Trẻ hay giật mình khi bị tay chân miệng có phải do biến chứng?

Bệnh tay chân miệng là một bệnh lây truyền phổ biến ở trẻ em. Phần lớn trẻ bị bệnh sẽ tự khỏi, tuy nhiên vẫn có một số trẻ gặp phải biến chứng ảnh hưởng đến não, tim,... Vậy trẻ, giật mình trong bệnh tay chân miệng có phải là biến chứng không?

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là một căn bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, thường gặp nhất là loại Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường tiêu hóa hoặc qua tiếp xúc với bọng nước, phân, nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng

EV71 ít gặp nhưng lại là loại gây ra những biến chứng hết sức nặng nề. Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, các trường hợp tử vong vì bệnh tay chân miệng chủ yếu là do chủng virus EV71 gây ra, trong đó tình trạng tử vong phổ biến nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi.

Tay chân miệng là căn bệnh ở trẻ nhỏ và chưa có vaccine phòng ngừa. Đa số trẻ bị bệnh sẽ tự khỏi. Mặc dù được xem là căn bệnh lành tính và có thể điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng rất nguy hiểm như là: Viêm màng não, viêm não, tổn thương cơ tim..., gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Trẻ bị tổn thương tim và thở không được dễ tiến triển thành suy tuần hoàn, có thể tử vong.

Khi bị bệnh tay chân miệng, đầu tiên sẽ nổi bóng nước. Nếu bóng nước ở trong miệng thường sẽ bị vỡ ra tạo thành vết loét, còn các bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông thường đa phần không bị vỡ mà sẽ khô dần rồi khỏi. Diễn biến của bệnh thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, cũng có thể nhiều hơn 10 ngày.

Khoảng trên 90% trẻ bị tay chân miệng sẽ tự khỏi. Còn lại trẻ có thể có bị một số biến chứng như ảnh hưởng tới não gây ra suy hô hấp, ảnh hưởng tới tim gây ra viêm cơ tim, suy tim, gây phù phổi cấp...

Khi trẻ có các biểu hiện của biến chứng, cần phải đưa trẻ tới bệnh viện ngay lập tức, vì thời gian để giữ lại mạng sống cho trẻ lúc này chỉ khoảng 6-12 tiếng.

Giật mình chới với là một trong ba biểu hiện nặng điển hình của tay chân miệng. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ đã bị nhiễm độc thần kinh, nếu không điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm não tủy,...

2. Giật mình trong bệnh tay chân miệng có phải biến chứng không?

Dấu hiệu giật mình trong bệnh tay chân miệng ở trẻ khá đặc biệt. Trẻ thường sẽ bị giật nảy mình và chới với khi phụ huynh đặt trẻ nằm xuống. Bạn có thể nhận biết dấu hiệu giật mình chới với ở trẻ như sau:

  • Trẻ vừa ngủ thì bị giật nảy người, nâng cả hai tay hai chân lên, mở mắt nhìn lên rồi lại nhắm mắt thiu thiu. Nếu tình trạng nặng hơn, trẻ sẽ bị giật mình liên tục, thậm chí giật mình ngay cả lúc ngủ sâu. Có nhiều trường hợp trẻ vừa nằm ngửa đã bị giật mình.
  • Trẻ bị giật mình ngay cả khi đang chơi đùa. Các bậc phụ huynh nên để ý xem số lần trẻ bị giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Ngoài ra, một số trẻ có biểu hiện đi không vững như bình thường, hoặc bị nôn, ói liên tục. Một số trẻ khác lại có biểu hiện rung nhẹ tay hoặc rung nhẹ thân người. Thực tế, cũng có trẻ biểu hiện thở mệt, thở bất thường, ngủ li li bì không thức dậy chơi, hoặc trẻ có thể bị vã mồ hôi lạnh. Đây là những dấu hiệu mà các bậc phụ huynh cần phải đưa trẻ đi bệnh viện ngay.

Ngoài biểu hiện giật mình chới với, còn có hai biểu hiện nhiễm độc thần kinh tay chân miệng khác mà các bậc phụ huynh cùng cần hết sức lưu tâm, nếu có những biểu hiện này cần đưa trẻ đến viện ngay để được điều trị kịp thời:

  • Ở giai đoạn rất sớm: Trẻ có biểu hiện quấy khóc nhiều, cả đêm không ngủ, cứ khoảng 15-20 phút trẻ lại dậy quấy khóc trong khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp khiến nhiều phụ huynh nghĩ là do các nốt đau miệng làm trẻ khó ngủ.
  • Do quá trình đáp ứng viêm trong cơ thể rất mạnh gây nhiễm độc thần kinh: Trẻ có biểu hiện sốt trên 38 độ kéo dài trên 48 giờ không đáp ứng với các loại thuốc hạ nhiệt thông thường. Ví dụ trẻ bị sốt cao 39 – 40 độ không hạ, ngay cả khi đã cho trẻ uống thuốc hạ sốt thì nhiệt độ cũng không đáng kể, thậm chí sau đó trẻ tiếp tục sốt cao. Nếu như trẻ sốt không cao hoặc có hạ sốt được, nhưng trẻ sốt trên 48 tiếng bạn nên cho trẻ đi khám ngay.

Theo bác sĩ chuyên khoa, các bậc phụ huynh cần theo dõi nhận biết các triệu chứng sớm của bệnh tay chân miệng, tránh được diễn tiến nặng. Các triệu chứng sớm bao gồm:

  • Trẻ có các biểu hiện như lở miệng, loét miệng.
  • Trẻ nổi những nốt phát ban, lở hoặc bọng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở mông, đầu gối hoặc khuỷu tay.

Cần lưu ý, cũng có trường hợp trẻ nổi sang thương da trên khắp cả người, rất khó để có thể phân biệt với phát ban. Thậm chí có những trẻ nổi những mụn nước rất lớn, dễ bị nhầm lẫn với bệnh thủy đậu. Đôi khi trẻ chỉ bị lở miệng, phụ huynh nghĩ có thể do trẻ đang mọc răng, vì trẻ chỉ biếng ăn hoặc chảy nước miếng.

3. Cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Cách chăm sóc cho trẻ bị bệnh tay chân miệng chủ yếu là chế độ ăn cho trẻ, bởi khi trẻ bị bệnh sẽ rất khó ăn. Bạn nên cho trẻ ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu. Nếu trẻ bị đau miệng nhiều cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để cho thuốc giảm đau vùng miệng. Nếu được chăm sóc tốt, trẻ sẽ khỏi bệnh sau 5 - 7 ngày.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là theo dõi để có thể phát hiện sớm các biến chứng với các dấu hiệu như là giật mình, thay đổi giấc ngủ. Nếu để chậm trễ, trẻ có thể có các biểu hiện như thở mệt, co giật, mạch nhanh, sau đó không bắt được mạch.

Bạn có thể chủ động phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ bằng các biện pháp rất đơn giản, nên được thực hiện hằng ngày như:

  • Hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
  • Người lớn luôn rửa tay sau khi chăm sóc trẻ, thay tã cho trẻ, sau khi ho hay hắt hơi, sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn.
  • Không để trẻ chạm tay vào những nơi chưa được khử trùng sạch sẽ.
  • Làm sạch các vật dụng trẻ sử dụng hằng ngày.
  • Đặc biệt, giữ cho trẻ tránh tiếp xúc với trẻ đang mắc bệnh hoặc có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng.

Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ, tay chân miệng ...Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

39.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan