Những cơn đau thường gặp khi mang thai và nguyên nhân

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Các diễn biến trong quá trình mang thai của mỗi người phụ nữ không giống nhau. Có người sẽ phải trải qua một số cơn đau ở từng thời điểm trong thai kỳ. Nhưng có người khác lại không xảy ra điều đó. Vì thế, nếu nhận thấy có bất kỳ thay đổi nào trong quá trình mang thai thì bạn nên gặp bác sĩ để khám và tư vấn.

1. Đau ngực khi mang thai

Hầu hết phụ nữ mang thai sẽ cảm thấy một số thay đổi ở ngực của họ. Bởi vì, lúc này, ngực sẽ tăng kích thước khi các tuyến sữa mở rộng và mô mỡ cũng tăng lên. Khi tình trạng này diễn ra sẽ khiến ngực của bà bầu săn chắc và đau ngực sẽ xảy ra trong thai kỳ đầu tiên và một vài tháng tiếp sau đó. Ngoài ra, các tĩnh mạch xanh cũng có thể xuất hiện do lượng máu tăng lên. Núm vú cũng có thể bị sẫm màu hơn và đôi khi sẽ có chất lỏng chảy ra được gọi là sữa non.

Một số lời khuyên để khắc phục tình trạng này:

  • Nên sử dụng áo ngực dành cho bà bầu cùng với chất liệu cotton hoặc sợi tự nhiên, kích cỡ vừa và không kích ứng núm vú.
  • Sử dụng miếng lót để thấm chất lỏng rò rỉ.
  • Rửa ngực bằng nước ấm và xà phòng nhẹ sẽ không khô.

2. Mệt mỏi

Người phụ nữ cảm thấy mệt trong quá trình mang thai có thể là vì em bé đang lớn dần nên cần cung cấp thêm năng lượng cho cả mẹ và bé. Đôi khi đây cũng là dấu hiệu của thiếu máu, chủ yếu là thiếu máu do thiếu sắt - tình trạng rất phổ biến khi mang thai.

Một số lời khuyên để khắc phục tình trạng này:

  • Nghỉ ngơi nhiều, đi ngủ sớm và ngủ trưa.
  • Tập thể dục hàng ngày ở mức độ vừa phải.
  • Kiểm tra sức khỏe đặc biệt là kiểm tra máu .
Bà bầu tập yoga
Tập yoga thường xuyên sẽ giúp mẹ bầu khắc phục tình trạng mệt mỏi

3. Buồn nôn hoặc nôn

Buồn nôn hoặc nôn là khá phổ biến đối với phụ nữ trong quá trình mang thai. Bên cạnh đó, phụ nữ còn có thể bị đau bụng khi mang thai. Những triệu chứng này liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố của thai kỳ. Nó thường xảy ra sớm trong thai kỳ, khi cơ thể đang điều chỉnh mức hormone cao.

Một số lời khuyên để khắc phục tình trạng này:

  • Sử dụng các thực phẩm khô như ngũ cốc, bánh mì nướng hoặc bánh quy trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng.
  • Áp dụng bữa ăn nhẹ giàu protein như thịt nạc hoặc phô mai trước khi đi ngủ.
  • Gừng có thể chống buồn nôn.

4. Đau đầu khi mang thai

Đau nhức đầu có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong khi mang thai. Chúng có thể được gây ra bởi sự căng thẳng, xung huyết, táo bón hoặc trong một số trường hợp như tiền sản giật (triệu chứng này được phát hiện sau 20 tuần).

Một số lời khuyên để khắc phục tình trạng này:

  • Đặt túi nước đá lên trán hoặc sau gáy sẽ giúp giảm cơn đau.
  • Nghỉ ngơi và nằm yên trong căn phòng ít có ánh sáng.
  • Nhắm mắt và cố gắng thư giãn lưng, cổ và vai.
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa như Acetaminophen, Tylenol.

Tuy nhiên, nếu cơn đau đầu không hết và có thể trở nên nghiêm trọng hơn cùng với các triệu chứng buồn nôn, suy giảm thị lực thì mẹ bầu cần gặp bác sĩ để được kiểm tra.

Buồn nôn là triệu chứng của viêm gan A
Đau đầu kèm buồn nôn là một triệu chứng nguy hiểm của mẹ bầu

5. Chảy máu và sưng nướu khi mang thai

Trong quá trình mang thai có thể sẽ ảnh hưởng đến vấn đề răng miệng. Khi đó, do sự lưu thông máu và nồng độ hormone có thể làm cho nướu mềm và sưng, đồng thời rất dễ chảy máu, thậm chí chảy máu mũi.

Một số lời khuyên để khắc phục tình trạng này:

  • Hãy kiểm tra nha khoa sớm trong thai kỳ để đảm bảo răng và miệng được chăm sóc khỏe mạnh.
  • Đánh răng, xỉa răng thường xuyên và súc miệng hàng ngày bằng nước súc miệng sát khuẩn.

6. Táo bón khi mang thai

Hormone cũng như vitamin và các chất bổ sung sắt có thể gây táo bón. Hoặc cũng có thể do áp lực lên trực tràng từ tử cung cũng là nguyên nhân gây ra táo bón trong quá trình mang thai.

Một số lời khuyên để khắc phục tình trạng này:

  • Sử dụng thêm nhiều chất xơ trong chế độ ăn chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi, rau quả...
  • Uống nhiều nước hàng ngày (ít nhất 6-8 ly nước và 1-2 ly nước ép trái cây)
  • Uống chất lỏng ấm, đặc biệt là vào buổi sáng.
  • Tập thể dục hàng ngày.
  • Thảo luận với bác sĩ về việc sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc làm mềm phân.
Ăn nhiều rau xanh và trái cây giúp cải thiện chất lượng tinh trùng
Bổ sung nhiều trái cây, rau củ sẽ ngăn chặn được tình trạng táo bón

7. Chóng mặt khi mang thai

Chóng mặt có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thời gian từ giữa đến cuối thai kỳ. Lý do đầu tiên xảy ra triệu chứng này là hormone progesterone làm giãn mạch máu nên máu có xu hướng dồn vào chân. Thứ hai là do có nhiều máu đi đến tử cung, điều này có thể gây giảm huyết áp, đặc biệt là khi thay đổi vị trí có thể khiến bạn chóng mặt. Nếu lượng đường trong máu quá thấp, có thể cảm thấy ngất xỉu.

Một số lời khuyên để khắc phục tình trạng này:

  • Di chuyển thường xuyên khi đứng trong thời gian dài.
  • Nằm nghiêng về bên trái để nghỉ ngơi, sẽ giúp lưu thông khắp cơ thể.
  • Tránh cử động đột ngột. Di chuyển chậm khi chuyển vị trí từ đứng sang ngồi và ngược lại.
  • Ăn thường xuyên hơn để ngăn ngừa tình trạng lượng đường trong máu thấp.

8. Bị trĩ khi mang thai

Bệnh trĩ là các tĩnh mạch sưng xuất hiện dưới dạng cục u có cảm giác đau trên hậu môn. Khi mang thai, chúng có thể được hình thành do tăng lưu thông cũng như áp lực lên trực tràng và âm đạo từ em bé đang lớn trong bụng.

Một số lời khuyên để khắc phục tình trạng này:

  • Cố gắng tránh tình trạng táo bón, bởi chúng có thể gây ra bệnh trĩ và sẽ khiến bà bầu đau đớn hơn.
  • Tránh ngồi hoặc đứng trong thời gian dài; hãy thay đổi vị trí thường xuyên.
  • Tránh mặc đồ lót bó sát như quần hoặc quần lót.
Bị trĩ khi mang thai
Bệnh trĩ là một bệnh lý thường gặp ở sản phụ

9. Chuột rút khi mang thai

Áp lực từ tử cung đang phát triển có thể gây ra chuột rút ở chân hoặc đau nhói xuống chân.

Một số lời khuyên để khắc phục tình trạng này:

  • Sử dụng các loại thực phẩm giàu canxi (như sữa, bông cải xanh hoặc phô mai).
  • Mang giày thoải mái, gót thấp.
  • Nâng cao chân khi có thể; tránh bắt chéo chân.
  • Tập thể dục hàng ngày.
  • Duỗi chân trước khi đi ngủ.
  • Tránh nằm ngửa, vì trọng lượng của cơ thể và áp lực của tử cung mở rộng có thể làm chậm quá trình lưu thông ở chân, gây ra chuột rút.
  • Massage chuột rút hoặc chườm nóng vào vùng bị đau.

10. Đau lưng khi mang thai

Đau lưng thường do căng thẳng đặt lên cơ lưng, thay đổi nồng độ hormone và thay đổi tư thế.

Một số lời khuyên để khắc phục tình trạng này:

  • Mang giày gót thấp.
  • Tránh nâng vật nặng.
  • Ngồi xổm xuống với đầu gối cong khi nhặt đồ lên thay vì cúi xuống ở thắt lưng.
  • Ngủ bên trái với một cái gối giữa hai chân.
Mang thai bị đau vùng thắt lưng chậu: Nên sinh thường hay sinh mổ?
Thực hiện chế độ nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp hạn chế tình trạng đau lưng

  • Chườm ấm tại vị trí đau trên lưng bằng túi chườm nóng hoặc miếng sưởi ấm ở chế độ thấp vào lưng, hoặc tắm nước ấm cùng với vòi hoa sen.
  • Thực hiện các bài tập, theo hướng dẫn của bác sĩ để làm cho cơ lưng trở nên mạnh mẽ hơn và giúp giảm đau nhức.
  • Duy trì tư thế tốt. Đứng thẳng sẽ làm giảm căng thẳng trên lưng.

11. Đau bụng khi mang thai

Cứng, đau ở hai bên dạ dày có thể là do các mô kéo dài hỗ trợ tử cung đang phát triển. Những cơn đau này cũng có thể đi xuống đùi và vào chân.

Một số lời khuyên để khắc phục tình trạng này:

  • Thay đổi vị trí hoặc hoạt động cho đến khi cảm thấy thoải mái; tránh quay hoặc chuyển động nhanh.
  • Nếu bị đau đột ngột ở bụng, hãy cúi người về phía trước để giảm căng thẳng và thư giãn các mô.
  • Sử dụng túi chườm nóng hoặc miếng đệm ấm hoặc tắm nước ấm cùng với vòi hoa sen.
  • Liên hệ bác sĩ nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc liên tục hoặc nếu thai kỳ dưới 36 tuần và có dấu hiệu chuyển dạ (Dấu hiệu chuyển dạ bao gồm chuột rút lặp đi lặp lại như co thắt.)
Mang thai 30 tuần bị đau bụng
Sản phụ sẽ xuất hiện những cơn đau bụng trong suốt quá trình mang thai

12. Co thắt Braxton-Hicks

Các cơ tử cung sẽ co lại (thắt chặt) bắt đầu ngay từ tháng thứ ba đến tháng thứ sáu của thai kỳ. Các cơn co thắt không đều, không thường xuyên được gọi là cơn co thắt Braxton-Hicks (còn được gọi là "cơn đau chuyển dạ giả"). Đây là tình trạng bình thường trong khi mang thai.

Một số lời khuyên để khắc phục tình trạng này:

  • Cố gắng thư giãn.
  • Thay đổi vị trí. Đôi khi điều này có thể làm giảm các cơn co thắt.
  • Trao đổi tình trạng với bác sĩ.

13. Khó thở khi mang thai

Khó thở có thể xảy ra do tăng áp lực từ tử cung và thay đổi chức năng phổi sinh lý.

Một số lời khuyên để khắc phục tình trạng này:

  • Đi bộ chậm và vừa đi vừa nghỉ.
  • Giơ hai tay lên đầu (điều này sẽ giúp nâng lồng xương sườn và cho phép bạn hít thở không khí nhiều hơn).
  • Tránh nằm ngửa và cố gắng ngủ với tư thế ngẩng cao đầu.
  • Nếu khó thở kéo dài hoặc bạn cảm thấy đau nhói khi hít vào, hãy liên hệ với bác sĩ, bởi trong một số trường hợp đặc biệt bạn có thể bị thuyên tắc phổi (cục máu đông trong phổi).
Khó thở
Khó thở có thể là dấu hiệu của bệnh thuyên tắc phổi

14. Sưng bàn chân khi mang thai

Áp lực từ tử cung đang phát triển tác động lên các mạch máu mang máu từ phần dưới cơ thể gây ứ nước. Kết quả là sưng (phù) ở chân và bàn chân.

Một số lời khuyên để khắc phục tình trạng này:

  • Cố gắng không đứng quá lâu.
  • Uống nhiều nước (ít nhất 6-8 ly chất lỏng mỗi ngày).
  • Tránh thực phẩm chứa nhiều muối (natri).
  • Nâng cao chân và bàn chân trong khi ngồi. Tránh bắt chéo chân.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái; quần áo chật có thể làm chậm lưu thông và tăng lưu giữ chất lỏng.
  • Không nên mang giày chật; chọn giày hỗ trợ với gót thấp, rộng.
  • Giữ chế độ ăn uống giàu protein, bởi quá ít protein có thể gây ứ nước.
  • Đi gặp bác sĩ nếu bàn tay hoặc khuôn mặt bị sưng. Bởi vì, đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật.
  • Nghỉ ngơi để giúp tăng lưu lượng máu đến thận của bạn.
Sưng mắt cá chân khi mang thai
Sưng bàn chân khi mang thai khiến mẹ bầu gặp nhiều khó khăn khi vận động, di chuyển

15. Ợ nóng khó tiêu khi mang thai

Chứng ợ nóng là một cảm giác nóng rát bắt đầu trong dạ dày và dường như dâng lên đến cổ họng. Khi mang thai, việc thay đổi nồng độ hormone làm chậm hệ thống tiêu hóa, làm suy yếu cơ thắt dạ dày và tử cung có thể làm tắc nghẽn dạ dày, đẩy axit dạ dày lên cao.

Một số lời khuyên để khắc phục tình trạng này:

  • Ăn nhiều bữa nhỏ mỗi ngày thay vì ba bữa lớn và ăn với tốc độ chậm.
  • Uống chất lỏng ấm.
  • Tránh các thực phẩm chiên, cay.
  • Không nên nằm xuống ngay sau khi ăn.
  • Giữ đầu cao hơn chân để ngăn axit dạ dày trào vào cổ họng.
  • Không nên trộn thực phẩm béo với đồ ngọt trong một bữa ăn.

Những cơn đau có thể gặp trong quá trình mang thai thường xuất phát từ rất nhiều yếu tố. Theo đó nếu cơn đau diễn ra trong thời gian dài với tần suất liên tục thì bà bầu cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám, tìm ra nguyên nhân để có hướng xử trí phù hợp.

Để bảo vệ sức khỏe thai phụ và bé trong suốt thai kỳ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ. Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:

  • Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
  • Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường.
  • Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ.
  • Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

163.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan