Nên cho bé ăn gì hết táo bón nhanh?

Táo bón kéo dài khiến việc đi vệ sinh của trẻ rất khó khăn, điều này khiến các bậc cha mẹ xót con vô cùng. Bên cạnh việc sử dụng thuốc thì chế độ ăn kết hợp nhiều loại thực phẩm sẽ giúp bé tránh được tình trạng này. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bậc cha mẹ không biết cho bé ăn gì để hết táo bón.

1. Táo bón ở trẻ em

Trẻ bị táo bón là tình trạng phân di chuyển rất chậm, thời gian ở lại ruột quá lâu khiến ruột tăng hấp thu nước, phân trở nên khô cứng, rắn hoặc tròn như phân dê. Trẻ bị táo bón khi đi tiêu sẽ rất khó khăn, trẻ phải dùng sức rặn nhiều gây tình trạng đau rát, thậm chí là chảy máu hậu môn. Từ đó dẫn đến ám ảnh, sợ viêc đi đại tiện, khiến tình trạng táo bón của trẻ nặng nề thêm. Trẻ bị táo bón được phân thành 2 loại:

2. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị táo bón cần tuân theo một số nguyên tắc nhất định

Những nguyên tắc chăm sóc trẻ bị táo bón cha mẹ nên lưu ý:

2.1. Bổ sung nhiều nước

Lượng nước trẻ cần bổ sung vào cơ thể sẽ phụ thuộc vào lứa tuổi của trẻ:

  • Trẻ 6 - 12 tháng: 200 -300 ml nước/ngày;
  • Trẻ 1 - 3 tuổi: 500 - 600 ml nước/ngày;
  • Trẻ 3 - 5 tuổi: 1000ml nước/ngày;
  • Trẻ từ 10 tuổi trở lên: 1,5 - 2,2 lít nước/ngày.

Thiếu nước là nguyên nhân khiến hệ tiêu hóa của trẻ làm việc kém hiệu quả và dễ bị táo bón.Cha mẹ nên rèn thói quen uống nước cho trẻ, đừng đợi đến khi khát mới uống. Ngoài việc canh lượng nước, cha mẹ có thể căn cứ vào màu sắc của nước tiểu để kiểm tra trẻ đã uống đủ hay chưa: nước tiểu trắng trong hoặc hơi ngả sang màu vàng nhạt là tốt, nếu nước tiểu của trẻ có màu vàng cam sẫm chứng tỏ trẻ đã uống thiếu nước. Cha mẹ nên cho con uống nhiều nước lọc, nước rau hoặc nước hoa quả tươi đều rất tốt cho sức khỏe của con.

2.2. Bổ sung nhiều chất xơ

Nếu trẻ bị táo bón trong quá trình ăn dặm, cha mẹ nên chọn các loại rau quả có tính nhuận tràng cho trẻ, không cho trẻ ăn rau củ có vị chát. Nên chọn loại sữa cho trẻ uống có bổ sung thêm chất xơ trong công thức.

Chất xơ vào ruột sẽ hút nước, trương nở làm tăng khối lượng phân, kích thích nhu động ruột, tăng co bóp để tống phân ra ngoài. Bên cạnh đó, đây còn là môi trường thuận lợi để hệ lợi vi khuẩn phải triển, cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Mỗi bữa ăn của trẻ nên được bổ sung trung bình 100 – 300g hoa quả, 100 – 300g rau xanh tùy theo tuổi.

Ngoài ra, việc chế biến rau củ quả đúng cách mới bảo đảm được nguồn chất xơ cần thiết cho trẻ: không chế biến rau củ quá kỹ sẽ làm mất đi một lượng chất xơ và các loại vitamin, phải cho trẻ ăn cả phần nước và cái của các loại rau củ quả.

trẻ bị táo bón
Trẻ bị táo bón, cha mẹ nên bổ sung nhiều chất xơ cho bé

2.3. Xoa bụng cho trẻ

Đối với trẻ dưới 1 tuổi, cha mẹ có thể xoa bụng cho con theo chiều sinh lý của khung đại tràng, chiều từ phải sang trái, nên thực hiện 3 - 4 lần/ngày, xoa vào thoải điểm giữa khoảng cách 2 bữa ăn để kích thích nhu động ruột trơn tru hơn. Với trẻ lớn hơn, cha mẹ nên cho khuyến khích trẻ vận động, tập thể dục thường xuyên.

2.4. Tập thói quen đại tiện đúng giờ

Đây là một thói quen tốt cho sức khỏe của hệ tiêu hóa, cha mẹ có thể chọn thời điểm ngay sau bữa ăn để cho trẻ đi đại tiện vì lúc này nhu động ruột đang tăng cường hoạt động, lưu ý tránh việc trẻ ngồi bô hoặc bệ xí kéo dài. Hoặc để thuận lợi cho sinh hoạt về sau khi bé đã lớn hơn, cha mẹ có thể luyện cho trẻ thói quen đi tiêu buổi sáng sau khi thức dậy.

2.5. Điều chỉnh chế độ ăn của mẹ đang cho con bú

Đối với trường hợp trẻ đang bú sữa mẹ nhưng trẻ bị táo bón, mẹ cần lưu ý điều chỉnh lại chế độ ăn của mình, bổ sung thêm nước và chất xơ.

3. Cho bé ăn gì để hết táo bón?

Cho bé ăn gì hết táo bón là băn khoăn của rất nhiều bậc cha mẹ có trẻ bị táo bón. Sau đây là một số gợi ý lựa chọn thực phẩm cho trẻ giúp bé cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả:

3.1. Sữa công thức có chất xơ hòa tan FOS

Nếu trẻ bú sữa mẹ sẽ ít bị táo bón hơn so với trẻ uống sữa công thức, do sữa mẹ có chứa nhiều dưỡng chất, giúp tăng sức đề kháng. Vì vậy khi chọn sữa công thức, cha mẹ nên lưu ý không chọn loại sữa giàu năng lượng vì loại sữa này dễ khiến trẻ bị táo bón, nên chọn loại sữa công thức có chứa chất xơ hòa tan FOS và pha đúng tỷ lệ hướng dẫn của nhà sản xuất, việc pha sữa quá đặc hay quá loãng quá cũng có nguy cơ khiến trẻ bị táo bón.

3.2. Rau mồng tơi

Mồng tơi là thực phẩm trị táo bón rất tốt cho trẻ nhờ vào đặc tính hàn, lợi tiểu, giải độc...và một lượng lớn chất nhầy pectin, tinh bột polysaccharide giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động trơn tru hơn, kích thích nhu động ruột, làm mềm phân, đẩy phân ra ngoài dễ dàng hơn.

3.3. Rau dền đỏ

Rau dền đỏ có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu... chuyên dùng để điều trị các bệnh về thận và chứng táo bón cho trẻ nhỏ. Cha mẹ cần rửa sạch rau dền đỏ với nước, sau đó nấu canh/luộc/nấu cùng cháo cho bé ăn hàng ngày để điều trị chứng táo bón.

Rau dền
Cha mẹ có thể sử dụng rau dền đỏ trong bữa ăn hàng ngày để điều trị trẻ bị táo bón

3.4. Bông cải xanh

Bông cải xanh có chứa một lượng chất xơ rất dồi dào, bên cạnh đó còn chứa nhiều vitamin C, K và folate cực kỳ có lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của trẻ, giúp trẻ ngăn ngừa và điều trị khi trẻ bị táo bón hiệu quả.

3.5. Khoai lang

Khoai lang là loại củ có chứa rất nhiều chất xơ không hòa tan dưới dạng cellulose và lignin, ăn khoai làm sẽ làm tăng khối lượng phân, phòng ngừa táo bón và cung cấp các chất dinh dưỡng cho trẻ.

3.6. Mận

Mận là loại trái cây chứa một lượng chất xơ cao, được dùng như một phương thuốc tự nhiên để chữa chứng táo bón. Bên cạnh đó, mận còn chứa nhiều đường sorbitol giúp làm tăng lượng chất lỏng bên trong đường ruột, hỗ trợ khi trẻ bị táo bón rất hiệu quả. Hai thành phần chủ yếu kể trên đều cho tác dụng kích thích dạ dày, thúc đẩy nhu động ruột rất tốt cho hệ tiêu hóa.

3.7. Chuối chín

Chuối bổ sung một lượng lớn kali, acid folic, vitamin B6, pectin,... và cung cấp được 12% lượng chất xơ cần thiết mỗi ngày cho cơ thể, giúp kích thích nhu động ruột của trẻ, làm tăng cảm giác muốn đi ngoài.

3.8. Quả táo

Táo là một loại thực phẩm chống táo bón nhờ vào khả năng cung cấp 17% lượng chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan – pectin, giúp cải thiện táo bón hiệu quả, làm mềm phân, giảm thời gian phân di chuyển bên trong lòng ruột, có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ.

3.9. Quả lê

Chứa lượng chất xơ lên tới 22%, quả lê có khả năng hỗ trợ đắc lực cho hệ tiêu hóa và làm giảm táo bón ở trẻ. Một quả lê cung cấp 5,5g chất xơ, một cốc nước ép lê sẽ cung cấp 4,1g chất xơ cho trẻ. Ngoài ra, lê còn chưa một lượng lớn đường fructose và sorbitol - các loại đường ít được cơ thể hấp thu, thường ở lại trong đường tiêu hóa, giúp kéo nước vào lòng ruột, cho tác dụng nhuận tràng tự nhiên.

3.10. Quả kiwi

Kiwi có chứa actinidia - enzyme phá vỡ protein, thúc đẩy dạ dày tiêu hóa, làm tăng tần suất đi tiêu, giảm thời gian phân di chuyển qua ruột. Cha mẹ có thể cho trẻ ăn khoảng 2 quả kiwi/ngày mà không cần dùng đến các loại thuốc nhuận tràng nào khi trẻ bị táo bón. Thêm vào đó, kiwi còn rất giàu vitamin K, C, E, B9, kali... giúp bổ sung dinh dưỡng cho trẻ.

3.11. Quả bơ

Bơ còn là thực phẩm vàng trong chế độ ăn dặm của bé vì dễ ăn, thơm, mềm, có hàm lượng chất xơ khá cao và là loại thực phẩm trị táo bón hàng đầu.

trẻ bị táo bón
Trẻ bị táo bón có thể dùng trái bơ trong chế độ ăn dặm của bé

3.12. Các loại đậu (đỗ)

Đậu cũng được xem thực phẩm trị táo bón hiệu quả nhờ vào việc cung cấp chất xơ hòa tan và không hòa tan, giúp làm mềm phân, tăng nhu động ruột, giúp làm giảm táo bón. Các loại đậu cha mẹ có thể thêm vào thực đơn của con như: đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen...

3.13. Các loại ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất xơ, carbohydrate phức hợp và là một thực phẩm trị táo bón giúp giảm nhanh các triệu chứng.

3.14. Đậu bắp

Đậu bắp có khả năng giúp nhuận tràng và giảm táo bón ở trẻ nhỏ nhờ vào hàm lượng chất xơ dồi dào (hoà tan và không hòa tan), axit folic, chất nhầy... 100 gram đậu bắp sẽ cung cấp được 10% lượng chất xơ cơ thể cần có mỗi ngày.

Táo bón là tình trạng thường gặp ở trẻ, bên cạnh đó, hệ tiêu hóa của trẻ khá nhạy cảm. Để bé phát triển toàn diện, các bậc phụ huynh cần quan tâm, tìm hiểu về hệ tiêu hóa của trẻ và chăm sóc con đúng cách sẽ hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh, táo bón hoặc suy dinh dưỡng cho con. Nếu trẻ nhỏ gặp các vấn đề liên quan tới hệ tiêu hóa, đặc biệt là táo bón kéo dài thì cha mẹ không nên chủ quan hãy theo dõi cẩn thận và đưa con tới cơ sở y tế uy tín và gần nhất để thăm khám kịp thời.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung các vi chất cần thiết như: Selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... Đặc biệt là loại kẽm sinh học để cải thiện vị giác, giúp trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan