Mộng du ở trẻ em: Những điều cần biết

Mộng du là một tình trạng khá phổ biến ở trẻ em. Bản thân mộng du không có hại, nhưng nó có thể dẫn tới những tình huống nguy hiểm cho trẻ vì trẻ bị mộng du sẽ không tỉnh táo và không thể nhận ra mình đang làm gì. Trẻ có thể bước xuống cầu thang hoặc mở cửa đi ra ngoài ban công,... đây là những tình huống vô cùng nguy hiểm, cha mẹ cần chú ý để phòng tránh cho trẻ.

1. Trẻ bị mộng du là gì?

Mộng du rất phổ biến ở trẻ em. Mộng du là một tình trạng rối loạn, khiến trẻ đứng dậy và đi bộ khi đang ngủ. Khi này trẻ không nhận thức được hành động của mình. Tình trạng này còn được gọi là chứng mộng du.

Chứng mộng du thường xảy ra khi trẻ đang chuyển từ giai đoạn ngủ sâu sang giai đoạn nông hơn hoặc thức dậy. Trẻ không thể trả lời các câu hỏi của bạn khi đang trong trạng thái mộng du và thường không nhớ về tình trạng này khi tỉnh dậy. Trong một số trường hợp, trẻ có thể nói nhưng thường là những câu không có ý nghĩa.

Mộng du chủ yếu xảy ra ở trẻ em, và hay gặp nhất ở độ tuổi từ 4 - 8 tuổi. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể mắc phải chứng mộng du.

Hầu hết trẻ em bắt đầu mộng du vào khoảng thời gian từ 1 - 2 giờ sau khi ngủ. Các cơn mộng du thường kéo dài từ 5 - 15 phút. Rất khó để đánh thức trẻ khi đang bị mộng du. Nếu bị đánh thức trong lúc này, trẻ có thể cảm thấy chệnh choạng và mất phương hướng trong vài phút.

Hành vi này thường vô hại và hầu hết trẻ em lớn lên và mất đi tình trạng này. Tuy nhiên, nó có thể gây nguy hiểm nếu trẻ không được bảo vệ. Điều quan trọng đó là cha mẹ cần phải bảo vệ trẻ khỏi các tình huống có thể bị thương xảy ra khi trẻ mộng du.

Mộng du không chỉ đơn thuần là đi bộ, trẻ có thể có những hành vi khác như:

  • Hành vi vô hại: Như ngồi dậy.
  • Hành vi tiềm ẩn nguy hiểm như: Đi lang thang bên ngoài.
  • Hành vi không thích hợp như: Mở cửa tủ quần áo và đi tiểu vào trong đó.
mộng du
Mộng du là một tình trạng rối loạn, khiến trẻ đứng dậy và đi bộ khi đang ngủ

2. Nguyên nhân gây ra mộng du?

Cho đến nay, các chuyên gia không biết chính xác nguyên nhân gây ra mộng du, mặc dù nó có vẻ xuất hiện trong các gia đình. Mộng du có thể bắt đầu bất cứ lúc nào sau khi con bạn bắt đầu biết đi hoặc biết bò, và ít nhất 15% trẻ nhỏ sẽ bị mộng du vào một thời điểm nào đó.

Mộng du thường xảy ra trong vòng một hoặc hai giờ sau khi trẻ chìm vào giấc ngủ, khi con bạn đang ở trong giai đoạn ngủ sâu nhất của giấc ngủ, hoặc không REM (chuyển động mắt nhanh). Ngủ ở những nơi xa lạ, thiếu ngủ hoặc sốt cao có thể gây ra cơn mộng du.

Một đứa trẻ mộng du dường như đang tỉnh giấc, mặc dù thực tế không phải vậy. Đôi mắt của trẻ sẽ mở, và trẻ thậm chí có thể tiếp tục một cuộc trò chuyện, mặc dù nó có thể sẽ không có nhiều ý nghĩa. Trẻ có thể đi lang thang quanh nhà mà không có mục đích gì cả; các hành vi phổ biến bao gồm ngủ gật trong tủ quần áo hoặc nhầm lẫn với phòng tắm.

Có một số yếu tố có thể góp phần vào chứng mộng du ở trẻ em, bao gồm:

  • Trẻ bị mệt mỏi hoặc thiếu ngủ.
  • Trẻ có thói quen ngủ không đều.
  • Trẻ bị căng thẳng hoặc lo lắng.
  • Trẻ phải ngủ ở một nơi xa lạ.
  • Trẻ bị ốm hoặc sốt.
  • Do tác dung của một số loại thuốc, bao gồm thuốc an thần, chất kích thích và thuốc kháng histamin.
  • Trẻ sinh ra trong gia đình có tiền sử bị mộng du.

Mặc dù không phổ biến nhưng mộng du có thể là một triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn nào đó. Các bệnh lý này có thể bao gồm:

3. Các triệu chứng của mộng du ở trẻ nhỏ

Chứng mộng du thường xảy ra vào khoảng đầu của giấc ngủ ban đêm, nó không thể xảy ra trong giấc ngủ ngắn. Con mộng du có thể ít khi xảy ra hoặc xảy ra thường xuyên ở một đứa trẻ.

Đi bộ trong khi ngủ có thể là triệu chứng mộng du phổ biến nhất, nhưng có những hành động khác liên quan đến tình trạng này. Các triệu chứng mộng du có thể bao gồm:

  • Trẻ ngồi dậy trên giường và lặp lại các chuyển động.
  • Trẻ thức dậy và đi bộ xung quanh nhà.
  • Trẻ có thể nói chuyện hoặc lầm bầm trong khi ngủ.
  • Trẻ không phản hồi khi bạn muốn nói chuyện với trẻ.
  • Trẻ thực hiện các chuyển động vụng về
  • Trẻ có thể đi tiểu ở những nơi không thích hợp như tủ quần áo, góc nhà,...
  • Trẻ có thể thực hiện các hành vi thường xuyên hoặc lặp đi lặp lại trong ngày, chẳng hạn như mở và đóng cửa, mặc quần áo.
  • Trẻ có thể trở nên bạo lực hơn trong giai đoạn ngay sau khi thức dậy hoặc đôi khi ngay trong cơn mộng du.
  • Trẻ có thể bị thương do ngã cầu thang hoặc nhảy ra khỏi ban công.
Mộng du
Chứng mộng du thường xảy ra vào khoảng đầu của giấc ngủ ban đêm, nó không thể xảy ra trong giấc ngủ ngắn

4. Trẻ bị mộng du có nguy hiểm không?

Bản thân tình trạng mộng du không có hại. Nhưng mộng du có thể dẫn tới các tình huống nguy hiểm vì trẻ bị mộng du không tỉnh táo và có thể không biết mình đang làm gì. Một số tính huống nguy hiểm có thể xảy ra khi trẻ bị mộng du như là:

  • Trẻ tự làm tổn thương bản thân, đặc biệt là khi trẻ đi bộ gần đồ vật trong nhà hoặc cầu thang, đi lang thang ngoài trời, ăn thứ gì đó không phù hợp khi mộng du.
  • Hiếm khi trẻ làm tổn thương người khác trong khi mộng du.

Mộng du thường không phải là dấu hiệu cho thấy trẻ có điều gì đó không ổn về mặt cảm xúc hoặc tâm lý. Mộng du cũng không gây ra bất kỳ tổn hại nào về mặt tinh thần cho trẻ.

5. Trẻ bị mộng du khi nào cần gặp bác sĩ?

Các đợt mộng du chỉ thỉnh thoảng xuất hiện thường không phải đáng lo ngại và thường tự hết. Bạn có thể đề cập đến tình trạng mộng du khi đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi đi khám vì một lý do nào khác.

Tuy nhiên, bạn cần trao đổi với bác sĩ về tình trạng mộng du của con bạn nếu như:

  • Mộng du xảy ra thường xuyên: từ 1 - 2 lần/tuần hoặc vài lần trong một đêm.
  • Mộng du dẫn đến các hành vi nguy hiểm hoặc có thể gây thương tích cho bản thân trẻ và người khác.
  • Tình trạng mộng du của trẻ gây gián đoạn giấc ngủ của các thành viên trong gia đình một cách đáng kể.
  • Dẫn đến các triệu chứng buồn ngủ quá mức vào ban ngày hoặc các vấn đề về hoạt động khác.
  • Tình trạng mộng du vẫn tiếp diễn khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên.
mộng du
Trong trường hợp mộng du dẫn đến các hành vi nguy hiểm hoặc có thể gây thương tích cho bản thân trẻ và người khác, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ

6. Chẩn đoán mộng du ở trẻ nhỏ

Thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán chứng mộng du dựa trên lời kể của các thành viên khác trong gia đình về hành vi của trẻ. Bác sĩ có thể tiến hành một cuộc kiểm tra thể chất và tâm lý của trẻ để loại trừ các tình trạng khác có thể gây ra mộng du. Nếu chứng mộng du ở trẻ có nguyên nhân từ một tình trạng bệnh lý nào đó, thì trẻ cần phải điều trị các bệnh lý này.

Nếu bác sĩ nghi ngờ một vấn đề khác về giấc ngủ, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ, họ có thể yêu cầu một nghiên cứu về giấc ngủ. Một nghiên cứu về giấc ngủ bao gồm việc trẻ dành cả đêm trong phòng thí nghiệm về giấc ngủ. Các điện cực được gắn vào một số bộ phận nhất định của cơ thể trẻ để đo nhịp tim, sóng não, nhịp thở, độ căng cơ, cử động mắt và chân, và mức oxy trong máu. Máy ảnh cũng có thể được sử dụng để ghi lại cảnh đứa trẻ khi chúng ngủ.

7. Điều trị mộng du ở trẻ nhỏ

Chứng mộng du thường không cần điều trị. Nếu mộng du gây phiền hà cho gia đình, bác sĩ có thể khuyên bạn nên sử dụng một kỹ thuật gọi là đánh thức theo lịch trình. Kỹ thuật này liên quan đến việc theo dõi con bạn trong vài đêm để xác định thời điểm mộng du thường xảy ra và sau đó chuyển con bạn khỏi giấc ngủ 15 phút trước khi mộng du dự kiến. Điều này có thể giúp trẻ thiết lập lại chu kỳ giấc ngủ và kiểm soát hành vi mộng du.

Nếu mộng du gây ra các hành vi nguy hiểm hoặc mệt mỏi quá mức, bác sĩ có thể kê đơn thuốc, chẳng hạn như Benzodiazepines (thuốc kích thích thần kinh thường được kê đơn để điều trị lo âu), hoặc thuốc chống trầm cảm.

Đừng cố đánh thức con bạn nếu bạn thấy bé mộng du. Thay vào đó bạn hãy nhẹ nhàng hướng dẫn trẻ trở lại giường. Nếu bạn cố gắng đánh thức trẻ đang bị mộng du, điều này có thể khiến cho tình trạng của trẻ trở nên trầm trọng hơn.

Con bạn sẽ không còn nhớ gì về sự kiện này vào sáng hôm sau, vì vậy đừng kể lại. Việc nói về tình trạng mộng du trẻ gặp phải có thể khiến con bạn sợ hãi trước giờ đi ngủ.

Cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp an toàn xung quanh nhà để giúp giữ an toàn cho trẻ bị mộng du. Bao gồm các biện pháp sau đây:

  • Đóng và khóa tất cả các cửa ra vào và cửa sổ trong ngồi nhà vào ban đêm.
  • Cài đặt báo động trên cửa ra vào và cửa sổ hoặc cài đặt khóa ngoài tầm với của con bạn.
  • Bạn cần loại bỏ các vật dụng có thể là mối nguy hiểm khi vấp ngã.
  • Bạn cần loại bỏ các vật sắc nhọn và dễ vỡ xung quanh giường của con bạn.
  • Không cho con bạn ngủ trên giường tầng.
  • Lắp đặt cửa an toàn trước cầu thang hoặc cửa ra vào.
  • Giảm nhiệt độ bình nước nóng để tránh bị bỏng.
  • Giữ chìa khóa ngoài tầm với của con bạn.
thuốc ba vòng
Nếu mộng du gây ra các hành vi nguy hiểm hoặc mệt mỏi quá mức, bác sĩ có thể kê đơn thuốc

8. Phòng chống mộng du ở trẻ nhỏ

Khi bạn phát hiện con bạn gặp phải chứng mộng du, bạn có thể giúp trẻ phát triển thói quen ngủ tốt và các kỹ thuật thư giãn để giúp ngăn ngừa mộng du.

Bạn hãy thử những cách sau để giúp trẻ ngăn ngừa mộng du:

  • Bạn nên tập cho trẻ đi ngủ vào cùng một giờ mỗi đêm.
  • Thiết lập một thói quen thư giãn trước khi đi ngủ cho trẻ, chẳng hạn như tắm nước ấm hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng.
  • Bạn cần tạo cho trẻ môi trường ngủ tối, yên tĩnh và thoải mái cho con bạn.
  • Giảm tiếng ồn khi trẻ đang cố gắng ngủ.
  • Hạn chế cho trẻ uống chất lỏng trước khi đi ngủ và đảm bảo con bạn thải hết nước trong bàng quang trước khi đi ngủ.
  • Tránh caffeine và đường trước khi đi ngủ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, babycenter.com, mayoclinic.org, webmd.com, kidshealth.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

52.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan