Cách giảm ngứa khi bị sốt phát ban

Phát ban đỏ và sốt là hai triệu chứng điển hình của bệnh sốt phát ban. Ngoài ra, khi bị sốt phát ban có thể kèm theo các dấu hiệu triệu chứng khác như mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy và tình trạng ngứa ngáy trên da gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh.

1. Sốt phát ban là gì?

Sốt phát ban là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây nhiễm qua đường hô hấp và do virus Herpes 6 hoặc 7 gây ra. Loại virus này gây ra tình trạng thân nhiệt tăng lên một cách đột ngột tới trên 39 độ C. Trong khi thân nhiệt tăng cao thì các nốt phát ban dần xuất hiện trên da kèm theo cảm giác thấy ngứa ngáy khắp người.

Phát ban đỏ trên da là tình trạng trên da xuất hiện nhiều mảng, đốm đỏ phẳng trên da. Ban sần là những nốt sần nhỏ có màu đỏ. Khi xuất hiện cả hai dấu hiệu trên thì gọi là ban dạng dát sẩn. Tình trạng này có thể gây ra cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu. Phát ban đỏ thường xuất hiện đột ngột trên bất kỳ vùng da nào của cơ thể. Với hầu hết các trường hợp, chúng không nghiêm trọng.

Trong trường hợp uống thuốc đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý thì sốt phát ban sẽ không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, với những trường hợp nghiêm trọng hơn thường gặp ở trẻ em thì sốt phát ban có thể kèm theo dấu hiệu chán ăn, khó thở, sưng mí mắt và tiêu chảy.

2. Nguyên nhân gây ngứa khi bị sốt phát ban

Một số nguyên nhân chính khiến người bệnh bị sốt phát ban kèm theo cảm giác mẩn ngứa là:

  • Do cơ địa làn da đặc biệt là da ở trẻ em quá nhạy cảm.
  • Do không vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến các loại vi khuẩn dễ dàng tấn công và xâm nhập vào bên trong cơ thể. Do đó, khi bị sốt phát ban thì người bệnh vẫn cần chú ý lau người và vệ sinh cơ thể hàng ngày. Đối với trẻ em thì bố mẹ hãy vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ bằng cách dùng khăn ấm lau người cho con. Đồng thời, bố mẹ cũng cần thay quần áo cho trẻ mỗi ngày và mặc đồ thoáng mát cho con.

Tình trạng ngứa ngáy trên da khi bị phát ban thường không quá nguy hiểm. Thông thường người bệnh bị sốt phát ban có thể ngứa ngáy từ 2 - 3 ngày hoặc lâu hơn 1 tuần. Khi khỏi bệnh, những nốt ban này sẽ lặn đi mà không để lại sẹo hoặc vết thâm trên cơ thể của người bệnh. Trong trường hợp này, bạn có thể áp dụng một số cách giảm ngứa khi bị sốt phát ban.

3. Một số cách giảm ngứa khi bị sốt phát ban

3.1. Tăng cường khả năng miễn dịch

Sau khi bị sốt phát ban thì cơ thể sẽ bị suy giảm sức đề kháng và suy nhược cơ thể nên cần tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Bạn cần bổ sung nhiều loại vitamin, các khoáng chất, sắt, đạm... Ngoài ra, bạn cũng cần uống nhiều nước và các loại nước trái cây để giúp cơ thể có thể hồi phục trong thời gian nhanh chóng hơn.

3.2. Mặc đồ rộng rãi

Sự ma sát giữa bề mặt da và quần áo sẽ khiến những nốt mẩn đỏ kèm theo sưng tấy và gây ra cảm giác ngứa nhiều hơn. Do đó, mặc những trang phục thoáng mát và rộng rãi là cách để giảm ngứa khi bị sốt phát ban. Đồng thời, bạn cũng nên chú ý trong lựa chọn bột giặt và nước xả vải dịu nhẹ để tránh gây ra các tổn thương da. Đối với trẻ nhỏ bị sốt phát ban thì mẹ cần lưu ý chọn cho con những loại tã thấm hút tốt, không gây ra tình trạng kích ứng, cũng có thể thoa phấn rôm lên những vùng da đang bị nổi mẩn để giảm sưng.

3.3. Giữ cơ thể và nơi ở sạch sẽ

Việc vệ sinh cơ thể 1 - 2 lần/ngày là cách giảm ngứa khi bị sốt phát ban. Nguyên nhân là do bụi bẩn, bã nhờn, mồ hôi tích tụ ở trên da sẽ ứ lại ở các vết mẩn khiến da dễ bị ngứa ngáy, gây viêm, thậm chí là mưng mủ những nốt phát ban.

Khi vừa khỏi bệnh và tắm rửa trở lại, bạn cũng không nên sử dụng sữa tắm hoặc xà phòng có nhiều hương liệu hoặc độ pH cao. Ngoài ra, giữ vệ sinh nơi ở, tránh ao tù nước đọng. Người bệnh nên vệ sinh chăn, màn để hạn chế tối đa vi khuẩn, nấm mốc trú ngụ hoặc xâm nhập vào da gây ra cảm giác ngứa và nhiễm trùng.

3.4. Chườm khăn lạnh

Một cách giảm ngứa khi bị sốt phát ban khá an toàn và hiệu quả để cải thiện tình trạng này chính là sử dụng khăn lạnh và chườm lên những vùng da bị kích ứng, tổn thương. Phương pháp này không chỉ phù hợp với người lớn mà còn có thể áp dụng với trẻ nhỏ.

Cách thực hiện là sử dụng khăn sạch và sau đó sẽ thấm khăn vào nước lạnh, vắt bớt nước và chườm lên những vùng da bị ngứa, tuy nhiên, cần chú ý tránh thực hiện những lúc trẻ đang sốt để hạn chế nguy cơ trẻ bị hạ thân nhiệt đột ngột.

3.5. Sử dụng tinh dầu bạc hà

Trong thành phần của bạc hà có chứa các thành phần có công dụng điều trị viêm và ngứa ngáy. Đồng thời, cây bạc hà còn có khả năng làm mát và diệt khuẩn. Do đó, ngoài có công dụng giảm ngứa, loại thảo dược này còn có tính chất kháng viêm, sát trùng và kháng khuẩn hiệu quả.

Cách sử dụng tinh dầu bạc hà để giảm ngứa khi bị phát ban, bạn có thể lấy một chút tinh dầu bạc hà xoa vào vùng da đang bị tổn thương. Tốt nhất, bạn nên thực hiện phương pháp này 2 lần/ ngày cho tới khi các dấu hiệu triệu chứng ngứa thuyên giảm.

3.6. Sử dụng gel nha đam

Nha đam có tính mát, chứa nhiều chất chống oxy hóa và những dưỡng chất có vai trò quan trọng trong phục hồi, tái tạo da bị tổn thương. Chính vì thế, gel nha đam được các chị em sử dụng trong làm đẹp da. Sử dụng nha đam cũng được áp dụng như cách làm giảm ngứa khi bị sốt phát ban. Tuy nhiên, nếu bạn đã có tiền sử kích ứng với nha đam, bạn nên tránh sử dụng gel nha đam.

3.7. Tắm nước lá trà xanh

Trong thành phần của trà xanh có chứa chất chống oxy hóa nên có hiệu quả rất tốt trong việc làm dịu và phục hồi da. Bên cạnh đó, trong trà xanh cũng chứa vitamin B nên có công dụng tuyệt vời giúp làm mềm da cũng như phục hồi các nốt mẩn đỏ.

Cách làm giảm ngứa khi bị sốt phát ban với nước trà xanh tươi là lấy một nắm lá trà xanh tươi, sau đó rửa sạch và đun sôi, pha nước ấm để tắm mỗi ngày. Để tăng thêm hiệu quả giảm ngứa và sát trùng, bạn có thể cho thêm một chút muối vào nước tắm.

3.8. Sử dụng các thuốc bôi có chứa corticosteroid

Những loại thuốc bôi ngoài da chứa corticosteroid cũng có khả năng giảm ngứa khi bị sốt phát ban. Tuy nhiên, cần lưu ý, loại thuốc này không nên sử dụng cho trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do các loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như teo da, phục hồi da thuốc Corticoid bôi da phải được kê đơn và hướng dẫn bởi bác sĩ điều trị bệnh.

4. Kết luận

Để giảm ngứa khi bị sốt phát ban thì bạn cần bổ sung các loại chất dinh dưỡng cần thiết như rau xanh, cam, bưởi, nấm, quýt,... Bên cạnh đó, bạn cũng nên sử dụng hạn chế những loại thực phẩm gây dị ứng và ngứa ngáy như tôm, cua, ...

Trên đây là một số cách giảm ngứa khi bị phát ban giúp cải thiện tình trạng sốt phát ban ngứa mà bạn có thể áp dụng tại nhà. Trong trường hợp nếu tình trạng ngứa ngáy gây khó chịu nghiêm trọng, hãy đến bệnh viện để được kiểm tra sức khỏe và điều trị sớm. Đồng thời, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng cũng như thời gian sử dụng để có hiệu quả cao nhất và hạn chế tối đa những tác dụng không mong muốn có thể gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe do sử dụng thuốc không đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

49.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan