Giải đáp các thắc mắc về bướu giáp thai nhi - fetal goitre

Bài viết của Bác sĩ Võ Tá Sơn - Bác sĩ Y học bào thai - Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Bướu giáp thai nhi - fetal goitre là gì?

Bướu giáp thai nhi là hiện tượng phồng lên của phần trước cổ thai nhi do sự to ra của tuyến giáp.

2. Tại sao thai nhi lại bị bướu giáp?

Bướu giáp ở thai nhi là tình trạng rất hiếm với tỉ lệ 1/50,000-1/30,000 trong thai kỳ. Tuyến giáp thai nhi hoạt động kém (suy giáp bẩm sinh) là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh bướu giáp ở thai nhi. DDiều này cũng có thể xảy ra với thai nhi có tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp bẩm sinh) và thậm chí ngay cả với thai nhi có chức năng tuyến giáp bình thường (điều này ít khi xảy ra hơn).

Thai nhi có thể có tuyến giáp hoạt động kém hoặc hoạt động quá mức do chế độ ăn của người mẹ thiếu iodine hoặc mẹ sử dụng thuốc kháng giáp, hoặc mẹ có kháng thể kháng giáp (bệnh Graves) sẽ tấn công tuyến giáp của thai nhi. Ở những người mẹ khỏe mạnh, em bé đôi khi cũng sẽ gặp vấn đề trong sản xuất, lưu trữ, chuyển hóa hormone giáp hoặc thiếu hụt thụ thể hormone giáp. Các bệnh lý di truyền cũng có thể dẫn đến bướu giáp thai nhi.

3. Những biến chứng hoặc những vấn đề khác liên quan đến bướu giáp thai nhi?

Khi khối bướu giáp lớn sẽ gây ra biến chứng chèn ép khí quản của thai nhi, làm thai nhi nuốt khó dẫn đến đa ối (polyhydramnios). Nếu lo ngại bướu giáp chèn ép khí quản của trẻ khi sinh, nên mổ lấy thai để các bác sĩ đảm bảo rằng em bé có thể thở trước khi kẹp cắt rốn (thủ thuật EXIT). Bướu giáp thai nhi làm tăng nguy cơ suy tim, nhẹ cân, chậm phát triển, nhịp tim thai chậm hoặc nhanh và các vấn đề về phát triển xương. Ngoài ra còn tăng nguy cơ tử vong ở trẻ.

bướu giáp thai nhi
Hình ảnh bướu giáp thai nhi trên siêu âm

4. Tôi cần làm xét nghiệm gì và con tôi sẽ được điều trị ra sao?

Lấy mẫu máu thai nhi (lấy máu từ dây rốn thai nhi bằng kim nhỏ) để đo nồng độ hormon giáp chính xác ở thai nhằm xác định tuyến giáp thai nhi hoạt động kém hay quá mức. Nếu nồng độ hormone giáp quá thấp, bác sĩ có thể tiêm hormone giáp vào nước ối để em bé có thể nhận thuốc bằng nuốt nước ối. Trong một số trường hợp, những mũi tiêm này được thực hiện hàng tuần, nhưng trong những trường hợp khác, chỉ cần tiêm một hay hai mũi. Nếu nồng độ hormone giáp quá cao, bạn sẽ được dùng thuốc kháng giáp và thuốc sẽ được truyền qua nhau thai. Hầu hết các trường hợp, điều trị này sẽ làm bướu giáp nhỏ lại khi trong suốt thai kì.

5. Thai kỳ sẽ tiếp tục được quản lý như thế nào?

Bạn sẽ được siêu âm thường xuyên hơn để kiểm tra sự phát triển của thai nhi và sự to lên của khối bướu giáp cũng như tình trạng sức khỏe thai nhi. Để chuẩn bị cho việc sinh nở, cần hội chẩn giữa bác sĩ nhi sơ sinh, bác sĩ nội tiết, bác sĩ tai-mũi-họng và bác sĩ ngoại nhi.

6. Em bé sau sinh sẽ như thế nào?

Nếu nguyên nhân của bướu giáp là giảm hoạt tuyến giáp và việc điều trị không kịp thời, trẻ có thể chậm phát triển và điếc. Tuy nhiên, khi được điều trị sớm và tiếp tục sau sinh (trung bình khoảng 1 tháng) thì em bé sẽ phát triển bình thường.

Tôi nên hỏi những câu hỏi nào?
∙ Tôi cần siêu âm bao lâu một lần?
∙ Có cần phẫu thuật trong thai kì hay không?
∙ Có lợi ích gì khi em bé được phẫu thuật trong bụng mẹ?
∙ Khi nào có thể sinh?
∙ Nơi nào có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho em bé sau sinh?
∙ Tôi có thể gặp trước đội ngũ bác sĩ sẽ hỗ trợ em bé khi nó được sinh ra?

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

194 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan