Hướng dẫn trực quan về bệnh đục thủy tinh thể

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Bác sĩ Mắt - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Bệnh đục thủy tinh thể là hiện tượng thủy tinh thể bên trong của mắt bị đục đi một cách tự nhiên, không gây đau. Đục thủy tinh thể sẽ làm cản ánh sáng, khiến người bệnh khó nhìn rõ và gây mù lòa nếu không điều trị. Bệnh thường liên quan đến quá trình lão hóa theo tuổi tác nhưng đôi khi chúng có thể phát triển ở những người trẻ hơn.

1. Đục thủy tinh thể ảnh hưởng đến thị lực của bạn như thế nào?

Ở mắt bình thường, ánh sáng đi qua thủy tinh thể. Thủy tinh thể hội tụ ánh sáng đó thành một hình ảnh sắc nét trên võng mạc, chuyển tiếp các thông điệp qua dây thần kinh thị giác đến não. Nếu thủy tinh thể bị đục, hình ảnh bạn nhìn thấy sẽ bị mờ. Các bệnh lý về mắt khác (chẳng hạn như cận thị) cũng gây ra mờ mắt, nhưng đục thủy tinh thể tạo ra một số dấu hiệu và triệu chứng đặc biệt.

Dưới đây là những ảnh hưởng của bệnh đục thủy tinh thể đến thị lực của bạn:

  • Nhìn mờ: Nhìn mờ ở bất kỳ khoảng cách nào là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh đục thủy tinh thể. Hình ảnh nhìn thấy được lúc nào cũng trông như có phủ sương mù hay nhiều bụi bẩn. Theo thời gian, khi tình trạng đục thủy tinh thể mắt trở nên tồi tệ hơn, ánh sáng đến võng mạc sẽ ít hơn. Lúc này, việc quan sát, nhất là lái xe vào ban đêm, sẽ trở nên khó khăn hơn.
  • Lóa mắt: Một triệu chứng ban đầu khác của bệnh đục thủy tinh thể là chói mắt, hoặc nhạy cảm với ánh sáng. Thậm chí, đèn trong nhà trước đây không làm bạn khó chịu giờ có vẻ quá sáng hoặc có quầng sáng xung quanh.
  • Nhìn đôi: Đôi khi, bệnh đục thủy tinh thể có thể gây ra hiện tượng nhìn đôi, nhất là khi bạn nhìn bằng một mắt. Điều này khác với hiện tượng nhìn đôi xuất phát từ việc 2 mắt không chỉnh cùng hướng.
  • Nhìn sai lệch màu sắc: Đục thủy tinh thể có thể ảnh hưởng đến khả năng nhìn màu sắc của bạn, làm cho một số màu trông mờ đi. Thị lực của bạn nhìn mọi thứ có thể dần dần chuyển sang màu nâu hoặc hơi vàng. Lúc đầu, sự đổi màu này chưa rõ ràng nhưng theo thời gian, điều này có thể khiến việc phân biệt màu xanh và màu tím khó khăn hơn.
  • Xuất hiện “thị giác thứ 2”: Một số trường hợp đục tinh thể mắt có khuynh hướng nhìn cận cảnh cải thiện hơn. Điều này được giả thích là do thủy tinh thể khi bị đục sẽ có khuynh hướng hoạt động như một thấu kính công suất cao hơn. Hiện tượng này được gọi là “thị giác thứ 2”. Tuy nhiên, khi tình trạng đục thủy tinh thể trở nên tồi tệ hơn, tình trạng này sẽ biến mất và thị lực lại xấu đi như ban đầu, thậm chí tệ hơn.
  • Đơn kính thuốc mới: Những đơn kính thuốc mới cần thay đổi thường xuyên đối với kính đeo mắt hoặc áp tròng. Bởi lẽ khi thủy tinh thể bị đục tiến triển, thị lực sẽ tồi tệ hơn theo thời gian.
bệnh đục thủy tinh thể
Bệnh đục thủy tinh thể có thể khiến người bệnh nhìn đôi hoặc nhìn mờ

2. Ai bị có thể bị đục thủy tinh thể?

Đa số các trường hợp đục thủy tinh thể mắt có liên quan đến quá trình lão hóa với tỷ lệ mắc bệnh ở người trên 65 tuổi là hơn 50%. Trẻ sơ sinh đôi khi được sinh ra đã mắc bệnh đục thủy tinh thể hoặc do chấn thương, bệnh tật. Tiếp xúc với tia cực tím (UV) cũng có thể làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể và các bệnh về mắt khác.

3. Các nguyên nhân gây bệnh đục thủy tinh thể là gì?

Nguyên nhân chính xác của bệnh đục thủy tinh thể cho đến nay vẫn không rõ ràng. Mặc dù nguy cơ tăng lên khi bạn già đi, nhưng những yếu tố này cũng có thể góp phần mắc bệnh hơn đó là:

  • Bệnh tiểu đường;
  • Hút thuốc;
  • Sử dụng rượu quá mức;
  • Chấn thương mắt;
  • Sử dụng corticosteroid kéo dài;
  • Làm việc kéo dài dưới ánh sáng mặt trời hoặc có tiếp xúc với tia bức xạ.

4. Cách chẩn đoán đục thủy tinh thể như thế nào?

Hầu hết các bệnh nhân bị đục thủy tinh thể có thể được chẩn đoán nhanh chóng bằng cách khám mắt. Bác sĩ nhãn khoa sẽ kiểm tra thị lực và mắt của bạn bằng kính hiển vi đèn khe để tìm các vấn đề với thủy tinh thể và các bộ phận khác. Đồng tử được nhỏ thuốc cho giãn ra để tạo điều kiện kiểm tra tốt hơn phần sau của mắt, nơi có võng mạc và dây thần kinh thị giác.

5. Phẫu thuật đục thủy tinh thể khi nào?

Chữa bệnh đục thủy tinh thể khi đã gây ảnh hưởng đến thị lực không phải bằng cách đeo kính mà là phẫu thuật. Bác sĩ sẽ loại bỏ thủy tinh thể đã bị đục, sau đó một thủy tinh thể nhân tạo sẽ được lắp vào để thay thế. Phẫu thuật được thực hiện trong ngày và bạn có thể ra về ngay sau đó một cách an toàn. Nếu bị đục thủy tinh thể ở cả 2 mắt thì người bệnh sẽ được lên kế hoạch phẫu thuật từng bên một.

Có 2 loại phẫu thuật để chữa bệnh đục thủy tinh thể chính. Trong đó, phẫu thuật phaco phổ biến hơn. Giác mạc sẽ được rạch ra và thủy tinh thể bị đục sẽ được phá vỡ bằng sóng siêu âm. Một thấu kính nội nhãn mới sẽ được đặt vào vị trí này. Như vậy, người bệnh sẽ không còn cần phải đeo kính sau mổ đục thủy tinh thể.

bệnh đục thủy tinh thể
Sau khi thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật bệnh đục thủy tinh thể

6. Cải tiến phẫu thuật đục thủy tinh thể

Những phát triển gần đây trong phẫu thuật đục thủy tinh thể có thể điều chỉnh cả thị lực gần và xa. Chúng giảm thiểu hoặc loại bỏ nhu cầu đeo kính đọc sách sau khi phẫu thuật. Các thấu kính với "một tiêu cự" thông thường chỉ phù hợp với tầm nhìn xa, có nghĩa là người bệnh vẫn cần đeo kính đọc sách sau khi phẫu thuật. Thấu kính nội nhãn đa tiêu cự có thể là một lựa chọn phù hợp ở một số bệnh nhân để giúp cải thiện vừa thị lực xa và cả thị lực gần. Cấy ghép "Toric" cũng có sẵn để điều chỉnh chứng loạn thị.

7. Điều gì sẽ xảy ra sau khi phẫu thuật chữa bệnh đục thủy tinh thể?

Trong một vài ngày đầu, mắt của bạn có thể bị ngứa và nhạy cảm với ánh sáng. Bạn có thể được kê đơn thuốc nhỏ mắt để hỗ trợ chữa bệnh và yêu cầu đeo tấm che mắt hoặc kính phòng hộ để bảo vệ. Thông thường sẽ mất khoảng 8 tuần để mắt của bạn lành hoàn toàn, mặc dù thị lực được cải thiện rất sớm sau khi phẫu thuật. Bạn vẫn có thể cần kính để nhìn xa hoặc đọc sách.

8. Các nguy cơ có thể gặp phải khi phẫu thuật đục thủy tinh thể

Các biến chứng do phẫu thuật đục thủy tinh thể là rất hiếm gặp. Các rủi ro phổ biến nhất là chảy máu, nhiễm trùng và thay đổi nhãn áp, tất cả đều có thể điều trị được khi phát hiện sớm. Tuy nhiên, phẫu thuật chữa bệnh đục thủy tinh thể làm tăng nhẹ nguy cơ bong võng mạc và cần được điều trị khẩn cấp. Đôi khi, mô thủy tinh thể còn lại sau phẫu thuật và được sử dụng để hỗ trợ đặt thấu kính nội nhãn có thể tiếp tục diễn tiến bị đục theo thời gian, thậm chí trong nhiều năm sau phẫu thuật. Cách chữa bệnh đục thủy tinh thể tại giai đoạn này dễ dàng và hiệu quả vĩnh viễn bằng tia laser.

9. Các lời khuyên để ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể

Những điều bạn có thể làm để phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể theo thời gian:

  • Không hút thuốc;
  • Đeo kính râm bảo vệ mắt khi đi nắng hay làm việc với tia sáng bức xạ;
  • Đem theo mũ, ô che nắng khi ra ngoài trời;
  • Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường;
  • Hạn chế uống rượu bia.

Bệnh đục thủy tinh thể là nguyên gây giảm thị lực và mù lòa đứng đầu trên thế giới và cả Việt Nam. Có quyết định phẫu thuật đục thủy tinh thể hay không là tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Hiếm trường hợp nào bị đục thủy tinh thể cần phải loại bỏ ngay lập tức. Do đó, nếu không cảm thấy rằng bệnh gây ra các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, bạn có thể trì hoãn quyết định chữa đục thủy tinh thể bằng phẫu thuật.

=>>Lời khuyên từ Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Bác sĩ Mắt - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long: Người bệnh cần đi khám sớm để xác định mức độ đục thủy tinh thể, nguyên nhân gây đục để từ đó có phương pháp điều trị phù hợp, cải thiện thị lực và tránh biến chứng do bệnh gây ra.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán đục thủy tinh thể

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

438 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan