Thành phần của tã có an toàn cho em bé không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Thị Cẩm Vân - Bác sĩ Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Với khả năng thấm hút và tính tiện lợi, tã giấy dùng một lần đã trở thành vật không thể thiếu của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, không biết một sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với khu vực nhạy cảm nhất của trẻ lâu như vậy có chứa những gì? Thành phần của tã có an toàn cho trẻ không?

1. Thành phần của tã giấy dùng một lần

Mặc dù tã dùng một lần có vẻ đơn giản, nhưng chúng có nhiều vật liệu và bộ phận hơn bạn nghĩ. Các công ty sản xuất tã không bắt buộc phải liệt kê toàn bộ thành phần của tã trên bao bì, nhưng hầu hết các sản phẩm được bày bán hiện này đều tuân theo cùng một kết cấu cơ bản như sau:

1.1. Lớp lót bên ngoài và trong

Lớp lót bên ngoài thường được làm bằng màng polyethylene, về cơ bản là giống với thành phần của bao nhựa. Một số tã sử dụng nhựa sinh học thay thế, được làm từ các nguồn tái tạo như dầu thực vật thay vì dầu mỏ. Lớp lót bên trong chạm trực tiếp vào da bé thường được làm bằng polypropylene - một vật liệu phổ biến có trong đồ lót.

Cả 2 thành phần của tã giấy được xem là rất an toàn cho làn da nhạy cảm của trẻ. Một số thương hiệu tã giấy còn bổ sung thêm vào lớp lót bên trong tinh chất lô hộivitamin E, các hợp chất thân thiện với da thường có trong kem chống hăm tã.

1.2. Lõi thấm

Lõi thấm của tã giấy dùng một lần có chứa bột gỗ - thường được tẩy trắng bằng clo, và polymer siêu thấm. Polymer cụ thể là natri polyacrylate - một hợp chất có thể ngấm nước tiểu nhiều gấp 30 lần trọng lượng của nó. Khi được giới thiệu vào đầu những năm 1980, thành phần này đã giúp tã giấy mỏng hơn và hiệu quả hơn trong việc giữ cho trẻ sơ sinh luôn được khô ráo.

Natri polyacrylate thường sẽ nằm trong lõi của tã. Nhưng đôi khi trong quá trình sử dụng, chúng bị rò rỉ qua lớp lót, để lại những tinh thể nhỏ trong suốt trên da em bé.

1.3. Phẩm nhuộm màu

Các nhân vật hoạt hình và những hình ảnh khác được trang trí ở bên ngoài tã giấy được vẽ bằng thuốc nhuộm, như Disperse Blue 106, Disperse Blue 124, Disperse Yellow 3 và Disperse Orange 3. Thuốc nhuộm cũng có thể được sử dụng trong băng thun ở phần lưng và quanh chân, cũng như trong các vạch chỉ thời điểm thay tã.

1.4. Mùi hương

Tã thơm có chứa một lượng nhỏ nước hoa ở giữa lõi thấm và lớp ngoài. Hương liệu này thường chứa citral - một hợp chất có mùi cam quýt, là nguyên liệu phổ biến trong tinh dầu chanh và cam.

Nếu muốn tránh bất kỳ thành phần của tã giấy nào, mẹ hãy tìm loại tã không có phẩm nhuộm, không mùi, không clo,... được ghi chi tiết trên bao bì. Những loại tã tự nhiên, thân thiện này ngày càng được bày bán rộng rãi hơn trên thị trường.

Nên thay tã cho bé thường xuyên để tránh hăm tã
Nếu muốn tránh bất kỳ thành phần của tã giấy nào, mẹ hãy tìm loại tã không có phẩm nhuộm, không mùi, không clo,... được ghi chi tiết trên bao bì

2. Các hóa chất trong tã có an toàn cho trẻ không?

2.1. Natri polyacrylate

Theo các bảng dữ liệu về độ an toàn và mối nguy tiềm ẩn của các hóa chất khác nhau do cơ quan Hoa Kỳ liệt kê chi tiết, natri polyacrylate trong tã là chỉ là một chất nhẹ. Hít phải các hạt nhỏ này có thể gây kích ứng đường thở, nhưng được đánh giá là không độc hại.

Bản thân natri polyacrylate không gây kích ứng da. Với tính chất của một polymer, chúng dính lại thành những chuỗi dài và lớn nên không thể hấp thụ qua da. Tuy nhiên, natri polyacrylate đôi khi được trộn với một lượng nhỏ axit acrylic - một thành phần còn sót lại từ quá trình sản xuất.

Về lý thuyết, axit acrylic liều lượng lớn có thể gây hại cho làn da của em bé. Nhưng thực tế, thành phần của tã giấy dùng một lần trong không có đủ axit acrylic để gây lo ngại.

Những phản ứng dị ứng da do natri polyacrylate là rất hiếm. Cho đến nay, chỉ mới có một trường hợp người trưởng thành sử dụng miếng lót do bị són tiểu ghi nhận phản ứng dị ứng. Rất ít em bé gặp phản ứng dị ứng với bất cứ thành phần nào trong tã.

Vào cuối thập niên 70s và đầu 80s, hàng trăm phụ nữ sử dụng tampon siêu thấm có chứa natri polyacrylate đã phát triển hội chứng sốc độc - một căn bệnh có thể gây tử vong do nhiễm vi khuẩn. Khi natri polyacrylate lần đầu tiên được đưa vào trong tã, một số người lo lắng rằng em bé cũng có thể mắc hội chứng tương tự. Nhưng nỗi sợ này là vô căn cứ. Một chiếc tã được mặc ở bên ngoài cơ thể khác xa so với tampon được nhét bên trong âm đạo. Không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào báo cáo tã giấy gây ra hội chứng sốc độc cho trẻ em.

2.2. Phẩm nhuộm màu

Thuốc nhuộm được sử dụng thành phần của tã thường an toàn. Nhưng trong trường hợp rất hiếm, một số thành phần này đã kích hoạt phản ứng dị ứng ở trẻ sơ sinh.

2.3. Hương liệu

Một số bé rất nhạy cảm với citral và các loại nước hoa khác trong thành phần của tã. Tuy nhiên, các phản ứng dị ứng thực tế không được ghi nhận phổ biến. Theo một báo cáo năm 2009 trên Tạp chí Độc chất học và Sức khỏe Môi trường, lượng citral trong một chiếc tã có mùi thơm thông thường là quá nhỏ, thấp hơn mức gây ra vấn đề kích ứng ngoài da khoảng 1 triệu lần.

2.4. Dioxin

Bột gỗ trong tã giúp tăng khả năng thấm hút, nhưng cũng có thể kèm theo các hóa chất đáng lo ngại khác, cụ thể là dioxin. Dioxin là hóa chất gây ung thư ở người, được tạo ra khi tẩy trắng bột gỗ bằng clo.

Hầu hết các loại tã dùng một lần đều chứa một lượng nhỏ dioxin. Một số người cũng lo ngại rằng dioxin có trong tã lót dùng một lần sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm khi vứt đi.

Tuy nhiên, không có đủ chất độc dioxin trong thành phần của tã để đe dọa sức khỏe em bé. Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2002 ước tính rằng trẻ em nhận hàng ngàn đến hàng triệu lần dioxin từ chế độ ăn uống so với lượng có trong tã. Dioxin có ở mọi nơi trong môi trường và mọi thứ chúng ta ăn, đặc biệt là mỡ động vật.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các loại dioxin nguy hiểm nhất - dạng có khả năng gây ung thư và các bệnh khác, hoàn toàn không xuất hiện trong thành phần của tã giấy.

Hăm tã ở trẻ
Với khả năng thấm hút và tính tiện lợi, tã giấy dùng một lần đã trở thành vật không thể thiếu của nhiều phụ huynh

3. Lời khuyên của bác sĩ nhi khoa

Nhìn chung, các bác sĩ nhi khoa và các chuyên gia y tế cho rằng tã giấy dùng một lần không chỉ thấm hút tốt, mà còn bảo vệ làn da của trẻ sơ sinh, cũng như không gây ra bất cứ vấn đề hay lý do nào đáng lo ngại.

Bác sĩ chuyên khoa da liễu nhi nhận định tình trạng phát ban tã đã giảm nhiều so với trước đây. Các thành phần của tã giấy hiện đại ngày nay có tác dụng hấp thụ một lượng lớn chất lỏng và hút ẩm, khiến sự bùng phát hăm tã có xu hướng ít phổ biến và ít nghiêm trọng hơn.

Rất hiếm gặp trường hợp phát ban mà trong đó chiếc tã lót là nguyên nhân. Phát ban tã thường do nhiễm trùng nấm men gây ra, hoặc kích thích vùng da nhạy cảm do tiêu chảy hoặc phân lỏng bất thường.

Nếu một loại tã nào đó gây ra vấn đề cho con bạn, hãy báo cáo lên cơ sở y tế và thử chuyển đổi sang nhãn hiệu khác. Bạn cũng có thể thử nghiệm dùng tã vải, tuy ít thấm hơn nhưng không có thuốc nhuộm và nhiều hóa chất như tã dùng một lần.

Để điều trị chứng hăm tã nhẹ, phương pháp tiêu chuẩn được khuyến nghị là thay tã thường xuyên, đảm bảo da bé hoàn toàn khô ráo trước khi bôi kem bảo vệ và mặc tã mới vào. Đối với trẻ bị phát ban nghiêm trọng, hãy đưa con đến bác sĩ để kiểm tra.

Bé hăm tã
Để điều trị chứng hăm tã nhẹ, phương pháp tiêu chuẩn được khuyến nghị là thay tã thường xuyên

Trẻ sơ sinh nhìn chung dễ gặp bệnh về đường hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng đường tiêu hóa nếu bé ăn dặm sớm hoặc việc lưu trữ và pha chế sữa không đảm bảo. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên thực hiện tốt việc cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (nếu được) và tiêm vắc-xin đúng lịch. Ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như biếng ăn, mệt mỏi, quấy khóc thì cần đứa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn theo dõi và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan