Chỉ số Beta tăng chậm sau chuyển phôi

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ chuyên khoa Sản - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chuyển phôi là kỹ thuật đưa phôi thai sau khi nuôi cấy vào tử cung của người mẹ để phát triển thai nhi. Thông thường khoảng ngày thứ 14 sau khi chuyển phôi, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đến trung tâm để thực hiện các xét nghiệm máu để đo chỉ số Beta HCG trong máu mẹ. Nồng độ Beta HCG tăng nhanh sau thụ thai giúp xác định việc có thai sớm và theo dõi sự phát triển của thai kỳ. Vậy chỉ số Beta tăng chậm sau chuyển phôi bảo hiệu điều gì?

1. Chuyển phôi là gì? Chỉ số Beta là gì?

Thụ tinh trong ống nghiệm hay còn gọi là IVF là phương pháp hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn không thể có thai bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản thông thường, người vợ bị tắc ống dẫn trứng, tinh trùng bất thường ở người chồng, hoặc vợ chồng lớn tuổi có kèm các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, rối loạn phóng noãn, vô sinh không rõ nguyên nhân,...

Chuyển phôi là kỹ thuật đưa phôi thai sau khi nuôi cấy vào tử cung của người mẹ để phát triển thai nhi. Phôi thai được đưa vào tử cung trong trường hợp này có thể nuôi đến ngày thứ 3, ngày thứ 5. Đây có thể là phôi tươi hoặc phôi trữ lạnh được tạo ra từ chu kỳ trước đó. Việc thực hiện thủ thuật chuyển phôi thông thường sẽ được thực hiện khi niêm mạc tử cung của người mẹ đạt độ dày khoảng 9-10mmm, vào ngày 18-20 của chu kỳ kinh nguyệt, đồng thời khi đó sức khỏe người mẹ phải tốt, sẵn sàng cho việc mang thai.

Khoảng 14 ngày sau khi thực hiện thủ thuật chuyển phôi, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm máu để đo nồng độ Beta HCG gọi tắt là Beta nhằm kiểm tra xem phôi có làm tổ thành công hay không.

Vậy chỉ số Beta là gì? Hóc môn HCG ( viết tắt của Human Chorionic Gonadotropin) là hóc môn hướng sinh dục rau thai, có mặt trong máu và và nước tiểu ở thời kỳ thai nghén. Nồng độ Beta HCG tăng nhanh sau thụ thai giúp xác định việc có thai sớm và theo dõi sự phát triển của thai kỳ.

2. Beta tăng chậm sau chuyển phôi có nguy hiểm không?

Thông thường khoảng ngày thứ 14 sau khi chuyển phôi, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đến trung tâm để thực hiện các xét nghiệm máu để đo nồng độ Beta HCG.

Nếu chỉ số Beta ở mức cao hơn 25mIU/ml có nghĩa là có thai. Vì nồng độ HCG ở giai đoạn đầu thai kỳ tăng rất nhanh. Nồng độ HCG đạt đỉnh cao trong máu mẹ vào khoảng từ tuần thứ 8 đến tuần thứ 10 của thai kỳ. Thông thường vào ngày thứ 16 sau chuyển phôi nếu thai kỳ đang phát triển tốt thì chỉ số Beta sẽ tăng khoảng 1,5 lần trở lên so với chỉ số Beta được đo ở ngày thứ 14.

Nếu nồng độ Beta cao hơn mức bình thường thì có khả năng là bạn mang đa thai. Tuy nhiên nếu trong thời gian dưỡng thai chờ siêu âm bạn có triệu chứng đau bụng kèm theo ra máu âm đạo hãy đến bệnh viện để được kiểm tra loại trừ khả năng thai ngoài tử cung.

Thai ngừng phát triển nồng độ Beta HCG thường thấp hơn thai nghén bình thường. Vì vậy, trong trường hợp nếu chỉ số Beta thấp hoặc tăng chậm có kèm theo các dấu hiệu như: đau bụng âm ỉ, ra máu âm đạo,... có nghĩa là phôi thai đang kém phát triển, khả năng giữ thai thấp. Tuy nhiên, nếu được xử trí sớm và can thiệp kịp thời sau 48 giờ xét nghiệm đo lại nồng độ Beta trong máu mẹ tăng gấp đôi thì vẫn có khả năng giữ được thai. Nếu sau hai ngày chỉ số Beta vẫn thấp không tăng hoặc giảm dần cần tiếp tục theo dõi và có hướng xử trí phù hợp. Chỉ số Beta thấp hơn 5mUI/ml có nghĩa là bạn đã sẩy thai. Lúc này cần phải làm tốt công tác tư tưởng cho người mẹ, bản thân người mẹ cũng cần phải chuẩn bị tinh thần và sức khỏe thật tốt để chuyển phôi vào các chu kỳ tiếp theo.

3. Các dấu hiệu nhận biết mang thai sau chuyển phôi

1 ngày sau chuyển phôi

Sau khi thực hiện thủ thuật chuyển phôi 1 ngày bạn có thể buồn tiểu và đi tiểu nhiều lần trong ngày, cứ 2-3 tiếng lại buồn tiểu. Chú ý cần đi lại hết sức nhẹ nhàng, không nên ngồi xổm, cẩn thận tránh té ngã. Khi nằm ngủ bạn nên nằm nghiêng ở mép giường, ngồi dậy nhẹ nhàng tránh gồng cơ tạo áp lực lên vùng bụng.

Ngày thứ 2 sau chuyển phôi

Vào ngày thứ 2 sau chuyển phôi bạn có thể thấy hơi đau đầu ti và vẫn còn cảm giác mót tiểu. Bạn cần hạn chế leo cầu thang, đi lại vận động nhẹ nhàng, không nên mang vác nặng, không nên cúi gập người.

Ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 sau chuyển phôi

Đây là những ngày rất quan trọng bởi đây là lúc phôi làm tổ nên bạn cần hết sức cẩn thận, nghỉ ngơi nhiều hơn, cân đối chế độ dinh dưỡng tránh táo bón. Nếu bị táo bón thì tuyệt đối không rặn. Trong những ngày này bạn có thể có các dấu hiệu cụ thể như sau:

  • Cảm giác nặng và quặn vùng bụng dưới, thỉnh thoảng đau nhói
  • Tức ngực, đau đầu ti hoặc bầu ngực
  • Đau lưng, có thể có đốm máu vì phôi thai làm tổ gây tổn thương niêm mạc tử cung. Tuy nhiên, nếu ra máu âm đạo nhiều bất thường hãy đến ngay bệnh viện để được kiểm tra.

Ngày thứ 6 sau chuyển phôi

Trong những ngày này bạn có thể vẫn còn thấy đau lâm râm vùng bụng, âm đạo luôn ẩm ướt, ra nhiều huyết trắng. Đây là những triệu chứng hết sức bình thường và có thể kéo dài đến vài ngày sau. Nếu những ngày trước đó bạn có ra máu âm đạo lượng ít, dạng đốm thì vẫn có thể tiếp diễn ở ngày thứ 6, ngày thứ 7 sau khi thực hiện thủ thuật chuyển phôi.

Thông thường bác sĩ sẽ không yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm máu để đo chỉ số beta ngày 6 sau chuyển phôi vì lúc này lượng nhau thai tiết ra không đủ dẫn đến việc đo nồng độ Beta cũng không được chính xác.

Ngày thứ 7 sau chuyển phôi

Trong ngày này thân nhiệt của bạn sẽ tăng cao, thậm chí bị sốt, cơ thể bạn có thể đau đầu và mệt mỏi. Lúc này bạn hãy nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu bất thường như đau bụng dữ dội, xuất huyết âm đạo, ...

Ngày thứ 8 sau chuyển phôi

Bạn có thể vẫn còn thấy đau đầu, mệt mỏi, đau lưng có thể đói bụng nhiều hơn, ăn ngon hơn hoặc kén ăn, ăn không ngon miệng.

Ngày thứ 9 - 10 sau chuyển phôi

Tùy theo cơ địa bạn có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, khó thở, chóng mặt, hụt hơi...

Ngày thứ 11 đến ngày thứ 13 sau chuyển phôi

Nếu bạn không gặp bất kỳ triệu chứng nào vào những ngày trước thì từ ngày thứ 11 sau chuyển phôi bạn có thể gặp các triệu chứng như nặng bụng, đau tức ngực, mót tiểu, có thể đau lâm ran líu nhíu ở phần bụng dưới. Tuy nhiên vẫn có trường hợp bạn không có bất kỳ triệu chứng nào kể trên và cảm thấy người nhẹ bẫng.

Ngày thứ 14 sau chuyển phôi

Vào ngày này bác sĩ sẽ bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đến trung tâm để thực hiện các xét nghiệm máu để đo nồng độ Beta HCG.

4. Những lưu ý giúp tăng tỷ lệ chuyển phôi thành công

  • Bạn nên duy trì thói quen tập luyện, vận động nhẹ nhàng
  • Trước và sau khi chuyển phôi không ăn những thực phẩm khó tiêu vì có thể ảnh hưởng đến khả năng bám vào thành tử cung của phôi thai.
  • Không ăn đu đủ, rau ngót, chùm ngây, không uống nước dừa sau khi thực hiện thủ thuật chuyển phôi để tránh bị tuột phôi thai.
  • Không sử dụng rượu, bia, thuốc, lá, cà phê và các thức ăn cay nóng.
  • Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, tránh táo bón.
  • Duy trì tinh thần thoải mái, lạc quan, tránh bi quan, suy nghĩ tiêu cực.

Nồng độ beta HCG tăng chậm sau chuyển phôi cảnh báo rất nhiều vấn đề, đặc biệt nếu xuất hiện các triệu chứng ra máu, khó chịu,.... Vì thế, để đảm bảo sức khỏe mẹ nên thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để nhận được lời khuyên hữu ích nhất.

Trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF Vinmec là địa chỉ điều trị vô sinh - hiếm muộn được nhiều cặp vợ chồng chọn lựa. Cho đến nay Trung tâm đã thực hiện hỗ trợ sinh sản cho trên 1000 cặp vợ chồng hiếm muộn với tỷ lệ thành công trên 40%. Tỷ lệ này tương đương với các nước phát triển như Anh, Mỹ, Australia,...

Trung tâm quy tụ đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sản phụ khoa trong nước và quốc tế, được đào tạo tại những trung tâm hàng đầu trên thế giới như tại Mỹ, Singapore, Nhật, Úc và các trung tâm Hỗ trợ sinh sản nổi tiếng trên thế giới.

Với trình độ chuyên môn cao cùng bề dày kinh nghiệm, đội ngũ chuyên gia của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Vinmec có khả năng triển khai đồng bộ và toàn diện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất hiện nay, giúp hiện thực hóa ước mơ làm cha mẹ của hàng trăm gia đình trên khắp Việt Nam.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

100.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan