Chuột rút ở bệnh nhân đái tháo đường

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ chấn thương chỉnh hình, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chuột rút cơ bắp là một biểu hiện phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường. Tỉ lệ này xảy ra ở khoảng 80% bệnh nhân đái tháo đường type II và khoảng 60% người đái tháo đường type I. Chuột rút có xu hướng phổ biến ở chi dưới và vào ban đêm. Tình trạng chuột rút này có thể bị nhầm lẫn với hạ canxi máu và hội chứng chân không yên.

1.Vì sao bệnh nhân đái tháo đường dễ bị chuột rút?

Ở những người đái tháo đường, ban đầu hiện tượng chuột rút có liên quan đến bệnh lý thần kinh. Theo diễn tiến thời gian của bệnh đái tháo đường, chuột rút có thể là kết quả của sự mất cân bằng điện giải, hạ đường huyết, bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh thần kinh ngoại biên.

Bệnh nhân đái tháo đường type 2 bị biến chứng suy thận là yếu tố thúc đẩy cho hiện tượng chuột rút dễ xảy ra hơn. Người bị đái tháo đường thường dễ bị xơ vữa động mạch, làm biến đổi mạch máu ngoại biên, tạo ra các đợt thiếu máu cục bộ và chuột rút.

Nguyên nhân của chuột rút rất đa dạng và đôi khi chuột rút là vô căn. Có nhiều rối loạn chuyển hoá tiềm ẩn ở bệnh nhân đái tháo đường như hạ canxi máu, hạ kali máu, suy giáprối loạn chức năng gan gây ra chuột rút cơ bắp. HbA1c tăng cao có liên quan đến chuột rút thường xuyên. Bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát đường huyết càng kém thì càng có nguy cơ bị chuột rút nhiều hơn.

Đái tháo đường type 2 biến chứng lên các cơ quan
Đái tháo đường type 2 bị biến chứng suy thận có thể thúc đẩy cho hiện tượng chuột rút dễ xảy ra hơn

2.Tiêm insulin có thể gây ra chuột rút?

Năm 1992, Meyer và Kirkman (Đại học Duke) báo cáo trường hợp bệnh nhân đái tháo đường bị chuột rút có liên quan đến việc tiêm Insulin. Sau đó, trên thế giới cũng có vài báo cáo trường hợp bị chuột rút ngay sau khi bệnh nhân tự tiêm insulin tác dụng nhanh.

Các tác giả cho rằng nồng độ kali huyết thanh của bệnh nhân đã giảm khoảng 16% trong vòng 30 phút sau khi tiêm insulin, so với mức giảm canxi rất nhỏ và nồng độ magie không thay đổi.

Từ đó, các bác sĩ cho rằng chính tình trạng giảm kali huyết thanh cấp tính này có khả năng gây ra chuột rút. Khi các tác giả cho bổ sung kali bằng đường uống hoặc truyền thì triệu chứng chuột rút đã nhanh chóng giảm bớt và hết hẳn sau 30 phút đến một giờ.

Có giả thuyết cho rằng chuột rút liên quan đến việc tiêm Insulin có thể là một dạng viêm thần kinh insulin nhẹ- một thuật ngữ được Caravati mô tả đầu tiên vào năm 1933, sau đó được xác định rõ hơn và đặc trưng hơn bởi Gibbons và Freeman vào năm 2010.

Các thầy thuốc nghĩ rằng chính chế độ điều trị nhanh và mạnh bằng Insulin để khống chế tăng đường huyết ở những bệnh nhân có tiền sử tăng đường huyết kéo dài trước đó có thể dẫn đến tổn thương sợi thần kinh ngoại biên nhỏ. Tuy nhiên, hiện tượng viêm thần kinh insulin này không phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường.

Tóm lại, chuột rút cơ bắp ở bệnh nhân đái tháo đường làm giảm chất lượng cuộc sống. Vấn đề chẩn đoán không khó khăn trong thực hành lâm sàng. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế và nguyên nhân chuột rút vẫn chưa được hiểu rõ và có nhiều giả thuyết.

Do đó, khi người bệnh đái tháo đường bị chuột rút hãy đi khám bác sĩ để tầm soát các bệnh đi kèm như bệnh thần kinh ngoại biên, rối loạn chuyển hóa, v.v...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan