Lý do cần bổ sung iot cho bà mẹ mang thai

Mẹ thiếu iot khi mang thai có thể sinh ra con bị suy giáp bẩm sinh, đần độn, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, để thai nhi phát triển tối ưu và người mẹ đủ sức khỏe để sinh con, nuôi dưỡng cũng như chăm sóc con thì cần bổ sung iot cho bà mẹ mang thai theo đúng chỉ định của bác sĩ.

1. Iot là gì?

iot (I-ốt) là một nguyên tố hóa học, có mặt tự nhiên trong nước biển và trong một số loại đất. iot cũng được tìm thấy trong các sinh vật biển (cá, tôm, rong biển), một số loại cây trồng trong đất và trong các chế phẩm từ động vật chăn thả trên đất có chứa iod. Ngoài ra, iot còn được thêm vào một số thực phẩm như muối và bánh mì.

2. Vì sao cần bổ sung iot cho bà mẹ mang thai?

Mang thai
Mẹ thiếu iot khi mang thai có thể sinh ra con bị suy giáp bẩm sinh

Vai trò của Iot đối với cơ thể người nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng là rất quan trọng. Trong cơ thể con người, tuyến giáp cần iot để sản xuất các hormone kiểm soát sự trao đổi chất, giúp cơ thể tăng trưởng. Khi mang thai, nhu cầu iot của cơ thể thai phụ tăng lên khoảng 50% để đáp ứng nhu cầu hormone tuyến giáp của cả mẹ và bé.

Các hormone tiết ra từ tuyến giáp sẽ giúp phát triển não và hệ thống thần kinh của thai nhi. Sau khi sinh, các hormone tuyến giáp tiếp tục được chuyển cho em bé thông qua sữa mẹ, đảm bảo hệ thống não và thần kinh của bé phát triển. Nếu thai phụ không nhận đủ iot trong khẩu phần ăn, mẹ và thai nhi có thể bị thiếu iot.

Thiếu iot làm tuyến giáp tăng nhanh về kích thước, gây phì đại tuyến giáp hoặc bướu cổ. Đồng thời, thiếu iot còn ảnh hưởng tới khả năng sản xuất hormone, gây khó khăn cho thai phụ trong việc nhai nuốt, dẫn đến suy giáp gây tăng cân, mệt mỏi, chịu lạnh kém, trầm cảm. Bên cạnh đó, thiếu iot còn có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trí não của trẻ trong thai kỳ và sau khi sinh. Một số trẻ gặp nhiều khó khăn khi học hỏi do thiếu iot.

Hậu quả nghiêm trọng nhất của thiếu iot là ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai. Phụ nữ mang thai bị thiếu iot có nguy cơ cao bị sảy thai, thai chết lưu, sinh non, trẻ sinh ra sẽ bị chậm phát triển trí tuệ do tổn thương não, cân nặng sơ sinh thấp. Ngoài ra, trẻ bị thiếu iot ngay từ trong thai kỳ dễ mắc các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay chân, nói ngọng, lé, điếc, câm. Thiếu iot cũng làm tăng tỷ lệ tử vong chu sinh.

3. Bổ sung Iot cho bà mẹ mang thai như thế nào?

Bổ sung iot là điều cần thiết. Tuy nhiên, thai phụ cần biết mình nên nạp vào bao nhiêu, không được nhiều hay ít hơn lượng quy định được khuyến nghị. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, mức bổ sung iot hằng ngày được đề xuất cho phụ nữ mang thai là 220 mcg. Nếu không hấp thu đủ lượng iot cần thiết mỗi ngày, phụ nữ mang thai có thể bù đắp bằng cách ăn những thực phẩm giàu iot hoặc dùng những loại thuốc bổ sung iot theo chỉ định của bác sĩ.

Để đảm bảo mẹ và bé không bị thiếu iod, thai phụ cần lưu ý:

  • Bánh mì hữu cơ, bánh mì không có muối hoặc bánh mì tự làm ở nhà thường không có iod. Nên ăn bánh mì đóng gói để bổ sung iod, nhưng cần kiểm tra thành phần iot có trên nhãn dán thực phẩm của bánh mì;
  • Nên ăn hải sản nhưng cần tránh cá kiếm, cá chẽm,... khi mang thai vì thịt của các loại cá này có hàm lượng thủy ngân cao;
  • Nên ăn trứng, thịt, rau củ (khoai tây nấu chín, đậu trắng, táo) và các chế phẩm từ sữa;
  • Những phụ nữ bị nghén không ăn được sản phẩm động vật thì cần bổ sung iot qua các loại thuốc;
  • Nên dùng muối có bổ sung iod.
Muối
Thai phụ nên dùng muối bổ sung iod

4. Lưu ý khi bổ sung iot cho thai phụ

  • Bổ sung đúng lượng iot phù hợp, không thừa hoặc thiếu. Nếu mẹ bầu hấp thụ iot quá giới hạn, em bé khi chào đời sẽ mắc chứng suy giáp bẩm sinh. Khi không được điều trị, suy giáp sẽ dẫn đến tình trạng suy yếu thần kinh nhận thức ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đồng thời, hấp thụ quá nhiều iot cũng gây ra các tác động xấu như: bướu cổ do tuyến giáp mở rộng bất thường; viêm tuyến giáp và ung thư tuyến giáp; cảm giác nóng rát ở cổ họng, miệng và dạ dày; sốt, tiêu chảy và đau dạ dày; buồn nôn và nôn ói; mạch yếu và hôn mê (trường hợp hiếm gặp);
  • Thận trọng với sự hiện diện của nitrat trong các loại thực phẩm vì chúng ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ iod. Thai phụ nên tránh thực phẩm chế biến sẵn và thịt nguội, xúc xích vì chúng chứa nhiều nitrat;
  • Nếu thai phụ đã được bổ sung iot từ trước do có vấn đề ở tuyến giáp, hãy thông báo với bác sĩ;
  • Có thể dùng kali iot (KI) để quản lý tình trạng thiếu iot và rối loạn tuyến giáp;
  • Không nên sử dụng cồn iot khi mang thai. Cồn iot là một chất khử trùng dùng để điều trị vết thương nhỏ. Cồn iot là hỗn hợp của 2% iot và 2% natri iodua trong 50% cồn. Nuốt nhầm hợp chất cồn iot có thể dẫn đến tử vong.

Nếu đang có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai, phụ nữ nên đến bệnh viện để kiểm tra nồng độ iot trong cơ thể và có giải pháp cải thiện tình trạng sức khỏe một cách tốt nhất. Thay đổi chế độ ăn uống, chú ý bổ sung các dưỡng chất cần thiết là biện pháp giúp bà bầu khỏe mạnh và thai nhi trong bụng phát triển toàn diện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan