Trẻ uống sắt đi ngoài màu đen có bất thường không?

Sắt là một trong những vi chất rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, sắt cũng là nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin - chất cho hồng cầu có màu đỏ. Tuy nhiên khi bổ sung sắt cho trẻ em có thể khiến màu sắc phân của trẻ bị thay đổi. Vậy trẻ uống sắt đi ngoài màu đen hoặc xanh có bất thường không?

1. Nhu cầu sắt trẻ cần mỗi ngày

Trẻ từ khi sinh ra đã có sẵn một lượng sắt dự trữ tồn tại sẵn trong cơ thể. Tuy nhiên theo thời gian trẻ lớn dần rất dễ gặp tình trạng thiếu hụt chất sắt. Theo sso nhu cầu sắt trẻ cần mỗi ngày cụ thể như sau:

  • Trẻ từ 7-12 tháng tuổi: 11mg/ngày;
  • Trẻ từ 1-3 tuổi: 7mg/ngày;
  • Trẻ từ 4-8 tuổi: 10mg/ngày;
  • Trẻ từ 9-13 tuổi: 8mg/ngày;
  • Trẻ từ 14-18 tuổi (nữ): 15 mg/ngày;
  • Trẻ từ 14-18 tuổi (nam): 11 mg/ngày;

Đối với những trẻ mắc bệnh thiếu máu nghiêm trọng sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc sắt để bổ sung. Tuy nhiên khi cho trẻ uống các chế phẩm có chứa sắt cần tuân thủ nghiêm ngặt về liều lượng cũng như cách thức bổ sung. Không nên tùy tiện cho trẻ uống sắt mà phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Dấu hiệu thiếu sắt cần bổ sung ở trẻ em

Thiếu máu là tình trạng khá phổ biến ở nhiều độ tuổi kể cả trẻ em. Khi trẻ không nhận đủ chất sắt để tạo máu, trẻ có thể xuất hiện những dấu hiệu sau:

  • Trẻ tăng cân chậm;
  • Da dẻ nhợt nhạt;
  • Bú kém hoặc bỏ bú;
  • Trẻ thường hay khó chịu hoặc quấy khóc;
  • Trẻ thiếu sắt có thể ít hoạt động hơn về thể chất và thường phát triển chậm hơn;
  • Móng tay, móng chân nhợt nhạt, móng tay dễ gãy biến dạng;
  • Tóc khô cứng dễ gãy.

Ở trẻ lớn khi bị thiếu máu thiếu sắt rất dễ bị mệt mỏi hay ngủ gật, thiếu tập trung trong giờ học khiến việc học tập sa sút. Nếu thiếu sắt xảy ra trong giai đoạn sớm, đặc biệt trong những tháng đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến chỉ số phát triển tâm thần - vận động về sau của trẻ, thiếu sắt càng nhiều và càng lâu thì trí thông minh càng kém, phát triển vận động càng chậm chạp.

Nhận thấy vậy, nhiều trẻ được phụ huynh cho uống các loại thuốc có chứa sắt để bổ sung lượng sắt thiếu hụt. Tuy nhiên nhiều trẻ uống sắt đi ngoài màu đen hoặc trẻ uống sắt đi ngoài màu xanh khác lạ khiến các bậc cha mẹ hết sức lo lắng.

3. Trẻ uống sắt đi ngoài màu đen có bất thường không?

Các mẹ hoàn toàn có thể yên tâm vì trẻ uống sắt đi ngoài màu đen là hiện tượng hết sức bình thường, phần lớn không gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Sắt sau khi đi vào cơ thể thì một lượng lớn sắt sẽ đi làm nhiệm vụ tạo máu trong khi đó phần còn lại không được hấp thu sẽ được cơ thể đào thải ra ngoài qua đường phân và nước tiểu, do đó khi trẻ uống sắt sẽ có tình trạng phân chuyển sang màu đen hoặc màu xanh đậm đen.

Lưu ý khi bắt đầu cho trẻ uống các sản phẩm có chứa sắt có thể gây ra đau bụng khiến trẻ uống sắt bị tiêu chảy hoặc trẻ uống sắt bị táo bón, buồn nôn và nôn trong vài ngày đầu tiên. Lúc này cơ thể bé đang phản ứng và thích nghi dần dần với sắt.

Mặt khác, các mẹ cũng không nên quá lơ là khi trẻ uống sắt đi ngoài màu đen. Nếu trẻ uống sắt đi ngoài màu đen kèm theo biểu hiện như phân như hắc ín, có mùi rất hôi thối, trẻ bị đau bụng dữ dội, đau ngực, da lạnh, môi hơi xanh, móng tay chuyển màu xám....các mẹ nên đưa bé đến cơ sở gần nhất để kiểm tra càng sớm càng tốt.

4. Hướng dẫn cách bổ sung các chế phẩm chứa sắt cho trẻ đúng cách

Thiếu hay thừa sắt đều tác động xấu đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, do đó để bổ sung sắt hiệu quả nhất, các mẹ nên chú ý những điều sau đây:

  • Với những bé bú mẹ hoàn toàn thì việc bổ sung sắt cho mẹ chiếm vai trò quan trọng, mẹ sau sinh nên ưu tiên chọn lựa loại sắt dễ hấp thu, không gây tác dụng phụ táo bón, nóng trong, buồn nôn... Các loại sắt hữu nên được ưu tiên lựa chọn do có nhiều ưu điểm nổi trội;
  • Không tùy tiện cho trẻ uống các loại thuốc sắt mà chưa có hướng dẫn của bác sĩ;
  • Không sử dụng sắt với liều cao cho trẻ, vì như vậy có thể gây ngộ độc sắt;
  • Không cho trẻ uống các loại thuốc sắt chung với sữa, nên uống sắt và sữa cách nhau tối thiểu 2 giờ;

Trên thị trường hiện có rất nhiều chế phẩm được quảng cáo là có chứa sắt, tuy nhiên người lớn không nên tự ý mua về dùng cho trẻ, vì nếu không cẩn thận sẽ gây thừa sắt dẫn đến rối loạn sinh lý, rối loạn chức năng nội tạng.

Triệu chứng của hiện tượng thừa sắt là: trẻ cảm thấy khó tiêu hóa, buồn nôn, chán ăn, đau bụng, thường xuyên bị táo bón... Nguy hiểm hơn là trẻ xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi, tim nhanh, rối loạn chức năng gan và thận.

Việc uống sắt đúng cách sẽ giúp trẻ phát triển tốt và tránh được các tác dụng phụ như đi ngoài phân đen, táo bón...

5. Bổ sung sắt cho trẻ thông qua chế độ ăn hằng ngày

Đối với những trẻ độ tuổi từ 6 tháng tuổi trở lên sẽ bắt đầu làm quen với các loại thức ăn mới ngoài nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ. Lúc này các mẹ có thể bổ sung sắt cho trẻ bằng cách thêm vào thực đơn của con các thực phẩm giàu sắt. Tùy vào độ tuổi và khả năng ăn của trẻ, mẹ nên chế biến thực phẩm sao cho phù hợp với các loại nguyên liệu giàu sắt như:

  • Các loại thịt như: thịt bò, gà, cừu, lòng đỏ trứng gà...;
  • Các loại hải sản: cá hồi, tôm, cá thu.....
  • Rau củ: cải bó xôi, đậu hà lan, khoai lang, bông cải xanh, củ cải đường...;
  • Các loại ngũ cốc, bánh mì: bánh mì trắng, bánh mì nguyên cám, ngũ cốc, yến mạch, bánh mì đen, gạo lứt...;
  • Trái cây giàu sắt: dâu tây, nho khô, dưa hấu, chà là, mận, mơ...;
  • Các loại đậu: đậu hũ, đậu thận, đậu trắng, đậu lăng...

Những trẻ đã ăn dặm có thể tăng cường thực phẩm giàu sắt trong bữa ăn hằng ngày, không nên chế biến thực phẩm giàu sắt chung với thực phẩm giàu canxi vì canxi sẽ ức chế hết tác dụng của sắt.

6. Những nguyên nhân trẻ đi ngoài phân đen mẹ nên cảnh giác

Thông thường trẻ đi phân màu đen là do ăn các thực phẩm như: tiết, uống thuốc chứa sắt hoặc chứa Bismuth... Tuy nhiên ngoài các loại thuốc và thực phẩm mẹ cũng không nên chủ quan, vì phân bé màu đen có thể là dấu hiệu bệnh lý đường tiêu hóa. Phân màu đen có thể là do máu chảy ra từ bất kỳ bộ phận nào của bộ máy tiêu hóa, dẫn đến việc đi ngoài phân đen hoặc phân có kèm máu đỏ tươi. Những nguyên nhân bệnh lý gây tình trạng đi ngoài phân đen phổ biến là:

  • Dạ dày, tá tràng bị loét chảy máu;
  • Xuất huyết tiêu hóa gây phân đen sệt như hắc ín, nặng mùi;
  • Vỡ tĩnh mạch thực quản dẫn đến chảy máu đường mật;
  • Chảy máu chân răng, ho ra máu sau đó nuốt xuống đường tiêu hóa.

Máu đỏ tươi xuất hiện trong đường tiêu hóa dưới tác động của dịch vị và dịch ruột sẽ làm cho hồng cầu bị biến chất trở thành màu đen và thải ra phân.

Do đó để an tâm hơn khi nhận thấy con đi ngoài phân đen, cha mẹ nên cho con đến khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện uy tín. Quá trình thăm khám kèm theo việc xét nghiệm phân... bác sĩ sẽ chẩn đoán cụ thể nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân đen của trẻ.

Sau khi tìm được căn nguyên dẫn đến trẻ đi ngoài phân đen sẽ giúp cha mẹ có hướng điều trị cho con. Tóm lại cha mẹ không nên chủ quan, võ đoán tại nhà mà hãy đưa con đi thăm khám ngay khi thấy phân con khác lạ kèm theo các biểu hiện khó chịu, bỏ ăn, quấy khóc... Không nên tự mua thuốc cho con vì có thể khiến con rơi vào tình huống nguy hiểm hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan