốc và cách bảo quản. Dù có mùi vị như thế nào, sữa mẹ vẫn luôn là thức ăn hoàn hảo nhất cho trẻ.

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

1. Mùi và vị sữa mẹ là khác nhau ở mỗi người

Khi mới sinh ra, bé đã có thể nhận ra và được an ủi bởi mùi và vị độc đáo của sữa mẹ. Nguyên nhân là bởi nước ối nuôi dưỡng bé trong thai kỳ cũng có mùi vị tương tự như sữa mẹ. Thậm chí, các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng cơn đau của trẻ sơ sinh có thể thuyên giảm khi tiếp xúc với mùi sữa của mẹ. Đối với trẻ sơ sinh, sữa của mẹ ngọt ngào, bổ dưỡng và là duy nhất.

Mùi vị sữa của bạn sẽ tùy vào cơ địa, không giống với bất kỳ người mẹ nào khác và sẽ còn thay đổi dựa trên nhiều yếu tố. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc sữa mẹ như thế nào là tốt? Theo các chuyên gia, sữa mẹ bình thường sẽ có màu trắng đục hoặc hơi ngả vàng, mùi thơm đặc trưng. Tùy thuộc vào từng giai đoạn mà màu sắc của sữa mẹ thay đổi như sau:

  • Sữa non: Là dòng sữa xuất hiện cuối thai kỳ và những ngày đầu tiên khi bé chào đời. Trong sữa non chứa rất nhiều beta-carotene, tạo ra màu vàng nhạt và cam cho sữa mẹ.
  • Sữa chuyển tiếp: Xuất hiện tiếp theo sau sữa non, khi sữa mẹ tiết ra nhiều hơn và có màu trắng dần.
  • Sữa trưởng thành: Xuất hiện 2 tuần sau khi sinh con. Bạn đầu sữa có màu xanh non nhạt hoặc ngả sang trắng trong. Sau vài lần trẻ bú, sữa mẹ bắt đầu đậm dần. Đến giai đoạn cuối, sữa trưởng thành sẽ có màu trắng hoặc vàng đục.

Như vậy, màu của sữa mẹ sẽ tùy thuộc vào các giai đoạn khác nhau, mùi vị cũng sẽ thay đổi dựa vào cơ địa và nhiều yếu tố khác.

XEM THÊM: Cách "gọi" sữa mẹ về nhiều

Sữa mẹ
Sữa mẹ là thức ăn bổ dưỡng và ưa thích của trẻ sơ sinh

2. Những điều có thể ảnh hưởng đến mùi, vị và hình thức của sữa mẹ

2.1. Thực phẩm và thuốc

Sữa có thể thay đổi hương vị khác nhau, tùy thuộc vào bữa ăn của bạn. Ví dụ, gia vị nồng (tiêu, ớt, tỏi) dễ làm biến đổi vị sữa mẹ, gây ra mùi vị hôi nồng tương tự. Trong khi đó, thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn có hàm lượng natri rất cao, khiến cho sữa mẹ có vị mặn. Còn chuối, ngũ cốc và các loại trái cây không chỉ bổ dưỡng, giúp lợi sữa, mà còn làm sữa thơm ngon hơn.

Theo một nghiên cứu, khi bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm, trẻ bú sữa mẹ có xu hướng thích nhiều loại thức ăn và hương vị hơn so với trẻ bú sữa công thức. Ngoài ra, một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến mùi và vị của sữa mẹ.

2.2. Kỹ thuật bảo quản

Cách bảo quản sữa mẹ có thể ảnh hưởng đến mùi, vị và hình thức. Bạn có thể nhận thấy khi để sữa mẹ ở nhiệt độ phòng hoặc trong tủ lạnh, sữa bắt đầu tách thành từng lớp. Điều này không có nghĩa là sữa đã bị hư, mà chỉ đơn giản là lớp kem tách ra khỏi nước và nổi lên trên cùng. Chỉ cần xoay hộp chứa nhẹ nhàng để trộn là đã bạn đã có thể cho bé bú.

2.3. Thói quen đông lạnh

Sữa mẹ đông lạnh và sữa mẹ rã đông có thể ảnh hưởng lớn đến mùi vị. Một số bà mẹ nhận thấy rằng sau khi rã đông, sữa mẹ có mùi hôi khó chịu, chẳng hạn như mùi xà phòng hoặc thậm chí sữa mẹ bị chua, tuy nhiên điều này là bình thường.

XEM THÊM: Dấu hiệu nhận biết sữa mẹ bị hỏng

Trữ đông sữa mẹ
Khi trữ đông, sữa mẹ có thể có một số thay đổi về mùi vị

3. Cách khắc phục sữa mẹ có mùi hôi

Sữa mẹ có chứa lipase - một loại enzym có rất nhiều lợi ích. Cụ thể, enzym này giúp phân hủy chất béo trong sữa mẹ để các chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo và axit béo, nhờ đó bảo vệ em bé không bị ốm vặt.

Trước khi đông lạnh, sữa được giữ ở nhiệt độ phòng hoặc thậm chí trong tủ lạnh càng lâu thì càng có nhiều hoạt tính lipase. Sữa có hàm lượng lipase cao có thể có mùi và vị xà phòng, nhưng không gây hại cho em bé. Hầu hết trẻ sơ sinh đều không bận tâm về điều đó, nhưng nếu trẻ bắt đầu từ chối sữa mẹ (dù là lần đầu tiên hoặc sau khi trẻ phát triển sở thích về khẩu vị) thì bạn có thể ngăn chặn sữa mẹ bị chua và khắc phục sữa mẹ có mùi hôi bằng cách sau:

  • Kiểm tra trước khi đông lạnh: Trước khi đông lạnh một lượng lớn sữa mẹ, bạn có thể kiểm tra sự thay đổi mùi và vị do lipase. Thu thập và đông lạnh 1 - 2 túi hoặc hộp nhỏ sữa mẹ trong ít nhất 5 ngày và sau đó đánh giá mùi để xem con bạn có chịu uống hay không.
  • Loại bỏ sự thay đổi do lipase gây ra trong sữa suốt quá trình đông lạnh: Nếu trong quá trình đông lạnh thử nghiệm, sữa của bạn thay đổi mùi hoặc vị và con bạn không chịu bú, bạn có thể đun nóng sữa tươi trước khi đông lạnh. Việc đun nóng sữa sau khi đã đông lạnh sẽ không khắc phục được vấn đề về mùi và / hoặc vị.

XEM THÊM: Sữa mẹ bảo quản được bao lâu ở ngăn đá tủ lạnh?

Cách đun sữa như sau:

  • Đun nóng sữa trong nồi cho đến khi các bọt nhỏ hình thành xung quanh cạnh nồi.
  • Lưu ý không đun sôi, mà chỉ ở mức nhiệt khoảng 180°F hoặc 82°C.
  • Tắt bếp và để nguội sữa trước khi đông lạnh.

Việc đun nóng sữa tươi sẽ ngăn các enzym phân hủy chất béo, ngăn mùi và vị xà phòng khó chịu. Tuy nhiên, cách này sẽ làm giảm một số thành phần có lợi trong sữa mẹ, vì vậy tốt nhất là bạn nên cho trẻ bú sữa mẹ tươi bất cứ khi nào có thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: medela.us

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan