Trẻ 13 tháng tuổi: Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc răng miệng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Bảo Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Khi được 13 tháng tuổi, trẻ sẽ bắt đầu tập đi, tập nói, khám phá thế giới xung quanh,... Trong giai đoạn trẻ 13 tháng tuổi, cha mẹ cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng hợp lý để bé phát triển tốt, ít ốm đau, bệnh tật.

1. Sự phát triển của trẻ khi chạm mốc 13 tháng tuổi

1.1 Chiều cao và cân nặng của bé 13 tháng tuổi

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì cân nặng trung bình của bé trai 13 tháng tuổi là 9,8kg và bé gái 13 tháng tuổi là 9,1kg. Chiều cao trung bình của bé trai 13 tháng tuổi là 76,9cm và của bé gái 13 tháng tuổi là 75,1cm.

Tuy nhiên, mỗi bé sẽ có mức phát triển khác nhau và con số trên thang đo không phải là tuyệt đối. Chỉ cần trẻ phát triển đều, tích cực về chiều cao, cân nặng trong mức quy chuẩn ở biểu đồ tăng trưởng là cha mẹ có thể an tâm.

1.2 Trẻ 13 tháng tuổi biết làm những gì?

  • Khả năng nói: Bé đang tập nói các từ đơn, 1 hoặc 2 từ. Trẻ đang có những tiến bộ trong việc giao tiếp với người lớn, ví dụ như có các hành động ra dấu hiệu, thay vì chỉ biểu lộ bằng tiếng khóc như khi còn bé;
  • Khả năng di chuyển: Hầu hết các bé 13 tháng tuổi đã đứng vững, có thể di chuyển vòng quanh phòng trong lúc bám vào bàn, ghế hoặc có thể tự bước đi mà không cần trợ giúp. Tuy nhiên, vẫn có những trẻ tập đứng và đi khá muộn. Có những bé đến tận 18 tháng mới bắt đầu đứng vững, tập đi;
  • Khả năng biểu lộ cảm xúc: Trẻ có thể bộc lộ cảm xúc giận dữ, buồn bã, sợ hãi, phản đối,... khá rõ rệt.
trẻ 10 tháng tuổi
Bé 13 tháng tuổi bắt đầu tập đi và khám phá thế giới xung quanh

2. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 13 tháng tuổi

Khi được 13 tháng tuổi, nếu được tập ăn dặm đúng cách, trẻ đã có được kỹ năng tương đối tốt trong việc ăn và đã ăn được nhiều loại thức ăn khác nhau. Bố mẹ nên tiếp tục cung cấp cho trẻ chế độ ăn cân đối và giới thiệu thêm cho trẻ các loại thực phẩm khác.

2.1 Bé 13 tháng ăn gì?

Ngoài 3 bữa chính, trẻ cần ăn thêm 2- 3 bữa phụ mỗi ngày. Cần đa dạng nhóm thực phẩm: Rau xanh, trái cây, ngũ cốc, sữa và protein,... Những nhóm dưỡng chất và thực phẩm cần thiết cho bé gồm:

  • Bổ sung canxi từ: Sữa, rau lá xanh, đậu phụ, bông cải xanh;
  • Bổ sung sắt từ: rau xanh, thịt bò;
  • Bổ sung chất xơ từ: Rau xanh, các loại đậu được nghiền nhuyễn, chuối,...
  • Bổ sung protein từ: Thịt, cá, trứng, sữa,...;
  • Bổ sung tinh bột từ: Cơm, cháo, bún, phở,...
  • Bổ sung chất béo từ: Dầu ăn, bơ,...
Ăn dặm tự chỉ huy là gì
Khi được 13 tháng tuổi trẻ đã có được kỹ năng tương đối tốt trong việc ăn

2.2 Bé 13 tháng ăn bao nhiêu là đủ?

Theo các bác sĩ, hầu hết những trẻ mới biết đi sẽ cần khoảng 1.000 calo/ngày. Theo ước đoán, khi tập cho trẻ ăn dặm, phụ huynh nên sắp xếp khẩu phần cho bé bằng khoảng 1⁄4 lượng thức ăn của một người trưởng thành. Sau đó, cha mẹ có thể quan sát xem bé chọn ăn những gì, ăn bao nhiêu dựa trên nhu cầu của chính em bé.

Đôi khi, trẻ rất kén ăn, không hứng thú với bất kỳ món ăn nào và chỉ uống sữa. Lượng sữa mà trẻ uống cần được tính toán một cách hợp lý về lượng canxi, cân đối với các thức uống khác mà bé tiêu thụ. Cụ thể, một em bé 13 tháng tuổi nên bổ sung khoảng 700 mg canxi mỗi ngày. Nếu trẻ không ăn, uống các thực phẩm có chứa canxi khác thì sẽ cần tiêu thụ khoảng 700ml sữa. Nếu trẻ ăn thêm những thức ăn có chứa canxi thì lượng sữa tiêu thụ có thể giảm đi.

2.3 Lưu ý trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho bé 13 tháng tuổi

  • Nếu người mẹ vẫn đang cho con bú thì nên tiếp tục duy trì việc này vì trẻ sẽ nhận được rất nhiều dưỡng chất từ sữa mẹ;
  • Có thể bổ sung thêm sữa công thức và sữa nguyên kem vào chế độ ăn cho bé;
  • Cung cấp đủ nước cho trẻ;
  • Tập thói quen rửa tay cho bé trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh.
Chăm sóc răng miệng cho trẻ
Chăm sóc răng miệng cho trẻ 13 tháng tuổi

3. Chăm sóc răng miệng cho bé 13 tháng tuổi

  • Không nên cho bé bú mẹ, bú bình, uống nước ngọt, nước trái cây, ăn trái cây khô, kẹo, bánh ngọt,... trước khi đi ngủ để tránh sâu răng;
  • Nếu trẻ thích ngậm, mút một vật gì đó để dễ ngủ thì nên dùng vú giả;
  • Với bé đã bú mẹ, bú bình sữa trước khi ngủ thì nên dùng khăn ẩm lau nhẹ nhàng răng bé để vệ sinh răng miệng sạch sẽ;
  • Không nên cho trẻ ăn vặt thường xuyên, đặc biệt là đồ ngọt;
  • Nếu nghi ngờ trẻ bị khô miệng, cần đưa bé đi khám nha sĩ để được tư vấn, điều trị;
  • Khuyến khích trẻ uống bằng ly, cốc thay vì bú bình;
  • Đánh răng cho trẻ ít nhất 2 lần mỗi ngày, đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ;
  • Khi trẻ được kê đơn thuốc, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng loại thuốc không gây hại cho men răng.

Khi chăm sóc dinh dưỡng và răng miệng cho trẻ 13 tháng tuổi, phụ huynh cần làm theo những lời khuyên của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để giúp trẻ có thể phát triển toàn diện về cả thể chất và trí não.

Trẻ trong giai đoạn 13 tháng tuổi rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng đường tiêu hóa nếu bé ăn dặm sớm hoặc việc lưu trữ và pha chế sữa không đảm bảo. Đặc biệt, trong giai đoạn này trẻ có thể chậm nói, chậm vận động...nên cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên áp dụng một số phương pháp thay đổi thói quen lẫn cải thiện dinh dưỡng để hỗ trợ hệ răng của con phát triển tốt hơn.

Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, vitamin B1, ... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

76K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan