Các loại chụp cộng hưởng từ (MRI) thường dùng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Trần Đức Tuấn - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chụp cộng hưởng từ hay chụp MRI được sử dụng để đánh giá các vấn đề về não, cổ và tủy sống hoặc giúp bác sĩ đánh giá các vấn đề ở ngực, tim, bụng, khớp hoặc mạch máu của người bệnh. Có một vài loại chụp MRI khác nhau và được sử dụng tuỳ thuộc vào bệnh lý mà người bệnh cần được khám, điều trị và theo dõi.

1. Chụp cộng hưởng từ (MRI) là gì?

Chụp cộng hưởng từ (tên tiếng anh là Magnetic Resonance Imaging và viết tắt là MRI) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không sử dụng phóng xạ (tia X) và là kỹ thuật không xâm lấn. Máy MRI sử dụng một nam châm lớn và một máy tính để chụp ảnh bên trong cơ thể bạn. Mỗi bức ảnh hoặc "lát" chỉ hiển thị một vài lớp mô cơ thể tại một thời điểm. Các hình ảnh sau đó có thể được kiểm tra trên màn hình máy tính.

Hình ảnh được chụp theo cách này có thể giúp bác sĩ tìm thấy các vấn đề trong cơ thể bạn dễ dàng hơn. Quá trình chụp thường mất từ ​​15 đến 90 phút, bao gồm cả việc quét, tổng thời gian kiểm tra thường mất từ ​​1,5 đến 3 giờ.

Một chất cản quang được gọi là gadolinium được tiêm vào tĩnh mạch của bạn để giúp các bác sĩ nhìn rõ hình ảnh hơn. Các gadolinium tập hợp xung quanh các tế bào ung thư và sẽ hiển thị sáng hơn trên hình ảnh chụp được.

2. Các loại chụp cộng hưởng từ

2.1 Chụp cộng hưởng từ chức năng

Chụp cộng hưởng từ chức năng (tên tiếng Anh là Functional magnetic resonance imaging và viết tắt là fMRI) đo lường những thay đổi nhỏ trong lưu lượng máu diễn ra trong quá trình hoạt động của não. Kỹ thuật này có thể được sử dụng để kiểm tra giải phẫu chức năng của não, đánh giá tác động của đột quỵ hoặc bệnh khác hoặc hướng dẫn điều trị các bệnh lý ở não. fMRI có thể phát hiện những bất thường trong não mà các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác không thể phát hiện.

fMRI đang trở thành phương pháp chẩn đoán được lựa chọn để chẩn đoán bộ não bình thường, bị bệnh hoặc bị chấn thương, cũng như để đánh giá các nguy cơ tiềm tàng của phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị xâm lấn khác được thực hiện trên não.

Chụp cộng hưởng từ chức năng giúp đánh giá chức năng não sau đột quỵ
Chụp cộng hưởng từ chức năng giúp đánh giá chức năng não sau đột quỵ

Các bác sĩ thực hiện fMRI để:

  • Kiểm tra giải phẫu chức năng của não;
  • Xác định phần nào của não đang xử lý các chức năng quan trọng như suy nghĩ, lời nói, chuyển động và cảm giác, được gọi là bản đồ não;
  • Giúp đánh giá ảnh hưởng của đột quỵ, chấn thương hoặc bệnh thoái hóa (như Alzheimer) đối với chức năng não;
  • Theo dõi sự phát triển và chức năng của khối u não;
  • Hướng dẫn lập kế hoạch phẫu thuật, xạ trị hoặc các phương pháp điều trị xâm lấn khác ở não.

2.2 Chụp MRI vú

Chụp cộng hưởng từ vú (tên tiếng anh là breast MRI) sử dụng từ trường mạnh, xung tần số vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của mô vú và bất kỳ sự bất thường nào có thể xuất hiện trên vú. Chụp MRI vú không sử dụng bức xạ ion hóa (được sử dụng trong tia X).

Mục đích chụp MRI vú gồm:

  • Để giúp xác định mức độ ung thư vú: MRI vú đôi khi được sử dụng ở những phụ nữ đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, để giúp đo kích thước của ung thư, tìm kiếm các khối u khác trong vú và kiểm tra các khối u ở phía nhũ hoa đối diện. Nhưng không phải mọi phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú đều cần chụp MRI vú.
  • Để tầm soát ung thư vú: Đối với một số phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao, nên chụp MRI vú để sàng lọc kết hợp với chụp X-quang vú hàng năm. MRI không được khuyến cáo làm chẩn đoán sàng lọc bởi vì nó có thể bỏ sót một số bệnh ung thư mà chụp X-quang tuyến vú có thể phát hiện ra.

Mặc dù MRI có thể phát hiện một số trường hợp ung thư nhưng không thấy trên hình ảnh chụp X-quang vú, nhưng nó cũng có nhiều khả năng tìm thấy các trường hợp không phải là ung thư (được gọi là dương tính giả). Điều này có thể dẫn đến người bệnh phải thực hiện nhiều xét nghiệm và/ hoặc sinh thiết không cần thiết. Đây là lý do tại sao MRI không được khuyến cáo làm kỹ thuật sàng lọc cho những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú trung bình.

2.3 Chụp cộng hưởng từ mạch máu não

Chụp cộng hưởng từ mạch máu não (tên tiếng Anh là Magnetic Resonance Angiography và viết tắt là MRA) sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để đánh giá các mạch máu và giúp xác định các bất thường. Kỹ thuật này không sử dụng bức xạ và có thể người bệnh cần tiêm chất cản quang. Chất cản quang được sử dụng cho MRA ít có khả năng gây ra phản ứng dị ứng hơn so với chất cản quang được sử dụng để chụp cắt lớp vi tính (CT).

Các bác sĩ sử dụng chụp cộng hưởng từ mạch máu não để chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan đến mạch máu. Kỹ thuật này tạo ra hình ảnh của các mạch máu lớn trên khắp cơ thể.

Chụp cộng hưởng từ mạch máu não giúp chẩn đoán các bệnh liên quan đến mạch máu
Chụp cộng hưởng từ mạch máu não giúp chẩn đoán các bệnh liên quan đến mạch máu

Các bác sĩ thực hiện chụp cộng hưởng từ mạch máu não bằng cách sử dụng:

  • Nội soi huỳnh quang (fluoroscopy) để giúp đặt ống thông vào mạch máu và tiêm thuốc cản quang để giúp phác hoạ hình ảnh của mạch máu;
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT);
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI).

2.4 Chụp tĩnh mạch đồ cộng hưởng từ

Chụp tĩnh mạch đồ cộng hưởng từ (tên tiếng Anh là magnetic resonance venography và viết tắt là MRV) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có độ nhạy cao để đánh giá bệnh tĩnh mạch sâu và nông ở chân, xương chậu và các khu vực khác của cơ thể mà các phương pháp chẩn đoán khác không thể tiếp cận được. MRV đặc biệt hữu ích giúp phát hiện các bệnh lý gây đau chân và phù chân mà không được phát hiện trước đây.

Nhìn chung, các bệnh về tĩnh mạch ít phổ biến hơn các bệnh về động mạch. Ngoài ra, bệnh ở tĩnh mạch diễn ra ít thường xuyên hơn, các bệnh lý liên quan đến tĩnh mạch có xu hướng ít nghiêm trọng so với các bệnh ở động mạch.

Do đó, MRV thường được sử dụng để đánh giá lưu lượng máu trong tĩnh mạch và có thể phát hiện cục máu đông hoặc các bất thường khác. Một số bệnh lý bất thường về cấu trúc tĩnh mạch hoặc các vấn đề về lưu lượng máu trong não, bất thường trong phát triển tĩnh mạch ở trẻ nhỏ.

2.5 Chụp MRI tim

Chụp cộng hưởng từ tim (MRI) sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết về các cấu trúc bên trong và xung quanh tim. MRI tim được sử dụng để phát hiện hoặc theo dõi bệnh tim và đánh giá giải phẫu và chức năng của tim ở những người bệnh mắc bệnh tim khi sinh và bệnh tim phát triển sau khi sinh. Chụp MRI tim không sử dụng bức xạ ion hóa để tạo ra hình ảnh và nó có thể cung cấp hình ảnh tốt nhất của tim trong một số bệnh lý nhất định.

MRI tim được thực hiện để giúp bác sĩ phát hiện hoặc theo dõi bệnh tim bằng cách:

  • Đánh giá giải phẫu và chức năng của buồng tim, van tim, kích thước và lưu lượng máu chảy qua các mạch chính và các cấu trúc xung quanh như màng ngoài tim;
  • Chẩn đoán các rối loạn tim mạch (tim và/hoặc mạch máu) như khối u, nhiễm trùng và tình trạng viêm;
  • Đánh giá ảnh hưởng của bệnh lý đến bệnh động mạch vành như mức giảm lưu lượng máu đến cơ tim và sẹo trong cơ tim sau khi người bệnh có cơn đau tim;
  • Lập kế hoạch điều trị cho người bệnh rối loạn tim mạch;
  • Theo dõi sự tiến triển của các rối loạn nhất định theo thời gian;
  • Đánh giá hiệu quả của phẫu thuật, đặc biệt ở những người bệnh mắc bệnh tim bẩm sinh;
  • Đánh giá giải phẫu tim và mạch máu ở trẻ em và người lớn mắc bệnh tim bẩm sinh.

Chụp cộng hưởng từ là một trong những công nghệ chẩn đoán hình ảnh tiên tiến nhất hiện nay, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh và đưa ra được phác đồ điều trị hiệu quả nhất.

Thông liên thất - dị tật tim bẩm sinh thường gặp ở trẻ em
Chụp cộng hưởng từ tim giúp đánh giá hiệu quả của phẫu thuật tim bẩm sinh

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: stanfordhealthcare.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan