Trẻ khóc nhiều không rõ nguyên nhân

Tình trạng trẻ khóc nhiều không rõ nguyên nhân rất phổ biến hiện nay, đặc biệt với những trẻ dưới 2 tuổi. Điều này đã khiến cho nhiều bậc cha mẹ cực kỳ lo lắng. Vậy cần biết được tại sao em bé khóc và bé khóc nhiều có ảnh hưởng gì không để có cách xử lý thích hợp.

1. Em bé khóc nhiều nguyên nhân do đâu?

Bé khóc nhiều ở giai đoạn nhũ nhi là một tình trạng thường gặp, gây khó khăn cho cha mẹ trong cách giúp đỡ trẻ. Một số nhà khoa học còn gọi đây là hội chứng quấy khóc ở trẻ nhũ nhi, biểu hiện thường thấy là trẻ quấy khóc rất nhiều, diễn ra trong thời gian dài và không rõ nguyên nhân đối với những trẻ được chẩn đoán là không có bất cứ bệnh lý gì kèm theo. Trẻ khóc nhiều không rõ nguyên nhân diễn ra nhiều nhất trong giai đoạn sơ sinh, đặc biệt là vào tuần thứ 6 sau sinh và có xu hướng tự động biến mất khi trẻ được 3 – 4 tháng tuổi. Các cơn quấy khóc của trẻ thường xảy ra vào một thời điểm nhất định mỗi ngày, thường là vào ban đêm, kéo dài hàng giờ và không thể xác định được nguyên nhân chính xác khiến trẻ khó chịu. Một số trẻ vì khóc quá nhiều dẫn đến hiện tượng đầy hơi, nuốt hơi vào bụng và khiến bụng của trẻ bị đầy hơi. Tình trạng này được cho là không có mối liên quan đến tính cách của trẻ như các cha mẹ vẫn thường nghĩ.

2. Tại sao em bé khóc?

Tình trạng trẻ khóc nhiều không rõ nguyên nhân cần được phân biệt với một số nguyên nhân, bệnh lý thường gặp ở giai đoạn nhũ nhi cũng khiến cho trẻ bật khóc đó là:

  • Trẻ đói: Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ khóc, ngoài ra một số biểu hiện đi kèm để nhận biết trẻ đang đói đó là khóc ầm ĩ, có dấu hiệu tìm vú mẹ khi bồng trẻ, nhóp nhép và cử động miệng nhiều... Lúc này cần cho trẻ bú sữa ngay, nếu trẻ bú no thì sẽ hết khóc.
  • Tã bị dơ hoặc ướt: Khi trẻ tiểu ra tã khiến tã đầy hoặc dính ướt vào cơ thể cũng khiến trẻ khó chịu và khóc, vì vậy cha mẹ cần chú ý thay tã cho trẻ ngay khi cần thiết, tránh tình trạng ẩm ướt.
  • Trẻ cảm thấy quá lạnh hay quá nóng: Cần điều chỉnh việc quấn khăn, ủ ấm cho trẻ tùy theo điều kiện thời tiết và biểu hiện của trẻ để khiến trẻ cảm thấy thoải mái.
  • Trẻ muốn được ôm ấp: Đôi khi trẻ quấy khóc nhiều là vì muốn được cha mẹ ôm ấp, bồng và nâng niu trẻ, trẻ thích được nói chuyện và lắng nghe giọng nói của mọi người xung quanh.
  • Trẻ mệt mỏi: Vì là độ tuổi thích được vui chơi, chạy nhảy nhiều nên nếu trẻ hoạt động nhiều trong thời gian dài thì cần được chăm sóc, nghỉ ngơi và ăn uống để hồi phục, nếu không có đủ sức khỏe để hoạt động thì trẻ sẽ quấy khóc nhiều hơn.
  • Một số bệnh lý thường gặp như viêm màng não mủ, chấn thương, rối loạn tiêu hóa, mọc răng, thiếu vitamin D, các bệnh lý về thần kinh, nhiễm trùng như viêm tai giữa, nhiễm trùng đường tiểu... cũng khiến trẻ quấy khóc nhiều.
Em bé khóc nhiều có thể do
Em bé khóc nhiều có thể do một số nguyên nhân khác nhau

3. Bé khóc nhiều có ảnh hưởng gì không?

Em bé khóc nhiều là dấu hiệu nhận biết cho thấy có một tình trạng bất thường trong cơ thể khiến trẻ khó chịu, có thể là những nguyên nhân thông thường như đói, tã ướt, buồn ngủ... hoặc cũng có thể là một số bệnh lý nghiêm trọng cần đi bệnh viện ngay như nhiễm trùng, viêm màng não, viêm ruột thừa, dị ứng thức ăn, tắc ruột, chấn thương..., vì vậy cha mẹ cần phải chú ý đến trẻ và đưa đến khám tại những bệnh viện có chuyên môn về nhi khoa ngay khi có bất cứ triệu chứng nghi ngờ nào.

Khi trẻ trong độ tuổi nhũ nhi quấy khóc cha mẹ trước tiên cần phải bình tĩnh, không nên giữ thái độ quá lo lắng, mất kiểm soát vì sẽ khiến mọi việc trở nên nghiêm trọng hơn. Sau đó cha mẹ quan sát những biểu hiện của trẻ, xem thử có phải quấy khóc đến từ những nguyên nhân có thể xử lý được như trẻ đói, cần thay tã, cần ôm ấp... hay không, nếu đã xử lý bằng cách cho trẻ bú, thay tã, bồng và nâng niu trẻ mà vẫn không được thì cần tìm sự hỗ trợ y tế trong thời gian sớm nhất.

Thông thường, một số kinh nghiệm có thể giúp trẻ giảm bớt sự quấy khóc nếu như trẻ không mắc bất cứ bệnh lý bất thường nào đó là:

  • Ôm ấp, nói với trẻ bằng những lời nói dịu dàng, trìu mến để giúp trẻ bình tĩnh lại.
  • Xây dựng kế hoạch cho những hoạt động của trẻ theo lịch trình mà cơ thể trẻ biểu hiện, tránh để trẻ phải làm bất cứ việc gì trong thời gian trẻ đang khó chịu.
  • Giữ ấm vừa phải cho trẻ, không nên quấn khăn quá kín.
  • Có thể cho trẻ nghe một số bài nhạc nhẹ nhàng.
  • Có thể xoa bụng, massage cho trẻ.

Trẻ khóc nhiều không rõ nguyên nhân là vấn đề khiến nhiều cha mẹ rất lo lắng, căng thẳng và mệt mỏi trong giai đoạn 1 – 2 tuổi. Tuy nhiên, cha mẹ nên bình tĩnh, cố gắng dành những cử chỉ yêu thương, quan tâm trẻ, đồng thời quan sát và tìm cách hiểu được những phản ứng của trẻ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

66K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan