Bệnh viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không?

Hiện nay nguyên nhân và cơ chế gây bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được chứng minh rõ ràng, vì thế hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để căn bệnh này. Các phương pháp điều trị hiện tại chỉ có tác dụng giảm nhẹ các triệu chứng, làm chậm diễn tiến bệnh, dự phòng các biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

1. Bệnh viêm khớp dạng thấp có chữa được không?

Hiện tại, chưa có phương pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh viêm khớp dạng thấp. Mục tiêu điều trị chính đối với viêm khớp dạng thấp là giảm nhẹ triệu chứng, làm chậm diễn tiến của bệnh và phòng ngừa các biến chứng. Gần đây, các liệu pháp điều trị trúng đích đang bước đầu chứng minh tính hiệu quả, mở ra một cơ hội mới cho nhiều bệnh nhân nhưng chi phí khá cao. Sự thiếu hiểu biết về các nguyên nhân gây bệnh là trở ngại lớn nhất trong việc tìm kiếm một phác đồ điều trị hiệu quả cao.

Mối quan tâm về việc bệnh viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi không nên được điều chỉnh theo hướng làm cách nào để phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm. Giải pháp tốt nhất hiện tại là xác định đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, lập chiến lược phòng ngừa bệnh trước khi xuất hiện các triệu chứng một cách an toàn và có hiệu quả cao. Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp nên được thực hiện càng sớm càng tốt, nhằm giảm thiểu nguy cơ phá hủy các khớp cũng như các biến chứng khác mà bệnh có thể gây ra. Hiện tại đã có nhiều loại thuốc có tác dụng ngăn chặn viêm khớp dạng thấp trở nên xấu hơn và giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng xa.

2. Nhóm thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm

Thuốc DMARDs
Thuốc methotrexate dạng nước thuộc nhóm thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm

Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm hay DMARDs (tên tiếng anh là disease-modifying anti rheumatic drugs) là một trong hai loại thuốc chính trong điều trị bệnh, cùng với nhóm thuốc sinh học. Các thuốc thuộc nhóm DMARDs có khả năng làm giảm nhẹ triệu chứng và làm chậm quá trình diễn tiến bệnh.

Cơ chế hoạt động của thuốc là ức chế tác dụng của các chất trung gian hóa học được giải phóng khi hệ miễn dịch tấn công các khớp trong cơ thể. Một số thuốc thuộc nhóm DMARDs thường được sử dụng trên lâm sàng là methotrexate, sulfasalazine, hydroxychloroquine, leflunomide. Mất nhiều tháng để các thuốc nhóm DMARDs bắt đầu phát huy tác dụng, vì thế người bệnh cần kiên trì sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ dù chưa thấy thuốc phát huy tác dụng. Người bệnh có thể phải thử 2 hoặc 3 loại thuốc DMARDs khác nhau trước khi tìm ra được loại phù hợp nhất.

Methotrexate là thuốc đầu tay được lựa chọn trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, có thể kết hợp với các thuốc thuộc nhóm DMARDs khác và nhóm corticosteroid trong một thời gian ngắn để làm giảm triệu chứng đau. Tuy nhiên, bản thân methotrexate có nhiều tác dụng không mong muốn như đau đầu, tiêu chảy, giảm cảm giác ngon miệng, rụng tóc, loét miệng, mệt mỏi. Ngoài ra, mặc dù tỷ lệ không cao nhưng thuốc vẫn có thể ảnh hưởng lên các cơ quan khác trong cơ thể như hệ tạo máu, gan, phổi. Xét nghiệm công thức máu và phim X-quang phổi cần được chỉ định để theo dõi và phát hiện các biến chứng một cách kịp thời.

3. Thuốc sinh học

Thuốc sinh học là một phương pháp mới điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, bao gồm etanercept và infliximab. Các tác nhân sinh học này thường được chỉ định sử dụng phối hợp với methotrexate hoặc các thuốc thuộc nhóm DMARDs, có hiệu quả hơn so với sử dụng các thuốc DMARD đơn độc.

Thuốc sinh học được sử dụng bằng đường tiêm, ngăn chặn các chất hóa học hoạt hoá hệ miễn dịch tấn công các khớp trong cơ thể. Tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc này thường nhẹ, bao gồm kích ứng da tại vùng tiêm, nhiễm trùng, mệt mỏi, tăng thân nhiệt và đau đầu.

4. Thuốc ức chế JAK

Thuốc methotrexate.
Thuốc methotrexate dùng kết hợp với thuốc ức chế JAK

Thuốc ức chế JAK là một nhóm thuốc mới được áp dụng cho các bệnh nhân viêm khớp dạng thấp nặng, bao gồm tofacitinib và baricitinib. Thuốc được chỉ định khi bệnh nhân có các chống chỉ định với DMARDs và các thuốc sinh học hoặc sử dụng không có hiệu quả. Loại thuốc này được sử dụng theo đường uống 1-2 viên/ngày, kết hợp với methotrexate.

5. Nhóm thuốc giảm đau

Bên cạnh các thuốc làm chậm diễn tiến của bệnh đã nêu trên, bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cần được điều trị giảm đau.

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được khuyên sử dụng các thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen, acetaminophen kết hợp với codein. Thuốc giảm đau thông thường không có tác dụng giảm viêm tại các khớp, được khuyên dùng vào các đợt cấp hoặc trong khoảng thời gian chờ đợi trước khi gặp chuyên gia.

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) cũng được sử dụng để giảm đau trong bệnh viêm khớp dạng thấp. Bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn thuốc cụ thể trong nhóm NSAIDs cho từng bệnh nhân và tư vấn về lợi ích và nguy cơ. Sử dụng thuốc thuộc nhóm NSAIDs có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dạ dày như xuất huyết dạ dày, vì chúng phá vỡ lớp màng bảo vệ lót bên trong niêm mạc dạ dày.

Steroids là nhóm thuốc khác có tác dụng giảm đau, giảm viêm mạnh. Thuốc có thể được sử dụng theo nhiều con đường khác nhau như uống, tiêm trong cơ hoặc tiêm trực tiếp vào các khớp bị tổn thương. Steroids thường chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn để hạn chế các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra như tăng cân, loãng xương, yếu cơ, mỏng da.

6. Các phương pháp điều trị hỗ trợ viêm khớp dạng thấp

Người bị thoát bị đĩa đệm có thể tập vật lý trị liệu
Tập vật lý trị liệu hỗ trợ điều trị

Điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp là một quá trình dài cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau. Để hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số các phương pháp điều trị hỗ trợ khác. Cụ thể như sau:

Vật lý trị liệu

Tập vật lý trị liệu có thể giúp người bệnh tăng cường sức mạnh cơ và khiến các khớp trở nên linh hoạt hơn. Các bài tập tại cổ tay, bàn tay với kỹ thuật viên tại nhà giúp duy trì hoạt động bình thường của các khớp. Một số phương pháp giảm đau bằng nhiệt, nước đá hoặc kích thích thần kinh bằng điện trong da cũng được áp dụng phối hợp với việc sử dụng các thuốc.

Trị liệu nghề nghiệp

Khi bệnh viêm khớp dạng thấp gây ra nhiều phiền toái trong hoạt động hằng ngày cũng như trong công việc, người bệnh cần được tiến hành trị liệu nghề nghiệp. Chuyên gia trong lĩnh vực này sẽ cung cấp lời khuyên và các bài tập giúp bảo vệ các khớp trong các sinh hoạt thường ngày và trong khi đang làm việc như bài tập mở nút chai hoặc đeo nẹp vào bàn tay ...

7. Phẫu thuật

Hội chứng ống cổ tay
Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng tới sự khéo léo của đôi tay

Trong một vài trường hợp, các khớp trong cơ thể vẫn bị tổn thương dù đã được điều trị thuốc. Khi đó, cần phẫu thuật để bảo tồn chức năng của các khớp. Ngoài ra, phẫu thuật còn được chỉ định để điều trị giảm đau và sửa chữa các biến dạng khớp. Một số loại phẫu thuật khác nhau được áp dụng trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp là:

  • Phẫu thuật tại cổ tay, bàn tay và các ngón tay để điều trị hội chứng ống cổ tay, giải phóng gân cơ và các mô viêm xung quanh các khớp ngón tay.
  • Nội soi khớp là thủ thuật lấy bỏ các mô viêm tại các khớp lớn hơn. Ống nội soi chuyên dụng có gắn camera được đưa vào khớp thông qua một vết rạch da nhỏ ở vùng khớp bị tổn thương. Người bệnh thường có thể về trong ngày mà không cần nhập viện nội trú sau khi thực hiện thủ thuật.
  • Phẫu thuật thay khớp: Đây là phẫu thuật lớn và phức tạp, thay thế một phần hay toàn bộ các khớp tại vùng hông, gối và khớp vai. Các khớp nhân tạo thế hệ mới có tuổi thọ trung bình khoảng từ 10 - 20 năm, tuy nhiên một vài động tác có thể không thực hiện được sau phẫu thuật thay khớp.

Tuy không thể điều trị khỏi nhưng các phương pháp điều trị hiện nay có thể làm giảm được được nguy cơ biến chứng bệnh, cải thiện sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan