Mối liên hệ giữa giấc ngủ và sự phát triển của trẻ

Vai trò của giấc ngủ rất quan trọng đối với trẻ nhỏ vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có phục hồi năng lượng và xây dựng các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Hơn nữa, đã có bằng chứng cho thấy giấc ngủ cũng thúc đẩy sự phát triển của trẻ về thể chất.

1. Vai trò của giấc ngủ đối với sự phát triển của trẻ

Tăng trưởng là một quá trình phức tạp đòi hỏi sự tham gia của nhiều hormone, nhờ đó để bắt đầu các sự kiện sinh học khác nhau trong máu, các cơ quan, cơ bắp và xương. Một trong những chất quan trọng nhất là hormone tăng trưởng của con người (hGH) - được tiết ra bởi tuyến yên.

Có một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormon này, bao gồm dinh dưỡng, căng thẳng và tập thể dục. Tuy nhiên, giấc ngủ là yếu tố chính ở trẻ nhỏ. Hormone tăng trưởng được tiết ra suốt cả ngày, nhưng nhiều nhất là ngay sau khi bắt đầu giấc ngủ sâu ở trẻ em.

Không ngủ đủ giấc dẫn đến các vấn đề về sự phát triển của trẻ, chủ yếu là tăng trưởng chậm hoặc còi cọc. Thêm vào đó, trẻ mắc một số vấn đề về giấc ngủ - chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường hô hấp, cũng có thể bị gián đoạn sản xuất hormone tăng trưởng.

Một nghiên cứu khác chứng minh: trẻ không ngủ đúng giờ trong 3 năm đầu đời sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, kỹ năng đọc và toán học. Theo đó, giấc ngủ là thời điểm bộ não nạp lại năng lượng, cũng như tiến hành quá trình nhận thức tích cực hơn.

Có thể thấy, vai trò của giấc ngủ có liên hệ mật thiết đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên thời gian ngủ dài hay ngắn không quan trọng bằng chất lượng giấc ngủ. Bé ngủ sâu, ngon giấc sẽ hấp thụ oxy, năng lượng và sản sinh nhiều hormone tăng trưởng hơn. Sáng hôm sau, trẻ sẽ có tâm trạng thoải mái, vui vẻ chơi đùa và lớn lên khỏe mạnh.

Ngược lại, khi ngủ không ngon giấc hoặc thiếu ngủ, cơ thể sẽ tiết ra những hóa chất gây mất cân bằng, khiến bé cáu gắt, quấy khóc, mệt mỏi... về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và trí tuệ.

Ngưng thở khi ngủ ở trẻ sơ sinh
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một vấn đề thường gặp về giấc ngủ ở trẻ

2. Trẻ em cần ngủ bao nhiêu?

Mỗi đứa trẻ đều khác nhau, một số bé cần ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn một chút so với các bạn cùng lứa tuổi. Nhưng nhìn chung, trẻ 1 - 2 tuổi cần ngủ 11 - 14 giờ (bao gồm cả giấc ngủ trưa), và trẻ 3 - 5 tuổi cần ngủ 10 - 13 giờ (bao gồm cả giấc ngủ trưa) trong cả ngày 24 giờ. Đa phần các bé đều đi ngủ trong khoảng từ 7:30 đến 9 giờ tối, và thức dậy trong khoảng từ 6:30 đến 8 giờ sáng.

Về nhu cầu ngủ trưa của trẻ, các chuyên gia nhất trí rằng:

  • Trẻ sơ sinh ngủ càng nhiều và càng lâu càng tốt;
  • Từ 4 - 12 tháng, trẻ sơ sinh có 2 giấc ngủ ngắn mỗi ngày, một vào buổi sáng và một vào buổi chiều, mỗi giấc dài từ 20 phút đến 3 giờ;
  • Từ 2 - 3 tuổi, trẻ ngủ trưa 1 - 2 tiếng vào giữa ngày;
  • Từ 3 tuổi trở lên, một số bé sẽ bỏ ngủ trưa hoàn toàn.

Trong khi hầu hết trẻ em từ 2 - 4 tuổi vẫn chợp mắt từ 1 - 3 giờ mỗi buổi trưa chiều, một số bé lớn hơn sẽ không cần ngủ trưa nữa.

Hãy chuẩn bị một cốc nước ấm dành cho trẻ uống một chút trước khi đi ngủ hay khi thức dậy vào mỗi buổi sáng
Ở mỗi độ tuổi trẻ có thời gian ngủ khác nhau

3. Làm sao để trẻ có giấc ngủ ngon?

Hầu hết trẻ em cần ngủ nhiều hơn bạn nghĩ. Các dấu hiệu cho thấy con bạn có thể không được nghỉ ngơi đầy đủ bao gồm:

  • Cáu kỉnh hoặc bơ phờ trong ngày
  • Ngủ gật trong xe
  • Khó đánh thức.

Nếu trẻ quấy khóc dữ dội vào giờ đi ngủ hoặc mệt mỏi, ngủ gục trước khi được đưa lên giường, cũng là dấu hiệu cho thấy lịch trình ngủ của trẻ không cố định.

Có nhiều yếu tố làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ em như đói hoặc quá no, không vệ sinh sạch sẽ, quần áo chật, không gian ồn ào, bí bách... Để giúp con ngủ đủ giấc, mẹ cần:

  • Lên lịch trình đi ngủ hàng ngày cố định và tuân theo.
  • Có một thói quen trước khi đi ngủ để báo hiệu cho cơ thể của trẻ biết rằng đã đến lúc thư giãn. Những thói quen có thể bao gồm cho bé tắm, đọc một câu chuyện hoặc hát ru nhẹ nhàng.
  • Giữ cho phòng của trẻ tối và yên tĩnh để dễ đi vào giấc ngủ. Đặt TV, máy chơi game và các thiết bị điện tử khác ở ngoài phòng của bé.
  • Đừng chơi đùa nhộn nhịp hoặc la hét ầm ĩ trước khi đi ngủ để tránh gây kích thích bé.
  • Giữ lịch trình và thói quen đi ngủ thông thường ngay cả vào cuối tuần và kỳ nghỉ. Mặc dù chỉ thỉnh thoảng mới thay đổi không gây ảnh hưởng lâu dài, nhưng thời gian đi ngủ thất thường có thể dẫn đến thói quen ngủ kém và thiếu ngủ.
Trẻ ngủ vặn mình
Giữ không gian ngủ của trẻ yên tĩnh

Ngoài giấc ngủ, bố mẹ cũng cần đảm bảo cho con hít thở nhiều không khí trong lành vào ban ngày ngày và tập thể dục, vận động thể chất phù hợp với lứa tuổi. Một số hoạt động nhẹ nhàng, thú vị và lịch trình cố định sẽ cần thiết để trẻ ngoan ngoãn khi đến giờ lên giường, có giấc ngủ sâu và phát triển tốt.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan