Nuốt nghẹn - Dấu hiệu khối u ung thư thực quản đã phát triển

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thiện Quang - Bác sĩ Nội ung Bướu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khám, chẩn đoán các bệnh lý ung bướu và các phương thức điều trị xạ trị, hóa trị, điều trị đích và Chăm sóc giảm nhẹ.

Ở giai đoạn sớm, ung thư thực quản thường ít xuất hiện các triệu chứng. Tuy nhiên, khi khối u phát triển lớn hơn, biểu hiện cũng sẽ rõ ràng hơn. Đặc biệt, đa số các bệnh nhân ung thư thực quản đều có biểu hiện khó nuốt, khi nuốt bị nghẹn.

1. Nuốt nghẹn (khó nuốt) là gì?

Khó nuốt là một thuật ngữ y khoa chỉ sự khó khăn khi thực hiện hành động nuốt. Triệu chứng này thường do bệnh lý ở vùng thực quản hoặc bệnh lý ở vùng hầu họng hoặc do sự chèn ép vào thực quản cũng gây ra. Do đó có rất nhiều nguyên nhân gây ra khó nuốt theo đó cũng rất nhiều, trong đó có ung thư thực quản.

Mức độ khó nuốt cũng khác nhau ở mỗi người và ở mỗi giai đoạn của bệnh. Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể nuốt thức ăn qua thực quản một cách nhẹ nhàng kèm cảm giác đau khi nuốt. Khi tình trạng bệnh nặng hơn, khi thức ăn rắn và cả chất lỏng khi qua thực quản đều có thể gây nôn, bệnh nhân không ăn uống được.

Nuốt nghẹn có thể xuất hiện cùng lúc với các triệu chứng khác như cảm giác buồn nôn, nôn, ho, khó thở.

2. Ung thư thực quản là gì?

Ung thư thực quản là ung thư xảy ra ở thực quản — đoạn ống tiêu hóa nối họng miệng và dạ dày. Khi bị ung thư thực quản, người bệnh thường có các triệu chứng khó nuốt và giảm cân. Ngoài ra có các triệu chứng khác như đau khi nuốt, giọng nói khàn khàn, ho khan, có thể nôn hoặc ho ra máu.

Ung thư thực quản gồm hai loại chính là ung thư biểu mô tế bào vảy (ESCC) - phát sinh từ các tế bào biểu mô đường thực quản (dạng phổ biến) và ung thư tuyến (EAC) - phát sinh từ các tế bào tuyến hiện diện ở phần thấp hơn của thực quản, nơi chúng đã biến đổi thành dạng tế bào đường ruột (một tình trạng được gọi là Barrett thực quản).

Nguyên nhân gây ra ung thư thực quản loại tế bào vảy gồm thuốc lá, rượu, đồ uống rất nóng, chế độ ăn uống không đầy đủ, và nhai trầu. Nguyên nhân phổ biến nhất của ung thư tuyến thực quản là hút thuốc lá, béo phì và hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản.

Chẩn đoán bệnh dựa vào sinh thiết qua nội soi (một hệ thống soi quang học). Biện pháp dự phòng bệnh bao gồm ngừng hút thuốc lá kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh. Điều trị là khác nhau dựa trên từng giai đoạn khác nhau, vị trí ung thư, thể trạng chung của từng cá nhân.

Ung thư tế bào vảy nhỏ tại chỗ có thể có hi vọng chữa khỏi hoàn toàn. Hầu hết các trường hợp khác, phương pháp điều trị là hóa trị liệu có / không xạ trị đi kèm với phẫu thuật tác dụng làm chậm sự phát triển của các khối u. Khi bệnh trở nên phức tạp hơn hoặc bệnh nhân không đủ sức khỏe để trải qua đợt phẫu thuật, chăm sóc giảm nhẹ là phương pháp cuối cùng được thực hiện.

3. Nuốt nghẹn - dấu hiệu nhận biết ung thư thực quản

Triệu chứng nuốt nghẹn hay khó nuốt là triệu chứng dễ cảm nhận và gặp ở đa số bệnh nhân ung thư thực quản. Lúc đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện khó nuốt nhưng không cảm thấy đau. Khi bệnh nặng hơn, khó nuốt sẽ kèm thêm đau. Lúc đầu, bệnh nhân chỉ khó nuốt với thức ăn rắn, về sau khó nuốt với cả thức ăn lỏng, thậm chí nuốt nước bọt cũng thấy đau.

Triệu chứng đầu tiên của ung thư thực quản thường là khó nuốt mức độ nhẹ và nuốt đau. Sau đó, bệnh dần trở nên nặng hơn theo thời gian. Vì vậy, bệnh cần được chẩn đoán càng sớm càng tốt để tăng cơ hội có thể chữa khỏi bệnh và phục hồi.

4. Dấu hiệu cảnh báo ung thư thực quản khác

  • Thường xuyên có hiện tượng chảy nước bọt kèm theo hơi thở hôi, ợ hơi, sặc khi ăn uống.
  • Một vài trường hợp sẽ cảm thấy khó chịu khi ăn, cảm giác như bị mắc nghẹn. Đồng thời, khi tế bào ung thư lan rộng hơn, người bệnh cũng sẽ cảm thấy đau ngực hơn.
  • Bệnh nhân bị sụt giảm cân rõ rệt, xảy ra tình trạng mất nước và dần dần là suy kiệt do không ăn và nuốt được.
  • Bị thiếu máu nhẹ và hay xảy ra chậm. Đôi khi cũng có dấu hiệu chảy máu ồ ạt, khi đó tế bào ung thư đã đi vào động mạch chủ có thể gây ra chảy máu thực quản gây chết đột ngột.
  • Bệnh nhân thường xuyên bị đau họng hoặc lưng, phía sau xương ức hoặc hai xương bả vai.
  • Bệnh tình nặng, người bệnh có thể xuất hiện rát họng, ho kéo dài, thậm chí ho ra máu.
  • Thường xuyên cảm thấy nôn, buồn nôn.
  • Các biểu hiện khác có thể bắt gặp khi khối u phát triển như tức nặng, cảm giác vướng vùng họng, khó thở, khạc đờm, khàn giọng,...
Đau họng
Thường xuyên bị đau họng có thể là dấu hiệu của ung thư thực quản

5. Bệnh nhân nên làm gì khi bị khó nuốt?

Người bệnh cần đi khám sức khỏe khi có biểu hiện khó nuốt. Tuy nhiên, chỉ dựa vào các triệu chứng bệnh ( tiêu biểu là nuốt nghẹn, khó nuốt) là chưa đủ. Việc chẩn đoán ung thư thực quản còn dựa vào các chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cận lâm sàng khác. Để chẩn đoán chính xác ung thư thực quản, bệnh nhân cần được nội soi kết hợp với siêu âm và sinh thiết.

  • Chụp Xquang thực quản: Bệnh nhân được chuẩn bị ở tư thế nằm. Nếu bệnh nhân bị ung thư thực quản, hình ảnh Xquang có thể cho thấy cứng một đoạn thực quản; hình ảnh hẹp lòng thực quản; nhìn thấy hình ảnh khối u.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Phương pháp này có độ chính xác cao hơn chụp Xquang, nhất là khi tế bào ung thư đã lan vào vách thực quản. Ngoài ra, phương pháp này còn có thể phát hiện khối u đã di căn vào trung thất hay chưa.
  • Nội soi: Nội soi thực quản đi kèm sinh thiết là xét nghiệm bắt buộc trong trường hợp chụp Xquang không xác định được bệnh. Phương pháp này giúp các bác sĩ đánh giá được mức độ lan rộng của ung thư và bản chất học của khối u. Bên cạnh đó việc kết hợp nội soi và chải nhuộm tế bào học cho ra kết quả dương tính ung thư cao trên 90% trường hợp.
  • Siêu âm qua nội soi: Phương pháp này giúp xác định được độ sâu của khối u xâm nhập vào vách thực quản, đồng thời giúp đánh giá được sự xâm nhập của khối u vào hạch bạch huyết quanh thực quản.

>>Xem thêm: Cập nhật về các yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản (Phần 1) – Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

77.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan