Điều trị tăng kali máu ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Tăng kali máu thường gặp ở trẻ sơ sinh non tháng, có bệnh cảnh liên quan bệnh lý thận, bệnh lý tuyến thượng thận. Trẻ sơ sinh tăng kali máu thường có dấu hiệu toàn thân mệt, lờ đờ, bỏ bú, buồn nôn, rối loạn nhịp tim, giảm hay tăng tần số tim, toàn thân phù, có dấu hiệu sốc.

1. Tăng kali máu ở trẻ sơ sinh là gì?

Tăng kali máu là nồng độ kali trong máu cao hơn mức bình thường. Kali là một cation chủ lực trong các chất điện giải của tế bào, giúp cho sự co bóp của cơ vân và cơ trơn được dễ dàng, bao gồm cả sự co bóp của cơ tim.

Nồng độ kali trong máu bình thường là 3,5-5 mmol/l. Tăng kali máu khi kali > 5 mmol/l. Một khi nồng độ kali máu cao hơn 6,6 mmol/l thì cần được điều trị ngay lập tức do nguy cơ gây rối loạn nhịp tim và có thể dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân gây tăng kali máu ở trẻ sơ sinh có thể do:

  • Cung cấp quá mức: Do bổ sung kali bằng đường uống hoặc đường tĩnh mạch, các chất thay thế có muối, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, các loại thuốc có chứa muối kali, truyền máu,...
  • Tăng kali nhập nhanh, như thay máu, hoại tử mô.
  • Trẻ có suy thận cấp hoặc mãn tính, bao gồm hoại tử ống thận cấp, viêm thận-bể thận mãn, viêm thận lupus, bệnh thận tiểu đường, AIDS, bệnh đường niệu tắc nghẽn, thay thế thận,... gây nên hiện tượng giảm thải Kali.
  • Do thiếu insulin, tái hấp thu khối máu tụ, xuất huyết tiêu hóa, nhồi máu mạc treo, tăng dị hóa, tăng thân nhiệt ác tính, liệt chu kỳ do tăng kali máu.
  • Thiếu mineralocorticoid: Do bệnh Addison, cắt tuyến thượng thận hai bên, giảm aldosteron do giảm hoặc tăng renin máu, quá sản thượng thận di truyền.
  • Do thuốc: Các thuốc kháng viêm không steroid, succinylcholin,...
Trẻ sinh non
Trẻ sơ sinh dễ gặp tình trạng bệnh lý tăng kali máu

2. Dấu hiệu nhận biết tăng kali máu ở trẻ sơ sinh

Tăng kali máu thường gặp ở trẻ sơ sinh non tháng, có bệnh cảnh liên quan bệnh lý thận, bệnh lý tuyến thượng thận. Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị tăng kali máu gồm:

  • Toàn thân trẻ mệt, lờ đờ, bỏ bú, buồn nôn.
  • Rối loạn nhịp tim, giảm hay tăng tần số tim.
  • Toàn thân phù, có dấu hiệu sốc.
  • Nồng độ kali máu tăng cao có sự biến đổi điện tim: sóng T cao nhọn, khoảng PR kéo dài, sóng P phẳng, phức hợp QRS giãn rộng, sóng hình sin, cuồng động thất, rung thất.

3. Điều trị tăng kali máu ở trẻ sơ sinh

Thay máu sơ sinh
Thay máu là một trong những biện pháp điều trị tăng kali máu ở trẻ sơ sinh
  • Phương pháp điều trị tăng kali máu ở trẻ sơ sinh là ngưng ngay các dung dịch truyền có chứa kali.
  • Điều trị theo nguyên nhân và theo dõi tăng kali máu mỗi 6 - 12 giờ: ổn định dẫn truyền mô: calcigluconat 10% 1 - 2 ml/kg hoặc calciclorua 10% 0,3 - 0,6 ml/kg pha loãng tiêm tĩnh mạch chậm, truyền Natriclorua 0,9% truyền tĩnh mạch. Pha loãng và chuyển kali vào nội bào: Natribicarbonat 4,2% 1 - 2 mEq/kg, truyền tĩnh mạch chậm. Insulin + glucose 10%. Tăng đào thải kali.
  • Dùng thuốc lợi tiểu: Furocemid 1mg/kg tiêm tĩnh mạch chậm, trong trường hợp chức năng thận chưa rối loạn; Kayexalate 1g/kg pha 0,5g với 1ml natriclrua 0,9% bơm qua sonde trực tràng.
  • Trong trường hợp các biện pháp trên không có kết quả thì cần thay máu, lọc máu, lọc thận, thẩm phân phúc mạc.
  • Trường hợp tăng kali máu giả không cần điều trị và làm lại xét nghiệm, điều trị theo nguyên nhân như: tăng bạch cầu, tăng tiểu cầu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan