Các cách điều trị bệnh vảy nến

Vảy nến là bệnh lý mãn tính cần quá trình điều trị lâu dài. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị bệnh vảy nến được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp điều trị nào sẽ phụ thuộc vào mức độ của bệnh, các triệu chứng và phạm vi vùng da bị tổn thương. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến cách điều trị bệnh vảy nến để giúp người bệnh hạn chế các biến chứng nghiêm trọng xảy ra.

1. Các phương pháp điều trị vảy nến

Đối với bệnh vảy nến, hiện nay chưa có thuốc đặc trị để chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn có thể ngăn chặn sự phát triển của bệnh cũng như ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm bằng các phương pháp hỗ trợ điều trị theo từng giai đoạn phát triển của bệnh.

Quá trình điều trị vảy nến diễn ra 2 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn tấn công: Có thể lựa chọn các phương pháp điều trị tại chỗ, toàn thân.
  • Giai đoạn điều trị duy trì: Với mục đích hạn chế tối đa tình trạng bùng phát bệnh trở lại. Thông qua giáo dục sức khỏe, giúp người bệnh có kiến thức về bệnh vảy nến, phối hợp tốt trong quá trình điều trị cũng như dự phòng bệnh bùng phát trở lại.

Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến bao gồm:

1.1. Điều trị tại chỗ

Một trong những cách trị vảy nến đó là điều trị tại chỗ, sử dụng các thuốc để cải thiện triệu chứng và hạn chế biến chứng của bệnh. Các thuốc được sử dụng để điều trị tại chỗ bệnh vảy nến đó là:

  • Corticosteroid: Thuốc được sử dụng phổ biến ở dạng kem bôi ngoài da vùng bị bệnh nhưng đôi khi có thể được tiêm vào các vị trí tổn thương nhỏ hoặc khó trị. Không được sử dụng thuốc này ở dạng toàn thân khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Chỉ có thể dùng trong trường hợp bệnh bùng phát trầm trọng hoặc bệnh vảy nến mụn mủ. Liều dùng để đạt hiệu quả điều trị 2 lần/ ngày. Thuốc được sử dụng có hiệu quả khi dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ dưới lớp phủ polyethylene hoặc kết hợp vào băng dán. Sau thời gian điều trị, các tổn thương da được cải thiện thì nên giảm thời gian sử dụng và giảm liều dùng corticosteroid để giảm thiểu tác dụng phụ teo da, rạn da và giãn mạch.
  • Dẫn xuất vitamin D3 (như Calcipotriol, calcitriol): Có tác dụng bình thường hóa sự tăng sinh và biệt hóa tế bào sừng. Thuốc này có thể sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với thuốc Corticosteroid tại chỗ.
  • Chất ức chế Calcineurin (như Tacrolimus, Pimecrolimus) ở dạng kem bôi ngoài da với khả năng dung nạp khá tốt. Mặc dù hiệu quả điều trị thấp hơn các thuốc Corticosteroid nhưng có thể hạn chế được các biến chứng của thuốc khi điều trị bệnh vảy nến trên da mặt và vùng kẽ.
  • Thuốc Anthralin: Thuốc có công dụng ức chế một số enzym tham gia quá trình tổng hợp tế bào da nhằm cải thiện tình trạng bong tróc, đóng vảy, khô cứng khi vùng da bị tổn thương. Mục đích giúp người bệnh giảm các triệu chứng như đau, ngứa và hạn chế sự lan rộng vùng da bị bệnh. Do có nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến người bệnh nên thuốc thường được chỉ định trong thời gian ngắn.
  • Thuốc bong vảy nến: Thường được sử dụng trong điều trị bệnh vảy nến ở mức độ nhẹ, chưa có biểu hiện bội nhiễm trên da. Thuốc thường chứa từ 2 - 15% acid Salicylic. Có thể kết hợp với kem trị vảy nến chứa corticosteroid để điều trị các tế bào sừng hóa. Trước khi bôi thuốc, người bệnh nên rửa sạch vùng da bị tổn thương, lau khô rồi mới bôi thuốc để đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Trong trường hợp người bệnh có cảm giác nóng, ngứa, rát nhiều hơn trước khi bôi thuốc thì nên ngừng bôi và hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.
  • Sản phẩm dưỡng ẩm: Bao gồm các loại kem làm mềm da, thuốc mỡ, parafin và thậm chí là các dầu thực vật. Nên sử dụng các sản phẩm này 2 lần mỗi ngày, sau khi tắm xong.

1.2. Điều trị bệnh vảy nến bằng quang trị liệu

Đây là phương pháp sử dụng liệu pháp tia cực tím (UV) để làm lành vùng da bị tổn thương trên diện rộng. Cơ chế tác dụng vẫn chưa được biết rõ ràng, mặc dù ánh sáng tia UV làm giảm sự tổng hợp DNA và có thể gây ức chế miễn dịch nhẹ.

Hiệu quả của liệu pháp này có thể kéo dài vài tháng và ít phức tạp hơn so với điều trị tại chỗ. Tuy nhiên, nếu người bệnh được điều trị lặp đi lặp lại nhiều lần có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư da do tia cực tím và u tế bào hắc tố.

1.3. Thuốc ức chế miễn dịch

Thường được chỉ định khi vùng da bị tổn thương có dấu hiệu lan rộng ra các vùng cơ thể khác. Một số thuốc được dùng phổ biến như Methotrexate, Cyclosporine, Prednisolone... nhằm ức chế miễn dịch và tăng sinh tế bào, chống viêm. Vì vậy, thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh vảy nến toàn thân, mức độ nặng hoặc mụn mủ lan rộng khi không đáp ứng với các biện pháp điều trị tại chỗ hay liệu pháp quang trị liệu.

Tuy nhiên, thuốc thường gây ra một số tác dụng phụ như tăng huyết áp, tăng nhịp tim, viêm loét dạ dày, đau đầu, buồn nôn... Do đó, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

1.4. Thuốc sinh học trị bệnh vảy nến

Cách trị vảy nến bằng các chế phẩm sinh học nhằm ngăn chặn quá trình di chuyển của các tế bào trình diện kháng nguyên tới hạch bạch huyết, ngăn chặn các tế bào lympho T hoạt hóa hoặc cản trở quá trình tương tác giữa tế bào lympho T và APC.... Cấu thành các thuốc sinh học là các thành phần của cơ thể sống hoặc là các sản phẩm tạo ra từ cơ thể sống được sử dụng để phòng ngừa, điều trị bệnh. Hiện nay, đã có 5 chế phẩm sinh học được đưa vào sử dụng trong điều trị bệnh vảy nến đó là Efalizumab, Alefacept, Etanercept, Infliximab và Adalimumab.

Một số lưu ý khi dùng thuốc sinh học để đảm bảo thuốc có tác dụng hiệu quả trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh vảy nến:

  • Không sử dụng thuốc Efalizumab đối với người bị bệnh vảy nến thể thấp khớp.
  • Người bệnh cần được tiến hành xét nghiệm tiểu cầu mỗi tháng 1 lần ở 3 tháng đầu khi sử dụng thuốc.
  • Trước khi bắt đầu dùng thuốc sinh học, người bệnh cần làm các xét nghiệm như HCG, công thức máu, phân tích số lượng tế bào máu, chụp X quang. Ngoài ra cần phải kiểm tra CD4 và mỗi 2 tuần trong suốt quá trình điều trị.
  • Một số tác dụng phụ thường gặp người bệnh cần lưu ý như đau đầu, mệt mỏi, sốt hay nhiễm trùng cơ hội trong khi sử dụng thuốc sinh học.
  • Trong thời gian từ 6 - 12 tuần điều trị đầu tiên, người bệnh có thể bùng phát đợt cấp của vảy nến. Trường hợp ngưng dùng thuốc sinh học, thường có nguy cơ tái phát trở lại.
  • Thận trọng khi dùng các thuốc này cho người già, người bị suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV, mắc chứng giảm tiểu cầu, đang dùng vaccin sống hay các bệnh nhiễm trùng khác.
  • Chống chỉ định dùng thuốc sinh học cho các đối tượng mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc và phụ nữ mang thai.

2. Lựa chọn cách trị vảy nến hiệu quả

Việc lựa chọn dùng các thuốc điều trị và phối hợp các phương pháp khác đòi hỏi sự hợp tác của người bệnh, bác sĩ sẽ luôn cân nhắc giữa hiệu quả điều trị và tác dụng không mong muốn của phương pháp điều trị được lựa chọn.Thông thường, các liệu pháp được lựa chọn sẽ quay vòng điều trị liên quan đến việc thay thế các liệu pháp khác sau 1 đến 2 năm để giảm tác dụng phụ cho người bệnh, tránh tình trạng đề kháng thuốc. Tùy thuộc vào tính chất bệnh và tình trạng của người bệnh để lựa chọn phương pháp phù hợp như sau:

  • Bệnh vảy nến thể mảng nhẹ: Có thể được điều trị bằng các chất làm mềm, chất bạt sừng, corticosteroid tại chỗ, dẫn xuất vitamin D3 hoặc anthralin đơn thuần hay kết hợp. Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài và mức độ cao vì có thể làm cho bệnh trầm trọng hơn.
  • Bệnh vảy nến thể mảng trung bình đến nặng: Kết hợp điều trị tại chỗ, quang trị liệu và các thuốc toàn thân. Có thể dùng các thuốc sinh học để kiểm soát tình trạng bệnh và dùng trong thời gian ngắn khi bệnh nặng.
  • Vảy nến thể mảng da đầu: Đa số trường hợp bệnh nhân đề kháng với các liệu pháp toàn thân, tóc làm hạn chế với thuốc bôi tại chỗ và bong vảy, che chắn da khỏi tia cực tím. Có thể dùng acid salicylic 10% trong dầu khoáng để bôi trước khi đi ngủ bằng tay hoặc bàn chải đánh răng, hãy che bằng mũ tắm nhằm tăng cường khả năng thấm hút và tránh lan ra các vùng xung quanh, rửa sạch vào sáng hôm sau với dầu gội đầu có hắc ín.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến điều trị bệnh vảy nến. Người bệnh cần trang bị những kiến thức cơ bản để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh vảy nến và điều trị kịp thời nhằm hạn chế các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan