Điều trị viêm cầu thận như thế nào?

Điều trị viêm cầu thận thường bao gồm các biện pháp giúp kiểm soát triệu chứng, giảm biến chứng và làm chậm tiến triển của bệnh. Nếu thận bị tổn thương nghiêm trọng, người bệnh cần chuyển sang điều trị bệnh thận giai đoạn cuối.

1. Tổng quan về điều trị viêm cầu thận

Nhìn chung, mục tiêu điều trị viêm cầu thận là bảo vệ thận khỏi bị tổn thương thêm. Phương pháp và kết quả điều trị viêm cầu thận phụ thuộc vào:

Thông thường không có cách điều trị viêm cầu thận mãn tính khỏi hoàn toàn. Một số trường hợp viêm cầu thận cấp tính, đặc biệt là sau nhiễm liên cầu khuẩn, có thể tự cải thiện mà không cần điều trị.

  • Nguyên nhân, bệnh nền dẫn tới viêm cầu thận;

Nếu có bệnh nền, chẳng hạn như huyết áp cao, nhiễm trùng hoặc bệnh tự miễn, việc điều trị sẽ tập trung vào làm chậm hoặc kiểm soát nguyên nhân gây viêm cầu thận. Tuy nhiên tổn thương thận có nguy cơ vẫn tiếp tục xấu đi ngay cả khi bệnh nền tiềm ẩn đã được kiểm soát.

  • Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng

Đối với viêm cầu thận cấp và suy thận cấp, lọc máu có thể giúp loại bỏ chất lỏng dư thừa và kiểm soát huyết áp cao. Liệu pháp duy nhất cho bệnh thận giai đoạn cuối là lọc thận và ghép thận. Nếu không thể cấy ghép, thường là do sức khỏe tổng quát kém, lọc máu là lựa chọn điều trị viêm cầu thận cuối cùng.

dieu-tri-viem-cau-nhu-nao
Lọc máu điều trị viêm cầu thận

2. Viêm cầu thận nên uống thuốc gì?

Bị viêm cầu thận uống thuốc gì là thắc mắc phổ biến của nhiều người. Xung quanh vấn đề này, các bác sĩ cho biết một số thuốc có thể kiểm soát biến chứng bệnh viêm cầu thận, giúp bệnh nhân thoải mái hơn. Cụ thể là:

  • Thuốc huyết áp

Người bệnh viêm cầu thận thường bị huyết áp cao, do đó bác sĩ sẽ khuyên dùng thuốc để giảm huyết áp và bảo tồn chức năng thận, phổ biến là thuốc ức chế men chuyển angiotensin hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin II. Vì ban đầu thuốc huyết áp có thể làm giảm chức năng thận và thay đổi nồng độ điện giải, nên bệnh nhân cần xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi tình trạng. Bác sĩ cũng sẽ đề nghị dùng thêm thuốc lợi tiểu, kết hợp với chế độ ăn ít muối;

  • Thuốc giảm cholesterol

Những người mắc bệnh thận mãn tính thường có mức cholesterol xấu cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Vì vậy điều trị viêm cầu thận mãn tính thường dùng các loại thuốc nhóm statin để giảm cholesterol.

  • Thuốc điều trị thiếu máu

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung hormone erythropoietin, đôi khi có thêm chất sắt, giúp hỗ trợ sản xuất nhiều tế bào hồng cầu, có công dụng giảm mệt mỏi và suy nhược do thiếu máu.

  • Thuốc giảm sưng

Người mắc bệnh thận mãn tính thường giữ lại chất lỏng trong cơ thể, dẫn đến sưng phù ở chân và tăng huyết áp. Các thuốc lợi tiểu có tác dụng duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể, thường được dùng trong điều trị viêm cầu thận mãn tính;

  • Thuốc bảo vệ xương

Bác sĩ có thể kê toa bổ sung canxi và vitamin D để ngăn ngừa suy yếu xương và giảm nguy cơ gãy xương. Đôi khi người bệnh cũng cần dùng thêm chất kết dính phốt phát để giảm lượng phốt pho trong máu, đồng thời bảo vệ mạch máu khỏi bị hư hại bởi sự lắng đọng canxi (vôi hóa).

Bên cạnh việc chỉ định người mắc viêm cầu thận nên uống thuốc gì, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra, theo dõi định kỳ để xem tình trạng bệnh có ổn định hay tiến triển xấu đi không.

3. Điều trị bệnh thận giai đoạn cuối

Nếu thận bị suy hoàn toàn, không thể tự xử lý chất thải và chất lỏng thì được tính là bệnh thận giai đoạn cuối. Lúc này, bệnh nhân sẽ được điều trị viêm cầu thận bằng những phương pháp sau:

  • Lọc máu

Có hai biện pháp lọc máu nhân tạo. Một là chạy thận nhân tạo: Máy lọc lớn bên ngoài sẽ lọc chất thải và chất lỏng dư thừa từ máu. Hai là thẩm tách phúc mạc: Ống thông mỏng (catheter) được đưa vào bụng, sau đó bơm dung dịch vô trùng vào đầy khoang bụng để hấp thụ chất thải và chất lỏng dư thừa. Sau một thời gian, dung dịch lọc máu mang theo chất thải thoát ra khỏi cơ thể;

  • Cấy ghép thận

Ghép thận là phẫu thuật đặt một quả thận khỏe mạnh từ người hiến (đã qua đời hoặc còn sống) vào cơ thể bệnh nhân. Dù không cần chạy thận nhân tạo, nhưng bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc trong suốt quãng đời còn lại để giữ cho cơ thể thích nghi với cơ quan mới.

Nếu không lọc máu hay ghép thận, lựa chọn thứ ba để điều trị viêm cầu thận là các biện pháp bảo tồn. Tuy nhiên, người bị suy thận hoàn toàn thường chỉ có tiên lượng sống trong một vài tháng.

dieu-tri-viem-cau-nhu-nao-2
Cấy ghéo thận

4. Phương pháp điều trị trong tương lai

Y học tái sinh có khả năng chữa lành hoàn toàn các mô và cơ quan bị tổn thương, là giải pháp và hy vọng cho những người mắc bệnh thận nói chung. Phương pháp này giúp:

  • Tăng cường khả năng chữa lành tự nhiên của cơ thể;
  • Sử dụng các tế bào, mô hoặc cơ quan khỏe mạnh từ người hiến tặng để thay thế những tế bào bị hư hỏng của người bệnh;
  • Cung cấp các loại tế bào cụ thể cho các mô hoặc cơ quan bị bệnh để khôi phục chức năng.

Phương pháp y học tái tạo đang được nghiên cứu và phát triển thêm trong tương lai với hy vọng làm chậm tiến triển của bệnh viêm cầu thận.

5. Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Là một phần trong điều trị điều trị viêm cầu thận mãn tính, bác sĩ có thể đề nghị một chế độ ăn uống đặc biệt để giúp hỗ trợ thận không phải làm việc quá nhiều. Cụ thể:

  • Tránh các sản phẩm nhiều muối: Hạn chế lượng muối trong thực đơn hàng ngày để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu việc giữ nước, sưng và tăng huyết áp. Giảm lượng natri mỗi ngày bằng cách tránh các món có thêm muối, bao gồm nhiều thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, thức ăn nhẹ có vị mặn, thịt và pho mát chế biến sẵn;
  • Chọn thực phẩm ít kali hơn: Nên tránh những thực phẩm giàu kali như chuối, cam, khoai tây, rau bina và cà chua. Chọn thực phẩm có hàm lượng kali thấp như táo, bắp cải, cà rốt, đậu xanh, nho và dâu tây;
  • Hạn chế lượng protein: Cơ thể tạo ra các chất thải mà thận phải lọc trong quá trình xử lý protein từ thực phẩm. Để hỗ trợ thận, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân nên ăn ít protein để giảm thiểu chất thải trong máu, hoặc đề xuất các cách giảm lượng protein nhưng vẫn đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh. Thực phẩm giàu protein bao gồm thịt nạc, trứng, sữa, phô mai và đậu. Thực phẩm ít protein bao gồm rau, trái cây, bánh mì và ngũ cốc.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần điều chỉnh lối sống lành mạnh hơn, nhất là những người phải sống chung với bệnh viêm cầu thận mãn tính. Cụ thể:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Kiểm soát tốt lượng đường trong máu ở người bị tiểu đường;
  • Từ bỏ hút thuốc lá;
  • Cố gắng sinh hoạt bình thường, thực hiện các hoạt động yêu thích và tiếp tục làm việc nếu có thể;
  • Đặt mục tiêu vận động thể chất ít nhất 30 phút các ngày trong tuần;
  • Tham gia vào một cộng đồng kết nối những người bị viêm cầu thận mạn tính - nơi cung cấp những thông tin hữu ích, lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm sống cùng với bệnh.

Tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản, tình trạng của bệnh nhân, chức năng thận và sức khỏe tổng thể, sẽ có nhiều phương pháp điều trị viêm cầu thận khác nhau. Ngoài một số loại thuốc và kỹ thuật y khoa, bác sĩ cũng có thể đề nghị điều chỉnh lối sống, giúp bệnh nhân đối phó tốt với bệnh viêm cầu thận, nhất là dạng mãn tính.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan