Điều gì xảy ra khi trẻ bị thừa cân từ nhỏ mà không được giải quyết?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Nhìn chung, trẻ mẫu giáo mũm mĩm không đáng lo ngại bằng trẻ thừa cân, béo phì ở tuổi vị thành niên. Nhưng theo một số chuyên gia, nếu bị thừa cân nghiêm trọng hoặc béo phì ở trẻ em từ khi mới biết đi đến khi học mẫu giáo thì nguy cơ tiếp tục “quá khổ” sẽ gia tăng.

1. Trẻ thừa cân đến mức nào là đáng lo ngại?

Cân nặng có thể khiến con bạn đối mặt với nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như bệnh timtiểu đường, trong cả hiện tại lẫn tương lai. Mặc dù không cần quá lo lắng nếu trẻ hơi mũm mĩm ở độ tuổi này, nhưng hãy trao đổi với bác sĩ để xác định xem vấn đề cân nặng của trẻ có phải bắt đầu giải quyết ngay bây giờ không.

Trẻ mũm mĩm khi còn nhỏ có nhiều khả năng thừa cân khi trưởng thành, nhưng đây cũng có thể chỉ là một giai đoạn tạm thời. Vì vậy, trẻ mẫu giáo dù có vẻ hơi nặng nề, nhưng khi cơ thể thay đổi trong vài năm tới, con sẽ trông gầy hơn. Trẻ em có xu hướng gầy đi khi bắt đầu phát triển chiều cao vượt trội. Tất nhiên, không phải trẻ sẽ ngừng tăng cân mà là chiều cao trở nên tương xứng với cân nặng.

chất béo
Trẻ em có xu hướng gầy đi khi bắt đầu phát triển chiều cao vượt trội

2. Xác định thừa cân, béo phì ở trẻ em

Bác sĩ sẽ đo chiều cao và cân nặng của trẻ, sau đó vẽ lên biểu đồ tăng trưởng. Các bác sĩ ngày nay đang sử dụng nhiều loại biểu đồ tăng trưởng khác nhau, có xem xét chỉ số khối cơ thể (BMI) của trẻ để biết chiều cao có tương xứng với cân nặng hay không. So với số cân nặng, chỉ số BMI còn cho biết trẻ có đang mang quá nhiều chất béo trong cơ thể hay không. Khác với công thức tính chỉ số BMI của người lớn, chỉ số BMI của trẻ em còn dựa trên giới tính và tuổi tác vì cơ thể con vẫn đang thay đổi và lớn lên.

Giống như một biểu đồ tăng trưởng tiêu chuẩn, con bạn sẽ được xếp hạng so với những đứa trẻ cùng tuổi. Nếu chỉ số BMI của con bạn ở phân vị thứ 85 - nghĩa là cao hơn 85% của những đứa trẻ cùng tuổi và giới tính thì bé sẽ được coi là thừa cân. Nếu ở phân vị thứ 95 sẽ được coi là trẻ béo phì.

Ngoài chiều cao và cân nặng của con bạn, bác sĩ cũng sẽ tính đến cân nặng của bố mẹ, thời gian duy trì mức cân nặng này và sức khỏe tổng thể của trẻ.

3. Làm gì khi trẻ thừa cân?

Các bác sĩ thường không khuyến nghị các chế độ ăn kiêng hoặc các chương trình giảm cân cho trẻ em, ngoại trừ những trường hợp nghiêm trọng. Trên thực tế, một chế độ ăn kiêng khắt khe có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển nếu không được theo dõi cẩn thận. Trong hầu hết các trường hợp, mục tiêu là duy trì cân nặng của trẻ bằng một chế độ ăn uống lành mạnh, để khi trẻ phát triển lớn hơn thì cân nặng sẽ tỷ lệ thuận với chiều cao.

Hãy hỏi ý kiến ​​bác sĩ về cách giúp con phát triển thói quen ăn uống lành mạnh. Bạn có thể được đề nghị cho con ăn 3 phần rau và 2 phần trái cây mỗi ngày, ngoài khẩu phần ngũ cốc nguyên hạt, sữa và thịt như bình thường. Tất nhiên, bạn cần hạn chế đồ ngọt và các loại thực phẩm giàu calo lại ít chất dinh dưỡng (đồ ăn vặt). Nếu có điều kiện, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để lập một kế hoạch ăn uống cân bằng cho trẻ béo phì, thừa cân.

Giúp con bạn tránh xa những thói quen xấu có thể gây tăng cân dưới đây:

  • Ăn vặt không kiểm soát

Hạn chế hoặc loại bỏ bánh quy và khoai tây chiên trong nhà. Chọn các món ăn vặt lành mạnh như trái cây và rau tươi, bánh pudding ít béo, sữa chua và pho mát. Đảm bảo con bạn không ăn vặt cả ngày, ngay cả khi ăn những món lành mạnh.

  • Vừa ăn vừa xem tivi

Khi mất tập trung, trẻ có thể không nhận ra mình đã no. Giúp con học cách lắng nghe các tín hiệu của cơ thể để cho trẻ biết khi nào đã ăn uống đủ no.

  • Tiêu thụ quá nhiều nước ngọt hoặc nước trái cây

Hãy để dành soda và đồ uống ngọt khác cho những dịp đặc biệt. Nước ép trái cây được coi là một khẩu phần trái cây, nhưng uống quá nhiều có thể khiến con bạn no, không đói vào bữa chính để ăn các loại thực phẩm bổ dưỡng, cần thiết.

  • Thưởng thức đồ ăn trong máy bán hàng tự động / siêu thị tiện lợi

Hầu hết thực phẩm bày bán sẵn không quá bổ dưỡng. Nếu trẻ chuẩn bị ra ngoài, hãy mang theo những món tốt cho sức khỏe.

  • Dành quá nhiều thời gian trước TV hoặc máy tính

Trẻ em có thể bị hút vào việc ngồi yên trong nhiều giờ. Ngoài ra, các quảng cáo trên TV khuyến khích tiêu thụ các loại thực phẩm giàu calo và nghèo chất dinh dưỡng. Để khuyến khích hoạt động thể chất, hãy để TV ở ngoài phòng ngủ của trẻ.

  • Ăn quá nhiều trong bữa

Thay vì cằn nhằn hoặc chế giễu về cân nặng của con, khiến trẻ bực bội và nổi loạn, hãy cho con cơ hội lựa chọn những thực phẩm lành mạnh và vận động thể chất, đồng thời khen ngợi con khi con làm tốt.

Bố mẹ cũng đừng quên làm gương tốt cho con bằng cách ăn uống điều độ. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, việc cha mẹ làm gương ăn uống lành mạnh và lối sống khoa học là rất quan trọng. Bởi vì trẻ em sẽ học những gì chúng nhìn thấy. Nếu cả gia đình đều ăn uống lành mạnh trong cả bữa chính và phụ, đồng thời thích vận động nhiều thì trẻ mẫu giáo sẽ thấy dễ dàng hơn rất nhiều.

Bạn cũng đừng bắt con phải cân thường xuyên ở nhà, điều này có thể trở thành nguồn gốc gây lo lắng. Tuy nhiên, nếu chỉ số BMI của con trên phân vị thứ 95, bác sĩ có thể yêu cầu gặp trẻ mỗi tháng một lần để theo dõi sự tiến triển. Chỉ cần coi những lần thăm khám này giống như các chuyến đi khám bác sĩ khác, đừng đặt nặng vấn đề số cân. Hãy tập trung vào việc phát triển những thói quen lành mạnh hơn là vào cân nặng của con.

trẻ sơ sinh béo phì
Các bác sĩ thường không khuyến nghị các chế độ ăn kiêng hoặc các chương trình giảm cân cho trẻ em

4. Cách khuyến khích trẻ trở nên năng động hơn

Tập thể dục là một phần quan trọng của việc duy trì cân nặng, nhưng nhiều trẻ em không vận động đủ. Các tổ chức khuyến nghị trẻ em nên hoạt động ít nhất 60 phút mỗi ngày, lý tưởng nhất là vận động cùng với cha mẹ. Thay vì ngồi trên ghế sofa sau bữa tối, gia đình bạn hãy đi dạo hoặc đạp xe cùng nhau, giả vờ trượt băng hoặc khiêu vũ.

Hãy tìm cách để hoạt động nhiều hơn trong ngày, chẳng hạn như đi bộ hoặc đi xe đạp thay vì xe máy, ô tô; hoặc đi cầu thang bộ thay vì thang máy. Đối với hầu hết trẻ em, nhiều thời gian chơi ở ngoài trời là rất cần thiết để giúp bé vui vẻ, tích cực hơn.

Giải thích thế nào cho trẻ về béo phì?
Tập thể dục là một phần quan trọng của việc duy trì cân nặng, nhưng nhiều trẻ em không vận động đủ

5. Điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ vẫn thừa cân khi lớn lên?

Bạn có thể giúp cải thiện tương lai của con mình bằng cách chỉ cho trẻ cách ăn uống tốt hơn và trở nên năng động hơn ngay bây giờ. Điều này sẽ thúc đẩy cơ hội vượt qua vấn đề cân nặng và phát triển thành một người trưởng thành khỏe mạnh. Ngay cả khi không bao giờ đạt được cân nặng "bình thường", con bạn vẫn sẽ khỏe mạnh hơn nếu ăn uống đầy đủ và thường xuyên vận động.

Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ mà còn là nguyên nhân mắc nhiều bệnh lý sau này ở trẻ. Vì thế, ngay từ khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu béo phì, cân nặng vượt mức cao so với mức độ khuyến cáo, cha mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và nhận được sự tư vấn, hỗ trợ tốt nhất từ các bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan