Chụp X quang có phát hiện thoát vị đĩa đệm không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Hải - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Hải đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt trong lĩnh vực cắt lớp vi tính đa dãy, cộng hưởng từ.

Thoát vị đĩa đệm là bệnh do nhân nhầy bị thoát ra khỏi bao xơ đĩa đệm, sau đó chèn ép một số cơ quan khác và khiến bệnh nhân bị đau nên việc chụp X quang không thể phát hiện ra bệnh khi ở giai đoạn nhẹ, khi phần nhân nhầy này đã tràn ra nhiều, chèn ép rễ thần kinh, lấn sang tủy sống, biến dạng đốt sống thì chụp X quang có thể giúp bác sĩ chẩn đoán ra bệnh.

1. Thoát vị đĩa đệm là gì?

Thoát vị đĩa đệm là bệnh tuy không đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh nhưng nó lại gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động cũng như sức khỏe của bệnh nhân.

Nguyên nhân chính dẫn đến thoát vị đĩa đệm là do nhân nhầy đĩa đệm bị lệch khỏi vị trí ban đầu, dẫn đến chèn ép vào các dây thần kinh và cảm giác đau nhức kéo dài cho người bệnh. Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ khác gây thoát vị đĩa đệm là do:

  • Do tuổi tác: Bởi quá trình lão hóa diễn ra, đĩa đệm và cột sống bị mất nước, thoái hóa xơ cứng và rất dễ dàng bị tổn thương dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
  • Do chấn thương ở vùng lưng, lao động, vận động và làm việc quá sức, sai tư thế, dẫn đến đĩa đệm và cột sống bị tổn thương
  • Các bệnh lý bẩm sinh ở vùng cột sống hoặc do di truyền.
  • Béo phì: Cân nặng của cơ thể càng lớn, khiến đĩa đệm cột sống càng bị áp lực, đặc biệt là ở khu vực thắt lưng gây thoát vị đĩa đệm.

Thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị sớm sẽ để lại những biến chứng nặng nề như: Chèn ép rễ thần kinh, làm hẹp khoang sống khiến người bệnh có thể chi; rễ thần kinh vùng thắt lưng bị chèn ép, khiến việc đi đại tiện không kiểm soát; ít vận động lâu ngày khiến cơ suy yếu, teo, khả năng vận động giảm sút; cơ vòng đường tiểu bị rối loạn dẫn đến tình trạng bí tiểu, đái dầm,...

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
Thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị sớm sẽ để lại những biến chứng nặng nề

2. Chụp X quang có phát hiện thoát vị đĩa đệm không?

Chụp X quang là phương pháp chụp từ bên ngoài cơ thể mà vẫn thấy được những thay đổi bên trong của xương khớp, cơ quan khác. Bởi máy chụp X quang sẽ phát ra các chùm tia X có bức xạ cao, những tia X này xuyên qua các mô mềm và thành phần dịch trong cơ thể để tạo hình ảnh. Từ những hình ảnh này, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, các mô đặc như xương sẽ cản trở tia X nhiều, nếu mô đậm đặc cao thì tia X sẽ ít xuyên qua.

Vậy chụp X quang có phát hiện thoát vị đĩa đệm không? Đây là bệnh xảy do nhân nhầy bị thoát ra khỏi bao xơ đĩa đệm, sau đó chèn ép một số cơ quan khác và khiến bệnh nhân bị đau. Vì lẽ đó, việc chụp X quang không thể phát hiện ra bệnh khi ở giai đoạn nhẹ do các cấu trúc xương sống ít bị tác động.

Chụp X quang có tác dụng gì trong bệnh lý thoát vị đĩa đệm? Theo đó, việc chụp X quang chỉ có thể:

  • Chẩn đoán ra bệnh khi phần nhân nhầy này đã tràn ra nhiều, chèn ép rễ thần kinh, có biến dạng đốt sống, hẹp khoang liên đốt sống.
  • Bên cạnh đó, những hình ảnh X quang cũng có thể giúp bác sĩ nhìn được tư thế của cột sống người bệnh hiện tại, từ đó suy đoán các biểu hiện đầu tiên liên quan đến thoái hóa đốt sống lưng, đốt sống cổ.
  • Khi tiêm chất cản quang vào, lúc tiến hành chụp X quang thoát vị đĩa đệm thì có thể nhìn thấy hình ảnh gián tiếp của nhân nhầy liệu có đang tràn ra, chèn ép dây thần kinh, chèn ép tủy sống hay không.
  • Đây là lựa chọn tối ưu cho những bệnh nhân không có điều kiện kinh tế tốt hoặc ở xa những bệnh viện, trung tâm y tế lớn. Bởi có thể dùng những hình ảnh này để chẩn đoán tạm thời.
Chụp X quang cột sống cổ
Chụp X quang là phương pháp chụp từ bên ngoài cơ thể mà vẫn thấy được những thay đổi bên trong của xương khớp, cơ quan khác

3. Khi nào nên chụp X quang thoát vị đĩa đệm

Khi có các triệu chứng điển hình thường gặp của bệnh thoát vị đĩa đệm dưới đây, nên chụp X quang:

  • Yếu cơ, bại liệt: Đây thường là những triệu chứng xuất hiện sau thời gian dài không được điều trị, khiến bệnh diễn tiến đến giai đoạn nặng, việc vận động đi lại của người bệnh khó khăn, lâu dần dẫn đến teo cơ, teo chân và liệt các chi.
  • Đau nhức chân tay: Khi có những cơn đau nhức đột ngột xuất hiện ở vùng cổ, thắt lưng, sau đó lan dần xuống vùng vai gáy và chân tay thì nên chụp X quang. Thông thường, các cơn đau có thể âm ỉ kéo dài hoặc đau dữ dội khi đi lại, vận động mạnh.
  • Chân tay tê bì: Khi nhân nhầy đĩa đệm lệch khỏi vị trí ban đầu và thoát ra ngoài sẽ chèn ép đến các dây thần kinh khác gây tê bì, đau vùng cổ và thắt lưng rồi dần lan xuống khu vực mông, bẹn chân, đùi và gót chân. Khi đó, người bệnh sẽ bị rối loạn cảm giác, có triệu chứng kiến bò trong người.
  • Bên cạnh đó, khi thấy mức độ các cơn đau nhức, tê bì, yếu cơ ngày càng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt; xuất hiện tình trạng bí tiểu hoặc són tiểu; bắp đùi trong, phía sau chân, vùng quanh hậu môn bị mất cảm giác thì nên chụp X quang.

4. Quy trình và lưu ý khi chụp X quang thoát vị đĩa đệm

4.1. Quy trình chụp X quang thoát vị đĩa đệm

Thông thường, quá trình chụp X quang thoát vị đĩa đệm không quá phức tạp. Các bước thực hiện như sau:

  • Bước 1: Yêu cầu người bệnh cởi bỏ những trang sức hoặc quần áo có đính kim loại trên người để không ảnh hưởng đến quá trình chụp X quang.
  • Bước 2: Yêu cầu người bệnh đứng thẳng hoặc nằm nghiêng để thuận tiện cho việc tiến hành chụp X quang thoát vị đĩa đệm. Quá trình chụp chỉ diễn ra khoảng 5 - 10 phút, sau do sẽ có hình ảnh và bác sỹ điện quan sẽ phân tích hình ảnh, ghi lại và trả kết quả.
  • Bước 3: Sau khi nhận phim chụp nếu cột sống có hình dạng bất thường thì yêu cầu người bệnh tiến hành thêm một vài xét nghiệm khác như: chụp CT, cộng hưởng từ,... để có được kết quả chính xác nhất.

4.2. Lưu ý khi chụp X quang thoát vị đĩa đệm

Để thực hiện việc chụp X-quang diễn ra an toàn và chính xác, người bệnh cần lưu ý một số điểm như sau:

  • Phụ nữ không chụp X quang thoát vị đĩa đệm khi đang mang thai vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Tháo bỏ các đồ vật, thiết bị như kẹp tóc, đồ trang sức,... vì có thể làm ảnh hưởng đến kết quả chụp X Quang.

Người bệnh nên đến các bệnh viện có chuyên khoa xương khớp để thực hiện phương pháp chụp X quang, giúp phát hiện bệnh kịp thời và có phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm nhanh chóng.

Tê bì tay chân
Chân tay tê bì là triệu chứng điển hình thường gặp của bệnh thoát vị đĩa đệm

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan