Lưu ý khi thổi ngạt cho trẻ em ngưng thở

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Phương pháp thổi ngạt tuy đơn giản, nhưng có thể cứu trẻ bị ngưng thở hoặc suy hô hấp đột ngột khi không có phương tiện cấp cứu hỗ trợ.

1. Thổi ngạt được thực hiện trong những trường hợp nào?

Thổi ngạt là một kỹ thuật cấp cứu được thực hiện tại hiện trường khi người bệnh bị ngừng thở hoặc suy hô hấp đột ngột mà không có các phương tiện cấp cứu hỗ trợ. Mục đích của phương pháp thổi ngạt là thổi một lượng khí thở ra của người cấp cứu vào phổi người bệnh bằng cách áp miệng vào mũi hoặc miệng người bệnh. Đây là một kỹ thuật cấp cứu ngưng thở cần được phổ cập trong cộng đồng để mỗi người dân có thể cấp cứu người bệnh trong trường hợp khẩn cấp.

Thổi ngạt không có chống chỉ định, tuy nhiên không nên thổi ngạt trực tiếp với những nạn nhân mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV,...

2. Các bước tiến hành kỹ thuật thổi ngạt cho trẻ em

Người thực hiện thổi ngạt cho trẻ em có thể là bác sĩ, điều dưỡng hoặc người được đào tạo về kỹ năng thổi ngạt. Trước khi thổi ngạt cần gọi người giúp đỡ, đặt trẻ nằm ngửa, an toàn trên mặt phẳng cứng. Các bước tiến hành kỹ thuật thổi ngạt cho trẻ em như sau:

  • Mở đường dẫn khí, thông đường bằng cách nâng cằm hoặc ấn hàm của trẻ. Người cấp cứu đặt bàn tay vào trán trẻ rồi đẩy từ từ ra phía sau. Đối với trẻ nhũ nhi, đặt cổ trẻ ở tư thế trung gian. Đối với trẻ lớn thì đặt cổ hơi ngả về phía sau. Ngón tay của bàn tay còn lại người cấp cứu đặt dưới cằm trẻ để đẩy ra trước. Chú ý không được đẩy mạnh hàm trẻ vì động tác này có thể làm tổn thương nặng hơn cột sống cổ nếu có chấn thương kèm theo. Mở đường dẫn khí một cách thận trọng cho cả trẻ có hoặc không có tổn thương cột sống cổ.
  • Người cấp cứu thổi ngạt 5 lần theo phương pháp miệng - miệng cho trẻ lớn hoặc miệng - mũi ở trẻ nhỏ. Nếu không thể che phủ được cả miệng và mũi trẻ thì người cấp cứu chỉ nên thổi qua miệng hoặc qua mũi.
  • Trong quá trình thực hiện, cần quan sát sự di động của lồng ngực trẻ. Thổi ngạt có hiệu quả khi lồng ngực di động sau mỗi lần thổi ngạt. Nếu trẻ có ngừng tim thì tiến hành thổi ngạt kết hợp với ép tim.
  • Theo dõi tình trạng hô hấp và tuần hoàn của trẻ sau khi thổi ngạt. Liên hệ với trung tâm vận chuyển, chuyển trẻ đến khoa cấp cứu gần nhất ngay khi có thể.

XEM THÊM: Các bước sơ cứu ban đầu trẻ bị điện giật

Người cấp cứu thổi ngạt 5 lần theo nguyên tắc cấp cứu
Người cấp cứu thổi ngạt 5 lần theo nguyên tắc cấp cứu

3. Các lưu ý khi thổi ngạt cho trẻ em ngưng thở

Trong quá trình thực hiện thổi ngạt cấp cứu ngưng thở, để an toàn cho trẻ, cần chú ý một số điểm sau:

  • Khi thổi ngạt áp lực thổi ngạt có thể cao hơn bình thường vì đường thở của trẻ nhỏ. Cần điều chỉnh nhịp thổi ngạt chậm với áp lực thấp nhất mức có thể để làm giảm chướng bụng.
  • Ấn nhẹ vào sụn giáp để làm giảm khí vào dạ dày.
  • Trong quá trình thổi ngạt, cần chú ý đến tuần hoàn của trẻ.
  • Một số tai biến có thể gặp khi thổi ngạt cho trẻ như vỡ phế nang khi thổi áp lực lớn, lây truyền một số bệnh truyền nhiễm, chướng bụng,... Tình trạng cụ thể của trẻ sẽ được bác sĩ xử trí khi được đưa đến cơ sở y tế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn: Quy trình kỹ thuật nhi khoa- Bộ Y tế

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan