Chăm sóc bà mẹ có thai kỳ nguy cơ cao

Chăm sóc thai nghén có nguy cơ cao có vai trò quan trọng, giúp đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Những phụ nữ có thai nghén nguy cơ cao như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật cần được khám thai thường xuyên và có chế độ chăm sóc, theo dõi sức khỏe đặc biệt hơn bình thường.

1. Vai trò của chăm sóc thai nghén có nguy cơ cao

Thai kỳ nguy cơ cao có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh. Thai kỳ nguy cơ cao gồm rất nhiều nguyên nhân như: tình trạng thể chất của người mẹ không đảm bảo lúc mang thai, các bệnh tật mà người mẹ đã có từ trước, tiền sử thai sản nhiều lần sảy thai hoặc đã sinh nở nhiều lần, các bất thường phát sinh trong thai kỳ như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật hoặc các ảnh hưởng của đời sống xã hội như áp lực công việc, môi trường sống chật chội ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý người mẹ.

Các hậu quả của thai nghén nguy cơ cao có thể rất nặng nề như thai kém phát triển, suy thai cấp và mãn tính, sinh non, sảy thai, thai chết lưu, trẻ sinh ra bị dị dạng, thiểu năng trí tuệ hoặc mắc các bệnh lý di truyền bẩm sinh,... Đối với người mẹ, thai nghén nguy cơ cao sẽ làm tăng tỷ lệ can thiệp y tế trong và sau sinh, tăng tỷ lệ mổ đẻ, thậm chí gây tử vong ở mẹ.

Chăm sóc thai nghén có nguy cơ cao có vai trò vô cùng quan trọng. Những người có thai nghén nguy cơ cao cần phải được phát hiện sớm để theo dõi và xử trí kịp thời nhằm giảm tỷ lệ các tai biến có thể xảy ra nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Các biện pháp chăm sóc thai nghén có nguy cơ cao bao gồm:thăm khám thực thể và thực hiện một số thăm dò cận lâm sàng để phát hiện sớm thai nghén có nguy cơ cao; có biện pháp chăm sóc thai nghén có nguy cơ cao phù hợp theo từng trường hợp; theo dõi, đánh giá nguy cơ thai nhi lúc chuyển dạ.

Ngoài ra, chăm sóc thai nghén nguy cơ cao còn bao gồm cung cấp các lời khuyên tư vấn cho phụ nữ có thai nghén nguy cơ cao và gia đình; dự phòng, xử trí các vấn đề và yếu tố bất lợi cho mẹ và thai.

Khám thai
Những người có thai nghén nguy cơ cao cần phải được phát hiện sớm để theo dõi và xử trí kịp thời nhằm giảm tỷ lệ các tai biến

2. Khám thực thể và thực hiện các thăm dò cận lâm sàng để phát hiện thai nghén có nguy cơ cao

2.1 Khám tổng thể

Khám tổng thể giúp đánh giá thể trạng sản phụ, khi khám tổng thể chú ý các trường hợp sản phụ có hình dạng bất thường như bị vẹo, gù hay chiều cao dưới 145cm vì thường có nguy cơ sinh khó. Đo cân nặng, nếu cân nặng tăng 20% khi mang thai là bình thường. Kiểm tra huyết áp, tình trạng da, niêm mạc, khám mắt, tim mạch, vú, phổi,...

2.2 Khám chuyên khoa

Khám chuyên khoa ở vùng khung chậu, khám cổ tử cung để phát hiện các vết rách hoặc dấu hiệu viêm nhiễm, phát hiện các u xơ, khám âm đạo để phát hiện tình trạng sa sinh dục, khám tầng sinh môn để phát hiện mức độ dài ngắn, tình trạng sẹo,...

2.2.1 Một số phương pháp thăm dò để phát hiện thai nghén nguy cơ cao

3. Chăm sóc thai nghén có nguy cơ cao

Ở những người mẹ không có nguy cơ, tình trạng sức khỏe tốt được khuyên khám thai tối thiểu là 3 lần trong thai kỳ. Ở những phụ nữ có nguy cơ cao, thai kỳ cần được giám sát chặt chẽ hơn, yêu cầu khám thai 4 tuần một lần cho tới tuần 28, sau đó khám thai 2 lần một lần cho tới tuần 36, tiếp theo là khám thai hàng tuần cho tới 40 tuần. Mỗi lần khám thai nếu phát hiện ra được yếu tố nguy cơ cần có phương pháp xử lý phù hợp.

Nội dung chăm sóc thai kỳ có nguy cơ cao:

Tuần thai 8-14

  • Xác định tình trạng thai nghén, thăm khám hỏi bệnh nhân về tiền sử bệnh bản thân, tiền sử sản khoa, tiền sử gia đình. Khám tổng thể, khám chuyên khoa nếu cần thiết.
  • Thực hiện các xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu, làm công thức máu, xét nghiệm nhóm máu ABO/Rh, xét nghiệm huyết thanh học các bệnh )sởi, giang mai).
  • Tư vấn dinh dưỡng, vận động thể lực, các biện pháp bảo vệ sức khỏe thai kỳ.

Tuần thai 16

  • Xét nghiệm máu để phát hiện nguy cơ hở ống thần kinh và bệnh down.

Tuần thai 18

  • Siêu âm hình thái học, kiểm tra lại kết quả xét nghiệm máu ở tuần 16, dự đoán ngày sinh.

Tuần thai 22-24

  • Khám thai thường quy, hỏi các triệu chứng đặc biệt như có xuất huyết âm đạo, có giảm hay mất cử động thai không,...
  • Phân tích nước tiểu, đo chiều cao tử cung, vòng bụng, đo huyết áp.

Tuần thai 28

  • Siêu âm thai thường quy, kiểm tra nước ối, chiều cao tử cung, làm công thức máu.

Tuần thai 32

  • Khám thai thường quy, kiểm tra huyết áp, thảo luận về vấn đề sinh đẻ với phụ nữ có thai và gia đình.

Tuần thai 36

  • Khám thai thường quy, kiểm tra huyết áp, công thức máu, kiểm tra ngôi thai có bất thường hay không.

Tuần thai 38

  • Kiểm tra thai thường quy, kiểm tra huyết áp, sự phát triển của thai, kiểm tra ngôi thai.

Tuần thai 40

  • Khám thường quy, kiểm tra huyết áp, ngôi thai, thảo luận về cuộc đẻ.

Tuần thai 41

  • Khám lại và thảo luận gây chuyển dạ nhân tạo.

Về nguyên tắc chăm sóc thai nghén nguy cơ cao, nếu các trạm y tế xã phường phát hiện được tình trạng thai nghén nguy cơ của sản phụ thì phải chuyển lên các cơ sở y tế tuyến huyện. Tùy theo điều kiện, khả năng chuyên môn và trang thiết bị mà cơ sở tuyến huyện có thể quyết định giữ thai phụ để điều trị hoặc gửi lên tuyến tỉnh. Trong mọi tình huống cần theo nguyên tắc:

  • Không để tai biến xảy ra rồi mới đình chỉ thai nghén.
  • Đình chỉ thai nghén để cứu mẹ khi cần thiết.
  • Điều trị thai suy kịp thời và tích cực điều trị sơ sinh ngạt.

4. Một số biện pháp dự phòng chăm sóc thai nghén có nguy cơ cao

Mẹ bầu cao huyết áp
Điều trị cao huyết áp nhằm kiểm soát huyết áp ở phụ nữ mang thai bị cao huyết áp, giảm nguy cơ tiền sản giật
  • Cung cấp vitamin và acid folic nhằm dự phòng tật hở cột sống ở thai nhi, giúp người mẹ giảm nguy cơ mắc bệnh khi mang thai.
  • Siêu âm thường quy nhằm giảm tỷ lệ thai già tháng, giảm sự cố sinh ra trẻ sơ sinh bất thường, giảm tỷ lệ trẻ mắc bệnh di truyền của cha mẹ,
  • Điều trị cao huyết áp nhằm kiểm soát huyết áp ở phụ nữ mang thai bị cao huyết áp, giảm nguy cơ tiền sản giật.
  • Kiểm tra đường huyết giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường, phát hiện tình trạng đái tháo đường thai kỳ để điều trị kịp thời. Từ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu, giảm sinh non, giảm mổ lấy thai, thai to, suy hô hấp.
  • Xét nghiệm hóa sinh, trắc nghiệm sinh học thai nhi, doppler mạch máu thai nhi: nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở thai nhi.
  • Trắc nghiệm sinh học thai nhi nhằm giảm tỷ lệ bệnh và tử vong ở thai nhi.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.

Sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan