Trẻ suy giảm miễn dịch và nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hà - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Trẻ suy giảm miễn dịch thường dễ bị bệnh viêm đường hô hấp trên với những triệu chứng điển hình như sốt, ho, nghẹt mũi, khó thở. Để phòng ngừa trẻ bị viêm đường hô hấp trên, bố mẹ cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, uống nhiều nước, giữ ấm và bổ sung dinh dưỡng cần bằng giúp trẻ tăng cường hệ thống miễn dịch.

1. Dấu hiệu cho thấy trẻ suy giảm miễn dịch

Khi trẻ có sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch của trẻ suy giảm sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, điển hình là các bệnh ho, sốt, cảm cúm, viêm họng, nghẹt mũi,... thông thường:

  • Trẻ hay bị ốm vặt: Trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm với những thay đổi ở môi trường bên ngoài. Với những trẻ suy giảm miễn dịch tức là có ít khả năng đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường thì sẽ hay bị ốm hơn.
  • Trẻ bị mất nước: Trẻ bị mất nước hoặc không được uống đủ nước có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị suy giảm sức đề kháng. Những biểu hiện mất nước ở trẻ thường thấy qua tình trạng khô da, niêm mạc môi lưỡi trẻ khô. Trẻ thường cảm thấy khát nước, mắt trũng, tiểu ít hơn, khi khóc không thấy có nước mắt.
  • Trẻ thèm đường: Trẻ suy giảm miễn dịch có thể thèm ăn đường hay ăn quá nhiều đồ ngọt một cách bất thường. Không những vậy, ăn nhiều đường (đặc biệt là đường tinh luyện có trong bánh kẹo, nước ngọt) còn làm cho sức đề kháng của trẻ bị suy yếu thêm.
  • Trẻ chán ăn, biếng ăn: Trẻ cần được ăn uống đầy đủ để cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống cũng như phát triển cơ thể. Tuy nhiên, nếu có một sức đề kháng kém, hay mệt mỏi, dễ bị ốm vặt thì trẻ cũng không thiết ăn uống gì cả. Do đó, khi thấy trẻ có biểu hiện chán ăn, biếng ăn bố mẹ cần lưu ý theo dõi xem trẻ đang gặp vấn đề gì, có phải do trẻ suy giảm miễn dịch hay không để tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp.
  • Trẻ tiêu hóa kém: Một trong những dấu hiệu cho thấy trẻ có sức đề kháng yếu đó là tiêu hóa kém, giảm hấp thụ dinh dưỡng. Theo đó, trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân sống. Hậu quả là trẻ bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng, dẫn tới còi cọc, hoạt động chậm chạp, thể chất chậm phát triển.
  • Lâu lành vết thương: Thời gian lành vết thương là một trong những yếu tố đánh giá sức khỏe của hệ miễn dịch. Nếu con trẻ có những vết thương lâu lành thì rất có thể đó là dấu hiệu cho thấy trẻ suy giảm miễn dịch.
  • Khả năng chịu đựng kém: Trẻ có sức đề kháng kém thường cảm thấy mệt mỏi, không có năng lượng để hoạt động, không hào hứng vui chơi như các trẻ khác. Thay vào đó, trẻ lúc nào cũng trông bơ phờ, đờ đẫn và ngủ nhiều trong ngày.
trẻ bị ốm
Những trẻ suy giảm miễn dịch thường hay ốm vặt, tiêu hóa kém, biếng ăn,...

2. Vì sao trẻ suy giảm miễn dịch dễ dẫn đến viêm đường hô hấp trên

Viêm đường hô hấp trên là tổng hợp của nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến hệ hô hấp trên, bao gồm viêm họng, cảm lạnh, viêm xoang, viêm mũi, viêm thanh quản, viêm tai giữa... Đường hô hấp trên chính là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với mọi tác nhân bất lợi từ môi trường, kể cả vi khuẩn, nấm mốc... Do đó, cơ quan này vô cùng nhạy cảm và dễ mắc bệnh nhiễm.

Thông thường, các đối tượng dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên là trẻ em nhỏ, người cao tuổi, người bị bạch cầu, người bị suy giảm miễn dịch... Hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh vẫn tỏ ra chủ quan với các biến chứng gây ra do viêm đường hô hấp trên vì nghĩ rằng đây là bệnh thoáng qua, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, đối với trẻ suy giảm miễn dịch có thể gặp các vấn đề như viêm phế quản, viêm phổi mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm hơn là suy hô hấp, nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

3. Nhận biết dấu hiệu trẻ bị viêm đường hô hấp trên

Triệu chứng của viêm đường hô hấp trên thường khá đa dạng, chúng có thể là những dấu hiệu đơn lẻ hoặc kết hợp của nhiều dấu hiệu bao gồm:

  • Sốt: Đây là biểu hiện thường gặp nhất, trẻ em thường dễ sốt cao hơn người lớn, thân nhiệt có thể lên tới 39-40oC, kèm theo nhiều biểu hiện như ngứa, đau mắt, chảy nước mắt, viêm kết mạc mắt.
  • Ho: Ho là triệu chứng xuất hiện trong hầu hết những bệnh lý viêm đường hô hấp. Ho thường xuất hiện từng cơn, ho khan, có đờm hoặc không đờm.
  • Sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau rát cổ họng, mệt mỏi, biếng ăn.
  • Khó thở: Đây là triệu chứng ít khi gặp ở trẻ bị viêm đường hô hấp trên. Tuy nhiên một khi đã xuất hiện thì bệnh đã vào giai đoạn nặng, nếu không được chữa trị tốt, bệnh có thể chuyển sang viêm đường hô hấp trên mãn tính với triệu chứng điển hình là ho, rát họng, khi nuốt thấy vướng trong họng, nghẹt mũi do hiện tượng phì đại cuống mũi.
  • Viêm VA mãn tính kéo dài: Tình trạng này xuất hiện ở một số trẻ, gây ra do trực khuẩn. Khi đó, ở mũi quan sát thấy có chất nhầy màu xanh, trường hợp gây viêm xoang sẽ kèm theo dấu hiệu đau đầu.

Trẻ bị viêm đường hô hấp trên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời rất dễ dẫn tới viêm đường hô hấp dưới, với những triệu chứng bao gồm: Khó thở, thở gấp, thở rít, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Biến chứng nặng của bệnh viêm đường hô hấp là tình trạng bội nhiễm kéo theo các bệnh lý khác, khi diễn tiến nặng hơn có nguy cơ dẫn đến tử vong do các biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, viêm tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp.

Trẻ bị cúm A sốt và ho lâu ngày phải làm sao?
Trẻ bị viêm đường hô hấp trên thường có các biểu hiện như sốt cao, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, khó thở,...

4. Cách phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ

Để bảo vệ sức khỏe, tránh để trẻ bị viêm đường hô hấp trên, đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa, bố mẹ cần lưu ý tạo cho trẻ môi trường sống thông thoáng, tập cho trẻ uống nhiều nước, giữ ấm cơ thể và đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ hợp lý.

Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần lưu ý tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, nhất là các loại vắc xin phòng bệnh đường hô hấp như vắc xin phế cầu khuẩn SynflorixPrevenar 13 phòng bệnh viêm phổi, viêm tai giữa cấp tính, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, vắc xin cúm mùa... Trường hợp trẻ có triệu chứng bệnh, nên đưa đi khám, không nên tự ý cho dùng thuốc, nhất là các thuốc kháng sinh.

Ngoài ra, chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho trẻ. Những thành phần giúp xây dựng nên chế độ dinh dưỡng cân bằng bao gồm carbohydrate (tinh bột), protein, axit amin, chất béo, các vitamin và khoáng chất thiết yếu.

Khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để đánh giá được mức độ bệnh. Hầu hết các trường hợp bệnh nhi viêm đường hô hấp trên thể nhẹ đều được bác sĩ chỉ định cho chăm sóc, hướng dẫn theo dõi và điều trị tại nhà.

Để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

360 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan