Trẻ sơ sinh uống sữa nguội có bị đau bụng, tiêu chảy?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Nhiều bà mẹ, đặc biệt là những người lần đầu tiên làm mẹ thường băn khoăn việc trẻ sơ sinh uống sữa nguội có sao không? liệu sữa nguội có đủ dưỡng chất cho con? Đó cũng chính là những kiến thức mà các mẹ cần tìm hiểu trước khi cho trẻ sơ sinh uống sữa nguội để đảm bảo an toàn.

1. Trẻ sơ sinh uống sữa nguội có sao không?

Trẻ bú mẹ sẽ nhận được sữa trực tiếp từ bầu ngực với nhiệt độ bằng thân nhiệt cơ thể (khoảng 37°C). Trẻ bú sữa công thức hoặc bú bình sữa mẹ lưu trữ thường được làm ấm nhẹ, nhưng đôi khi vẫn có gia đình cho trẻ bú sữa để nguội ở nhiệt độ phòng hoặc thậm chí vừa lấy ra từ tủ lạnh.

Các nhà khoa học đã chứng minh nhiệt độ không ảnh hưởng gì đến thành phần dinh dưỡng của sữa, trẻ sơ sinh có thể uống sữa nguội. Việc hâm sữa thực ra không quan trọng bằng sử dụng đúng hỗn hợp nước và sữa công thức (trẻ bú bình), cũng như bảo quản sữa mẹ một cách hợp lý (trẻ bú mẹ). Ngoài ra, việc cho con bú sữa nguội, chỉ hơi ấm một chút hoặc vừa lấy ra từ tủ lạnh sẽ đơn giản và thuận tiện hơn cho bố mẹ ở cữ bú giữa đêm.

Điều quan trọng bạn phải lưu ý là không bao giờ được cho trẻ bú sữa bò dù ấm hay nguội. Sữa bò không thích hợp cho trẻ em dưới 1 tuổi, bạn chỉ có hai lựa chọn là cho trẻ bú sữa công thức hoặc sữa mẹ.

lưu ý khi cho trẻ sơ sinh uống sữa nguội
Trẻ sơ sinh uống sữa nguội có sao không là vấn đề được nhiều mẹ bỉm sữa quan tâm

2. Cho trẻ uống sữa lạnh có an toàn không?

Trẻ sơ sinh uống sữa lạnh vẫn được xem là an toàn. Trên thực tế, sữa mẹ đông lạnh còn có thể được sử dụng để giảm đau cho trẻ mọc răng. Cụ thể, bạn cần cho sữa mẹ vào khay đá lạnh. Sau khi sữa đông lại, hãy đặt viên sữa lạnh vào túi nhai ăn dặm (mesh feeder) và cho bé ngậm từ từ.

Mặc dù nhiều bậc cha mẹ chọn cách hâm nóng sữa cho con mình, nhưng thực tế có thể tồn tại nhiều rủi ro khi hâm sữa như hâm sữa ở nhiệt độ quá nóng làm mất đi thành phần dinh dưỡng vốn có của sữa.

3. Lưu ý khi hâm nóng sữa

Điều cần quan tâm đầu tiên là sử dụng lò vi sóng. Bạn không nên cho sữa mẹ hoặc sữa công thức nguội vào lò vi sóng. Vì hâm sữa bằng lò vi sóng, không làm sữa nóng đều, có thể để lại những điểm quá nóng, mặc dù bạn đã kiểm tra nhiệt độ của sữa trước khi cho trẻ uống, nhưng vẫn có thể khiến trẻ bị bỏng miệng hoặc thực quản khi uống.

Phương pháp phổ biến nhất để hâm nóng sữa mẹ là sử dụng máy hâm hoặc đặt bình sữa vào chậu nước nóng. Tuy nhiên, bạn vẫn phải thận trọng vì đun sữa quá nóng có thể phá hủy chất miễn dịch và dinh dưỡng trong sữa mẹ.

Một nghiên cứu cho thấy, các phương pháp hâm nóng khiến sữa mẹ vượt quá 80°C (176°F) sẽ nhanh chóng làm mất đi các chất dinh dưỡng quan trọng. Vì vậy, nếu muốn hâm sữa cho con, hãy cài đặt nhiệt thấp trên máy hâm sữa hoặc dùng chậu nước ấm thay vì nước sôi để tránh làm sữa quá nóng.

Ngoài ra, bạn cũng không nên hâm lại sữa đã được hâm nóng. Nếu bé vẫn chưa uống hết bình sữa sau 2 giờ kể từ khi hâm, bạn nên bỏ bình sữa đó để tránh sữa bị hư hoặc tiếp xúc với vi trùng môi trường.

Bên cạnh một số rủi ro tiềm ẩn, hâm nóng sữa vẫn mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe cho trẻ, đặc biệt là những trẻ sinh non. Một nghiên cứu cho thấy hâm nóng chất lỏng ở nhiệt độ phù hợp có thể giúp tăng khả năng dung nạp sữa mẹ hoặc sữa công thức.

4. Lo ngại khi trẻ sơ sinh uống sữa nguội

Mặc dù trẻ sơ sinh uống sữa nguội vẫn an toàn, tuy nhiên nhiều người lại chọn hâm nóng sữa. Vì sữa mẹ được bú trực tiếp từ ngực có nhiệt độ ấm. Những em bé bú sữa mẹ trong thời gian dài đã quen với chất lỏng có nhiệt độ ấm này nên với một số trẻ nhạy cảm hơn một chút, sữa lạnh cũng là lý do khiến bé không muốn bú nhiều. Nếu con bạn bú không tốt, bạn có thể thử nhiệt độ chai để xem phù hợp hay không.

Nhiều bậc cha mẹ cũng lo ngại về hiện tượng phân tách chất lỏng xảy ra khi sữa mẹ bị nguội. Tuy nhiên sự phân lớp này là bình thường và không ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Trên thực tế, bạn vẫn thể xoay nhẹ bình sữa vài lần để trộn hỗn hợp. Hâm sữa nóng một chút có thể hỗ trợ trộn đều các lớp dễ dàng hơn.

Nếu bạn vẫn cảm thấy lo lắng, lo ngại những rủi ro khi cho trẻ uống sữa nguội, lạnh; thì bạn có thể áp dụng cách chuyển tiếp từ từ. Mỗi lần cho trẻ bú, hãy hâm sữa ở nhiệt độ thích hợp, sau đó xem phản ứng của con và tìm nhiệt độ sữa phù hợp nhất với trẻ.

Nhìn chung, nếu quyết định hâm nóng sữa mẹ hoặc sữa công thức, bạn cần thực hiện một cách an toàn. Không hâm sữa quá nóng hoặc cho vào lò vi sóng, luôn kiểm tra nhiệt độ sữa trước khi cho trẻ bú.

Để tiết kiệm thời gian, mẹ có thể tham khảo sử dụng các loại bình đun nước thông minh trên thị trường có chế độ giữ nhiệt theo mong muốn. Ưu tiên những sản phẩm sử dụng công nghệ cảm ứng nhiệt, tự động khử clo và giữ nhiệt được 24h vừa giúp mẹ tiết kiệm nhiều thời gian trong việc hâm sữa vừa tiệt trùng được bình sữa.

bé uống sữa nguội
Mẹ có thể hâm sữa ấm ở nhiệt độ phù hợp nếu không muốn cho trẻ uống sữa nguội

Mặc dù cho trẻ uống sữa nguội không ảnh hưởng đến thành phần dinh dưỡng của sữa, tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho trẻ trước khi cho trẻ uống sữa nguội, các mẹ cần phải sử dụng sữa nguội đúng cách, sữa cần đảm bảo được thời gian sử dụng. Trong quá trình sử dụng nếu có bất kỳ phản ứng bất thường nào xảy ra đối với trẻ, các bậc phụ huynh không nên chủ quan cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

61K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan